Phở Hách – Mở 9 giờ sáng, đóng 4 giờ chiều
Hiệu phở nằm như một thách thức trong khu phố phần lớn hàng quán là của người Mỹ.
Bên ngoài mặt tiền xập xệ, không tô điểm sơn phết gì nhiều, nhưng tấm bảng hiệu viết vài chữ đơn sơ có chọc nọc lắm bạn đồng nghiệp trong vùng:
Phở Hách – Mở 9 giờ sáng, đóng 4 giờ chiều
Chẳng rõ có bí quyết gia truyền gì mà đi tới đâu mở phở hiệu của lão Hách luôn luôn đắt khách. Điều này nếu có ai tò mò cũng vô phương tìm biết. Người ở đây chỉ biết sau ngày hoàng phái rủi thua xích phái, lão Hách cũng bỏ hết cơ ngơi – một xe phở nức tiếng đường Công Lý – chạy giặc sang Mỹ.
Dĩ nhiên sang đây lão không thể tiếp tục chiếm một góc phố, chơi một xe phở, để sáng trưa chiều tối ngụp lặn trong khói phở thơm lừng, vừa đẩy những đường dao thiện nghệ vào khúc thịt bò mềm mại, vừa nhai vài câu Kiều lẩy cho nổi bật thêm phần cá tính; hoặc có lúc tự tin chõ mồm góp vài nhận định thời cuộc với đám thực khách, thường toàn giới cổ cồn cà vạt, thừa quyền lực xã hội đến ho một cái đời lão đã có thể mềm ra như sợi bánh phở.
Điều kiện mở hiệu ăn nơi xứ Mỹ văn minh quả có rất nhiều điểm xâm phạm nghiêm trọng đến quy luật, đến văn phạm phở.
Phòng máy lạnh được trần thiết sang trọng, bàn ghế đều và đẹp như lính duyệt binh, thảm trải trong ngoài như dinh quốc khách đều là những thứ vô duyên và thừa nhất trên đời đối với phở. Nó dị như ăn thịt chó chấm với Maggie.
Mà thế thật! Trong suốt mười bốn năm qua, điều kiện mở hiệu ăn nơi đây quả có đánh tàn rụi ý chí nhiều tổ sư chính phái phở có tự trọng, muốn trở lại phục vụ khẩu vị người đồng hương.
Riêng lão Hách thì khác. Năm năm đầu lão ngậm miệng lăn lưng vào làm đủ thứ việc để tích luỹ tư bản.
Nếu một ông tướng nhất định không chịu sống cảnh vợ đẹp con khôn với nghề sơn nhà xứ người, quyết bỏ tất cả về lập chiến khu cho đúng với tầm vó lịch sử của ông, thì lão Hách cũng nuôi ý chí tương tự.
Làm sao một người như lão lại có thể chui mãi dưới sàn tàu, hàn xì quanh năm để miệng lưỡi ăn toàn cứt sắt?
Hoặc ngày tám tiếng dúi mũi vào đống hồ sơ, giải quyết mấy chuyện nhảm nhí trong những văn phòng bảo hiểm lừa lọc, hay trên một bàn giấy cán sự xã hội cùn mằn?
Nếu ông nhà văn trời đày vắt óc đến chết để cung cấp món ngon bổ cho tim óc con người, thì lão cũng mang nỗi dằn vặt tương tự.
Lão mơ ngày nào sẽ trở lại chốn giang hồ, động dao động thớt phục vụ những người đồng hương khốn khổ, đang ngày đêm bị phường hắc đạo đầu độc bằng những thùng nước dùng đầy bột ngọt rẻ tiền.
Sau năm năm tích luỹ được chút vốn tạm đủ, lão Hách sang lại cửa tiệm pizza sắp chết của một anh Ý già nơi góc đường Winona và Õrange, rồi động viên cả nhà vào công tác tu sửa.
Không mang trong người căn bệnh bi quan của các đồng nghiệp, lão nghiên cứu kỹ để biến mọi khuyết điểm thành ưu điểm cho hiệu phở tương lai.
Mọi chi tiết trong việc bố trí một hiệu phở đều có quy luật cả.
