Hắn giật mình trở về với hiện tại khi một bà mẹ đặt một đứa bé vào lòng hắn. Hắn gật gật cái đầu chào nó thay vì nói “Hô… Hô… Hô…” mà không kềm được một tiếng thở dài chợt nhè nhẹ thoát ra khỏi miệng mình.
1.
Hôm nay, thứ Bảy, ngày đầu tiên hắn đi làm nghề ông già Nô-en ảo. Ngồi chờ đến phiên mình trong phòng thay đồ, hắn ngao ngán nhìn bộ trang phục màu đỏ viền trắng hắn đang mặc, cảm thấy đời mình đã tuột dốc thật thê thảm. Cái nghề làm theo mùa này chỉ thu hút được quý cụ đã về hưu có dư thời giờ, thích làm công việc vừa có lương vừa có những giây phút gần gũi, vui vẻ với thế hệ cháu chắt của mình. Vậy mà tốt số lắm hắn mới được nhận làm công việc ấy, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn thời trung học nay làm sếp dịch vụ nhiếp ảnh Santa Claus của một khu thương mãi gần nhà. Hắn thay thế một cụ chẳng may bị cúm nặng, phải nằm nhà thương. Kinh tế suy thoái, việc làm khan hiếm, trong khi hắn thì đang cần tiền để sống qua ngày. Nhận được nghề ảo này âu cũng là cái may cho hắn.
Công việc của hắn rất đơn giản, lương cũng khiêm tốn. Tuy nhiên hôm qua người bạn cũng đã cẩn thận hướng dẫn hắn mặc bộ đồ Săn-ta, hóa trang khuôn mặt, chỉ dẫn điệu bộ, cung cách của một Săn-ta, và bảo hắn phải làm gì, nói gì với khách hàng là những cô bé, chú bé tí hon. Xong, anh chàng còn yêu cầu hắn đứng bên góc, quan sát một Săn-ta đang hành nghề ít nhất nửa tiếng đồng hồ để học hỏi.
Khéo bày chuyện! Có gì lạ đâu, khi hắn còn bé cha mẹ hắn đã từng đưa anh em hắn đi chụp ảnh với Săn-ta mỗi mùa Giáng Sinh. Như một cái máy, Săn-ta nào mà không đưa hai tay “Hô… Hô… Hô…” cười chào đón mỗi bé, ôm bé vào lòng, hỏi bé có ngoan không, bé muốn quà gì, chăm chú nghe bé nói, khuyên bé một câu… rồi Săn-ta nhìn ống kính tươi cười khi nhiếp ảnh viên bấm máy. Xong bé này, đến bé khác. Ảo, tất cả là ảo. Săn-ta ảo, những lời bé tin là ảo. Biết thế, nhưng tại sao thiên hạ cứ tiếp tục cho các bé sống trong thiên đường không có thật? Cho đến bao giờ? Hắn càu nhàu trong miệng.
Sáng nay hắn để đồng hồ báo thức vào lúc sáu giờ sáng, một thói quen lâu lắm rồi hắn đã bỏ quên. Hắn phải thức sớm để sửa soạn vì hôm qua hắn nhận điều kiện: muốn được việc làm hắn phải cắt tóc, cạo râu cho gọn gàng, người ngợm phải sạch sẽ, thơm tho. Bước vào nhà tắm, hắn cảm thấy bực bội – điều kiện… điều kiện… Tại sao ai cũng đặt điều kiện với hắn, kể cả cha mẹ hắn? Trút bỏ bộ đồ mặc từ ngày hôm qua, hắn đứng trần truồng trước gương, giật mình khi thấy một kẻ xa lạ. Hắn không nhìn ra chính mình cũng phải, vì đã từ lâu lắm hắn chẳng màng đến bản thân, nói chi đến chuyện soi gương.
