Ði đâu, làm gì thì cũng sợ con virus bé xíu và những bàn tay bạo lực.
Sắp đến ngày July Fourth.
Năm nay ngày July 4th đến trong bối cảnh dịch bệnh và những cuộc biểu tình tràn lan.
Con coronavirus tiếp tục đe dọa mạng sống của mọi người không phân biệt màu da tiếng nói, trong khi bóng đen của hận thù bạo lực và lòng tham vẫn diễu qua từng khu phố, quảng trường của nước Mỹ.
Nhìn chung những đám mây bão giăng đầy trời dù đang giữa mùa Hè.
Cho dẫu là vậy. Cho dẫu chung quanh đầy bất ổn, người dân Mỹ vẫn tổ chức chào đón Ngày Lễ Độc Lập của quốc gia. Vì đây là ngày trọng đại của lịch sử.
Vâng. Ngày 4 tháng 7, còn gọi là Ngày Ðộc Lập là một ngày nghỉ lễ toàn liên bang ở Mỹ kể từ năm 1941.
Truyền thống chào mừng Ngày Ðộc Lập ở Mỹ có từ thế kỷ 18, khi diễn ra Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ.
Xin hãy cùng nhau hồi tưởng lại: Thời bấy giờ, giữa thế kỷ thứ 18, nước Mỹ gồm 13 tiểu bang ở Miền Ðông bây giờ là thuộc địa dưới sự cai trị của Anh quốc.
Lúc đầu mối quan hệ giữa người Anh và người định cư tạm gọi là thân thiện. Nhưng lâu dần do phải trả thuế cho mẫu quốc quá cao nhưng lại không có đại biểu trong Quốc Hội Anh (Taxation without Representation), nên dân chúng nổi dậy đòi quyền tự do và độc lập.
Một trong những người chống đối mạnh mẽ nhất là John Hancock, một thương gia giàu có ở Boston.
Phong trào chống thuế đưa tới cuộc cách mạng đầu tiên ở châu Mỹ ấy có liên quan tới Trà.
Trà là sản phẩm chính yếu ở thuộc địa, người dân ở đây đa số di cư từ Anh sang nên mang theo tập tục uống trà.
Những buổi trà “afternoon tea” không thể thiếu được trong cuộc sống của họ. Do đó trà là nguồn lợi lớn của nước Anh.
Ðể gây khó khăn cho chính quốc, Hancock tổ chức một chiến dịch tẩy chay trà do công ty Ðông Ấn của Anh nhập từ Trung Hoa, khiến lượng trà bán ra ở các thuộc địa sụt giảm nặng nề.
Và sự biến đã xảy ra: Khi công ty Ðông Ấn cho chở trà vào cảng Philadelphia và New York thì tàu không được cập bến.
Tại Charleston, những con tàu chở đầy trà được cho vào cảng nhưng trà phải gửi vào kho và nằm yên ở đó cho tới 3 năm sau được những người patriots (nhà ái quốc) bán ra lấy tiền ủng hộ cách mạng.
Ở Boston, 3 chiếc tàu chở trà, trong đó có chiếc Dartmouth, gặp sự chống đối cuồng nộ của người dân. Họ nhất quyết ngăn cản việc bốc dỡ trà và đòi tàu chở trà rời bến cảng.
Viên Thống Ðốc Thomas Hutchinson do vua Anh bổ nhiệm, nhất định không chịu. Ngọn lửa phẫn nộ bùng lên.
Ngày 16 tháng 12 năm 1773, hơn 7,000 người có mặt ở bến tàu.
Thế rồi, lúc đêm xuống có khoảng 200 người cải trang thành dân da đỏ Mohawk, chia làm ba toán leo lên ba chiếc tàu neo ở cảng.
Như thế đó, bữa tiệc trà trên bến cảng Boston. Không có thiệp mời, không quần áo sang trọng, không cà vạt nữ trang, không hoa, không nến…
Những người hóa trang làm dân da đỏ Mohawk, với rìu búa trong tay reo hò tở mở.
Ði theo họ có cả những người bán hàng trong các cửa tiệm, bác thợ hớt tóc bỏ khách ngồi chờ, bác thợ rèn vung búa, người hầu rượu ở bar cứ để mặc cho bia chảy tràn lan…
“Bữa tiệc trà” (Tea Party) diễn ra tưng bừng trước ánh đuốc rực trời và tiếng hò reo của hàng ngàn người trên các cầu tàu.
Phản ứng lại, tháng Ba năm 1774, Quốc Hội và vua Anh ra lệnh đóng cửa cảng Boston.
Ngọn lửa phản kháng cháy lan khắp các bến tàu của nước Mỹ.
Biển và trời đều một màu đỏ rực. Tất cả soi sáng cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ và dẫn đến Chiến Tranh Cách Mạng Revolutionary War vào tháng Tư năm 1775 và Tuyên Ngôn Ðộc Lập Declaration of Independence vào ngày 4 tháng Bảy 1776.
Từ đó, từ sự khởi đi của bữa tiệc trà trên bến cảng Boston, 4 tháng 7 được xem là ngày lễ cho toàn thể Liên Bang để kỷ niệm ngày Hoa Kỳ chính thức công bố bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập, tách rời khỏi đế quốc Anh vào năm 1776.
Theo truyền thống Hoa Kỳ, Lễ Ðộc Lập thường có các cuộc diễn hành, liên hoan ngoài trời và nhiều lễ công cộng với các cuộc đốt pháo bông.
Trong khi tại những buổi lễ, các nhà chính trị ca ngợi truyền thống tôn trọng Tự do và Nhân Quyền, chống lại mọi bất công trên thế giới thì các gia đình thường kỷ niệm ngày lễ này với cuộc đi nghỉ Hè xa, thăm bà con bạn bè với những cuộc vui ngoài trời.
Chúng ta cũng là người đã vượt qua cái chết đi tìm tự do và hiện đang có mặt trên đất này.
Tất nhiên ít nhiều chúng ta cũng chia sẻ với người dân bản địa về niềm vui lớn lao của Ngày Ðộc Lập Hoa Kỳ.
Riêng Nguyễn tôi khi ngày 4 tháng 7 đến cũng được một đôi lần dự những bữa liên hoan ngoài trời với món nướng Barbecue cũng như được xem diễn hành và bắn pháo bông trong đêm lễ hội.
Nhớ hồi còn ở trong khu chung cư trên đường Preston Rd., Nguyễn cùng hiền nội chạy xe tới khu tụ họp của dân chúng, mang theo gà quay, khoai tây rán và chai rượu đỏ.
Khi pháo bông rực sáng bầu trời, mọi người cùng nhau vui cười, ăn uống. Tiếp theo, vào dịp 4 tháng 7. 2008, Nguyễn cùng gia đình tổ chức đi nghỉ lễ trên bờ biển Destin.
Ðêm ngồi trên balcon uống rượu với món bún chả có sự tham dự của Nhật Hoàng, Ðinh Yên Thảo, Nguyên Nhi, Phạm Chi Lan… được nhìn pháo bông bay trên mặt biển thật đẹp mắt.
Hình ảnh rực rỡ ấy còn mãi trong tâm trí Nguyễn cho tới bây giờ.
Nhưng mọi sự nay đã khác xưa. Nguyễn đang ngồi như con cú muốn hỏi bạn bè July Fourth này chúng ta làm gì, đi đâu, ăn uống vui chơi ra làm sao.
Ði đâu, làm gì thì cũng sợ con virus bé xíu và những bàn tay bạo lực. Thôi thì cứ ở nhà nhai cái cánh gà chiên, uống ly rượu đỏ tưởng tượng cùng người yêu ngắm pháo bông cách một bức tường như Nguyễn và nàng đã ngắm vầng trăng đỏ cách mười lăm, hai mươi hôm. Hỏi ai ơi còn nhớ hay đã quên rồi?