Bạn tưởng đôi ba cánh ruồi vo ve là điều đáng trách?
Nhầm, vui tai và mang nhiều đặc trưng dân tộc ra phết đấy! Nó hợp lý hơn việc nhồi nhét vào tai thực khách những bài nhạc rên rỉ của một Sài Gòn vô phúc tiền 75, hay loại nhạc phim bộ kiểu Máu Nhuộm Bãi Thượng Hải của một tập đoàn con buôn mất trí hậu 75.
Còn nhiều tiểu tiết khác cần phải xem xét kỹ. Chẳng hạn loại tăm. Chớ tưởng trong hiệu phở tăm nào cũng dùng được. Phải là tăm tre.
Mà sao phải là tăm tre? Thưa vì trong lúc ngồi đợi, rất có thể một thực khách buồn tính lấy tăm xỉa chơi, và như thế tăm gỗ thông vuốt nhọn hai đầu lắm khi thua đấy. Loại này giòn, dễ gãy.
Chẳng may ông khách là người khó tính, bị gãy một mẫu tăm trong chân răng, sau một lúc loay hoay mãi không lấy ra được, ai cấm ông bực bội đứng lên bước khỏi hiệu vừa khi bạn khệ nệ bưng bát phở đến phục vụ?
Người ta không ăn bắt bò người ta được à? Hiệu phở còn trăm thứ bà lang Trọc khác nữa. Chắc bạn đã đọc tùy bút Phở của Nguyễn Tuân?
Tuyệt, nhưng lão Hách bảo rằng nghề phở còn lắm cái tẩn mẩn khác mà cỡ tay chơi họ Nguyễn cũng chẳng biết rành, chẳng hạn cái vịt nước mắm.
Theo lão Hách nước mắm trong hiệu phở phải đựng trong vịt thủy tinh hai mỏ. Đây là loại vịt truyền thống. Đừng dùng loại nào khác. Xịt, rắc, bơm… đều không đúng bí quyết.
Tại sao? Lão bảo trong cái bầu không khí ngột ngạt mùi phở, mắt trái bận ngó quanh xem có ai quen, ngóc đầu đảo mắt phải liếc ké hàng tít báo hấp dẫn của thằng cha ngồi kế cận, tay ơ hờ cầm lên vịt nước mắm, tai lơ đãng lắng nghe dòng nước thơm vị mồ hôi công chúa Tiên Dung chảy xuống bát phở bốc khói, chợt như hoảng hốt nhớ ra điều gì, khách dựng phắt vịt nước mắm lên, hai mắt quay về lục lọi trong bát phở.
Tâm tư xao xuyến. Tim lỗi đến mấy nhịp đập. Sâu trong thâm tâm khách dâng lên niềm hối hận như vừa phạm một điều cấm kỵ trong đạo phở là sự kém nghiêm chỉnh.
Khách thốt lên một tiếng “chết”!, chỉ thế rồi chú mục vào tô phở như nhà khảo cổ tìm một vết nứt trên chiếc trống đồng Ngọc Lũ.
Dùng đũa đảo ngược phần bánh phở. Run tay cầm thìa múc tí nước dùng dí trên đầu lưỡi. Khói nước dùng làm tăng độ nặng khiến những giọt mồ hôi trên trán vỡ ra, chảy nhòa vì ba đường nhăn đột ngột biến đi, để lại một vầng trán thảnh thơi vô tư lự.
Khách mỉm nhẹ một nụ cười, nói khẽ: “May quá, phúc bảy mươi đời!” Chỉ một tiếng thầm thì như thế nhưng dưới con mắt tinh quái của lão Hách, lão biết chắc vị thực khách khởi sự thành kính bước vào đạo phở.
Không có vịt nước mắm hai mỏ đố cách gì tạo nổi cho khách có một giây phút kỳ thú thế ấy. Nó tương tự như một anh mê vợ, nằm mơ mất vợ và khi choàng dậy vẫn thấy có vợ.
Đối với lão Hách bí quyết phục vụ các tín đồ của lão còn nhiều.
Như chuyện tương ớt cũng là điều hệ trọng. Ta phải bỏ nó vào một liễn nhỏ, đừng bỏ vào mấy cái ống bóp.