Trong gương là một con người phì nộn, ngực chảy xệ, mỡ lùng nhùng bao quanh thân mình với cái bụng quá khổ. Nhìn xuống, hắn không thấy chút gì là vóc dáng của cái bản-lãnh-đàn-ông. Ngước mắt lên, hắn nhận ra một gã lưu linh tóc bù xù dài đến vai, râu quai nón, râu mép, râu càm phủ gần hết khuôn mặt. Ðầu óc quay cuồng, hắn ngồi bẹp xuống sàn nhà tắm, quơ tay lấy cái quần, móc trong túi ra chiếc bóp. Mở bóp, hắn nhìn trân trân vào tấm ảnh một cầu thủ đá banh trong tư thế một chân quỳ, một chân co gối ngang bụng, tay ôm trái banh bầu dục, cạnh bàn chân là chiếc nón sắt. Cầu thủ ấy mặc bộ đồng phục của đội banh trường trung học Eastview – quần trắng, áo xanh đậm mang số 36.
2.
Tấm ảnh đẩy tâm tư hắn lùi xa về một quá khứ thật huy hoàng. Vâng, số 36 là hắn, hắn của hơn bốn năm về trước – một cầu thủ, một ngôi sao sáng chói đã nhiều lần làm bàn cho đội banh nhà trường, được biết bao nhiêu khán giả ngưỡng mộ, biết bao nhiêu cô học sinh mơ ước được hắn để ý tới, và một số đã ngả vào vòng tay của hắn. Khi ấy đời hắn chỉ có đá banh; học hành là chuyện bên lề, bồ bịch mà không có quan hệ tình dục là lãng phí thời giờ. Cha mẹ hắn hãnh diện, khuyến khích hắn chơi banh. Nhờ luôn nỗ lực cố gắng, khi xong trung học hắn nhận phần thưởng rất tương xứng với công lao của mình. Ðó là được chọn làm cầu thủ đội banh của trường đại học X, một trong những trường tốp-ten [Top 10] đào tạo kỹ sư của Hoa Kỳ, song song với học bổng toàn phần bốn năm. Tuy nhiên, danh tiếng tốp-ten không phải là điều hắn quan tâm. Học bổng chỉ là việc “có còn hơn không”. Cha mẹ hắn dư ăn dư mặc, hắn không cần phải lo âu đến học phí cho bốn năm đại học. Ðối với hắn, làm cầu thủ của trường đại học mới quan trọng, vì đó là một dịp may duy nhất trong đời để hắn có thể trổ tài, được chọn vào một đội banh chuyên nghiệp. Khi ấy, với tiền tài và danh vọng, hắn mới thật sự thành công, đời hắn mới có ý nghĩa hơn.
Phải đến cuối mùa tranh giải của năm thứ hai đại học hắn mới thấm đòn, mới nhận ra việc tranh đua vào các đội bóng chuyên nghiệp gay go gấp trăm lần so với các cuộc tỉ thí thể thao ở trường học. Không còn nhiều thời gian nữa, mà hắn vẫn chưa có dịp may làm bàn nào thật ngoạn mục. Các tay bình luận thể thao chưa hề nói đến tên tuổi của hắn một cách đứng đắn. Hắn nhất quyết phải thành công, bằng mọi giá. Và, hắn đã chơi thuốc steroid. Hắn khôn ngoan, chỉ dùng thuốc sau lần kiểm tra thường niên, hy vọng không phải qua các cuộc kiểm tra “đột xuất”, và ngưng dùng ngay khi xong mùa bóng. Vào năm thứ ba đại học hắn chơi banh trội hơn, được chọn vào đội “tấn công” [offense]. Năm cuối đại học, kết quả như sự mong muốn của hắn. Nhờ steroid trợ giúp, cộng với sự luyện tập cật lực, hắn không thấy cái gì có thể cản trở bước chân của hắn mỗi lần hắn nhanh nhẹn bắt banh, mang thắng lợi về cho đội nhà. Và, các tay bình luận bắt đầu chú ý đến hắn. Steroid mang thành công đến cho hắn nhưng không phải vô điều kiện. Ngoài lợi ích về sức khỏe dẻo dai, nở nang cơ bắp, hắn nhận ra vài biến dạng trên cơ thể, song hắn bỏ qua vì tin lời gã bán thuốc lậu nói rằng tình trạng sẽ phục hồi sau khi hắn ngưng dùng thuốc. Vả lại, phóng lao thì phải theo lao; hắn phải được chọn vào một đội banh chuyên nghiệp! Hắn không còn cách nào khác. Tuy nhiên, Trời luôn dành cho con người nhiều sự bất ngờ. Những thành tích bất thường của hắn làm nhà trường để ý, buộc hắn phải qua cuộc thử nghiệm. Và hắn bị lật tẩy. Nhà trường đuổi hắn ra khỏi đội banh, nhưng vẫn thương tình cho hắn tiếp tục nhận học bổng đến cuối niên học. Cũng may cho hắn, báo chí chỉ đăng một bản tin nhỏ về tai tiếng này. Hắn nghĩ nhà trường đã thương lượng cùng giới truyền thông vì sự việc có thể gây một ảnh hưởng xấu cho thanh danh của họ.
