Cứ nơi nào có dân cư là họp chợ.
Buổi sớm Sài Gòn không còn oi bức nữa mà thay vào đó là cơn gió se se lạnh. Gió mùa đã chuyển từ Tây Nam sang Đông Bắc.
Ngọn gió bấc đầu mùa ở một xứ miền Nam nhiệt đới vừa đông tàn, cũng là lập xuân chứa đựng biết bao bâng khuâng của tháng Chạp.
Trộn lẫn cái rộn rã tấp nập Xuân sang để sửa soạn cho cái Tết cận kề.
Khí lạnh của phương Bắc làm phố cũ đường quen bỗng trở nên là lạ, nơi những gốc cây cổ thụ của thành phố được quét lớp vôi trắng xóa như tấm áo mới khi chớm xuân, ngăn lũ sâu bọ côn trùng cựa mình thức dậy muốn uống dòng nhựa chảy xôn xao trong từng thớ gỗ.
Trong cái vô cùng bất tận của cuộc sống, những ý nghĩ vẩn vơ bỗng trở nên rõ nét.
Hồi ức về con người, về những việc gần xa, bỗng len lỏi trở về như một tiếng thở dài, tuy rất nhẹ, thật chìm mà vẫn thấp thoáng đâu đó, bất chấp tiếng trả giá cò kè ồn ã, tiếng còi xe inh ỏi, giữa khói bụi mịt mù của thế gian.
Nỗi niềm mênh mông cứ dàn ra, trải rộng phủ kín tâm hồn. Một năm của trang đời còn mất những gì sắp khép lại.
Mười hai tháng sắp trôi những ngày vui buồn cuối cùng vào quá khứ, thời gian cứ quay cuồng cuốn vào bánh xe của cuộc mưu sinh để mỗi buổi sáng đi chợ này, lại thấy bùi ngùi vì những ước mơ cháy bỏng đã rớt rơi theo mỏi mòn, tàn phai trong những nỗi đau riêng chung.
Sáng mùa xuân đi chợ
Anh mua hết nỗi buồn
Cất vào trong ngực áo
Cất tận đáy tâm hồn
Mua những ngày vất vả
Mua những chiều mưa tuôn (*)
Cư dân Sài Gòn gia tăng đến chóng mặt nên chợ búa thành phố mỗi ngày mỗi phát triển.
Siêu thị được mở ra tràn lan. Nội khu Đồng Tiến đã có mấy siêu thị mở liền nhau: Cống Quỳnh nằm ngay cả một hệ thống Co-opmart, Hà Nội có nhiều mặt hàng chở máy bay từ miền Bắc vào.
Thế nhưng, siêu thị dù rộng rãi, thơm mát, lịch sự mấy thì vẫn không thể tranh được mắt của chợ… Khó mà thống kê được thành phố có bao nhiêu chợ.
Những ngôi chợ đồ sộ, vững vàng, chứng kiến bao nhiêu hưng phế để có thể đi vào lịch sử của đất Sài Gòn như chợ Bình Tây xây từ năm 1930, từng một thời là trung tâm thương mại của cả ba nước Đông Dương, tới bây giờ vẫn là đầu mối giao hàng cho cả nước, thậm chí cả nước ngoài.
Chợ An Đông là tên một ngôi làng cũ, nay được xây dựng lại bề thế, tiện nghi với tên mới là Trung Tâm Dịch Vụ An Đông;
Chợ Bà Chiểu được xây dựng khi hình thành tỉnh Gia Định, khu nhà lồng chỉ bán ban ngày nhưng chung quanh thì hoạt động suốt ngày thâu đêm.
Chợ Tân Định dành cho dân nhà giàu.
Ngoài ra, còn chợ điện tử Nhật Tảo. Bán sỉ như chợ gạo Trần Chánh Chiếu, chợ hoa Lạc Long Quân, chợ vải Soái Kình Lâm…
Nhất là chợ Bến Thành, được xây dựng từ năm 1914, xưa gần bến sông Bến Nghé dời về đây.
Chợ này sau nhiều lần bị mang ra bàn cãi có nên phá đi xây dựng thương xá hay không, nay đã yên chí giữ lại vĩnh viễn với mặt tiền mặc nhiên được coi là biểu tượng của thành phố.
Tuy nhiên, cùng với đà thay đổi của Sài Gòn, một vài chợ bắt buộc sẽ bị giải tán hoặc dời ra xa. Chợ cá Trần Quốc Toản biến mất từ lâu, nay thay bằng siêu thị Sài Gòn.
Cầu Ông Lãnh ra đời sau chợ Bến Thành một thời gian ngắn khi người Pháp thấy cần lập chợ đầu mối để nhận nguồn hàng từ Lục tỉnh và vùng biển, cũng như tỏa hàng đi các nơi.
Sự tiện lợi của rạch Bến Nghé khiến dọc Bến Chương Dương mọc ra các cảng mía, cảng thơm, cảng dừa… cứ đến sát Tết, hàng xuống không kịp thở.
Ngôi chợ trăm năm này cùng với chợ Nancy đã thành ký ức khi đại lộ Đông – Tây đi qua đây cùng với các cây cầu phóng ngang rạch sang bên kia quận Tư, quận Tám.
Chợ Thái Bình cũng sẽ bị xóa sổ khi một hệ thống công viên được xây dựng trên nền nhà ga Sài Gòn cũ.
Người có nhiều kỷ niệm gắn bó, sẽ cứ lại nuối tiếc khi nhớ lại hình ảnh của những cảnh chợ một thời.
Đó là hình ảnh vài ngôi chợ họp trong nhà lồng nguy nga mà bất cứ người Sài Gòn nào cũng biết, còn rất nhiều chợ cũng rất to lớn: chợ Nguyễn Tri Phương, Vườn Chuối, Da Bà Bầu…
Những ngôi chợ họp dài dài theo đường hẻm như Bàu Sen, Cao Đạt, Chuồng Bò… Không thể đếm xuể vô số chợ chồm hổm không tên họp trong các ngõ nhỏ quanh co, cạnh nhà ga, trong chung cư hay gần cơ quan xí nghiệp.
Cứ nơi nào có dân cư là họp chợ. Người ít chợ nhỏ, người đông chợ to. Chợ như mạch sống hiện ra, chỗ chảy lóc lách, chỗ tuôn trào cuồn cuộn…
Đi chợ là cả một niềm thích thú, mọi nhu cầu đời sống, hàng hóa của ba mươi sáu phố phường xưa và hơn thế nữa đều quy tụ cả vào đây, từ bình gaz, tạ gạo đến gói đậu phọng rang, bịch hành phi nhỏ chút xíu…
Phụ nữ ngày nay đi làm đầu tắt mặt tối, đâu chỉ ở nhà quanh quẩn trông con như xưa, nên ngoài chợ hàng gì chọn xong rồi cũng được làm giùm: Cá đánh vẩy, thịt heo chặt miếng, cà tím nướng bỏ bao nylon, hàng lê-ghim gọt khoai tây, bào khổ qua, tước bông bí… sẵn, giúp một tay cho bà nội trợ đa đoan khỏi cực.
Dù sao, chợ thân quen nhất vẫn là ngôi chợ gần nhà mỗi ngày xách giỏ ra đó, bao nhiêu hàng quen mặt mời chào. Ai cũng biết rõ nhau, sạp ngã ba bày thịt rất tươi, hàng trái cây đầu chợ chuyên nói thách…
Hàng quà đủ thứ từ mọi miền đất nước, ngồi xệp xuống chiếc bàn thấp ăn tô bún riêu, dĩa bánh tằm, chén chè thưng…
Một mảnh nylon trải xuống đất cho các món hàng bán xon: nồi nhôm, mũ nón, đồ chơi nhựa bán ký lô… Bà bán cá vừa đều tay nạo thác lác, vừa ca điệu cải lương du dương trầm bổng làm khách mua hàng chân nắm níu không đành bước đi, nấn ná cầm lên lựa xuống nửa ký cá để nghe cho hết một đoạn “Võ Đông Sơ giã biệt Bạch Thu Hà”, giò chả trong tủ kính, sương sa hột lựu bán gánh.
Đôi quang gánh nhìn mới mủi lòng thân cò lặn lội làm sao. Thời này, đến gói xôi cũng được đẩy trên xe, sao vẫn còn đôi quang xếp cạnh nhau, chiếc đòn gánh tre già lên nước thời gian bóng loáng, đứng dựa bức tường loang lổ gần đó, như hiện thân của bà mẹ quê hương hàng ngàn năm oằn trên vai một đất nước nhọc nhằn, khốn khó; như tượng trưng cho sức chịu đựng vô tận của người đàn bà tự xưa chí nay, cứ thui thủi kẽo kẹt gánh vác cả một sơn hà chồng con, không biết đến mệt mỏi, không một lời thở than, nên chi trai khôn mới tìm vợ chợ đông ở chốn kẻ mua người bán phô bao nhiêu tần tảo, đảm đang toàn là phụ nữ này.
Chợ lúc nào cũng chật hẹp. Diện tích dành cho chợ có rộng cách mấy thì chợ vẫn thích túm tụm lại, nên tình chợ thật gần gũi, thân mật.
Người đi chợ chen vai thích cánh, tránh né để không xô lấn vào nhau, không đạp vào rau cỏ chồng chất hai bên, đôi khi nghiêng đầu tránh những tấm bạt che mưa nắng kéo dây ngang dọc ngay sát đầu.
Đã chia thành từng khu, bán riêng từng loại hàng, nhưng trong cái trật tự ấy vẫn tồn tại sự lộn xộn vốn là đặc điểm muôn đời của chợ.
Nhiều khi chen giữa hàng guốc dép là mẹt long não, gương lược, phong bì… và bên cạnh xô hoa săc sỡ là chảo bánh tai yến nóng hổi, ngọt thơm.
Không đâu nhìn thấy mùa Xuân, nhận từng bước Xuân tới, nghe hơi thở của Xuân rõ cho bằng chốn chợ búa, qua hàng Tết bày bán, qua không khí nồng nàn của chợ.
Một tháng trước Tết là vải rũ bán sớm kẻo thợ may từ chối. Vải vóc, quần áo bao giờ cũng là thứ dễ làm đắm say lòng người xách giỏ.
Rồi đến bình hoa, rèm cửa, khăn trải bàn… kẹp tóc, đĩa nhạc, ống tăm… Suốt một năm dành dụm chỉ để đến lúc này mới tha hồ sắm sửa đến mê mẩn.
Rồi hành tím, kiệu Huế, củ cải… càng làm chợ Xuân thêm háo hức. Tắc và chùm ruột trong thúng có ngọn xách về sên mứt.
Măng khô chất đống, trà đổ ra cân trăm, lạp xưởng chỗ nào cũng thấy treo đầy đỏ ối…
Rồi đủ thứ bánh kẹo mứt rợp trời, phong bao lì xì… xuất hiện như những lời hối thúc giục giã.
Và đây chính là cái mà siêu thị không thể nào có được. Siêu thị quá ngăn nắp, sáng sủa, không có những lối đi quanh co, nhỏ hẹp, không có tiếng reo mời véo von, lảnh lót với đủ hoạt cảnh dân gian như trong bức tranh Tết Đông Hồ.
Từ giữa tháng Chạp, chợ bung phình ra hết cỡ.
Những lằn vôi phân lô kẻ trên đường như một giới hạn chật vật kềm hãm lũ rổ rá, nia mẹt cứ chực chờ lấn ranh.
Chợ đông quá thể, thường ngày có bao nhiêu mà đến chợ Xuân, người thêm đâu ra nghẹt vậy.
Càng lúc, chợ họp càng sớm hơn, tan càng muộn hơn, đèn thắp sáng trưng cả đêm, chợ mê mải như trong một cơn say.
Ngày 23, các lồng, bu nhốt đầy gà cho Ông Táo cỡi về chầu trời, tâu Ngọc Hoàng đủ chuyện vui buồn trần gian, các thức dưa đã muối xong.
Trong hàng hóa chợ Xuân, lá dong bao giờ cũng là thứ gây xao xuyến nhất. Từng phiến lá xanh biếc xếp thành chục cạnh ống giang hoặc dây lạt đã chẻ sẵn.
Chợ Cầu Muối, chợ Hòa Hưng… lá dong tràn cả xuống lòng đường. Cứ nhìn những xấp lá dong này lại thấy lòng nao nao.
Nhớ những năm cả gia đình xúm xít với rá gạo nếp cái vo sạch, rổ đậu xanh đãi vỏ vàng ươm, từng miếng thịt hồng hồng to bằng bàn tay.
Và hình ảnh nồi bánh chưng rải rác trên các vỉa hè phố phường, khi nào cũng gợi lên nỗi hoài vọng về một bếp lửa xum vầy quê xa.
Càng sát Tết, chợ Xuân càng nồng nã, như muốn chạy đua, níu kéo lấy quỹ thời gian đang hao hụt từng ngày, từng buổi.
Đi chợ Hòa Hưng mua trứng và thịt về kho, thêm mấy xấp bánh tráng, chọn gà chợ Rạch Ông, ghé Cô Giang bê cặp dưa hấu, vào chợ Bến Thành mua mứt trứng chim trắng thơm như những viên bi xinh, ngược lên chợ hoa chở một cành mai về nhốt nắng trong nhà, vòng vào Chợ Lớn lấy tệp giấy hồng điều để khai bút đêm trừ tịch…
Không phải chỉ có cây đa mái đình, điệu hò câu lý mới thể hiện được tình tự dân tộc.
Trong ngôi chợ, dù chỉ mái tranh heo hút hay ngôi nhà lồng đồ sộ chốn thị thành, hồn quê hương muôn đời của một nếp sống, một phong hóa hàng ngàn năm vẫn tồn tại, lưu chảy trong đó.
Chợ là nơi giữ gìn, thể hiện bản sắc dân tộc. Chuyến du lịch đi bất kì đâu cũng chẳng thể nào không ghé chợ.
Chợ phập phồng hơi thở của cuộc sống, phản ảnh nếp sống con người, là bộ mặt của địa phương, cho nên chợ Xuân bao giờ cũng ngập tràn khách ngoại quốc và Việt kiều về quê.
Mọi người say mê dạo chợ, ngày nào cũng đi không chán, lúc nào cũng đi. Ngoài việc mua sắm, chính là để thưởng thức sinh hoạt thuần túy Việt Nam; đắm chìm trong màu sắc, mùi vị, âm thanh của mùa Xuân mà không xuất hiện nơi đâu rộn rã, tưng bừng như ở chợ.
Nên chi mỗi ngày, khi cầm chiếc giỏ bước ra khỏi nhà, vẫn nghe gió sớm vấn vương, và trong vạt nắng vàng óng, lại cảm thấy nôn nao bao đợi chờ hy vọng.
Sáng mùa xuân đi chợ
Buồn vui anh chia hai
Em mua niềm vui nhé
Còn trăm năm đường dài (*).
(*) Thơ Đỗ Trung Quân