Nhiều lúc thực khách chỉ thích nước dùng có tí màu thẹn thùng trên má con gái; cầm ống tương ớt lên, khách bóp cái phẹt, cả một vòi ớt dài như con giun đỏ lòm rúc vào bát phở, ngoáy một cái, chửi thầm một tiếng, hào khí của khách biến mất năm mươi phần trăm khi bát phở trở màu đỏ au giống một bát riêu cua.
Rồi nào còn tiêu, rau mùi, húng, chanh, ớt… Nói tóm mọi thứ đều là vấn đề cần phải được quan tâm, cân nhắc và thực hiện ở mức toàn hảo cả.
Hộ pháp cho đạo phở khổ lắm nhưng mấy ai biết. Bốn mươi năm trong nghề lão thừa kinh nghiệm về sự thưởng thức hời hợt đến vô ơn của người đời.
Họ đâu biết trong mớ rau mùi kia không một lá úa, trong những cọng húng kia toàn lá đương thì.
Sự tẩn mẩn công khó gần như cướp đi quá bán những giấc ngủ ngon say của cuộc đời lão. Nhưng lão vẫn giữ được kiêu hãnh đắng cay.
Ăn hay không ăn, cả đời lão chưa năn nỉ ai cả. Nhưng đã vào ăn, lão muốn các tín đồ phải nghiêm chỉnh ở một mức độ tương kính.
Sự săn sóc của lão dựa trên sự tương kính này. Dù sao lão đâu phải là Phật!
Còn nhớ hồi mới khai trương có một vị khách nằng nặc đòi giá sống, lão đã nhỏ nhẹ đến ba lần rằng “Thưa ông bổn hiệu với lối dùng phở cổ truyền không cung cấp giá sống”, nhưng lời nhỏ nhẹ không được đáp ứng.
Ông khách với tấm thân to lớn ngồi phịch xuống ghế. Giọng như lệnh vỡ, ông đảo cặp mắt lồi tấy đỏ như mới trải qua một trận xập xám thâu đêm, nhìn vào những thực khách chung quanh, giơ một cánh tay lông lá lên rao giảng:
– Ăn phở phải có giá sống, phải có một dzĩa bành ki như dzậy nè. Bóp, bóp, bóp”. Ông vừa nói vừa bóp nghiến bàn tay to lớn trên không từng chặp, rồi tiếp: “Bóp như dzậy từng nắm, từng nắm cho đến hết dzĩa giá bỏ vào tô phở.
Lần ấy lão Hách đã nuốt cơn điên vào bụng như nuốt miếng da bò sống. Lão cố bình tĩnh đến gần ông khách, nhỏ nhẹ chỉ ra cửa:
– Ông thứ lỗi cho, thực lòng nhà cháu muốn giới thiệu với ông quán Đào Viên mì gia nằm bên kia đường, họ có món hủ tíu rất khá và có cả giá sống!
Nói xong lão tủm tỉm quay trở lại với dao với thớt, với câu Kiều lẩy ư ử trước nỗi kinh ngạc đến uất người của một tín đồ không rành lẽ đạo.
Thế mà phở Hách vẫn đông như thường. Phường chuyên trị phở đã lắm kẻ gièm pha, thậm chí giả dạng thường dân mon men vào hiệu nghiên cứu đối phương, khi chuồn họ cố đưa ra một phán đoán sao cho ông bằng, rằng phở mình phở lão giỏi lắm một chín một mười, vì đâu lão đông khách như vậy?
Thực mà nói sự phán đoán gọi là công bằng ấy vẫn đầy chất chủ quan, ngoan cố nữa. Cái gì một chín một mười khả bắt khả vượt, chứ phở thì vô phương, khác nào anh gạo Đỏ so với anh gạo Tám.
Đó là định phận và thánh cũng khó hoán chuyển. Để lằn phấn không thể xóa bỏ, lão Hách đánh thêm một đòn tối hậu.
Đòn này sờ sờ trước mắt mà sao lắm anh chuyên trị phở ở Mỹ không nhìn ra!
