main billboard

Tôi chỉ là người thả mồi bắt bóng!

yeu em hay yeu toi
Mười năm với cuộc sống hôn nhân cùng người vợ đầu tiên vẫn là niềm hối tiếc dằng dặc trong lòng tôi, mặc dù chúng tôi đã chia tay và tôi đã lập gia đình khác.



Tôi vượt biên năm hai mươi sáu tuổi. Khi ấy, tôi là giáo viên cấp hai ở Sài Gòn. Người yêu  của tôi – Vân – là sinh viên sư phạm, nhỏ hơn tôi bảy tuổi.  Chúng tôi bịn rịn chia tay nhau trong nước mắt và hứa hẹn sẽ đợi chờ nhau cho đến ngày sum họp.

Tàu đến đảo Galang, Indonesia, và tôi ở đó hơn một năm để chờ định cư. Thời gian tạm trú tại trại tỵ nạn, tôi tham gia vào nhóm thiện nguyện làm công tác xã hội và chương trình phát thanh, phục vụ đồng hương.
Ở đây, tôi quen Duyên, một cô gái xinh xắn, vui tính, cùng trang lứa với tôi.

Qua công việc cùng chí hướng, chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi trở nên thân thiết và tôi đã nhanh chóng quên lãng hình bóng của Vân, để bày tỏ tình yêu tha thiết  dành cho Duyên với ý muốn được kết hợp suốt đời.
Duyên rất bất ngờ trong nỗi xúc động, nhưng lại ngần ngại, đắn đo với lý do có nhiều vấn đề phải suy nghĩ cặn kẽ trước khi quyết định, mặc dù rất yêu tôi.
Hai ngày sau, với khuôn mặt đầm đìa nước mắt, Duyên nói rằng cô không xứng đáng làm vợ tôi, bởi vì quá khứ của cô có nhiều điều khó nói.

Ðể tỏ ra mình là người độ lượng, tôi âu yếm cầm tay Duyên ngọt ngào thố lộ:
– Chỉ cần Duyên thật sự yêu anh và sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu với anh là đủ rồi. Ðừng nói chuyện quá khứ. Hãy bỏ tất cả lại phía sau và bắt đầu cuộc sống mới đầy hứa hẹn ở nước thứ ba.

Ðó là những lời phát xuất từ tấm lòng chân thật của tôi, vì lúc ấy, tôi  đang yêu Duyên say đắm và tin rằng cô gái nầy sẽ là người vợ tốt.
 Xinh đẹp, dịu dàng, vui tính, biết sống vì người khác, đó là mẫu người tôi hằng mơ ước. Duyên sung sướng chấp nhận lời cầu hôn và chúng tôi xin điều chỉnh lại hồ sơ, sau tiệc cưới đơn sơ do bạn bè – cùng thân phận tỵ nạn – đứng ra tổ chức.

Khi chung sống, dù biết Duyên không còn trong trắng nhưng tôi chẳng hề ân hận và đoán rằng, có lẽ đó là điều Duyên đã ngần ngại khi tôi ngỏ lời cầu hôn.
Giữ đúng lời hứa và để chứng minh cho Duyên thấy mình là một người chồng quảng đại, tôi không thắc mắc về vấn đề nầy, xem như một sự tế nhị để gìn giữ hạnh phúc cho nhau.
Sau đó không lâu, chúng tôi được định cư tại Mỹ và có việc làm vững chắc. Tôi và Duyên tạo nên một mái ấm gia đình rất hạnh phúc, nhất là từ khi đứa con trai đầu lòng chào đời đúng như sự mong ước của tôi.

Duyên càng ngày càng tuyệt vời trong vai trò làm mẹ, làm vợ, đảm đang mọi chuyện từ trong ra ngoài và nhất là chiều chuộng tôi hết mực.
Có lẽ, một phần nào đó, Duyên muốn đền bù những thiệt thòi của tôi về quá khứ của cô. Thỉnh thoảng, ý nghĩ  ấy lại thoáng qua, nhưng dù sao thì tôi cũng rất hài lòng về người vợ của mình.

