Trong cuộc đời bay bổng, mỗi người phi công có một chuyến bay cuối cùng...
Lời người viết: Để ghi lại cuộc thư hùng giữa đội phòng không CS và phi tuần Khu trục A-1(Skyraider) của tôi vào ngày 27-04- 1975. Để chia xẻ với thân nhân những người đã bị CS giết sau ngày 30-04-1975 mà bọn CS cho họ là những người mang “nợ máu”.
Trong cuộc đời bay bổng, mỗi người phi công có một chuyến bay cuối cùng. Chuyến bay đó có thể là một chuyến bay bình thường, nhưng đôi khi lại là một chuyến bay mà người phi công không bao giờ quên hay là một chuyến bay vĩnh viễn ra đi để lại bao thương tiếc!
Cuộc chiến tự vệ của người miền Nam mang đầy chính nghĩa, trong khi bọn Cộng sản Bắc Việt đã trắng trợn xâm lǎng dưới chiêu bài giải phóng miền Nam!?
Miền Nam trù phú, tự do, và phát triển theo đà vǎn minh thế giới, đáng lẽ được cơ hội giải phóng miền Bắc mới phải?. Hàng lớp thanh niên tha thiết với lời kêu gọi của Tổ Quốc, yêu chuộng tự do và quyết tâm bảo vệ đất nước đã gia nhập các binh chủng, các cơ quan công quyền, các đoàn thể … để góp phần bảo vệ quê hưong, xứ sở.
Tôi là một trong những người đã rời bỏ mái trường thân yêu, xa gia đình và để lại phía sau một cuộc sống phồn hoa, để thi hành nhiệm vụ người trai trong thời chiến.
Không quân là quân chủng mà tôi xếp vào hàng đầu cho sự chọn lựa, mặc dầu tôi chưa biết gì về KQ hay các ngành nghề khác. Cái vốn liếng của tôi chỉ là một mớ vǎn hóa từ nhà trường. Tôi gia nhập KQ vào tháng mười nǎm 1964, sau một cuộc khám sức khỏe hết sức gay go. