Một bên yêu cầu gởi đến 1 đô la và bên kia đáp ứng yêu cầu đó. Hành động của hai bên đều hợp pháp và hợp lý.
Năm 1929, nước Mỹ trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng… Hàng hóa sản xuất dư thừa, thị trường tiêu thụ bão hòa, thị trường chứng khoán bị lũng đoạn… là nguyên nhân dẫn đến cuộc đại khủng hoảng kinh tế có một không hai này.
Thị trường tiền tệ Wall Street gần như hoàn toàn sụp đổ, đồng đô la tuột dốc không phanh.
Giới đầu cơ phá sản, công nhân mất việc làm, dòng người xếp hàng chờ nhận khẩu phần ăn thất nghiệp ngày càng dài ra.
Từ một quốc gia hùng mạnh với tổng thu sản lượng quốc nội lên đến 87 tỷ đô la, bỗng chốc nước Mỹ rơi xuống bờ vực nghèo khổ.
Nhiều triệu phú tự tử vì phá sản. Nhưng đa số người Mỹ vượt qua biến cố và tìm kế bươn chải mưu sinh. Người thất nghiệp đến ghi tên tìm việc làm tại các văn phòng tuyển dụng hoặc tìm xem tin tuyển dụng đăng trên báo.
Vào một buổi sáng năm 1929, một người trong số hàng trăm người thất nghiệp đứng nối đuôi xếp hàng chờ xin việc, đang cầm đọc nhật báo New York Post.
Ðôi mắt gã bỗng chú ý đến dòng tin khá giật gân in trang trọng trong khung:
“Hãy gởi đến cho tôi 1 đô la,
số nhà 35 đường số 12,
ký tên: HAROLD WILLEMS.”
Gã thầm nghĩ: “Lại một trò đùa gì nữa đây. Một đô la trong tình hình đồng tiền mất giá như hiện nay thì liệu làm được gì?
Hay là một kiểu quảng cáo thời khủng hoảng?”.
Dòng tin trên thu hút sự tò mò của không ít độc giả. Chỉ một đô la thôi ư, trong khi chi phí đăng tin trên báo hẳn là phải mất hơn một đô la!
Khắp nơi trong thành phố, từ quán cà phê đến các quán ăn bình dân, rộ lên lời bàn tán về tin giật gân trên, truyền miệng từ người này sang người khác.
– Mầy có đọc tin giật gân đó không? Một tay nào đó đề nghị gởi cho hắn 1 đô la, hắn còn cho địa chỉ nữa chứ.
– Chuyện tầm phào đấy thôi! Mà nghĩ cũng lạ đó chứ, hắn đăng báo đàng hoàng!
– Phải chăng đó là một công ty sắp thành lập?
– Tao nghĩ là một kiểu quảng cáo thôi!
– Quảng cáo cho sản phẩm gì? Có vẻ thú vị đấy nhỉ …
Ngày hôm sau, nội dung y hệt lại trang trọng xuất hiện trên tờ New York Post, nhưng lần này có khổ chữ to hơn:
“Hãy gởi đến cho tôi 1 đô la,
số nhà 35 đường số 12,
ký tên: HAROLD WILLEMS.”
Và người ta lại được dịp bàn tán, thêu dệt sự việc:
– Tao nghĩ rằng lời rao này hàm chứa một thủ đoạn gì đây.
– Nhưng mà chỉ có một đô la thôi, quả là nực cười.
– Tại mầy không nghĩ xa đó thôi, nếu có nhiều người gởi tiền cho hắn thì sao…?
Ngày hôm sau nữa, cũng trên tờ New York Post, với khổ chữ to hơn hôm trước, hiện ra lời rao vặt:
“Hãy gởi đến cho tôi 1 đô la,
số nhà 35 đường số 12,
ký tên: HAROLD WILLEMS.”
Một người lặp đi lặp lại trò đăng tin rao vặt trên báo nhiều lần mà không bổ sung thêm thông tin gì cho rõ ràng thì quả là có vấn đề.
Và kể từ khi xuất hiện lần thứ ba, tin rao vặt trên tờ New York Post, một tờ báo lớn của thành phố, đã thực sự tạo ra “cuộc bứt phá dư luận”.
Ði đâu, ở bất cứ nơi nào, người ta cũng đều xôn xao bàn tán về tin rao vặt kể trên. Từ anh bán hàng rong đến ông già hưu trí, từ anh thất nghiệp đến nhà kinh doanh… câu chuyện đầu môi giữa họ vẫn là tin rao vặt nói trên.
Qua ngày thứ tư, vẫn trên tờ New York Post, lại xuất hiện với khổ chữ to hơn hôm trước:
“Hãy gởi đến cho tôi 1 đô la,
số nhà 35 đường số 12,
ký tên: HAROLD WILLEMS.”
Chỉ vỏn vẹn bấy nhiêu chữ, tin rao vặt dường như thúc giục người đọc cấp bách thực hiện lời kêu gọi…
Lần này một luồng dư luận mới lan rộng khắp New York:”Hẳn đây là một nhà kinh doanh tài ba. Anh ta vừa nghĩ ra một sáng kiến độc đáo. Có lẽ anh ta dự định thành lập một công ty tầm cỡ và kêu gọi góp vốn. Mỗi “cổ đông” chỉ có một đô la thôi mà.
Kỳ diệu thay, từ hôm ấy, dòng người bắt đầu nối đuôi nhau đứng chờ đến lượt mình góp 1 đô la vốn tại số nhà 35 đường số 12.
Sau khi nộp 1 đô la, mỗi “cổ đông” nhận một tờ biên nhận ký tên HAROLD WILLEMS mà không một lời giải thích nào thêm. Họ cũng chẳng một lần diện kiến HAROLD WILLEMS.
Vẻ mặt ủ rũ, cáu gắt, người ngồi thu tiền và phát biên nhận dường như chỉ là nhân viên làm công:
”Tôi chỉ được giao nhiệm vụ nhận tiền và phát biên nhận. Xin quý vị nhanh lên cho, còn nhiều người chờ phía sau và tôi sẽ ngưng nhận vào đúng 5 giờ chiều mỗi ngày”.
Vào ngày thứ năm, tin rao vặt trên tờ New York Post có một chút thay đổi:
“Lưu ý, tôi chỉ nhận 1 đô la của quý vị đến hết ngày 15 tháng này thôi.
Vẫn tại địa chỉ: số nhà 35 đường số 12
Ký tên: HAROLD WILLEMS”
Bị “kích thích” bởi thời hạn chót nhận tiền, dòng người đến góp 1 đô la vốn càng dài ra.
Hàng ngày, người phát thư chuyển giao đến địa chỉ số 35 đường số 12 nhiều bao tải thư trong đó có những lời đề nghị, lời yêu cầu giải thích, lời chửi bới và tất nhiên rất nhiều tờ giấy 1 đô la.
Ðiều khá lý thú là mọi đóng góp vượt quá 1 đô la đều bị từ chối thẳng thừng.
Tất cả “cổ đông” phải tuân thủ quy định, HAROLD WILLEMS luôn giữ lời hứa “1 đô la không hơn không kém”.
Sự nghiêm túc này càng tạo nên dư luận tốt đối với tin rao vặt trên tờ New York Post.
Ngày thứ 6, thứ 7, thứ 8… không có tin gì liên quan được đăng tiếp…
Ðến ngày thứ 13, lại xuất hiện trên New York Post:
“Quý vị chỉ còn hai ngày nữa để gởi 1 đô la đến cho tôi.
Quá thời hạn trên, 1 đô la của quý vị sẽ bị từ chối”.
Lần này thì dòng người đến số 35 đường số 12 đông ken như trẩy hội. Cảnh sát buộc phải can thiệp để duy trì trật tự.
Việc thông báo hạn chót góp 1 đô la tạo ra hiệu ứng tức thời. Ai cũng tranh thủ đến số 35 đường số 12 cho kịp thời hạn.
Dòng người dài dằng dặc. Không ít khách qua đường không biết ất giáp gì cũng tìm hiểu và nối đuôi đứng xếp hàng.
Suy cho cùng 1 đô la vào thời buổi khủng hoảng kinh tế chẳng có giá trị là bao.
Góp vào bây giờ, biết đâu sẽ thu lại gấp nhiều lần trong vài tháng tới. Tương lai quá bấp bênh càng khiến người ta thích chơi trò may rủi, nhất là nó không tốn kém bao nhiêu. Chỉ 1 đô la thôi mà !
Cảnh sát đã phải túc trực để giữ cho dòng người tuân thủ đứng theo thứ tự trước sau.
Và tại số nhà 35 đường số 12, nhân viên thu tờ 1 đô la, phát giấy biên nhận… làm việc không nghỉ tay với thái độ cáu gắt do quá tải.
Thỉnh thoảng nhân viên này lại thông báo: “Ðúng 5 giờ chiều mai, sẽ vĩnh viễn đóng cửa. Không một tờ 1 đô la nào nữa được đón nhận. Ðó là nguyên tắc, là cách làm việc của ngài HAROLD WILLEMS. Không có trường hợp ngoại lệ”.