Lão quyết định bằng mọi giá phải cho khách nhìn bếp phở, nhìn thấy nồi nước dùng bốc khói, nhìn thấy chủ nhân bình thản chững chạc điều dao khiển thớt, với thịt tái chín treo lủng lẳng, với những bó hành hoa xanh tươi.
Nói tóm, dù sau một khung kính, phải cho khách sống lại cảm giác đang ngồi trong một hiệu phở thật, không phải là hiệu phở mà mọi thứ đã được làm sẵn đâu từ tuần trước, tháng trước theo cái đạo ẩm thực hết sức phổ thông và sa đọa ở nước này.
Phải cho khách đói thắt ruột bằng mắt trước đã.
Lão Hách từng khẳng định yếu tố này đánh tan những khuyết điểm máy lạnh, thảm trải, bàn ghế bóng lộng; vả, theo lão ví von, hiệu phở nom sẽ vô duyên như một cô em suôn đuột nếu không thấy bếp phở!
Đừng tưởng cứ phải làm cách mạng giải phóng, hoặc tìm đồng chí lập đảng, tìm chân tay lập chính phủ người ta mới cần tới đôi mắt biết nhìn người.
Thành thật mà nói đứng bán phở như lão Hách cũng phải có đôi mắt như vậy. Nhiều khi đôi mắt ấy còn phải biến thành thiên lý nhãn khi cần, đứng một chỗ mà vẫn phải nhìn ra hết những chiêu pháp lén lút của bọn hắc ma giở quẻ hại mình.
Tới đây bạn có thể bỉm môi: Làm cái gì mà ghê thế!
Nhưng quả thế đấy bạn ạ. Với vợ con anh em trong nhà, lão Hách thường dặn dò:
“Sống trên đời hơn người đã là một cái tội. Ngồi yên không có kẻ thù, nhưng đã vẽ chuyện làm thì phải cẩn thận, vì đó là lúc ta khởi sự có thù trong giặc ngoài.
Một anh chủ báo lá cải hẹp bụng có thể đổ mắm tôm vào thanh danh ta nhiều khi chỉ vì ta từ chối một cái quảng cáo.
Một tên du đãng nghiện ngập có máu liều có thể nhảy ngang vào hiệu đông khách dí dao xin tì tiền lẻ.
Một bạn đồng nghiệp có thể bỏ nhẹ một lượng thuốc xổ vào thùng nước dùng dự trữ của ta trên đường đi xuống nhà cầu.
Mọi việc đều cần nhìn thấy trước để kịp hóa giải, kể cả việc phán đoán cho chuẩn xác khi từ chối hay chấp thuận đóng góp tí tiền cho một tổ chức lạc quyên của đồng hương”.
Còn nhiều, theo lão Hách còn rất nhiều điều lắt léo mà một chủ hiệu phở, dù bận đến không kịp thở, vẫn phải giương mắt lên nhìn cho xa để tránh họa lỗ nhỏ đắm thuyền.
Nhưng dù sao việc nhìn người cấp thiết vẫn là nhìn đám tín đồ thường ngày.
Ba thằng new wave tóc xanh tóc đỏ, ăn mặc như quỷ sứ yêu tinh, vừa bước vào ngồi bàn 12 coi thế chứ không nguy hiểm. Thứ mặt búng ra xì-ke mà đòi ăn diện thường không dám hỗn giữa ban ngày.
Ngữ đó giỏi lắm chỉ dám ban đêm rình rập trong một xó bãi đậu xe, chờ dịp dí súng gỗ lột tí tiền lẻ của một bà già tàn tật không may. Các cậu này đổ nước vo gạo vào bánh phở thiu cho ăn vẫn thấy ngon.
Cái nhà cô phụ giáo bên trường Jackson, không mặc váy mà luôn phải mặc quần vì đi dép gai chống tê thấp, tóc chải kiểu công nương Diana, đang ngồi nơi bàn số 4 gần cửa kính trước quầy, là người khó tính.
Ngày đông tìm được một chỗ ngồi đã khó, nhưng cô vẫn lãnh đạm lắc đầu nếu chỗ ấy xét ra không vừa ý.