Không còn cơ hội để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, hắn trở nên chán chường, muốn bỏ dở tất cả. Song kịp nghĩ lại, với mảnh bằng cử nhân thể dục thể thao và danh tiếng thời trung học, hắn có thể xin làm huấn luyện viên để tiếp tục nghiệp đá bóng. Ðời hắn là sân đá bóng, là tiếng vỗ tay, tiếng la hét cổ vũ, tán thưởng của khán giả! Viễn ảnh này giúp hắn nhẫn nhục ở lại trường cho đến cuối niên khóa.
Ra trường, hắn trở về nhà cha mẹ, hăng hái nộp đơn xin làm huấn luyện viên thể thao tại trường cũ và được tiếp nhận với nhiệt tình. Hắn hãnh diện mình vẫn là ngôi sao sáng. Tuy nhiên, sau khi tra cứu hồ sơ học bạ cùng những chứng nhận về khả năng và tư cách của hắn, nhà trường khám phá ra sự lợi dụng steroid nên bác đơn của hắn. Hắn tiếp tục xin việc làm ở các trường khác, kể cả việc tình nguyện, không lương, miễn là có dính líu đến đá bóng để có cơ may trở thành nhân viên thực thụ, nhưng nơi nào cũng từ chối, cùng một lý do. Không một cơ quan giáo dục nào muốn có chút liên hệ gì đến một kẻ đã từng dùng hóa chất.
Cảm thấy xã hội đã quay lưng, không cho hắn một dịp may để làm lại cuộc đời, hắn trở thành một kẻ chán đời. Hắn không giao thiệp với ai, suốt ngày nằm lì trong phòng, xem ti-vi và ăn uống, không màng đến kế sinh nhai. Cha mẹ hắn lại không chịu hiểu, bảo hắn đi bác sĩ tâm lý, điều mà theo lối suy nghĩ của hắn, một người đàn ông, hơn nữa là một cầu thủ, không thể chấp nhận. Ðó là một giải pháp dành cho nữ giới. Cha mẹ hắn cắn đắng, đổ lỗi cho nhau; gia đình như địa ngục. Cuối cùng, có lẽ ông bà hết chịu đựng nổi nên ra điều kiện: hắn chỉ có thể tiếp tục ở cùng gia đình nếu hắn chịu gặp bác sĩ tâm lý, bằng không hắn phải rời nhà với cấp dưỡng cuối cùng là một tháng tiền ăn, ba tháng tiền mướn căn phòng chung cư; sau đó hắn phải tự bươn chải. Hắn không bao giờ tin mình tệ đến nỗi phải nhờ bọn lang băm tâm lý. Lòng tự ái bị xúc phạm, hắn dọn ra riêng.
3.
“Chuẩn bị! Năm phút nữa.”
