main billboard


Biết rằng trong đời người ai cũng một lần vĩnh viễn ra đi!...

tinh phu tu

Bầu trời xám đục, mây hạ thấp và gió hiu hắt lạnh! Từng chiếc lá vàng ướp hơi thu rơi lác đác trên cỏ úa của khoảng sân rộng, trên lối đi tráng nhựa uốn quanh co, và chạy dài một đỗi xa xa.

Mấy ngôi nhà trắng yên tĩnh nằm trơ vơ ở giữa khu đất bao bọc bởi hàng rào sắt quét vôi trắng, có những cây cao cho tàn gie bóng mát. Mái nhà lợp bằng những tấm nhựa dài như những miếng ngói phẳng màu đen. Cửa nẻo bằng gỗ, bằng nhôm được sơn đen, hay cũng được viền màu đen hoặc màu trắng.

Phải, ai cũng thấy mấy ngôi nhà dính chùm nhum vào nhau đó, chỉ có hai màu đen, và trắng thôi. Tất cả nằm im lìm, bất động trong khu vĩnh biệt “Rose Hill” (tên một nghĩa trang của Mỹ)
Ngoài vợ, con, cháu các nơi đều về đủ mặt, còn có họ hàng, và một số quan khách đến chia buồn, phúng điếu người vừa qua đời. Đó là chồng, cha, ông, người thân… của tang quyến.

“Ông LÊ NHƯ HÙNG hưởng thọ 82 tuổi”

Bà Bùi thị Hồng Quế vợ ông Lê Như Hùng năm nay cũng 78. Bởi tuổi tác, và gần hai năm lo buồn chuyện đau ốm của chồng, nên trông bà tiều tụy héo xào đi rất nhiều. Bà như một chiếc bóng, ngồi trên hàng ghế đầu của quan khách viếng thăm, sát bên quan tài của chồng. Thỉnh thoảng bà lấy khăn tay chậm nước mắt!

Biết rằng trong đời người ai cũng một lần vĩnh viễn ra đi! Mấy năm nay ông Hùng lại bịnh, nên ra vào bệnh viện như đi chợ. Và dù trong gia đình, ai cũng đã chuẩn bị tâm lý, vì biết trước ngày nầy sẽ tới. Nhưng ông ra đi! Sự thật quá đắng cay, một mất mát quá lớn trong đời làm vợ của bà. Bởi trong lòng ông bà như chân với tay, dính liền trên một thân thể sau ngày thành hôn. Với bà chồng là chỗ vững chắc nhứt để nương tựa, là niềm vui, là hy vọng, là hạnh phúc để bà lo cho con cái, để bà sống, để bà sinh tồn… Từ khi hai người đã thành vợ chồng, thì cái gì của bà là của ông, và cái gì của ông là của bà. Tất cả hỉ, nộ, ái, ố, mặn, nồng... trên cõi đời nầy họ đều có nhau…

Giờ ông yên bình nằm đó, bao nhiêu khách khứa lui tới viếng thăm, chia buồn… thì có mấy đứa con, dâu... tiếp, chào và cảm tạ người ta. Vì đa số khách đến là bạn bè hoặc đồng nghiệp của các con cháu bà.

Bà Hùng ủ rủ ngồi đó, thỉnh thoảng đứng lên lấy khăn lau lên tấm bán ảnh của chồng đặt trên bàn, đốt thêm giấy tiền vàng bạc, hoặc sửa lại những cây nhang cắm vào bình không ngay thẳng…

Mùi trầm hương, mùi hoa tươi quyện vào nhau tỏa bay làm ấm cả căn phòng lớn. Nằm trong cỗ áo quan dưới những hàng bạch lạp cháy sáng lung linh, mặt mày ông Lê Như Hùng trông hồng hào đầy đặn, bình thản, an nhiên như đang trong giấc ngủ nồng!

“ …………

Người nằm đó yên bình say giấc ngủ

Áo phong sương xin trả lại cho đời

Những sân si, ái ố… kiếp con người

Vào lòng đất không còn chi vướng bận

……………………”

Vợ chồng ông Bùi Văn Phú Lâm, đến dự đám tang từ chiều hôm qua. Sau khi được cháu (con ông bà Hùng) điện thoại báo tin. Ông bà Lâm lật đật thu xếp mọi thứ đến thăm và chia buồn chồng của bà chị họ mình vừa mới qua đời. Dòng họ Bùi của ông chạy vào Nam năm 1954 chỉ được có mấy hộ gia đình, còn bao nhiêu bị kẹt lại ở ngoài miền Bắc. Và sau tháng 4 năm 1975 thì gần như họ hàng kẹt lại hết ở cố quốc. Chỉ gia đình bà chị Bùi Thị Hồng Quế vợ ông Lê Như Hùng và gia đình ông chạy lọt qua đây thôi.

Vào khoảng mười giờ sáng nay. Ánh bình minh đưa những đám mây xám lên cao, và làm lớp sương mù tan biến đi. Tiếng chim líu lo chào buối sáng gọi đàn trên các cây thông cao sừng sững lay động nhẹ cành lá theo gió sớm le the thổi qua.

Trong nhà quàn tiếng cầu kinh của mấy ông thầy chùa và đám đệ tử lúc lên cao giọng, lúc xuống thấp. Họ đọc có vần có điệu nhịp nhàng theo tiếng mõ chuông ngân nga… âm vọng nghe sao mà buồn não nuột! Khiến người thăm viếng không biết gì về người nằm trong áo quan, cũng chạnh lòng thương cảm hiện rõ trên nét mặt, trên đôi mắt nỗi sầu đau hay đỏ mắt rưng rưng dòng lệ…

Khi chiếc quan tài được đưa vào lò thiêu xác. Thì ông bà Lâm cũng ra về vì nhà ở mãi miền Nam, còn đám tang ông anh rể ở miền Bắc. Hai nhà cách xa phải mất hơn 7, 8 giờ lái xe chậm chạp như ông Lâm.

Khác với buổi sáng, thời tiết gần trưa, mặt trời chiếu ánh nắng chói chang. Không gian trong vắt, từng vầng mây trắng lác đác in trời xanh cao vòi vọi. Gió mùa thu vẫn hiu hiu lành lạnh. Cái lạnh không tái tê buốt giá. Nhưng cái lạnh rờn rợn nổi ốc trên da thịt vẫn còn phảng phất.

Khi xe bắc qua để vào xa lộ, thì ông Lâm tăng tốc độ, cho xe chạy vùn vụt thu ngắn con đường về nhà. Trên xe chỉ có hai vợ chồng, bà Lâm trầm ngâm không nói lời nào, nhưng chốc lác lại buông tiếng thở dài. Và mỗi người theo dõi ý nghĩ riêng của mình.