Từng giờ, từng giờ trôi qua chóng vánh.Việc nộp tiền và nhận giấy biên nhận càng nhanh lẹ, gấp rút hơn. Thậm chí xảy ra cãi vã, chen lấn… May mà đã có cảnh sát can thiệp kịp thời.
Ðã xảy ra trường hợp gian lận. Một số người đã nộp xong 1 đô la lại tiếp tục quày ra sau xếp hàng lần nữa.
Số này bị đám đông phát hiện và không cho vào hàng. Vả lại, tay nhân viên khó chịu kia kiểm tra rất chặt chẽ, nhất quyết không để xảy ra một người nộp tiền hai lần…
Quy định là quy định, mỗi người chỉ 1 đô la thôi, không hơn không kém. Mọi người phải tuân thủ và hắn cũng không thể nào làm khác hơn.
Rồi ngày 15, tức ngày cuối cùng nhận 1 đô la cũng đến. Số người đến nộp tiền đông hơn những ngày trước gấp nhiều lần.
Ðến giờ nghỉ ăn trưa, chật vật lắm gã nhân viên mới tạm đóng cửa được 15 phút trong tiếng la ó phản đối của đám đông bên ngoài.
Sau đó cửa lại được mở ra và gã lại nhanh tay nhận tiền, phát biên nhận…
Nhưng rồi đồng hồ chỉ 5 giờ đúng. Gã nhân viên đóng sầm cửa lại mặc cho tiếng kêu gào vô vọng từ bên ngoài.
Lực lượng cảnh sát phải tích cực làm việc để vãn hồi trật tự. Vậy là ông HAROLD WILLEMS giữ đúng nguyên tắc như đã thông báo: ngưng nhận tiền vào đúng 5 giờ chiều ngày 15 tây.
Gã nhân viên lặng lẽ rời số 35 đường số 12 bằng cửa riêng sau nhà. Gã biến mất trong thành phố New York rộng lớn của nước Mỹ bao la.
Với số tiền 300,000 đô thu được từ những người “góp vốn”, gã không bận tâm đến cuộc khủng hoảng kinh tế làm bao nhiêu người điêu đứng. Gã cũng không còn cau có như lúc làm nhiệm vụ nhận tiền và giao biên nhận. Gã chính là người mang tên HAROLD WILLEMS !
Phải chăng gã là tên lừa đảo hay lợi dụng lòng tin?
Có lẽ là đúng ở một khía cạnh nào đó. Những tuần lễ, những tháng sau đó, tòa án và văn phòng cảnh sát New York tràn ngập đơn khiếu nại của 300,000 công dân nhẹ dạ.
Họ khiếu kiện vì không nhận được gì ngược lại từ 1 đô la góp vốn. Họ lầm chăng? Họ đã nhận tờ biên nhận ký tên HAROLD WILLEMS kia mà, ngoài ra HAROLD WILLEMS đâu có hứa hẹn điều gì khác.
Như vậy có nghĩa là HAROLD WILLEMS không có nhiệm vụ phải có đi có lại với “cổ đông”.
Trong tin rao vặt ghi rõ: “Hãy gởi đến cho tôi 1 đô la”. Người đăng tin không nêu lý do tại sao gởi và đó là quyền của anh ta. Người đăng tin còn xác nhận thời hạn chót gởi tiền nữa kia mà.
Nội dung trong giấy biên nhận là hợp pháp và phù hợp với tin rao vặt: “Nhận của ông….. số tiền 1 đô la, ký tên HAROLD WILLEMS”.
Tòa án Mỹ không lập 300,000 hồ sơ khiếu kiện mà giá trị tranh chấp chỉ 1 đô la. Tóm lại, tòa án buộc phải xếp xó 300,000 đơn thưa.
Một bên yêu cầu gởi đến 1 đô la và bên kia đáp ứng yêu cầu đó. Hành động của hai bên đều hợp pháp và hợp lý.
Vậy người mang tên HAROLD WILLEMS là ai? Chẳng ai biết gã là ai cả.
Mọi người chỉ nhớ mơ hồ gã nhân viên nhận tiền và phát biên nhận có gương mặt cáu gắt, thân hình nho nhỏ… Từ đó chẳng ai một lần gặp lại gã !
Trên đời này có không ít người biết cách trở nên giàu có mà không vi phạm pháp luật.
Pierre Bellemare
Phỏng dịch từ nguyên tác “Pas un dollar de plus”