Thương con, Thuần không muốn ngày nào cũng gây gổ làm cho chúng buồn bã, sợ hãi nên đành nhịn nhục.
Thuần lập gia đình cách đây mười năm và đã có hai con. Thuần có bằng kỹ sư và làm việc cho một hãng điện tử.
Vợ Thuần cũng tốt nghiệp đại học và làm việc cho một ngân hàng được hai năm, khi hai người chính thức kết hôn.
Vì có ý thích làm thương mại, nên vợ chồng anh dọn về Houston mua một tiệm “dry clean”.
Cơ sở nầy trị giá hơn hai trăm ngàn đô la. Thuần đã trả tiền “down” một trăm hai mươi ngàn, trong số đó anh đã phải vay mượn của họ hàng đến một trăm ngàn.
Nhờ chịu khó, siêng năng, nên trong hơn một năm, Thuần đã làm ăn khấm khá, trả được một phần tư số nợ. Hai vợ chồng đã thoả thuận với nhau, sẽ cố gắng làm việc cật lực trong hai năm để thanh toán hết số nợ còn lại.
Kim – vợ Thuần – phụ trách nhận hàng và ủi quần áo. Thời gian đầu, Kim làm việc siêng năng, nên chỉ cần mướn thêm hai người thợ.
Nhưng khoảng sáu tháng nay, khi bà chị vợ vừa ly dị chồng dọn về ở chung thì thảm kịch bắt đầu xảy ra.
Chị có nghề nail, có vốn mở tiệm nail, thu nhập khá, nên cuộc sống thoải mái về vật chất.
Chị lại có bệnh thích “shopping”, nên lôi theo Kim vào cuộc với những buổi mua sắm, tiêu xài không mệt mỏi. Và đó cũng là lý do mà Kim đòi Thuần phải mướn thêm người làm, viện cớ để con đi học bằng xe buýt không tốt, vì tụi nhỏ hay đánh lộn, còn đứa kia thì còn nhỏ quá, gửi nhà trẻ tội nghiệp, nên Kim muốn ở nhà săn sóc con chu đáo hơn.
Thôi thì đủ lý do để Kim khỏi phải bước chân đến tiệm nữa.
Vậy là bao nhiêu công việc từ nhận hàng, giao hàng, nghe điện thoại đến phụ với thợ ủi, thợ giặt, Thuần đều phải làm tất.
Nhiều lúc Thuần cảm thấy mệt mỏi, vì phải làm việc nhiều giờ, nhưng anh cũng không có ý mướn thêm thợ, vì có quá nhiều khoản phải chi tiêu.
Nào là trả nợ, nào là phải thay máy mới, vì một số máy cũ bị trục trặc hoài làm cho công việc bị đình trệ, khiến khách hàng than phiền.
Dù vậy, Thuần cũng tự an ủi, thôi thì… Kim ở nhà cơm nước chắc cũng tươm tất hơn, chứ không như trước kia, ngày nào cũng cơm tiệm, không cơm tiệm thì mì gói, bánh mì.
Nhưng thực tế hoàn toàn khác với ý nghĩ của Thuần. Có hôm, đóng cửa tiệm về đến nhà, bếp núc lạnh tạnh vì Kim đi “shopping” chưa về.
Khi về đến nhà thì Kim lại bảo “Ðã ăn ở ngoài với chị Thu rồi”. Thuần tức giận đến nghẹn cổ nhưng phải nín thinh, chẳng lẽ lại mắng vợ vì miếng ăn?
Có những lần không nén được cơn giận, Thuần lớn tiếng than phiền thì Kim lại mắng mỏ Thuần:
“Ðàn ông gì mà nhỏ mọn, đụng chút lại kể lể, khó chịu”.
Trong gia đình, từ trước đến nay, Thuần giao cho Kim toàn quyền quản lý tài chánh, thế là cô lại càng được tự do mua sắm không hề xót của.
Quần áo, giày dép chất đầy tủ. Kim không ngại mua một chiếc áo đầm với giá năm sáu trăm đôla để đi đám cưới, trong khi Thuần phải cần kiệm từng chục, từng trăm cho những chi phí của tiệm.
Rồi không biết từ lúc nào, Kim lại đua đòi với bạn bè, đòi sắm xe mới, mà phải là hiệu xe “xịn” cho thiên hạ “lác mắt”. Thuần nhất định phải trả hết nợ, tu bổ máy móc mới cho tiệm xong xuôi rồi mới nói đến chuyện mua sắm. Thế là hai vợ chồng cãi nhau một trận kịch liệt.
Sau đó, không nghe Kim nhắc đến chuyện xe cộ nữa. Bỗng nhiên gần đây, Kim lại lấy cớ tiền lời đang xuống và khăng khăng đòi mua nhà mới.
Thuần lại phải nhắc cho Kim nhớ là nợ nần vẫn chưa trả hết. Lần này, Kim không hề nao núng, cô nói, nếu Thuần không đồng ý mua nhà thì cô và bà chị sẽ đứng tên chung để mua.
Và rồi ngày nào Thuần cũng phải nghe cái “điệp khúc” mua nhà mới. Anh cố gắng phân tích những khó khăn cuả gia đình và kế hoạch tiết kiệm tài chánh, để phát triển cơ sở làm ăn.
Thuần cố gắng nói điều hơn thiệt cho vợ nghe, nhưng kết quả chỉ là những trận cãi vã xem chừng còn lớn hơn trước. Thương con, Thuần không muốn ngày nào cũng gây gổ làm cho chúng buồn bã, sợ hãi nên đành nhịn nhục.