Khi cậu con trai được tám tuổi, chúng tôi dọn đến thành phố  khác, vì tôi có việc làm tốt hơn ở đây.
Thời gian nầy có rất nhiều người Việt Nam sang định cư theo chương trình con lai và HO.
Một lần, tình cờ tôi gặp lại người bạn học cũ cũng là hàng xóm của Duyên ở Cần Thơ mới biết được một chuyện đau lòng. Ðó là Duyên đã có đứa con để lại Việt Nam cho mẹ nuôi dưỡng và bé gái đã mười hai  tuổi.
Tin nầy đến với tôi như sét đánh ngang đầu. Tôi  giận dữ hạch hỏi, tại sao Duyên có thể giấu giếm tôi một chuyện quan trọng như  thế.

Với ánh mắt chứa đầy nét khổ đau, Duyên nghẹn ngào kể lể  – trong một chuyến vượt biên bị bể, Duyên  bị hai tên ác ôn cưỡng bức trong lúc chạy trốn và đã mang thai.
 Sau khi sinh con, mẹ Duyên giữ đứa bé lại và tìm đường cho Duyên đi tiếp. Duyên nói rằng, cô muốn thú thật khi tôi cầu hôn, nhưng lúc ấy tôi đã bảo rằng “Ðừng nói chuyện quá khứ, hãy bỏ tất cả lại phía sau”.
Hơn nữa, với Duyên, cuộc hôn nhân nầy là một ân huệ mà Trời Phật đã ban cho, nên Duyên rất trân quý và sợ sẽ bị mất đi, khi sự thật được phơi bày, dù đó không phải là lỗi của Duyên.

Tôi tin những lời Duyên nói là sự thật, nhưng sao vẫn cảm thấy bị tổn thương. Ðiều tôi lại sợ nhất là họ hàng, bè bạn xem thường, vì lấy người vợ đã có con riêng.
Lỡ đóng vai người  độ lượng, tôi đành ngậm bồ hòn làm ngọt, nhưng trong lòng bắt đầu có điều gì đó không ổn. Chính tâm trạng nầy khiến tôi có thái độ lạnh nhạt với Duyên và hay kiếm cớ gây gổ vì những chuyện không đáng. Chín năm mặn nồng hạnh phúc giờ không còn nữa.

Ngay lúc ấy, tôi bỗng nhớ đến Vân, người yêu bé bỏng mà tôi đã  lãng quên dễ dàng từ ngày gặp Duyên ở đảo. Tôi bắt đầu kể cho bạn bè nghe về Vân, về những kỷ niệm của mối tình đầu, ngay cả những lúc có sự hiện diện của Duyên, như một cách trả thù.

 

Chẳng bao lâu, tôi tìm cớ về Việt Nam thăm cha mẹ già. Việc đầu tiên là tìm gặp Vân. Cô học trò nhỏ ngày nào nay đã xấp xỉ tuổi ba mươi nhưng vẫn nõn nà, xinh đẹp.

Gặp lại nhau, sau giây phút bất ngờ mừng rỡ, Vân trách tôi bạc bẽo, vô tình. Dĩ nhiên, tôi phải viện dẫn đủ lý do – mà toàn là những lý do dối trá- để lấy lòng người yêu cũ. Vân cũng dễ dàng bỏ qua cái tội “làm cho em đau khổ gần cả chục năm trời”, để chúng tôi có được khoảng thời gian thật vui vẻ, hạnh phúc bên nhau.
Và chính ngay lúc ấy, tư tưởng bỏ vợ để trở lại với người tình đầu tiên bắt đầu manh nha trong đầu tôi.