Hồi ức xa xưa chợt quay về, ông Lâm mắt chăm chú nhìn phía trước để lái xe, giọng buồn buồn kể cho vợ ông nghe:

Như bao nhiêu thanh niên ở vào thời loạn thế. Khi nước nhà bị lấn chiếm rồi cai trị của ngoại nhân. Theo tiếng gọi quê hương, ông Lê Như Hùng vào đoàn thanh niên kháng chiến chống Pháp cứu nước. Thuở đó, ông còn trẻ lắm, mười tám tuổi… cưới vợ xong rồi lại đi!

Ông Hùng vẫn giữ trách nhiệm công tác thành từ hồi còn đi học. Cho dù sau nầy đã thóat ly gia đình, nhưng gần như đôi ngày, ông có dịp đều ghé qua thăm nhà. Cho nên bà Hồng Quế lấy chồng mới bốn năm, mà đã có được ba đứa trẻ kháu khỉnh.

Đứa cháu nội đích tôn, là con trai cả của Lê Như Hùng và Bùi Thị Hồng Quế đặt tên Lê Như Hưng. Thằng bé thiệt dễ thương, có vóc dáng cao ráo, nước da trắng, môi đỏ mọng, hiền lành ít nói. Như Hưng là tâm can bửu bối của ông bà, và họ hàng hai bên.

Mười bốn tháng sau đứa con trai thứ nhì của họ tên Lê Như Phúc chào đời. Thằng bé nầy có đôi mắt to, tròn, sáng long lanh. Cháu có khuôn mặt chữ điền, tóc đen, mũi thẳng. Thằng anh điềm đạm ít nói bao nhiêu thì đứa em lúc nào cũng cười vui tích toách, chí chóe, lanh lợi thật dễ thương.

Như Phúc được mười tám tháng thì cô em gái Quế Châu ra đời. Trai có, gái có, cha mẹ ông Như Hùng và cha mẹ bà Hồng Quế vô cùng hạnh phúc, với con một đứa, cháu một bầy.

Trời sanh ra cặp Hùng và Quế là đôi nam tài, nữ mạo. Ông Hùng là một thanh niên có học. Tướng tá cao ráo, khôi vĩ, nước da trắng hồng, ăn nói giòn giã, bặt thiệp, biết người biết ta. Ông Hùng là con trai độc nhứt của một Tham tá đương nhiệm. Giàu sang, có vườn cao su ở nhiều tỉnh trên đất Bắc. Má ông là một phụ nữ tân tiến, theo Tây học. Bà luôn trang phục đầm, biết đánh kiếm, bắn súng… Bà cỡi ngựa đi thăm các vườn cao su của nhà. Ông Hùng đi học có xe đưa xe rước. Có người theo ôm sách vở và đôi khi được cỏng trên lưng.

Ông cưới bà Hồng Quế là con của ông Đốc Phủ Sứ. Cô Quế học trường đầm, nói tiếng Pháp giòn như bắp ran, như bẻ cây. Học chưa tới đâu thì (chưa vào Trung học) thì cha mẹ bắt nghỉ ở nhà để gả cho ông Lê Như Hùng làm dâu nhà Tham Tá.

Hồng Quế là một phụ nữ duyên dáng, người hơi thấp, mắt to, mũi thẳng, nước da trắng. Cô mũm mĩm có duyên, ăn nói nhỏ nhẹ, giọng trầm ấm, dễ thương của cô “Bắc Kỳ nho nhỏ xinh xinh” Hai bên cha mẹ đều giàu, nên Hùng và Hồng Quế không phải lo cái ăn cái mặc. Trong nhà họ tiền hô hậu ủng, còn có tôi tớ lo việc bếp nút và săn sóc, giữ gìn cho mỗi đứa con cho họ…

Năm đó ba của bà Quế bị bạo bịnh qua đời… Bên chồng thấy hoàn cảnh mẹ góa con côi của bà sui và con dâu. Bên sui trai cho vợ chồng cô Quế, về sống bên gia đình nhạc mẫu hui hút, trong hoàn cảnh mẹ cô vừa bị mất mát lớn!

Năm 1954 đất nước chia đôi. Sông Bến Hải là ranh giới của hai miền Nam Bắc. Miền Bắc Việt Nam theo chế độ Cộng sản. Miền Nam theo chánh nghĩa Cộng Hòa tự do. Như bao nhiêu người may mắn khác. Gia đình ông Lê Như Hùng gồm có nhạc mẫu, vợ và ba đứa con chạy loạn vào được miền Nam nước Việt dấu yêu.

“Vạn sự khởi đầu nan” bước đầu họ cũng gặp khó khăn trăm bề. Nhờ bà già vợ gói ghém đem theo được nữ trang, bán ra để độ nhựt cho gia đình. Nhưng ở không ăn riết rồi núi cũng phải lở! Nên vợ chồng ông Hùng phải ra bươn chải mưu sinh.

Khi “Đói rồi đầu gối cũng phải bò” dù bà Hồng Quế từ nhỏ đến khi có ba đứa con, nhưng chưa làm gì động đến móng tay. Bà có đời sống nhung lụa tiền của như một công chúa, giờ đây, bà để con cho mẹ giữ, ra buôn bán kiếm sống ngoài chợ Ông Tạ.

Nhưng bà Quế quen nếp sống của tiểu thơ, không tháo vát, không biết bươn chải nên buôn bán ế ẩm, lại bịnh hoạn liên miên “Gió không ưa, Mưa không chịu” Cho nên nhạc mẫu của ông Hùng ra tay thử thời vận.

Họ sang cái sạp bán hàng vải, tơ lụa trong nhà lồng chợ Bà Chiểu. Sạp tơ lụa “QUẾ HƯƠNG” của má bà Quế chất ngay thẳng những cây quấn hàng lụa nhập cảng, như là: Gấm Thượng Hải, so Thái Lan, soa Y-Ta-Li, nhung, hàng Nhật, soa Pháp, Mỹ A Nam Á, Mỹ A Tân Châu nhuộm mạc nưa, sa ten nhung, sa ten Tây... Hàng thêu tay, thêu nổi, vẽ hoa trên hàng, rô-đê lai quần, trôn và cổ áo… Họ còn bán áo quần may sẵn, giầy, nón của người lớn, trẻ em.