Anh sếp vén màn ló mặt vào, thông báo sắp đến phiên hắn làm Săn-ta. Hắn uể oải đứng lên, bước đến tấm màn, vạch một khoảng nhỏ, quan sát hiện tình bên ngoài. Khu chụp ảnh nằm ở một góc hơi hẻo trong khu thương mãi nên không mấy nhộn nhịp, ngoại trừ đám con nít đang nô đùa, vô tư. Dịch vụ chụp ảnh khá tinh đời, cung cấp nhiều đồ chơi cho trẻ bận rộn ở một nơi, kế bên là bàn ghế cho cha mẹ ngồi thư thả, uống cà-phê, trò chuyện chờ đến phiên con mình chụp ảnh. Chả bù ngày xưa cha mẹ hắn phải sắp hàng, có khi cả giờ đồng hồ, chịu đựng anh em hắn chạy chỗ này, nơi nọ, khóc lóc đòi mua kẹo, đồ chơi, uống nước ngọt, muốn đi vệ sinh…
Hắn thoáng cảm thấy thương cha mẹ đã nuôi hắn cho đến tuổi trưởng thành, lại phải chịu đựng hắn nằm lì ở nhà trong suốt năm qua. Hắn đảo mắt về đám người lớn đang ngồi chờ, lòng hối hận, muốn nhìn lại hình ảnh cha mẹ hắn ngày xưa. Ừ, ngày đó cha mẹ hắn cũng trẻ như vậy, mỗi mùa Giáng Sinh đều dẫn anh em hắn đi chụp hình với Săn-ta. Ðể làm gì? Ðể in ra gửi cho cha mẹ, khoe cùng bà con trong dịp lễ, hay là để ghi lại những kỷ niệm thời niên thiếu của con mình, hoặc là muốn chúng luôn sống trong tuổi vô tư, hạnh phúc… Mắt hắn dừng lại một cặp vợ chồng hình như hắn đã gặp đâu đó. Hắn cố moi óc nhớ lại… Ðúng rồi, đúng là nàng và… cái… cái “thằng cù lần”. Tâm tư hắn, một lần nữa, lại trở về với cái thời huy hoàng của ngày tháng qua.
4.
Ðúng, hắn còn gọi thời gian ấy là những ngày tháng vàng son. Khóa mùa Xuân năm cuối trung học, học hành, thi cử coi như xong, hắn cùng đám bạn thân chỉ biết lo bàn đến buổi tiệc bỏ túi của bọn hắn, sau buổi dạ vũ prom của nhà trường. Lẽ dĩ nhiên buổi tiệc này phải vui, phải nhộn, nhưng bọn hắn muốn nó phải đặc biệt, để đời. Bọn hắn mướn hai phòng kế bên nhau trong một khách sạn, có cửa thông thương, một bên để ăn nhậu, hút xách, nhảy nhót, bên kia để thay phiên dùng trong việc hành lạc. Lúc ấy, hắn không có cô nào là bồ ruột vì chính hắn không muốn mất thời giờ với chuyện yêu đương. Cô nào thích thì hắn đến, vài ngày, vài tuần rồi chia tay. Vả lại, hắn sắp đi học xa, chơi banh cho trường đại học X, hơi đâu bận rộn với chuyện “tào lao”, “bao đồng” này.
Bàn đến chuyện mời bồ tham dự tiệc bỏ túi, một thằng bạn trong bọn lưu ý hắn về nàng. Dưới cặp mắt của hắn, nàng không được đẹp lắm, nhưng thân hình khá quyến rũ trong lúc múa máy với mái tóc dài, vàng óng ánh, bộ ngực hơi đẫy đà, eo thon, cặp chân dài. Nàng ở trong toán múa cổ vũ của đội banh nhà trường, học sau hắn một lớp, cùng khóa với cô em của hắn. Tên bạn bảo rằng nàng đã có bồ, nhưng chưa là “ruột” vì nàng rất “chịu đèn” hắn, chắc chắn sẽ nhận lời nếu được hắn mời tham dự buổi tiệc bỏ túi. Lúc đầu hắn do dự vì thấy nàng có vẻ thông minh, thích việc sách đèn hơn chuyện ăn chơi. Nếu nàng từ chối lời mời của hắn thì thật là bẽ mặt. Tuy nhiên, sau khi biết anh chàng đang theo đuổi nàng là “thằng cù lần”, hắn nhất quyết ra tay.