Dù sao lão Hách tha cho cô cái tính khó khăn này. Đàn bà con gái ăn coi nồi ngồi coi hướng vẫn là điều đáng khuyến khích.
Cái ông có bắp thịt không to nhưng đôi kính dâm thì to, ngồi yên như tượng dưới bức tranh lợn gà còn ai ngoài gã Tám Tàng?
Gã là một tay anh chị bự. FBI có thừa báo cáo nhưng vô phương vồ được gã thu thuế quả tang.
Tám Tàng có thể xấu với cái xã hội bát nháo nhưng chơi được với phở Hách. Bạn chớ vội nghĩ “chơi được” ở đây như là thu thuế nhiều ít.
Dân giang hồ thứ thiệt nhiều tay điệu ra phết. Tám Tàng là một tín đồ chính thống của đạo phở, không cúng thì thôi dám mà đến thu thuế thánh địa này.
Có thể nói không mấy ai bỏ típ bảnh như Tám Tàng. Ăn tô phở uống ly cà phê sữa đá sáu đô, gã ném trên mười đô và nghiêm chỉnh nói với cô em chạy bàn: “Giữ lấy tiền lẻ, em gái hậu phương!” Típ như thế Mỹ trắng chơi không lại.
Nhưng đổi lại tô phở cho Tám Tàng phải toàn hảo. Thịt đừng nhiều quá ít quá, hành tây đừng lộn lõi, nhất là nước phải trong. Tô phở đem ra mà có những loang mỡ béo vẽ địa đồ trên mặt nước dùng là điều gã rất phiền lòng.
Lão Hách hách đúng, không hách xì xằng, cho nên lão không tiếc công khi hầu anh bạn này cẩn trọng hơn nhiều người khác.
Thường khi ăn xong ra về, gã hay thò đầu vào gian bếp, nhếch môi khen lão một câu thông lệ “Ngày càng tiến bộ đấy, ông chủ!”; rồi như sợ dư chữ, gã khoan thai đi thẳng ra ngoài.
Kìa, đang bước vào là cặp vợ chồng chủ hiệu ăn Con Chim Xanh dưới khu Nam. Ông chồng gầy như que tăm bơi trong bộ com-lê quá khổ, trông thảm như con hạc xệ cánh đứng chịu mưa; ấy vậy mà bà vợ lại béo như cái lu, phủ bên ngoài một bộ đồ màu mè quá đáng.
Buồn cười nhất là chính hiệu ăn của họ cũng có nấu phở, nhưng không trưa Chủ Nhật nào họ không dẫn nhau đến đây làm một chầu.
Lão Hách chưa bắt chuyện với cặp vợ chồng này lần nào, thậm chí chưa biết cả tên thật, nhưng thế hóa hay. Nghề nấu phở, nghề ca sĩ, nghề mở phòng mạch hay nghề báo có khác gì nhau, quen lại đâm khó giấu những hòn đá lúc nào cũng có sẵn trong túi.
Với cặp vợ chồng này, bát phở chỉ cần đánh đến sáu phần công lực đã đủ thắng lớn. Không phải họ không biết ăn, nhưng chính vì việc họ làm đã giết chết nhiều phần vị giác và khứu giác của họ.
Họ mở hiệu ăn với những món táp nham, mục đích chỉ để moi tiền mấy ông bà Mỹ mà kiến thức về món ăn Việt Nam chỉ có mỗi chữ “chả giò”.
Thực khách còn khối loại người trong cộng đồng Việt Nam nơi đây. Chỉ riêng một xế trưa Chủ Nhật như hôm nay, có muốn lão Hách cũng không đủ thì giờ kể hết tiểu sử từng người.
Lão chỉ có thể nói vắn gọn vài người trong tín đồ đã tụ vào hiệu lão và hiện chia làm hai phe rõ rệt.
Một phe chiếm được chỗ ngồi, đang xì xụp húp nước phở, hoặc ngâm tăm, hoặc xem báo, hoặc tán gẫu chờ tới lượt được phục vụ; phe kia là đám người lổn ngổn đứng nơi cửa ra vào với những đôi mắt lơ láo, rình rập như những kẻ đang tham dự một cuộc chiến kiểu lấn đất giành dân.
