main billboard

Khuôn mặt Kim hứng đọng nhiều nét cam chịu

Hu Anh
Cuối cùng thì tôi cũng chụp hết cuốn phim 24 poses. Thành phố này có nhiều khu phố cổ, kiến trúc lạ.

Những con đường hẹp lát đá, những khúc quành uốn lượn khuất lấp, những ngã rẽ bày ra một bố cục đẹp bất ngờ, nhiều khoảng tối giao hòa với từng vạt ánh sáng; sự cân xứng và cái không cân bằng ở vài chỗ làm khung cảnh mang nét quyến rũ lạ thường.

Bên chỗ tôi trú ngụ hoàn toàn khác, đó là những hộp vuông vô cảm đứng sát nhau; đồng điệu, tẻ nhạt.


Người ta tất bật phóng xe đi làm, lên xuống con đường thẳng tắp và nếu có rỗi trí trong một đầu óc đầy chật cả toan tính, người ta chợt buồn rầu để nhận ra: Có thể mình đang biến dần thành một con robot?

Tôi không định mang phim đi rửa, chẳng có gì hứng thú cả. Nó khác với sự háo hức khi mình vừa chụp lén ai đó, nóng lòng xem kết quả, thử coi tấm ảnh có được “măng-rê-photo”?

Tôi không định, nhưng sáng hôm đó mắt tôi tự dưng ngứa, như thể gió giữa lòng đường bỗng thổi lộng và có hạt bụi vừa vào ở đậu sau mi cay.
Tôi dụi mắt rồi ngước lên, võng mô tôi khi đó đã chụp bắt toàn thể một tấm bảng hiệu, và cái màu sơn tươi mát của nó như ngầm xúi dục, buộc đôi chân tôi bước tới, thu ngắn dần khoảng cách.

Có hai điều được lý giải: Một, tấm bảng ấy có nhiều chữ Việt chen vai. Hai, chữ KIM kẻ sơn màu xanh rất sắc nét, sắc tựa một ánh mắt vừa háy, nguýt. Tôi gọi thầm: Kim. Kim ơi…

Tiệm ảnh không có ai, vắng khách. Một cô thiếu nữ ngồi sau quầy thay đổi sắc diện khi tôi bước đến cái bục gỗ cao ngang ngực, biên giới ngăn chia giữa chủ và khách.
 Cô ta nói: Hi! Tôi cũng mở miệng: Hai.
Trong đối đáp, tôi có ý nghĩ: Học sinh đang nghỉ hè, có lẽ cô ra đây ngồi trông coi cửa hàng, phụ đỡ cha mẹ.
Hai tay đặt trên quầy, vòng trước ngực, áo thun trắng và da ở cánh tay để trần cũng chẳng nhường nhịn, trắng không kém màu vải..
Thứ da dẻ của người sợ mặt trời, đi khi bình minh về trong hôn hoàng với tất cả mũ mão khăn nón dù diết trang bị lỉnh kỉnh hơn cả một phó nhòm chính hiệu.

Tôi đặt cuốn phim Kodak lên quầy. Đó là mặt gương dày, thấy rõ những tấm ảnh bị đè bẹp bên dưới.
Những tấm ảnh chụp vớ vẩn, dùng làm mẫu về kích thước cũng như chất giấy.
– Size?
Tôi nói: Bình thường.
– Bóng láng hay sao?
Tôi thưa: Bóng láng. Rồi kèm theo phụ chú: Tôi muốn sang hình trong một giờ.
– Ô-kê. Cô ta nói. Tên ông là?
Tôi khai tên họ. Để cho cô dễ viết, tôi đánh vần từng mẫu tự, như kiểu “a bê xê dắt dê đi ỉa, a á ớ dẫn vợ đi chơi”.