Trong truyện Sherlock Holmes, hai thám tử Gregson và Lestrade ghen tị nhau như một cặp gái lầu xanh. Ở trường Eastwiew, hắn và “thằng cù lần” ghét nhau ra mặt. Nó học giỏi nhất trường, hắn chơi banh số một. Hắn được học bổng trường X, nó trường Y. Cả hai trường đều là tốp-ten. Khác biệt duy nhất là hắn chơi, nó học; nó được chọn đọc bài diễn văn trong ngày lễ ra trường. Khi hắn loan báo được nhận vào trường X, nó cười nhạt, khinh khỉnh, khi dễ hắn. Vì thế, hắn ấm ức, mong có dịp trả đũa cho bỏ ghét. Dịp may của hắn là buổi tiệc bỏ túi, và nàng vô tình rơi vào giữa cuộc xung đột ấy. Thằng bạn của hắn nhận xét trúng phóc: nàng vui vẻ nhận lời, sung sướng ra mặt vì được hắn săn đón. Ðêm hôm ấy, nàng chống cự nhưng vẫn không thoát kh ỏi tay hắn. Xong cuộc vui, hắn học được một “chiêu” mới – thỏa mãn nhục dục cộng với sự hả hê trả xong một mối hận là một khoái cảm không thể lượng được. Hắn chẳng màng đến hậu quả của nó.
Những ngày sau đó, nàng gọi hắn đôi ba lần nhưng hắn không thèm bắt máy. Cho đến gần hai tháng sau nàng lại liên lạc. Khi ấy hắn đang sửa soạn lên đường đi học xa. Không thấy thiệt hại gì nên hắn bằng lòng gặp nàng tại McDonald, thay vì ở một công viên như nàng yêu cầu. Hắn nghĩ một cách đơn giản rằng, một lần rồi thôi, hắn sẽ mời nàng một buổi ăn trưa, hay một tách cà-phê, một ly nước ngọt, rồi chia tay. Thế thôi. Vậy là quá lịch sự rồi vì nàng không là gì của hắn hết, chỉ là một trò đùa, không hơn, không kém. Gặp nàng, hắn rất ngạc nhiên khi thấy mới đó mà nàng đã quá thay đổi: gương mặt nàng xanh xao, tóc tai không gọn gàng, đôi mắt sưng vù. Nàng khóc:
“Làm sao đây anh? Em đã mang thai. Hơn tuần nay em lánh mặt bên ngoại. Ba má em chưa biết. Em rối trí quá! Anh… anh giúp em!”
Hắn thật không ngờ sự việc tệ hại như vậy. Hắn tức giận, muốn hét lên: “Ðồ ngu! Sao cô không uống thuốc?”, nhưng hắn kềm lại được. Hắn nghĩ thật nhanh trong đầu, tháng tới mình mới đủ 18 tuổi, còn vị thành niên, luật pháp không bắt tội mình được; nhưng nếu việc này đổ bể ra có thể hại đến học bổng trường X, tương lai của hắn. Hắn phải giải quyết cho êm đẹp chuyện này. Sẵn có trong túi hơn năm ngàn đô-la, tiền ông bà, cô chú, thân nhân mừng hắn xong trung học, hắn đề nghị:
“Anh có một ngàn. Anh muốn giúp em đi phá thai.”
“Không! Ðứa bé không có tội tình gì hết.”
Hắn không ngờ chưa chi mà nàng đã gắn bó với cái bào thai ấy rồi. “Ðàn bà!”, hắn nói trong đầu, nhưng cố vớt vát:
“Anh xin lỗi em. Em muốn anh làm sao đây? Vài ngày nữa anh đi học xa rồi, anh không còn cách nào khác giúp em. Em hiểu chứ!”
Nàng dịu giọng, nắm tay hắn, nhìn sâu vào đôi mắt hắn, hỏi:
“Anh có yêu em không?”
À, thế ra nàng yêu hắn, muốn hắn cưới nàng, nhận lãnh cái bào thai ấy. Ðó là một chuyện không thể xảy ra. Hắn đổi giọng:
“Tôi đâu có yêu cô. Tôi tưởng cô với tôi chỉ muốn vui với nhau thôi chứ. Bây giờ, chuyện đã lỡ, tôi chỉ muốn giúp cô thôi.”
“Anh … anh ác lắm. Anh lợi dụng tôi.”
“Hay cô lợi dụng tôi? Cái bào thai trong bụng cô có chắc là của tôi không?”