Rất nhiều lần, Thuần trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả, lại phải mò vào bếp tự mình kiếm miếng ăn, trong khi Kim thản nhiên, chăm chú dán mắt trên TV, xem như không hề có mặt Thuần trong căn nhà này.
Chúa Nhật vừa rồi, Thuần đến tìm tôi và tâm sự suốt buổi chiều. Thuần cho biết anh đã quá mệt mỏi, nên có thể sẽ không tiếp tục chịu đựng tình trạng nầy.
Anh chán nản đến nỗi không còn muốn làm việc nữa, thậm chí đến cái tiệm mà ngày trước anh vẫn náo nức mơ ước và quyết chí mua cho kỳ được, bây giờ anh cũng muốn buông xuôi.
Thuần nói, anh sẽ để lại tất cả cho Kim và đi đến một nơi nào đó thật xa để tìm sự yên tĩnh. Tôi cảm thấy ái ngại cho hoàn cảnh của bạn nên nhẹ nhàng khuyên bảo:
– Thuần nên nghĩ lại, dù sao hai đứa con cũng còn nhỏ, vả lại vợ chồng yêu thương nhau hàng chục năm đâu có dễ dàng dứt bỏ.
Thuần suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Thật ra… cũng không biết tôi có còn yêu Kim hay không, khi những mâu thuẫn ngày càng trầm trọng và con người cô ấy ngày càng tệ.
Trước đây, tôi cũng đã từng khuyên Thuần tìm cơ hội để nói chuyện một cách rõ ràng với vợ về những bất đồng đang xảy ra giữa hai người.
Thuần nói anh đã cố gắng rất nhiều lần, nhưng không bao giờ cô ấy chịu lắng nghe.
Kết quả chỉ là cãi vã và giận hờn nhau thôi.
Tôi tự hỏi “Nếu gia đình đổ vỡ, những đứa trẻ thơ vô tội ấy sẽ ra sao?”. Tôi băn khoăn mãi mà đành bó tay trước nỗi buồn to lớn của bạn mình.
Bạn thân mến,
Ðọc xong câu chuyện ngắn ngủi trên đây, người ngoài cuộc sẽ có đủ sáng suốt để lạnh lùng tuyên bố “Gặp vợ như vậy bỏ quách cho xong.
Thứ đàn bà không biết thương chồng thì còn lưu luyến làm gì!”.
Có người sẽ hỏi “Không biết cô Kim sắc nước hương trời đến đâu mà anh chàng Thuần phải chịu đựng như thế?
Bây giờ, thiên hạ về Việt Nam cưới vợ ào ào, muốn chọn vợ cỡ nào cũng có. Trẻ không thiếu, mà đẹp cũng có thừa. Không cưới thật thì cưới giả, cũng kiếm rủng rỉnh vài chục xấp bỏ túi tha hồ ăn chơi. Chứ ai lại khờ như anh Thuần này!”
Nếu là anh em của Thuần, chắc ai cũng nghĩ như thế. Không có gì sai nếu chúng ta chỉ giải quyết mọi vấn đề về mặt lý.
Ðặt sự công bằng và trách nhiệm làm căn bản để giải quyết thì Thuần ly dị cô vợ nầy cũng không có gì quá đáng. Nhưng đã là con người thì ta còn một chữ Tình khó mà biết đâu là ranh giới.
Thuần đã đắn đo, chịu đựng người vợ không trách nhiệm đến mức nầy cũng đã đáng cho ta thán phục.
Có những trường hợp chúng ta cho rằng quá kỳ dị với cái nhìn của mình, đến độ bất bình muốn “tuốt kiếm giang hồ hành hiệp!”
Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được tại sao một người đàn ông đẹp trai, trí thức, địa vị, giàu có, giao thiệp rộng rãi, con cái đã lớn khôn thành tài, mà từ năm nầy, sang năm khác lại chấp nhận sống với một người vợ đã từng ngoại tình.
Bà chẳng xinh đẹp gì lại còn đanh đá, chua ngoa, đã năm lần bảy lượt, lớn tiếng mạt sát ông trước mặt bạn bè vì những chuyện không đâu, vậy mà ông tiếp tục sống một cuộc sống mà ông thường cho rằng “chết còn sướng hơn”.
Riêng trường hợp anh Thuần trong câu chuyện kể trên, người viết nghĩ rằng, nếu đủ cứng rắn hơn, anh có nhiều cơ may để xây dựng lại hạnh phúc đang lung lay, vì sự thiếu trách nhiệm của vợ.
Anh không nói, nhưng tôi tin rằng, có lẽ vì quá được nuông chiều, nên cô ấy mới ỷ lại và sinh ra cớ sự.
Anh Thuần đang làm chủ nguồn thu nhập, anh có đủ sức mạnh để thay đổi cách sống của vợ.
Có thể chỉ vì sự nông nổi do cái nhìn vào lối sống của người chị hoặc bị quáng mắt vì những hào nhoáng của bạn bè chung quanh mà cô Kim đã xao lãng bổn phận làm vợ, làm mẹ.
Hãy giúp Kim sáng mắt và cho cô ấy một cơ hội bằng cách đóng cửa tiệm giặt vài hôm, để cảnh cáo rằng, có thể tiệm sẽ đóng vĩnh viễn và sẽ không còn gì hết nếu mọi sự không thay đổi.
Còn như cô Kim vẫn chứng nào tật nấy thì… không còn gì để anh phải bận tâm.
Chìa khóa để mở lại cánh cửa hạnh phúc đang nằm trong tay anh. Hãy mở đi, trừ phi ổ khóa bị hư!