Trở về Mỹ,  tôi tìm cớ ly dị để thực hiện ý định bất chính của mình. Duyên càng chiều chuộng, tôi càng hững hờ. Và rồi tôi đã đạt được ý nguyện khi bắt gặp Duyên đang ngồi trong quán nước với một người đàn ông xa lạ – mà theo Duyên, đó là người quen của ba má Duyên,  mang hồ sơ của đứa con riêng đến cho Duyên, để cô tiến hành thủ tục bảo lãnh, vì ông bà đã già cả, bệnh hoạn, sợ không đủ sức để nuôi đứa bé đến ngày khôn lớn.

“Cô định qua mặt tôi nên lén lút…”.
Tôi giận dữ hét vào mặt Duyên và không cho Duyên cơ hội giải thích, dù một câu ngắn ngủi.
Tôi quyết liệt gán cho Duyên tội ngoại tình – dù thật sự trong thâm tâm, tôi không chút nghi ngờ.
Kết quả, điều tôi mong muốn được thực hiện một cách thuận lợi.

Hồ sơ ly dị vừa hoàn tất, tôi trở về Việt Nam cưới Vân và làm thủ tục bảo lãnh.
Một năm sau, Vân sang Mỹ trong nỗi hân hoan tràn ngập của tôi, khi có được người vợ xinh đẹp, lại còn trong trắng.

 

Ngụp lặn trong niềm hạnh phúc nầy chưa được bao lâu  tôi bắt đầu đối diện với  thực tế cay đắng.
Sống với  Duyên, tôi sung sướng, thảnh thơi, vì đã có vợ đảm đang tất cả mọi việc.
Với Vân thì ngược lại, tôi phải lo toan từ trong ra ngoài, cộng thêm gánh nặng gia đình ở Việt Nam.
Vân đòi tôi phải tìm người làm hôn thú giả để bảo lãnh cô em gái sang đây. Ngoài khoản tiền to lớn cho mục đích gian dối đó, tôi còn phải gửi cho anh này, chị kia, trong họ hàng, anh em, mỗi khi họ gặp hoạn nạn hay đau yếu.

Vân lại là người  tiêu xài rộng tay không cần tính toán. Tôi cảm thấy bực tức, khó chịu, nhưng nói ra thì e rằng vợ chê mình ti tiện.

Hai năm sau, Vân chán công việc chân tay mà cô cho rằng không hợp và muốn đi học để có một nghề ở văn phòng.
Dù không đồng ý, nhưng tôi vẫn phải gật đầu, để ra vẻ mình là người chồng luôn chiều vợ, dù điều đó có trái ý.

 

Từ ngày đi học, Vân quen biết thêm nhiều bạn, mà đa số là bạn trai. Những buổi  đi về thất thường của Vân khiến tôi sinh nghi. Nhưng khi tôi gặng hỏi thì Vân mắng tôi là thứ đàn ông ghen bóng, ghen gió, hẹp hòi, ích kỷ, rằng cô không phải là loại người lăng nhăng, bằng chứng là gần chục năm tôi rời xa cô, nhưng cô vẫn một lòng, một dạ đợi chờ tôi.

Dĩ nhiên tôi cứng họng, nên chỉ còn biết nuốt nỗi ấm ức vào trong lòng. Bao năm qua, Vân vẫn sống thoải mái như người tự do, trong khi tôi bắt đầu héo rũ, vì niềm hạnh phúc ngọt ngào ngắn ngủi mà tôi từng hãnh diện khoe khoang với bạn bè đã dần dần lịm chết.

Bây giờ, hơn bao giờ hết tôi nhớ  Duyên và đứa con trai bất hạnh với niềm hối hận tràn dâng.
Thật sự, tôi chỉ là một người hẹp lượng. Và có phải, vì đã đối xử tệ bạc với người thật sự yêu tôi, nên hậu quả tôi phải gánh chịu ngày hôm nay cũng là đáng tội?

Nghĩ lại, tôi chỉ là người thả mồi bắt bóng!