Tôi đã khóc thương cho Sài Gòn, đã đớn đau cho quê hương.
Bài thơ của thi sĩ Ðặng Hiền được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc nghe buồn vời vợi bằng những câu:
“Khi em về chừng như sang Ðông.
Trời tháng Năm mà nghe lòng lạnh.
Khi em về ngồi nghe biển hát.
Chiều qua nhanh như em xa anh”.
Bài thơ tình, bài hát tình, nhưng là bài thơ, bài hát chia ly nên buồn, nên lạnh.
Tôi vẫn thường chùng lòng mỗi khi có dịp nghe lại bài hát ấy. Vào tháng Năm ở Hoa Kỳ, gần như đâu đâu cũng ấm áp, dễ chịu, kể cả nơi tôi sống chỉ có chừng hơn sáu mươi ngày Hè.
Khi những đụn tuyết bắt đầu tan đi, là có thể thấy cỏ cây đơm mầm trổ lộc. Bầy chim thiên di cũng sẽ về làm tổ trên những nhành cây ít gió. Và những con lạch, sông hồ, bầy vịt trời về bơi lội nhởn nhơ.
Nhưng tháng Năm, luôn luôn làm tôi bùi ngùi. Và cái bùi ngùi ẩn giấu cuối lòng cùng với cái vạt nắng tháng Năm năm nay hanh hanh vàng trên giậu, mang chút hơi ấm sau những tháng ủ Ðông lạnh giá càng làm tôi buồn hơn. Buồn hơn bài hát tình ca chia ly. Buồn hơn bao giờ.
Tháng Năm đẹp, nhưng chẳng riêng gì nơi đây mà cả hoàn cầu đều trầm xuống.
Cơn đại dịch quét đi cái hớn hở, cái vui mừng mặc dầu nơi này, nơi kia đã giảm những nghiêm ngặt về quy định cách ly, đã có những cơ sở mở cửa sinh hoạt trở lại.
Tuy nhiên ra phố vẫn thấy vắng người, vẫn thấy lạ lẫm. Bàn chân ngang qua những quán xá, những chốn thường hay đến trước đây, bỗng ngại ngần không muốn, không dám dừng lại, bước vào.
Không thể chối cãi, không thể cho rằng mọi thứ đã trở lại bình thường như trước đây.
Ra đường, người gặp người vẫn còn e dè, nghi ngại. Liều đến cách mấy đi nữa, người biết nghĩ cho người khác vẫn không muốn mình mang mầm bịnh về lây cho cả nhà, lây cho chung quanh.
Tôi đã buồn vô cùng khi nghĩ đến những người ra đi vĩnh viễn không bàn tay tiễn đưa.
Hoàn toàn chẳng thể hớn hở để ra đường, để tụ họp với bạn bè lúc chạnh lòng nhớ đến những hoàn cảnh thiếu thốn cơ hàn quanh tôi.
Bởi có ai xa lạ đâu. Vì đó là người từng ngồi uống với nhau ly cà phê, ăn với nhau bữa tối, hay từng gặp gỡ trên hành lang vào lớp học, cười nói với nhau không đầy vài ba tháng trước, khi ra đi khỏi cuộc đời này, chúng tôi không thể mang một nhành hoa đến giã biệt.
Rồi là người thân còn ở quê nhà vốn khó nhọc với manh áo chén cơm còn khó nhọc hơn trong thời dịch bịnh.
Tháng Năm năm nay, như mọi người, tôi vẫn hay chọn một nơi yên ắng trong nhà hay ngoài vườn để ngồi xuống cầu nguyện cho những ngày đen tối này qua đi.
Nhưng đó cũng chính là lúc lòng tôi chao động khi nhớ đến một tháng Năm năm xưa. Một tháng Năm như chừng chưa bao giờ phai mờ trong ký ức.
Một tháng Năm của bốn mươi lăm năm về trước, khi miền Nam rơi vào tan tác, thê lương.
Tôi không thể nào quên được bầu không khí cũng tương tự như lúc này, đầy hoang mang, âu lo, sợ hãi và nghi ngờ.
Thuở đó tôi mới chỉ là cô thiếu nữ mười bảy tuổi. Gần như chẳng bao giờ để ý đến chính trị thời sự trước khi thị xã rơi vào tay cộng sản Bắc Việt, tôi đã bắt đầu nhận ra sự hời hợt, nông cạn của chính mình về ý thức xã hội, về tình yêu quê hương.
Mỗi tối tôi bắt đầu nghe tin tức qua đài BBC với ba tôi. Và cuối cùng đã biết thế nào là tuyệt vọng khi nghe tin nơi này thất thủ, nơi kia đầu hàng, và sau hết là kinh hoàng với cái tin miền đất cuối cùng không còn nữa.
Buổi trưa thứ Tư hôm ấy, trên đường về nhà từ trường học, tôi đã sững sờ như người chết, thấy đoàn người và xe chạy trên phố, loa phóng thanh ầm ĩ vang lên, “Sài Gòn đã được giải phóng”, “non sông đã liền một dải”…
Tôi đã không thể nào tin được ở mắt, ở tai mình. Quanh tôi lúc đó rùng rùng những người và người với cờ Mặt Trận Giải Phóng, những đoàn xe công binh giăng cờ Bắc Việt đỏ như máu, ầm ĩ reo hò, mừng chiến thắng.
Một cái hình ảnh hoàn toàn khác xa với những gì tôi đã tưởng tượng về hoà bình, về ngày thống nhất đất nước, Bắc-Nam một nhà.