Cây bút đỏ hí hoáy. Chữ to, tròn trịa, phóng khoáng, nhưng mềm mại đầy nữ tính.
 Cây bút ấy đặt vào một ô trống khác, đôi mắt không nhìn sang tôi:
– Số phone?
“I lost my phone number. May I have yours?”
 Tôi thoáng đỏ mặt khi câu đùa nghịch ấy vừa lướt qua trong đầu.
 Tôi đỏ mặt vì ánh mắt cô gái đang dừng rất lâu trên gương mặt tôi, chờ nghe những con số.

Tôi là khách du lịch, tôi thuê khách sạn rẻ tiền ở gần đây và thú thật là tôi chẳng để ý đến số điện thoại của nó.
Tôi tính nói vậy nhưng sau cùng tôi đọc ra được một dãy số phone lê thê. Đó là những con số tôi đã thử gọi nhiều bận nhưng không một ai trả lời.
Đường truyền kêu u u một cách kì lạ xen kẽ trong từng hồi chuông ré lên, rồi lịm tắt. Đó là số điện thoại của người bạn gái, cô hiện ở đâu?

Tôi cất công lặn lội đi thăm trong âm thầm, muốn gây chút bất ngờ cho cô mà xôi hỏng bỏng không, trật đường rầy, vô duyên đối diện bất tương phùng!
– Ông người Việt-nam phải không?
– Phải.
Tôi trả lời bằng thứ ngôn ngữ giống kẻ vừa gióng tiếng hỏi. Yes. Nhát gừng, yếu đuối.

Tôi nói tiếng Anh không khá và thú thật tôi rất khổ tâm khi dùng ngoại ngữ để trao đổi với người đồng hương.
Có gì đó không ổn thỏa, ngượng mồm lắm! Tôi đón nhận cái biên lai, cái rẻo giấy vừa xé ra từ phong bì có in chữ Kim màu đỏ.

Tên gọi chẳng lấy gì làm đặc biệt, đàn ông mang tên đó khá nhiều, Kim là đàn bà con gái baby cũng chán khối. Và nó có vẻ made in Korea.

– Bây giờ là mười một giờ thiếu mười, khoảng mười hai giờ chú ghé lại lấy.
Cô gái có khuôn mặt hao hao người Hàn quốc ấy nói tiếng Việt ngon lành tới không ngờ.
Trời, con ai mà khéo dạy! Lại thêm mặt mày sáng choang, thiệt là khéo nuôi! Xời, sao chẳng xổ tiếng mình ngay từ đầu cho chú khỏi ấp a ấp úng!

– Từ đây tới giờ ngọ tôi thiệt chẳng biết phải đi đâu, cô chỉ cho tôi một địa chỉ, có được không?
– Phía tay phải, đi gần cuối đường có một quán nước. Chú ngồi đó tới chiều cũng không chán, đàn ông con trai vô tích sự vẫn thường giết thì giờ kiểu ấy.
– Tôi có người bạn gái tên Kim, tôi không chắc là cô cũng mang tên đó?
Người con gái nhìn tôi, có vẻ quan sát, lượng định. Cô làm thinh một đỗi, khá lâu, mặt nghiêm nghị.
– Ban đầu là Hoàng Kim. Mọi người phê bình, nghe giống tiệm bán vàng quá. Sau bỏ đi một chữ, trơ lại mình Kim.

Thực ra thì tên gọi chẳng có gì quan trọng, chữ nghĩa đừng rắc rối cho người bản xứ dễ gọi dễ nhớ.
– Nếu tôi có một cửa hiệu như thế này tôi sẽ lôi màu sắc ra để đặt tên. Ngũ sắc chẳng hạn, Bốn màu chẳng hạn…
– Không sợ trùng với tiệm bán chè sao? Bây giờ họ đã chế ra thứ chè bảy màu rồi!

Cô nhanh nhẩu, có duyên, thông minh. Điều này làm tôi càng nhớ Kim. Tôi bước ra đường, theo lời chỉ của cô ấy tôi tìm tới quán nước ngồi chờ giờ hẹn sẽ điểm.
Tôi là thằng đàn ông vô tích sự. Lý ra tôi nên lùng sục, tìm cho ra tung tích Kim trước khi vác mạng tới thăm.

Không một ai đi nghỉ hè, tới thành phố lạ mà trơ trọi thân mình, chẳng tìm ra người quen biết bà con xa láng giềng gần giống như tôi cả.
Ngay bọn khủng bố, ít ra chúng phải có một đứa nằm vùng sẵn lòng chầu chực bày đường dẫn lối định vị sẵn chỗ nào sẽ tan nát thành bình địa.
Chết mày chưa!

Tôi kêu một tách cà phê đen khi ngồi xuống chiếc ghế đặt trên vỉa hè mấp mô.
Tôi thích phơi mặt ra ngoài đường, biết đâu sẽ có ai đó nhận diện rồi hú họa gọi tên, khan giọng thảng thốt.
Trí tưởng của tôi lại quay vòng trở về điểm xuất phát: Kim. Ngày xưa chúng tôi học chung một lớp. Dạo đó Kim là thứ hoa lạc giữa rừng gươm.
Cả trường Mỹ thuật, bóng dáng yểu điệu của phái nữ chẳng được là bao, xòe tay ra có thể đếm đủ, dễ như đếm có bao nhiêu cánh trên một cành hồng.

Kim thuộc loại học sinh cứng cổ, khi vẽ, Kim biểu hiện một thủ pháp riêng, để lộ rất sớm.
Anatomie, luật viễn cận, mấy thứ điều lệ căn bản ấy dường như Kim ít quan tâm tới; do vậy sự khác lạ nơi bản vẽ của Kim chẳng thuyết phục được những định kiến thủ cựu luôn bám cứng vào đầu mấy ông thầy.

Họ có lối thuyết pháp: Hãy nắm vững cái cơ bản trước, sau đó cho bạn tha hồ quậy.
Kim thường nói với tôi những câu, đại loại như: “Điều quan trọng là cái nhìn của bạn chứ không phải sự vật được nhìn”.
(Mãi sau này tôi mới biết nhà văn André Gide là tác giả câu đó). Dĩ nhiên tôi rất “chịu” Kim.

Ngoài tình bạn bình thường, đâu đó còn tiềm ẩn nỗi khát khao mù quáng.
Khi nheo mắt nhìn ngắm đo đạc cô người mẫu khỏa thân để dựng hình khối lên giấy, tôi đã thầm ước có ngày mình sẽ được vẽ Kim với thế ngồi e ấp gợi tình như vậy.
Lên năm thứ 3 chúng tôi xa nhau. Lý do: Bộ mặt hung hãn của chiến tranh đang reo hò quanh vòng đai thành phố Huế.
Kim tản cư cùng gia đình vào Sài-gòn. Sau đó, nghe đâu bạn tôi đành lòng thành hôn, cam lòng ăn đời ở kiếp với người đàn ông lớn hơn Kim một con giáp.
Sau đó nữa, lâu hơn một cuộc đổi đời đầy bát nháo, tôi gặp lại Kim ở Nha-trang tiêu điều, thành phố có tôi lạc hồn làm đứa cán bộ Thông tin văn hóa suốt ngày cắm cúi vào những tấm tranh cổ động mù lòa sắc đỏ.
Trong phút giây được nhìn thấy nhau, tôi mang đầy nỗi hoài nghi về hai chữ tương phùng.
Tôi không tin thành phố biển này là nơi gia đình Kim định cư.

Bạn ạ, đã có những cuộc hạnh ngộ làm mình ngây ngất, lại có những đối mặt khiến mình buồn xo.
Sự cơ cực của đời sống tác động lộ liễu, nó tàn phá hết mọi thứ, kể cả một tấm lòng thành.

Tôi ngồi so vai, không hỏi Kim một lời mặc dù trong tôi có biết bao điều để nói.
Lương cán bộ công nhân viên nhà nước luôn thiếu ăn, nhưng tôi cố gắng để đãi được Kim mẩu bánh ngọt và ly cà phê đá, thứ nước đắng chát, đen đúa, nhạt, chẳng hương mùi.