Nàng nghiêm mặt, châu mắt nhìn hắn, giọng chắc nịch:
“Anh là đồ tồi! Ðược, con anh, anh không nhận, nhưng tôi sẽ nuôi dưỡng nó, tìm cho nó một người cha xứng đáng, có trách nhiệm. Chào anh, anh không có tư cách nói chuyện với tôi đâu!”
Cuộc gặp gỡ chỉ có thế, nhưng hắn lo lắng, ăn ngủ không yên. Nếu có ai bày chuyện, khuyên nàng thưa hắn về tội hãm hiếp thì rắc rối, bất lợi cho hắn lắm. Không ngờ, một tháng sau trong một điện thư, cô em hắn viết, kể cho hắn một chuyện hy hữu xảy ra trong trường: nàng mang bầu đi học và, không ai tưởng tượng nổi, tác giả cái bầu là “thằng cù lần”. Nó bỏ học bổng trường Y, cưới nàng, rồi vừa đi làm, vừa đi học ở một trường cấp tiểu bang. Ðọc xong điện thư, hắn tưởng như mình nhận được một lượt hai cái tin vui, một là mừng hắn đã thoát nạn, hai là kẻ gánh cái rủi ấy không ai khác hơn người hắn mang hận. Ðúng là một tên cù lần!
5.
Ðóng kịch, làm ông già Nô-En, hắn tưởng sẽ nhàm chán lắm. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với hơn chục bé, hắn cảm thấy tâm tư lắng đọng, sung sướng và vui thích. Ða số các bé thật dễ thương, đôi mắt bé nào cũng ngây thơ, giọng nói ngọt ngào, hy vọng được nhiều quà của Săn-ta từ ống khói trong đêm Giáng Sinh. Ðây là một kinh nghiệm mà hắn chưa lần nào trải qua. Hắn ước gì mình có một đứa cháu hay một đứa… con. Nghĩ đến đó, hắn bỗng nhớ ra, kêu “Trời” trong đầu. Nàng và “thằng cù lần” đưa “con” đến chụp ảnh! Hắn lướt mắt nhìn đám trẻ nít đang chạy nhảy, nô đùa, chờ đến phiên chụp hình. Ðứa nào là con của hắn? Trai hay gái? Nó được mấy tuổi? Hắn tính nhẩm trong đầu, nó phải hơn ba tuổi rồi. Khác với khi xưa, bây giờ hắn đoan chắc đứa bé con nàng là của hắn, nếu không phải thì nàng đâu có chịu nhục để gặp hắn hôm ấy. Còn “thằng cù lần”, nó chỉ biết lo ăn học, biết chi đến chuyện ngủ với gái! Hắn cố gắng tìm xem có bé nào giống hắn, nhưng vô phương. Hắn phải kiên nhẫn, chờ đợi thôi, trong lúc làm việc…
Nàng dẫn thằng bé tiến đến bục chụp ảnh. Hắn chăm chăm nhìn nó. Mái tóc vàng hoe, cặp mắt xanh, miệng rộng, môi trên hơi vảnh, cái tướng ương ngạnh. Ðúng là hắn, là… con của hắn rồi. Hồi hộp, tim đập loạn xạ, hắn khẽ nhắm mắt, ráng thở chầm chậm, tưởng tượng đến một vài giây nữa thôi, hắn sẽ được ôm thằng con của hắn vào lòng, ngửi mùi thơm của nó, nghe giọng nói trẻ con, ngọt ngào của nó… Hắn sẵn sàng dang rộng hai tay đón nhận thằng bé, lòng sung sướng như những lần hắn đưa tay bắt bóng trong những trận đá banh. Ðời hắn còn gì nữa đâu, ngoài cái hạnh phúc đơn sơ ấy.
Nàng bế thằng bé, sửa soạn đặt nó ngồi trên đùi của hắn, bỗng nhìn hắn, nói hơi to tiếng:
“Chúa ơi!”