Bất giác lão Hách nhăn mặt, rồi lại thản nhiên trở lại với một nụ cười bí hiểm trên môi.
Đó là chuyện công tác mắt. Nhưng nghề phở còn đòi hỏi hơn thế. Mồm, chân tay, mắt mũi đều có công tác tuốt tuột, đặc biệt lỗ tai.
Ngoài việc phải nghe khách gọi, cự,mắng, khen… là chuyện dĩ nhiên, lão Hách còn phải nghe cả những chuyện lắm khi chả ăn nhập chi tới việc buôn bán của lão.
Người ta bảo chỉ cần hai cô em với một con cá thối đã đủ họp thành một cái chợ; hoặc chỉ cần ba ông anh với một bát phở đã biến ngay ra một hội đoàn, hai tổ chức và ba võ đài.
Khám phá trên được chứng nghiệm nơi phở Hách.
Mỗi ngày, từ sáng tới chiều, trong hiệu phở có mười hai bàn mỗi bàn bốn chỗ ngồi, đổ đồng mười đợt khách thì vị chi lỗ tai lão Hách đã được nghe đến bốn trăm tám mươi đề tài giang hồ đem vào đây mà tranh luận, thậm chí có lúc thượng cẳng chăn hạ cẳng tay với nhau để giành chân lý về phía mình.
Đứng nơi bếp phở lão nghe những gì?
Bàn 4 có hai ông, một bác sĩ và một nha sĩ. Hai ông này lão Hách quen mặt quá. Ông nha sĩ đang cạy miếng gân kẹt trong chân răng, bảo:
- Tờ ấy nó chửi lão ta quá, lôi tới ba đời bốn kiếp ra.
Chắc hẳn ông nha sĩ đang đề cập đến một quan đốc bạn, lâu nay bị một tờ báo địa phương dùng làm thuốc bồi, bắn phá tan nát thành trì một số quan đốc tị nạn vốn có đời sống không được lương thiện lắm ở đủ các mặt gia đình, xã hội và chính trị nữa.
Ông bác sĩ mặt lạnh lùng:
– Cháy đứa nào đỡ đứa đó. Phe ta giảm thiểu dân số là vừa. Cứ đà này đến nhân mãn!
Bàn 3 có ba người đẹp. Các cô đều là ca sĩ. Một cô nói về một cô thứ tư vắng mặt. Có lẽ cô thứ tư đang là một tai họa sắp tới cho cả ba cô, nên được nhắc đến với giọng đầy báo động:
– Bả sang tới Bidong rồi đó!
Cô tóc dài nhất vén nhẹ mấy sợi tóc mai, cười khẩy:
– Nhằm nhò gì, đánh một đòn là tiêu ngay khi vừa cặp bến Cờ Hoa!
Hai cô kia nhìn bạn với nét nghi ngờ. Cô tóc dài lại tiếp:
– Bả cũng biên thư cho em, hỏi bên này đi show thế nào. Em tình ngay trả lời dạ “có năm thước một sô!”
Một cô rú khẽ:
– Trời, tiền mã à?
Cô tóc dài lại cười khẩy:
– Thì thế, cứ sang đây đòi năm thước một sô, đến khi hiểu ra năm bò một sô cũng không ma nào trả là vừa đủ thì giờ đi áp-lai một chức át-xăm-lờ!
– Nước béo hành trần đây chứ!
Tiếng réo từ chiếc bàn gần cửa nhắn vào gây nhiễu âm lớn trong tai lão Hách.
Cô em chạy bàn nghe réo vội dừng cặp chân tất bật, ngửa cổ đáp vọng lên trần:
– Nước béo hành trần một bát có ngay!
Tiếng hỏi đáp như vô tình có giá trị giống phát súng lệnh cho một cuộc nổi dậy èo uột cấp làng xã.
Đôi ba ông lão lụ khụ ngồi nơi bàn số 6 góp tiếng cự nự sự chậm trễ.
Gì chứ dẹp cuộc cách mạng cỡ này là phần vụ của các cô cậu chạy bàn, lão Hách bình chân như vại.