Sạp tơ lụa Quế Hương buôn bán càng ngày càng khá. Nghề dạy nghề, mẹ con bà Hồng Quế mở rộng thêm bán buôn làm ăn. Bằng cách là hàng ngoại quốc về thấy thứ nào phẩm chất tốt, màu mè bông hoa có duyên, bán chạy… Mẹ con bà Quế mua mão hết với giá rẻ. Rồi bán lẻ, hoặc bỏ mối cho các sạp hàng vải ở chợ khác trong thành phố, hoặc ở các chợ tỉnh, chợ quận đến đặt mua hàng.

Nhờ bà nhạc và vợ xông xáo buôn bán. Từ đó gia đình ông Hùng có cuộc sống an ổn, khấm khá, thoải mái hơn. Các con lớn lần lượt đến trường dưới bầu trời miền Nam tự do tươi đẹp đầy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín…Và ông Hùng yên tâm tình nguyện vào quân đội. Đó cũng nhờ người đoàn trưởng của ông năm xưa (ở Bắc) trong kháng chiến chống Pháp hướng dẫn.

Sống ở Chánh thễ Cộng Hòa tự do, ông Hùng sau những năm trau giồi, học hỏi, qua nhiều khóa tu nghiệp trong quân đội. Và kinh nghiệm xông pha ở chiến trường… “Thời thế tạo anh hùng” Sau nầy ông Lê Như Hùng lên đến cấp bậc tá trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Ông có địa vị đó, một phần cũng là nhờ mẹ, và vợ đảm đang chăm sóc trong tình mẹ thương con, bà thương cháu. Gánh nặng gia đình trên vai ông Như Hùng được nhẹ nhàng để ông yên tâm xông xáo ngoài xã hội. Gia đình ông Lê Như Hùng chẳng mấy chốc mà ăn nên làm ra đứng vững ở Sài Thành hoa lệ. Nay họ thật sự đã có nếp sống thật tươm tất, đề huề hơn nhiều người ở trong Nam lâu đời mà ăn không ngồi rồi, không chịu làm lụng.

Thời gian thắm thoát thoi đưa. Thằng con lớn của ông Hùng là Lê Như Hưng, đã học xong phần hai vào binh chủng Hải quân. Đứa con trai kế Lê Như Phúc thi đậu vào trường Y khoa, cô em gái Lê Thị Quế Châu vô trường Luật. Bốn đứa em kế của họ sanh trong Nam cũng lần lượt vào Trung học… Đứa nhỏ nhứt cũng đã lớp cuối Tiểu học.

Đã bao nhiêu năm theo tàu chiến, lênh đênh ngoài biển cả. Có khi ba bốn tháng tàu mới ghé đất liền, Lê Như Hưng mới có dịp về thăm bà, thăm cha mẹ, và các em…

Năm đó tàu anh ghé bến Đồng Tâm (Mỹ Tho) Thành phố Mỹ Tho nhỏ, hiền hòa. Một phần nằm dọc theo đường Trưng Trắc trên bờ sông Bảo Định đi ra hướng Đạo Thạnh, Trung Lương… Một phần bên kia qua Cầu Quây đường vào chùa Vĩnh Tràng, đường xuống chợ Gạo, Hòa Đồng (Gò Công).

Bến Lạc Hồng còn là vườn Hoa Lạc Hồng, nằm trên bờ sông Cửu Long. Có đò đưa khách dạo chơi trên sông ngắm thành phố Mỹ Tho trên sông về đêm. Dòng nước Cửu Long Giang trong xanh lững lờ xuôi chảy. Sóng bủa nhấp nhô rì rầm vào mạn ghe, mạn xuồng, đưa vào bờ nghe lách chách. Xa xa dọc theo cồn có nhiều cây bần in bóng nước. Nhiều đèn đom đóm chớp tắt, chớp tắt… như những bóng đèn màu mắc trên cây thông ở nhà thờ vào mùa Giáng Sinh. Về đêm cồn bần âm u hiền dịu và mơ mộng. Có nhiều ghe chài, ghe lưới tìm bắt thủy sản đỏ ánh đèn cả một vùng rộng lớn, ở cuối đuôi cồn xa. Lác đác trên sông có xuồng câu tôm đậu sát mé bờ, với đèn bão le lói chập chờn trong gió đêm mát rượi.

Những xuồng, ghe đưa khách nhàn du, lững lờ thả trôi trên dòng nước. Ánh trăng vàng phủ lên muôn loài, trải trên mặt nước bàng bạc, nhấp nhánh theo sóng vỗ bập bùng. Tiếng hò đối đáp của các cô lái đò văng vẳng trên sông quyện theo tiếng sóng, tiếng gió vi vu. Tạo thêm phần thanh lịch, thi vị, khi màn đêm xuống cho khách nhàn du.

Ban ngày ở bến đò nơi vườn Hoa Lạc Hồng nhìn qua bên cồn, có nhiều nhà dân cư ngụ ở những nhà sàn cất bên trên mặt nước. Có đò đưa khách sang sông qua bến lưới, bến chài, bến trái cây, vựa cá… Họ bán buôn sầm uất, nằm dọc theo bờ của vàm sông Bảo Định. Đó là một trong ba nơi ồn ào náo nhiệt nhứt thành phố Mỹ Tho là bến xe đò, bến vựa và chợ.

Đối diện vựa cá, bên nầy Cầu Quây (chợ thành) là đường Trưng Trắc có rạp chiếu bóng Định Tường, có các hàng quán giải khát, quán hàng bán những món ăn. Mùi thức ăn vân vê quyến dụ, khiến khách qua đường dù bụng đã cành rồi, mà miệng vẫn cảm thấy thèm ăn!

Rồi Như Hưng đi thăm vườn mận Trung Lương. Chủ vườn trồng toàn mận là mận: Mận kiếng sen, mận hồng đào, mận da người, mận bánh bao, mận trắng. mận xanh, mận đỏ… Dưới trời quang đãng, những cây mận xanh lá bông trắng xóa tỏa hương ngọt ngào. Có cây đã nhú trái mận non. Đến mùa mận chín rộ, chủ vườn thường bán bụng cho khách đến thăm ăn bao nhiêu cũng được… Nhưng khách chỉ ăn một trái cho mỗi cây, cũng không sao ăn hết những cây mận trong vườn mận. Anh còn được đưa thăm chùa Vĩnh Tràng. Đó là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng ở Mỹ Tho và miền Nam.

Trước những cảnh đẹp thiên nhiên hữu tình và người có tình. Sau những chuyến dạo chơi, thăm thắng cảnh trong những lần nghỉ phép. “Tàu về bến, anh hẹn mình dạo phố/ Tay chinh nhân đan năm ngón tay mềm…” khi trở về đơn vị, Hưng luôn nhận được những cánh thư của em gái hậu phương Thiên Hương. Cô nữ sinh trường nữ Trung học Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho) là em gái của Huân, người bạn đồng cấp với Hưng. Quê quán ở Hòa Đồng (Gò Công) Để rồi “Mỹ Tho đi dễ, khó về” là dấu mốc lịch sử của đời chàng lính biển Lê Như Hưng đẹp duyên cùng Nguyễn thị Thiên Hương trong sự vui mừng tiếp nhận thương yêu của cha mẹ, và họ hàng hai bên…

Ông Như Hùng bị thương trong công tác và giải ngũ. Thuở đó mẹ và vợ ông đã sang đi sạp tơ lụa ra buôn bán bự sự hơn. Họ đã có cửa hàng bán xe đạp, xe gắn máy lớn ở đường Trần Hưng Đạo (Sài Gòn). Trong cửa tiệm nhìn thấy mà mê mắt sáng choang với những chiếc xe đạp nhập cảng của đàn bà, xe đòn dông, xe cuộc (xe đua), xe gắn máy: Velosolex, Mobilex… Họ còn mở thêm bên hông sát vách với tiệm bán xe, là tiệm sửa và ráp xe…

Hàng ngày có bốn người, ba thợ chuyên môn, một người phụ việc lặt vặt giúp lấy hàng, đưa hàng... Do vợ chồng ông cai quản về mọi mặt: xuất, nhập, chi thu, tồn kho…

Con trai thứ nhì Như Phúc đã ra bác sĩ đang làm ở Quân y viện Phan Thanh Giản (Cần Thơ). Quế Châu có chồng thương gia xuất nhập cảng tơ lụa giàu nổi tiếng ở Chợ Lớn. Chồng cô cha Tàu lai, mẹ Việt. Và các con nhỏ ông bà Hùng sanh trong Nam sau nầy có đứa vào Đại học và Trung học hết rồi.

Cha mẹ ruột của ông Hùng lúc bấy giờ cũng đang sống ở ngoại quốc. Bởi mấy năm sau ngày gia đình ông chạy vào Nam. Một hôm tin mừng từ phương trời Tây đưa đến. Cha mẹ của ông cho con biết là họ đã được di dân qua nước Pháp…

Trong nhà ông Hùng dĩ nhiên là có người ăn kẻ ở, các con cũng đã lớn đứa còn đi học, đứa đã đi làm. Được rỗi rảnh, thảnh thơi, nếp sống gia đình sung túc, nên bà Quế ra ngoài giao thiệp các bà trong giới thượng lưu vợ ông nầy bà kia…

Khi thì bà theo hội Phụ nữ làm việc thiện nguyện ủy lạo chiến sĩ, đi giúp đỡ cô nhi quả phụ, hay thăm viếng thương bệnh binh… Và bà thường theo chồng đi xã giao, sau khi ông Lê như Hùng giải ngũ, xin vào làm việc ở cơ quan hành chánh bên Hội Đồng Tỉnh bên Gia Định.

Cuộc sống của ông bà Như Hùng êm đềm. Họ không phải âu lo về vật chất và tinh thần như thuở chân ướt, chân ráo khi mới vào Nam. Năm đó ông bà vui mừng có cháu nội trai đích tôn (con của Như Hưng và Thiên Hương), bà nhạc má vợ ông Hùng vui vẻ được lên chức bà cố.

Nhưng ai có thể ngờ, thằng cháu nội chưa được hai tuổi thì cuồng phong nổi dậy cuốn xoáy nhuộm đỏ miền Nam! Nhuộm cả nước Việt nam! Ôi, Cộng sản đến đâu thì gây tang thương, sanh linh đồ thán đến đó. Biết bao nhiêu gia đình ly tán, cửa nhà tan nát… Lớp bôn đào chết trên biển cả, lớp tù tội thê lương! Oán hờn cao ngất trời xanh.

Nhờ Ơn Trên che chở, gia đình ông bà Hùng may mắn, một lần nữa trốn thoát khỏi quê hương bằng ghe, cùng với gia đình chồng cô Quế Châu, và gia đình cô Ngọc Lan (bạn gái của bác sĩ Như Phúc)

Được nhập vào đoàn tỵ nạn do Tàu Mỹ vớt đưa đến đảo Guam. Gia đình ông bà Như Hùng vào Mỹ. Gia đình bên chồng và cô Quế Châu qua Tây Đức. Nhờ họ có người con du học ở đó mấy năm trước. Gia đình cô Ngọc Lan thì được người em của ba cô bảo lãnh vào nước Úc.

Đám cưới cô Ngọc Lan và cậu Như Phúc đơn giản được tổ chức gấp. Để cô Ngọc Lan theo chồng vào Mỹ.

Những người tỵ nạn Cộng sản Việt Nam vào Mỹ hay các nước tự do khác sau tháng 4 năm 1975 thì rõ mọi điều! Đa số họ ra đi với hai bàn tay trắng! Tội nghiệp ông bà Lê Như Hùng. Chạy loạn một lần từ Bắc vô Nam đã khốn khổ trăm chiều. Gầy dựng nên sự nghiệp hết sức vất vả! Thế rồi ba mươi mốt năm (1954-1975) sau, lại một lần nữa trắng đôi tay bôn đào ra xứ người, được vào định cư ở Hoa Kỳ!

Nhạc mẫu ông Hùng năm đó cũng lớn tuổi rồi. Bà xin được tiền già, ở nhà trông nhà cửa, nhắc nhở các cháu học hành, nghỉ ngơi bên con cháu.

Hồng Quế vợ ông Hùng tuy quen nếp sống tiểu thơ nhàn hạ. Nhưng tay làm, hàm mới có mà nhai. Hai vợ chồng ông Lê Như Hùng biết thức thời. Họ quên hết cảnh sống nhung lụa, gấm hoa danh vọng, địa vị, có tiền, có của êm đềm, thoải mái ở quê Nam. Sang xứ người, cả hai vợ chồng ông cũng phải đi tìm việc làm để gầy dựng lại và nuôi mấy đứa con nhỏ học hành. Còn vợ chồng Như Phúc, Như Hưng đều ra ở riêng để bớt gánh nặng cho cha mẹ…

New York, nơi định cư đầu tiên của họ. Về mùa đông nơi đây lạnh lắm, lạnh tê tái tâm hồn. Tiểu bang nầy lại đông người Á Châu, khó tìm công ăn việc làm tốt. Cho nên ở đây một thời gian, cha con ông Hùng bàn với nhau, cùng đùm túm đi nơi khá, tìm đất lành để chim đậu.

Thế nên ở New York chỉ vài năm, thì đại gia đình ông Như Hùng và hai con trai dời hết qua Texas ở thành phố Houston. Tiểu bang Texas nổi tiếng là vùng đất có đồng cỏ bao la, cao bồi cỡi ngựa, có nhiều mỏ quý tạo cho nước Mỹ có thêm tài nguyên để giàu. Texas còn là nơi nổi tiếng nhà rẻ, đồ ăn rẻ, và nhứt là dễ kiếm việc làm hơn nhiều vùng khác trên nước Mỹ. Mặc dầu về mùa hè nắng cháy da phỏng trán, nóng thấu trời, nóng toát mồ hôi mẹ mồ hôi con! Máy lạnh phải chạy rầm rập 24/24 giờ, trong ngày.

Thật sự thời tiết chỉ là việc phụ cho những kẻ mới được định cư vào vùng đất tạm dung nầy. Cái quan trọng là công ăn việc làm. Đi làm có tiền rồi thì tha hồ muốn làm gì làm trên xứ tự do nầy. Không phải người ta thường bảo: “Có tiền mua tiên cũng được” sao? Chỉ miễn sao đừng có làm điều gì phiền người khác, phiền với chính mình và không phạm pháp là quá đủ rồi.

Trời không phụ kẻ có lòng! Đến Texas không bao lâu những người lớn trong gia đình ông Như Hùng đều tìm được việc làm. Mấy đứa con nhỏ đến trường hài hòa, an ổn… Vợ chồng ông Hùng cần cù chịu khó chịu cực, người làm thêm giờ, kẻ làm thêm việc… Chỉ mấy tháng sau, ông bà Như Hùng, và hai đứa con lớn mua xe. Rồi hai, ba năm kẻ trước người sau mua nhà cửa riêng tư ổn định, đề huề… Bốn đứa con ông bà có hai trai, hai gái sanh trong Nam (Việt Nam) sau nầy, giờ có người cũng đã ra trường học nghề nghiệp, được việc làm vững chắc.

Con trai Như Tâm cưới vợ ở Minnesota khi cậu ta ra trường về làm việc ở đó. Con gái Quế Hoa lấy chồng và theo việc làm dời đi Florida. Con gái Quế Hương làm việc và lập gia đình ở Bắc California, nơi thành phố San Jose còn mệnh danh là thung lũng Hoa Vàng. Tiểu ban có đông người Á Châu nhứt nhì, và nhà mắc có tiếng trong các tiểu bang của Mỹ.

Thằng út Như Trung qua Nhật Bản cưới vợ. Họ hàng mới nghe tưởng thằng nầy sướng mớ đời lấy được vợ Nhật! Bởi “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, cưới vợ Nhật” là số một ấy mà! Nhưng thấy vậy chớ không phải vậy đâu! Cô dâu út nầy là con của người bạn đồng liêu của ông Hùng ở Sài Gòn. Ông bạn sang làm việc ở Nhật trước năm 1975. Khi Việt cộng chiếm miền Nam, họ xin tỵ nạn chánh trị ở nước đó luôn.

Ba năm trước đây, mấy gia đình các con trai của ông Hùng vì công ăn việc làm, chúng lần lượt dời về vùng có khí hậu ôn hòa. Đứa thì ở miền Bắc, đứa ở miền Nam, đứa ở San Diego (thuộc California).

Sau tang bà nhạc mẫu (bịnh già qua đời) ông bà Như Hùng cũng dời qua California. Ở San Jose có khí hậu tươi mát, thành phố có đông người Việt Nam. Lọt vúng vùng có dân Việt cư ngụ, thì tưởng chừng chúng ta đi trên phố Chợ Lớn, Sài Gòn ở quê nhà năm xưa...

Giờ đây, ông bà Lê Như Hùng đã nghỉ hưu trí, ở tuổi ngoài 65. Họ ngồi nhìn sự thành công của con cháu hưởng mà hạnh phúc… Theo dòng thời gian “Hoa nở rồi tàn/ Trăng tròn rồi khuyết” Phàm làm người trên thế gian, có ai mà lột da sống đời bao giờ?

Nay ông Hùng ra người thiên cổ! Ông đã tròn bổn phận của người dân đối với quê hương xứ sở, của người con, người chồng, người cha… Ông không hổ thẹn bổn phận và trách nhiệm của mình với chính mình trong gia đình, cũng như ngoài xả hội…

Chiếc xe vẫn bon bon trên xa lộ. Bà Phú Lâm nãy giờ ngồi dựa lưng vào ghế xe, lắng nghe chồng kể chuyện xưa. Ông uống những ngụm nước lọc trong chai, rồi chép miệng thở dài. Sửa lại thế ngồi thẳng hơn, bà Lâm tằng hắng, mỉm cười nhìn chồng, bảo:

- Thiệt dữ thần ôn, tôi làm vợ ông tính đến bây giờ cũng gần năm mươi năm rồi. Hôm nay lần đầu tôi mới nghe ông kể rành rọt về gia đình bà chị họ của ông. Còn chuyện gì ông giấu tôi nữa đây? Hãy khai hết ra đi, biết đâu ông đã có vài đứa con ngoài Bắc cũng không chừng?

Ông Lâm vừa chăm chỉ lái xe, vừa cười mỉm chi cọp vừa trả lời vợ:

- Bà nghĩ sang đâu rồi? Khi vào Nam tôi chưa được 13 tuổi thì con với cái nỗi gì? Thiệt đàn bà đầu óc rất phong phú, nhạy bén nghĩ bậy nghĩ bạ là giỏi số một không ai sánh bằng…

Mặt trời chiều đã ngã bóng về hướng Tây. Nắng trở vàng nhạt, chiếu trên dãy đồi mờ mờ màu xanh xám thấp thoáng xa xa. Mây ửng nắng hoàng hôn chạy những đường dài ngũ sắc: vàng nhạt, xanh lam, tím hồng… rực sáng tua tủa sau dãy núi cao hai bên đường. Những cánh chim xoãi đôi cánh nhịp nhàng từng bầy, từng bầy giăng dọc, giăng ngang bay về tổ.

Bà Lâm thuận tay lột trái quít, gỡ từng múi đưa cho chồng ăn đỡ khát, và đỡ buồn ngủ. Bà cố tình nói để chọc ghẹo, cho chồng tỉnh táo. Bởi xe của họ chỉ được trên nửa chặng đường mới về đến nhà. Bà cười ngất ngất bảo với chồng:

- Ông Bùi Hữu Phú Lâm ôi! Ông nói trúng tim đen, tim hồng, tim chì, tim thau, tim sắt, tim đá, tim cây, tim đồng, tim thép… của vợ ông rồi. Nhưng làm ơn, đừng nói chung là tất cả đàn bà nghe chưa! Mích lòng lắm đó! Ông hãy giữ mồm giữ miệng, đừng quơ đũa cả nắm, coi chừng bị mấy bả đánh bề hội đồng đó!

Hai vợ chồng ông Lâm nhìn nhau cười xòa. Họ nói qua, nói lại và nhắc chuyện nầy đến chuyện kia. Những chuyện trời trăng mây gió không đâu vào đâu. Trong lòng cả hai còn vương vương nỗi buồn tiễn đưa một người thân vừa vĩnh viễn ra đi!

Ông Bùi Hữu Lâm là con người chú ruột của bà Bùi Thị Hồng Quế (họ chung đầu ông nội) Ông Lâm vượt sông Bến Hải vào Nam sau bà Quế gần cả năm. Gia đình ông Lâm lập nghiệp ở Kinh Tư (Rạch Giá). Vào Nam đến tuổi ông vào lính, cũng đã mười mấy năm trong quân ngũ. Khi Việt cộng cướp miền Nam, ông đi học cải tạo gỡ hết 3 cuốn lịch. Lúc ra tù, chưa có chương trình tù chánh trị đi ra nước ngoài theo diện H.O. Gia đình ông Lâm vượt biên theo đường Cà Mau… Lăn lóc ở trại tỵ nạn cũng gần 2 năm. Sau đó được qua được mước Mỹ, và sống ở Nam California cho đến nay.

Gia đình ông Lâm vào Mỹ lỡ chợ, chợ lỡ quê ở tuổi học hành cho mấy đứa con lớn. Nên ông bà, và ba đứa con phải đi làm. Chịu khó chịu cực, không bao lâu họ mua nhà cửa đề huề. Mấy đứa con lớn đã dựng vợ, gả chồng ở riêng. Mấy đứa nhỏ nay cũng đã ra trường giờ có đứa kỹ sư, luật sư, có đứa ngành thương mại ăn nên làm ra ông bà không phải lo cho chúng nữa.

Sau khi ông Lê Như Hùng qua đời. Biết mẹ buồn đau, nên các con bà Quế hay đưa mẹ đi đây đi đó, thăm viếng họ hàng, con cháu ở xa để cho bà khuây khỏa. Các con bà Quế đứa lớn giờ cũng ngoài sáu mươi, đứa nhỏ nhứt giờ cũng ngoài bốn mươi tuổi rồi.

Gàn một năm sau ngày chồng chết, bà Quế hôm đó cảm thấy khỏe. Nên một mình bà đi xe đò Hoàng xuống Nam California. Bà muốn thăm gia đình ông Lâm, và ở lại chơi mười bữa nửa tháng với vợ chồng người em họ nầy.

Ở miền Bắc California (San Jose) đông người Việt, nhưng nếu các thứ đem so sánh, thì Nam California vẫn rẻ hơn về mọi thứ… nhứt là về ăn uống thì ở Nam California rẻ, và ngon trội hơn ở Bắc California nhiều.

Trên chiếc ghế dựa bọc da kê ngoài hiên, bà Quế ngồi hóng mát. Cạnh chiếc bàn thấp có một dĩa lớn nhiều loại bánh, trái để ăn vặt, như là: bánh bò làm bằng đường cát trắng, bánh ít lá gai, bánh bong lan ăn uống nước trà. Một rổ trẹt bự có vài thứ trái cây, như quít đường, nhãn Haiwai, chôm chôm ở Florida… Bà Hồng Quế mỉm cười, cảm động: “Cô em dâu người Nam nầy thật tế nhị và chu đáo, mua lũ khũ các thứ để bà ăn khi buồn miệng. Nhưng già rồi, bà ăn uống được bao nhiêu…”

Nhà ông Lâm nhìn ra thấy biển. Cho nên khí hậu rất dễ chịu ở bốn mùa. Hôm nay nước biển trong xanh, gió yên sóng lặng, đã gợi bà nhớ đến lúc ông chồng còn đương thời, ở quê nhà bán buôn sung túc...

Để trốn cái nóng oi bức mùa hè ở Sài Gòn. Chiều thứ sáu chồng bà thường chở cả gia đình ra Vũng Tàu tắm biển, ăn tôm cá tươi và hít thở không khí trong lành!

Khi màn đêm buông xuống, phố xá Vũng Tàu lên đèn, nhưng ánh đèn điện sẽ vàng úa lu mờ dưới trăng trong sáng tỏ thanh khiết. Biển về đêm khi gió yên sóng lặng thật u nhã, huyền dịu. Những làn sóng nhấp nhô như tấm lụa được rắc kim tuyến lóng lánh vàng dưới ánh trăng trải dài trên mặt nước biển bao la bát ngát.

Ngoài khơi xa lấp ló những ngọn hải đăng treo trên cột trụ cao. Gió biển mát rượi, hòa mùi đất phù sa, mùi thủy sản, rong biển… vi vu thổi vào lay động mấy cây dương liễu trong hàng rào đá của những nhà tư nhân, khách sạn, nhà hàng dọc theo bờ biển… Những cặp tình nhân tay trong tay, những người đi ngắm biển rải rác thấp thoáng xa xa…

Có năm ông đưa bà đi Đà-Lạt trong mùa Giáng sinh. Đà Lạt ngàn thông, có hồ Than Thở cái tên vừa lãng mạn vừa trữ tình, thác Cam-Ly… có trường Võ Bị, có trường Chính Trị Kinh Doanh… Ở Đà Lạt có một phong cảnh, sắc thái riêng biệt mà Nam Kỳ Lục Tỉnh không thể có. Như cái lạnh man mác vào mùa đông, cái nắng về mùa hè ưu đãi cho làn da trẻ con và phụ nữ thật mịn màng hồng thắm... Mà ở Sài Gòn bắt gặp trên đường phố phụ nữ trẻ em có làn da mỏng, tươi mát, hồng thắm… thì ai cũng biết những người đó mới từ Đà-Lạt vào.

Cũng có lúc vợ chồng bà đi về miền Hậu Giang, qua bắc Mỹ Thuận. Đây là một trong những bến đò chạy qua dòng sông lớn nhứt nhì Việt Nam. Đưa xe cộ, hành khách sang sông qua lại những tỉnh, thành phố ở hai miền Tiền Giang và Hậu giang. Bắc Mỹ Thuận nằm sát bờ dòng Cửu Long, và gần đồng Tháp Mười. Các sông ngòi, kinh rạch có nước ngọt bốn mùa, khí hậu ôn hòa nên cho nhiều thủy sản, gia súc, trái cây ngon ngọt nổi tiếng vùng châu thổ.

Ai từng qua bắc Mỹ Thuận mà không một lần ghé quán ăn: chim ốc cao, chim vỏ vẻ, gà nước, vịt trời quay, rô-ti nước dừa xiêm. Hoặc ăn cơm với tôm càng xanh lột vỏ rim mặn, canh chua nấu với cá bông lau, bông điên điển xào thịt ba chỉ… Người ta còn mua về làm quà cho người thân, cho bạn bè, những giỏ mận hồng đào chín đỏ mọng. Những trái ổi xá lị u nần nhưng vỏ xanh non nhẩn, cơm trắng mịn màng, khi cắn giòn khưu khứu có vị ngọt chua mát lịm! bòn bon, mãng cầu dai, chôm chôm, nhãn…

Có khi trên đường về, ông bà ghé bến Trung Lương mua kẹo chuối. Gọi ly nước mía vàng đùn bọt trắng trên mặt. Nước mía ép với trái hạnh, uống tới đâu nghe mát lạnh và thơm tho tới đó. Hoặc dừng lại mua khóm Bến Lức, trái tuy nhỏ không bằng thơm Tây lớn trái, nhiều nước. Nhưng khóm Bến Lức thịt vàng, nước ngọt lịm, giòn ăn luôn cả cùi… Qua cửa kiếng xe, trẻ con bán hột vịt lộn vùi trong thúng trấu còn ấm, nước đá bào, nước đá nhận… Chúng rao mời lanh lảnh: “Lộn thầy, lộn cô… Đá thầy, đá cô…” Nhớ đến đó bà Quế không khỏi bật cười thành tiếng.

Thời gian ông làm việc, bà cũng thường đi xã giao với chồng. Tháng nào bà cũng may áo dài tay phùng, tay ráp-lăn, cổ hở, cổ cao, cổ vuông, cổ tròn… Bằng gấm, muốt-sơ-lin, nhung… đủ màu, đủ sắc, có thêu hoa, kết cườm… Còn nữ trang thì bà phải đeo đủ bộ. Nếu như cẩm thạch thì gồm có: bông, cà rá, dây chuyền lắc đều nạm ngọc bích. Nếu là ngọc trai, mã não, hồng thạch, vàng 18K… cũng phải đeo trọn một bộ cho đúng “mốt”. Như vậy mới sang, mới đẹp, mới hợp thời trang sánh với các bà trang lứa, cùng thời.

Bà Quế nghĩ đến đó chép miệng thở dài! Thắ rồi ách nước, cơ trời, quê hương bà rơi vào tay giặc! Để gia đình bà phải một lần nữa, bỏ nước chạy thục mạng đi làm thân chùm gởi xứ người xa quá là xa, xa hơn nửa vòng trái đất!

Bà nhớ rất rõ, nhớ những năm đầu mới đến chốn tạm dung. Bà xin những quần áo cũ ở các hội thiện nguyện trong làng về cho gia đình. Cho kẻ đi làm cu-li như vợ chồng bà mặc, và các con mặc đi học…

Bà cũng mua đồ dùng trong nhà, khi thì áo quần… bán ở gara-sale nhà người ta trên đường đi làm về, hoặc những ngày cuối tuần đi tìm kiếm mua. Đồ cũ của người, nhưng còn tốt, rẻ mà mới với mình… Với gia đình sáu bảy người ăn mà chỉ hai vợ chồng bà làm với số lương thấp nhứt của kẻ mới bắt đầu vào việc... thì không sao không tằn tiện chắc mót cho được.

Trong những năm đầu vùng đất tạm dung New York, rồi Texas. Gia đình nhứt là các con nhỏ của bà, muốn hòa đồng vào cuộc sống của dân bản xứ, mà không bị đồng hóa, không phải là một việc dễ dàng!

Nhớ đến đâu, bà Hồng Quế cảm thấy buồn thương, nuối tiếc đến đó! Bà nhẹ thở dài, không ngăn được dòng nước mắt chảy xuống đôi gò má nhăn nheo hốc hác của bà! Bà Hồng Quế cũng biết, thường cha mẹ có một người qua đời, thì các con sẽ dồn tình thương cho người còn lại. Nhưng các con bà không biết vô tình hay cố ý đã làm những việc khiến bà hết sức buồn bã và tủi thân một mình!

Bà Quế nghĩ ngợi: “Chẳng lẽ tuổi già đã làm mình lú lẫn, rồi suy nghĩ sa đà mà buồn về các con chăng?” Không, bà vẫn nhớ, nhớ rất rõ ràng mà!

Số là trước ngày ông bà dọn về Bắc California đã bán đi căn nhà. Sau khi thanh toán mọi khoản chi phí, di chuyển, linh tinh … Ông bà mua được cái nhà nhỏ, ở khu bình dân, hơi xa thành phố một chút nhưng yên ổn và rất hợp cho hai vợ chồng nghỉ hưu.

Ông bà còn có một số nữ trang, và một số tiền để dành mấy năm (Sau khi các con của ông bà đi làm không còn cần cha mẹ giúp đỡ nữa) Tất cả, tất cả những gì ông bà đang có hay nói khác đi là ông để lại là tiền mồ hôi nước mắt của hai vợ chồng bà làm ra. Ngoài nuôi con ăn học, họ chắt chiu dành dụm giờ đây mới có. Chớ tiền đó không phải của con cái cho, trên trời rơi xuống, hay dưới lỗ nẻ chun lên…

Về California, số tiền mặt và tư trang của ông bà đem giao hết cho đứa con gái Quế Hương để hùn vốn với nó làm ăn (mua bất động sản). Tiền hưu trí 65 tuổi của ông bà mỗi tháng dùng không hết… Còn bảo hiểm sức khỏe thì chánh phủ lo, không phải tốn kém nhiều.

Con cái đứa nào ông bà cũng thương như nhau, lo lường cho chúng như nhau. Những đứa con do bà chín tháng cưu mang nặng nề, đẻ đau! Mỗi đứa con là mỗi khúc ruột của bà cắt ra. Thì làm sao có cảnh nhứt bên trọng, nhứt bên khinh, hay thương đứa nầy không thương đứa kia được!

Năm rồi vào ngày lễ Tạ ơn. Các con, dâu, rể, cháu của ông bà về đủ không thiếu một đứa nào. Sau khi gia đình ăn bữa cơm đoàn tựu vui vẻ. Ông chồng (lúc còn sanh thời) bà bảo chung với các con rằng:

- Ba già rồi, nay đau may yếu gần đất xa trời! Ngày đó sẽ đến không xa lắm đâu. Qua bao nhiêu vật đổi sao dời, ba má đã hoạn dưỡng bảy đứa con nên người. Giờ ba má có cả thảy mười bốn đứa con vừa rể vừa dâu, hai mươi đứa cháu nội cháu ngoại, và chắt (cháu cố) được ba đứa… Đó là nhờ Ơn Trên hộ độ và là cái phước đức của gia đình mình. Trước mặt các con, ba nói rõ. Là ba má chưa bao giờ xin đứa con nào một khoản tiền nhỏ đi chợ búa để ăn, hoặc để mua sắm trong nhà, cái bàn, cái ghế, cái truyền hình… Thì đừng nói chi xin tiền các con để mua xe, mua nhà cửa…

Ông dừng lại nhìn từng đứa con một, nghẹn ngào nói tiếp:

- Trước khi qua đời, ba có việc lo nhứt là mẹ các con! Bà sung sướng từ thuở bé, khi về làm vợ ba, làm mẹ các con bà cũng chưa ngày nào buồn khổ, hay cực nhọc trong sinh kế gia đình. Ba chỉ mong và xin với các con một điều duy nhứt: “Ngày nào ba đi rồi, các con phải lo cho mẹ, hiếu thảo với mẹ…”

Ông Hùng chồng bà qua đời chưa được một năm. Các con muốn đưa mẹ vào nhà dưỡng lão! Bà Hồng Quế nghĩ mình chưa lẫn lộn! Bà còn biết và nhớ nhiều thứ. Bà còn lái xe gần được, còn đi chợ, còn tự nấu ăn, và tự săn sóc cho mình…

Nhưng tại làm sao các con đều muốn cho bà vào nhà dưỡng lão? À, bà nhớ ra rồi! Trong những đứa con, đứa con gái Quế Hương giữ hết của cải ông bà. Nói là làm ăn chung, nhưng trên giấy tờ chỉ có mình nó đứng tên! Tiền trong ngân hàng của ông bà có tên nó. Nay ông chết rồi, bây giờ chỉ có nó và bà dùng được thôi… Nhưng khi bà muốn dùng việc gì cũng phải hỏi nó… Cả tiền hưu trí hàng tháng của bà giờ đây nó cũng giữ! Và đứa con gái nầy không hài lòng bất cứ khoản chi tiêu nào của bà. Như là cho mấy đứa cháu nội, cháu ngoại bà, cũng là con anh chị em nó. Trong dịp sinh nhựt, Tết, mừng ra trường… Dù tiền đó là của bà chớ không phải của nó!

Bà Quế cảm thấy cô đơn! Bà cầm cái khăn, nhẹ chậm những giọt lệ long lanh rơi xuống má. Bà thấy da tay mình giùn và đã trổ đồi mồi có chỗ nâu sậm, có chỗ lợt. Bà lẩm bẩm: “Thật sự mình đã già rồi!” Nhưng bà vẫn còn minh mẫn, trí nhớ rất rõ. Sau khi ông qua đời, đứa con gái nầy tự dọn gia đình về ở với bà. Nó bảo là để cho bà bớt tẻ lạnh, tối lửa tắt đèn, bất ngờ đau yếu sẽ có người lo. Nghe con nói bà hết sức ấm lòng. Nhưng chén trong sống còn khua, chung đụng lâu ngày cũng có chuyện! Vì tuổi bà già, lớp cháu con nó thì quá trẻ. Có lẽ là lỗi ở bà! Bởi đôi khi bà rầy la việc các cháu đàn đúm với bạn bè, trong nếp sống tự do quá trớn… Mẹ (con gái bà) binh con! Còn mấy đứa nhỏ (cháu ngoại bà) thì bảo bà dọn đến nhà các cậu, dì khác ở đi…

Bà Quế biết các con đứa nào cũng thương bà lắm! Nhưng không đứa con nào chịu chứa mẹ, tại sao vậy? Có phải vì tiền bạc của cải bà đã giao hết cho đứa con gái nầy… Nên mấy đứa kia bảo đứa con gái giữ tiền của bà, thì phải chăm lo cho bà… Trong khi tâm trí bà còn minh mẫn, chưa lẫn lộn, và còn tự mình vệ sinh, tắm rửa, đi lại trong nhà được... chỉ chân tay hơi yếu thôi! Khi biết các con đề nghị bà vào dưỡng lão sống cho đến cuối đời! Bà Hồng Quế thở dài, lòng buồn áo não! Sợ gia đình các con không vui, nên từ đứa lớn đến đứa nhỏ, bà không than phiền lấy nửa lời!

Các con bà đã quên, quên cha mẹ đã chăm lo cho bảy anh em chúng nó nên người! Giờ chỉ có bà già mỗi ngày ăn chưa hết chén cơm mà không chăm lo nổi! Nhưng là mẹ mà, làm sao oán trách con cho đành lòng! Bà Quể chỉ cảm thấy buồn, tội nghiệp và thương các con mình nhiều hơn. Dầu gì đi nữa bà cũng là người già yếu, các con làm sao để mẹ ở nhà một mình mà yên lòng đi làm cho được! Nên đâu phải chúng không thương yêu hay không lo cho mình! Nghĩ đến đó bà cảm thấy cõi lòng ấm mát và được an ủi...

Đôi mắt đượm ưu tư, bà Quế nhìn trời bầu cao rộng, hôm nay trong vắt và xanh như ngọc. Ánh nắng long lanh soi sáng khắp nơi… nhẹ phản chiếu những vầng mây trắng đợm sắc hồng, tím, lam… rải rác trên trời xa bay lang thang về phương trời vô định. Bà nghe tiếng sóng vỗ rì rào từ biển vọng đến, hòa cùng tiếng gió vi vu đưa những cành thông reo êm đềm quanh nhà. Bà Hồng Quế chợt cảm thấy tâm hồn minh lâng lâng, nhẹ nhàng thanh thản! Bà nắm chặt lấy tay chồng khi nghe tiếng khe khẽ gọi của ông…

Đầu bà Quế ngoẻo sang một bên như đang say giấc ngủ nồng! Tay buông thõng, chiếc khăn lụa màu lam nhạt còn thấm nước mắt rơi xuống, và cơn gió vô tình hững hờ cuốn bay đi… Trên trần thế các con của ông bà Lê Như Hùng đã mất cha, hôm nay mẹ cũng đã vĩnh viễn ra đi!