Hắn giật mình, nghĩ rằng nàng đã nhìn ra hắn. Nỗi xúc động và mặc cảm tội lỗi, hối hận cùng một lúc dâng trào trong lòng hắn. Hắn lẩm bẩm: “Cho… cho anh xin lỗi…”, nhưng nàng đã quay nhìn thằng con, bảo nó:
“Con hư quá! Ướt quần hết rồi, làm sao chụp hình với Săn-ta đây. Lần sau đi đâu con cũng phải mặc tã!”
Thằng bé đứng giậm chân, bậu mặt, hét lên:
“Không! Con không muốn mặc tã!”
“Thằng cù lần” đến bên thằng bé, một chân quỳ, một chân co gối ngang bụng, hai tay ôm nó, giọng mềm mỏng: “Con ngoan, con không được hỗn với mẹ!”
“Làm sao đây anh? Mình đợi đến thứ Bảy tuần sau đi chụp ảnh thì trễ rồi. Còn trong tuần hai đứa đi làm, đi học làm sao đưa con đi chụp ảnh, làm sao gửi thiệp cho kịp lễ đây?”
“Thôi em, trẻ con nào mà không ham chơi, tè trong quần lúc nào cũng không hay. Ðừng rầy con, tội nghiệp nó. Em đừng lo, anh sẽ xin chụp một tấm ảnh Săn-ta, rồi về nhà anh sẽ dùng máy vi tính ghép hình con vào. Ảo thôi, nhưng nhìn thiệp ai mà biết. Con ngoan, con xin lỗi mẹ đi!”
Trong lúc thằng bé cúi đầu, nói lí nhí với mẹ nó, “thằng cù lần” móc trong túi ra một máy ảnh. Nó đưa một ngón tay cái lên, mỉm cười, nheo một mắt nhìn hắn để xin chụp một tấm hình. Hắn cố gượng cười mà đau nhói trong lòng. Nháy xong máy ảnh, “thằng cù lần” xem xét tấm hình mới chụp, lại đưa ngón tay cái lên, bảo:
“Ðẹp lắm! Cám ơn Săn-ta. Chúc mừng Giáng Sinh!” Ðoạn nó quay lưng, lách đám đông dẫn vợ con đi.
Dưới chòm râu giả trắng toát che gần kín khuôn mặt, cặp kính gọng đen tròng cũng giả, đâu ai biết hắn đang trơ mặt, ngẩn ngơ nhìn theo. Ừ, phải rồi, tất cả chỉ là giả, là ảo. Hắn là một Săn-ta ảo. Mùa Giáng Sinh này, thằng bé sẽ có một tấm ảnh chụp chung với Săn-ta, nhưng cũng là giả tạo. Ảo, hắn là một người cha ảo vì hắn chẳng hề đến với người mẹ của thằng bé bằng tình yêu, chả biết nó sanh ra đời ngày nào, không có một giây ôm nó vào lòng, nói chi đến công lao dưỡng dục. Người cha thật sự của thằng bé chính là “thằng cù lần”, nhưng… anh ta không hề ngu ngơ, đần độn như hắn đã tưởng lầm, vì anh ta biết nhận ra một tình yêu chân thật, biết hy sinh tương lai cá nhân cho người mình yêu mến, tạo dựng một mái ấm gia đình. Hình ảnh anh ta một chân quỳ, một chân co gối ngang bụng, hai tay ôm thằng bé chờn vờn trong tâm tư hắn. Ừ, hình ảnh đó không khác tư thế của hắn trong bộ đồng phục đá banh ngày xưa mà hắn luôn hãnh diện. Có khác chăng là anh ta đang nâng niu một tình yêu sinh động, còn hắn ôm một trái banh vô tri, vô giác. Suy nghĩ đến đó, hắn bất chợt nghiệm ra hắn là một tên ngu muội chính cống: từ lâu hắn không nhận thấy cái nghiệp thể thao đá banh mà hắn hằng theo đuổi, chỉ là cái bóng, là ảo vọng mà thôi…
Hắn giật mình trở về với hiện tại khi một bà mẹ đặt một đứa bé vào lòng hắn. Hắn gật gật cái đầu chào nó thay vì nói “Hô… Hô… Hô…” mà không kềm được một tiếng thở dài chợt nhè nhẹ thoát ra khỏi miệng mình.