Bàn số 1 có hai đôi thanh niên nam nữ vào ngồi. Họ ăn mặc đồng phục màu xanh dương, ra dáng có tính đoàn tịch chi đó, và còn tha thêm một cây guitar nhét dưới gầm bàn.
Một thanh niên đập tờ báo đang đọc xuống bàn, chửi đổng:
-Tiên sư chúng nó, xé rào nhiều quá!
Cô gái có mái tóc dài ngạc nhiên hỏi:
– Xé gì cơ?
Cô bên cạnh huých bạn, gắt khẽ:
– Là về chơi với VC ấy!
Anh thanh niên thứ hai gạt đi:
– Mình sắp dùng phở, lại là phở Hách, xin tạm gác mấy chuyện tởm ấy lại để dùng phở cho ngon.
Chữ được chữ không nhưng lão Hách đã nghe thấy câu “lại là phở Hách”, lão nảy một nụ cười y như của Cai Xanh.
Nếu Cai Xanh kết thúc tiếng cả cười của gã bằng câu hợm hĩnh “Mấy chú em bán quán ở vùng này cũng đã biết rõ đến ta ư”, thì lão Hách lại ngừng tay dao, gõ chiếc thìa vào một cái ly ba tiếng cạch cạch cạch.
Đây là ám hiệu triệu hồi khẩn cấp một cô em chạy bàn. Đúng thế, chỉ sau tiếng gõ vài giây một cô bé chạy vào. Lão Hách tay xắt đều như máy trên một miếng nạm giòn, hất mặt ra ngoài bảo:
– Ưu tiên bốn tô đặc biệt cho bàn số 1!
Dư biết đây là một sự đao lộn trật tự bất thường của ông chủ, cô bé dạ ngoan một tiếng và bê phở đi.
Lão Hách nhìn theo bốn tô phở vui vui trong bụng: Một câu nói hay cả bầy được thưởng! Còn cô chạy bàn vừa bưng vừa nhìn nội dung bốn tô phở. Cô chắc hẳn bốn cô cậu bàn 1 phải là bà con ruột thịt chi đó của ông chủ tiệm.
Quên ngay bàn số 1, lão Hách nhìn vào thùng nước dùng đã cạn đến lòi xẩu dưới đáy. Lão kéo lên một sô nhỏ đổ ồng ộc vào thùng lớn, xong thò tay điều chỉnh ngọn lửa ga.
Vừa cầm dao cạo lớp mùn trên thớt lão vừa nhìn thăm dò phía ngoài một vòng. Lão đếm thật nhanh số thực khách còn lại: “Cân,” lão nói khẽ.
Bàn 11 có cặp vợ chồng ăn mặc bảnh như dân địa ốc. Sau màn chụm đầu thầm thì họ buông nhau ra, ngó quanh với khí thế như muốn tiếp tục cuộc nổi dậy ở bàn số 6 ban nãy.
Bốn ánh mắt hằn học cùng chiếu vào lão Hách. Nhưng êm ngay. Một cô em đã kịp bưng bến trước mặt họ hai bát “tái nạm gầu gân hành trần nước béo” như họ đã gọi mười phút trước đó.
Thêm một âm mưu nổi dậy bị dập tắt trong hiệu phở Hách!
– Số 5 số 7 tính tiền!
Bà Hách béo trắng ngồi sau quầy tính tiền. Tiếng gầm của bà khiến mấy cô cậu chạy bàn lúng túng, họ hè nhau rống lên:
– 5, 7 tính tiền!
– 5, 7 tính tiền có ngay!
– 5, 7 có bill đây rồi!
Một cậu chạy bàn cầm hai chiếc đĩa nhựa nhỏ đựng giấy tính tiền chạy đến bàn số 5 trước. Ông khách vừa móc bóp phơi, vừa nhìn anh thanh niên, giọng ngạc nhiên hẳn:
– Ủa Tấn, mày ra trường rồi mà?
Anh thanh niên cũng vừa nhận ra người quen. Lưng anh thẳng lên và giọng có lớn hơn một cách khác thường:
– Dạ chú Năm, chú mạnh giỏi? Cháu ra kỹ sư năm rồi, có điều lóng rày xưởng sập nhiều quá, mà cháu thì… trời ơi…
Anh ta khoa cái đĩa thứ hai lên trời rồi chạy tấp tới bàn số 7.