Hãy để mọi thứ lui về an nghỉ vùng kỉ niệm, hiện tại đầy thương tích này khiến Kim trở thành vụng về trong vai trò diễn viên.
Tôi biết Kim đang chờ ghe rước đi và đúng với linh tính tôi, chiếc “taxi” quái gỡ ấy đã mang Kim vượt được cả một đại dương mênh mông xa kinh hồn.
Như thế mà hơn. Tôi luôn tin những chọn lựa của Kim thảy đều đúng. Mỗi ngày tôi đều bỏ công đi bộ ra đứng nhìn biển.
Nhìn cái mặt phẳng đầy xao động, như thể gió đã hãm hiếp nước để sinh sản ra sóng xô mãi vào chân đứng ngàn nỗi bất an.

Kim ơi, có lẽ chúng ta sẽ chẳng còn được nhìn thấy nhau! Trước khi âm thầm bỏ đi, Kim có tặng tôi bức sơn dầu “Chân dung tự họa”.
Trong tranh, người đàn bà khỏa thân khoe cái bụng lớn gần ngày sinh nở. Những nhát cọ mạnh bạo, dứt khoát.
Ánh sáng và bóng tối hoàn chỉnh, tựa như thứ không gian ấm áp trong gam màu tài hoa của những họa sĩ thời kì phục hưng.

Khuôn mặt Kim hứng đọng nhiều nét cam chịu, cứng cỏi tuồng như bất khuất, như sẵn lòng đón đầu những tai ương…
Cà phê đã hết. Nắng chiếm ngự toàn thể những ghế bàn, đầu tôi nặng nhọc một nỗi niềm.
Trước khi ghé lấy ảnh, tôi tạt vào Pharmacie mua lọ thuốc Tylenol.

Mấy ngày nghỉ hè tẻ nhạt trôi đi. Trở về, ngồi trên chiếc máy bay dằn xóc bởi phi trình đang ngang qua một bầu trời nhiều mây, tôi lấy xấp hình rửa ở hiệu Kim mang ra xem.
Tôi đọc tên tôi được viết tròn trịa bên ngoài phong bì, nhớ ngón tay búp măng cầm viết của người con gái.
Những ngón tay tinh nghịch đã dán keo một cách quá đáng làm khó chuyện mở.

Dán kỹ như muốn cất dấu trong bao giấy một bí mật, một điều riêng tư.
Mọi tấm đều trên trung bình, tôi săm soi, sau này nếu muốn vẽ phố có thể dùng nó làm tư liệu để mô phỏng.

Tấm nằm sau cùng là hình chụp một thiếu nữ cúi đầu ngó xuống bàn tay đang sờ nắn trên bụng để trần.
Máy hẳn tốt, kẻ chụp bắt hẳn có đo ánh sáng kỹ lưỡng, trông rõ mồm một cái đỉnh nhọn của lỗ rốn bị đẩy trồi ra ngoài, da bụng căng mỏng và người phụ nữ mang thai kia chắc sắp tới ngày lâm bồn?

Ai đã ngẳng nghịch nhét tấm hình “mặn” vào trong xấp ảnh “chay” của tôi?
Tại sao thợ sang hình lại làm việc gây sơ suất đến thế?
 Tôi nhớ lại khuôn mặt lém lỉnh của cô gái đứng sau quầy. Tôi nhớ tới bức tranh Kim tặng mà khi vượt biển tôi đành phó mặc nó cho bức vách và cây đinh cắm lẻ loi trong căn phòng chật.

Về đến nhà an toàn, tôi mở máy vi tính. Có một email của người bạn phương xa gửi tới:
“Điện thoại cho ông chả ai thèm bắt phone. Xin ông vẽ cho tấm tranh nhỏ dùng làm bìa sách, sắp in. Chắc ông chưa nghe tin: Kim vừa mất sau thời gian dài nằm bệnh viện, xác hỏa thiêu và tro cốt mang về VN cách đây 3 ngày”.

Tôi ngồi chết cứng trên ghế rất lâu. Rất lâu sau, tôi gọi thầm: Hoàng Kim ơi!