Thay cho những con trâu yên lành nằm nhai cỏ, thay cho khóm trúc hàng cau xanh mượt lá, thay cho sông cạn thành giòng, đường phố thênh thang như các bài ca về hoà bình trước đấy không lâu, tôi chỉ thấy màu cờ đỏ rực, chỉ nghe các câu hát sát máu, căm thù, “tiến về Sài Gòn đánh tan tành giặc Mỹ. Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù”.
Thay cho người bắt tay chào người, kẻ chiến thắng gọi người khác chiến tuyến bằng những từ ngữ miệt thị, khinh rẻ, ngụy quân nguỵ quyền.
Thay cho hân hoan, thay cho vui mừng, một bầu không khí lạnh lẽo phủ trùm xuống thị xã.
Thị xã tôi đã mất trước Sài Gòn hơn một tháng.
Vốn đã tan hoang, nhàu nát vì các cơ sở hành chánh, trường học, bị người tản cư đến sống tạm lôi bàn ghế, giấy tờ, sách vở, tất cả những gì có thể cháy để làm củi nấu nướng, hoặc làm giấy vệ sinh, sau đó còn tiêu điều ảm đạm hơn khi cán binh Bắc Việt chiếm đóng những dinh thự, cơ ngơi trên phố.
Không đầy năm tuần, mà bộ mặt của thị xã đã vô cùng buồn thảm bởi biểu ngữ, cờ xí đường phố giăng ngang giăng dọc khắp nơi, còn là quần áo bộ đội bạc màu, khăn rằn, khăn mặt rách mướp như giẻ lau nhà phơi đầy trên hành lang, trên cửa sổ của những dinh thự bị chiếm.
Phố xá vắng lặng. Chẳng cần lịnh cách ly, phong toả như bây giờ, hầu như cũng chẳng ai muốn ra đường.
Ngoại trừ thầy cô giáo và học sinh bắt buộc bị đến trường, những bà nội trợ cần mua thức ăn, đồ dùng cần thiết, ai cũng chỉ muốn ẩn dật ở nhà để tránh nhìn những con người nói cùng chung thứ tiếng với mình nhưng vô cùng lạ lẫm.
Ở bất cứ nơi nào, cũng có thể nghe những lời khinh miệt và đe dọa thốt ra từ miệng kẻ thắng.
Ngay trong những ngôn từ hoa mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, hoà bình đã về trên quê hương… cũng toát ra sự chia rẽ, phân biệt.
Dường như trong mắt những người ấy, tất cả người ở phía Nam vĩ tuyến 17 chỉ là kẻ thù.
Tôi đã khóc thương cho Sài Gòn, đã đớn đau cho quê hương. Và nỗi đau ấy tồn tại mãi trong lòng tôi.
Bốn mươi lăm năm trôi qua, nhưng cứ mỗi bận nghĩ đến, nhất là khi tháng Năm về, nỗi ngậm ngùi, nỗi đau ấy lại về theo.
Tôi nghĩ có lẽ cũng như tôi, những ai đã từng trải qua giây phút ấy hẳn không thể nào quên được những ngày không thể thở cách tự do, không thể thấy bầu trời bằng con mắt của chính mình dẫu chẳng có một thứ virus, một căn dịch bịnh nào như hiện nay.
Tháng Tư, tháng Năm năm nay bạn bè tôi trong nước cho hay không phải ra đường nhiều, không phải xốn xang ngứa mắt nhìn thấy cờ xí, hình lãnh tụ giăng khắp nơi, cũng đỡ phải thấy cảnh người người đổ ra đường ăn mừng chiến thắng.
Tuy vẫn còn phải nghe “toàn đảng toàn dân chào mừng kỷ niệm giải phóng miền Nam”, “tinh thần bất khuất khí thế hào hùng đánh tan Mỹ Nguỵ” nhưng chính cơn đại dịch đã khoá bớt phần nào những cái loa phát thanh, những bài viết ca ngợi chủ nghĩa anh hùng bách chiến bách thắng.
Những bản tin về con số người nhiễm bịnh trong nước ngoài nước, tin mở cửa nới rộng, tin các nước Tây phương viện trợ, tin Mỹ giúp tiền, cả những lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc” đã chiếm một khoảng lớn trên các trang báo, mạng thông tin xã hội.
Ở nơi này, tháng Tư, tháng Năm năm nay tôi cũng không có dịp nhìn thấy anh em cựu chiến binh, con cháu hậu duệ các binh chủng họp lại tưởng niệm sự hy sinh của quân dân miền Nam cách cụ thể.
Cũng không thể thấy thuyền nhân tưởng niệm những người đã mất trên đường vượt biển tìm tự do.
Tôi cũng như bạn, vẫn còn phải đọc, phải nghe những tin chưa vui về dịch bịnh.
Hẳn nhiên lòng chúng ta vẫn còn đầy sầu muộn. Nhưng như tôi đã từng viết, dịch bịnh rồi cũng sẽ đi qua, tháng Năm của đất trời cũng sẽ hết, ở nơi đây cuộc sống sẽ trở lại yên ổn, thanh bình.
Chỉ có tháng Năm tôi, sầu vẫn chưa thể nào vơi đi khi con người đang còn sống với đau khổ, vẫn bị nghẹt thở bởi một thứ chủ nghĩa vô cùng tàn ác ở quê hương.
Hình minh họa: Bảo Huân