Chiếc đồng hồ quả lắc hiệu Quartz do chính lão Hách mua, nhưng nhờ vận động, từ ngày khai trương nó vẫn mang bên dưới hàng chữ “Phòng Thương Mại Cộng Đồng Thân Tặng” vừa từ tốn buông mấy tiếng điểm ba giờ trưa.
Sắp tới giờ nghỉ, lão nghỉ bụng. Bốn giờ là đóng cửa, lão đã viết rành rẽ trên bảng hiệu.
Lão sẽ chẳng sợ mích lòng ai, dù hiện trong hiệu vẫn đày những tiếng húp phở, tiếng kéo ghế, tiếng va chạm xin lỗi nhau, tiếng gọi phở, tiếng thúc giục, tiếng năn nỉ của cô em chạy bàn, tiếng nước sôi, chuyện gửi quà, chuyện bang giao…
Lão Hách vói tay lấy bó hành hoa đặt trên thớt, tay trái giữ chặt bó hành, tay phải ấn mạnh một đường giao, hơn mười củ hành với tóc tai râu ria lăn long lóc như cuộc xử tập thể cải cách ruộng đất.
Lão nhìn ra ngoài, nghĩ bụng còn phải làm thêm ít ra mươi tô nữa.
Gần bốn giờ, khách tự động ngớt rồi chấm dứt hẳn. Lão Hách cười khẽ. Lão hãnh diện mình có những thực khách khôn ngoan và tự trọng.
Nhưng cái me xừ nhà văn kia thì không tự trọng tí nào. Phong thái ông ta có vẻ cũng ăn uống cầu kỳ đấy, nhưng ông luôn luôn là một thực khách muộn màng!
Gần như thế, từ ngày mở tiệm đến nay, lão nhớ ông nhà văn gần như chỉ được phục vụ đâu với hai phần ba phần công lực vớt vát.
Hôm nay bất giác lão thấy áy náy trong lòng. Nhìn ông nhà văn ngồi khổ hạnh mà ngay ngắn để ăn bát phở cuối cùng của hiệu, lão muốn lân la nói một đôi câu cho lương tâm thảnh thơi nhưng không kịp nữa.
Vợ lão đã dọn cơm ra. Mâm cơm gồm một liễn cơm, một đĩa đậu phụ rán, một bát tương Cự Đà “cụ Chí” và một đĩa cải luộc.
Giữa khi lão theo dõi đôi bàn tay mập trắng của vợ xới cơm ra bát – bàn tay có những ngón mềm với chiếc nhẫn cưới lẫn vào trong htịt – thì có tiếng hỏi:
– Ủa ông chủ, sẵn phở sao không làm luôn một tô mà lại vẽ vời cơm nước?
Lão ngước lên thấy ông nhà văn đang ngó đăm đăm vào mâm cơm đạm bạc, miệng như phà ra mùi mỡ bò. Lão lắng tai nghe sâu trong bếp. Lão tin đến chín mươi chín phần trăm có cô cậu nào vừa làm mẻ một cái tô.
Lão nhìn ông khách, và dường như một ngày mệt ngất đã đủ cho giọng lão đằm xuống, gần với sự hiền hòa, lão nói:
– Từ nào vẫn thế bác ạ, bỏ nước đi mười bốn năm qua chúng tôi nào đã được một bữa phở!
-…!?
– Đành kiếm cơm sống qua ngày.
Như không cho khách chen vào, lão thở dài tiếp ngay:
– Mà bác cứ xem, sang đây quả có thừa mứa đấy, nhưng bánh thì thế kia, thịt thà thế kia, rau rác thế kia, nhất là người, là cảnh thế kia thì thử hỏi làm sao có được tô phở, hưởng được bữa phở cho đúng cái đạo phở?
Ơ hờ tiếp lấy bát cơm từ tay vợ, lão chép miệng:
– Có nhúng tay vào làm mỗi ngày chẳng qua để đỡ nhớ nhà đấy thôi, bác văn sĩ ạ.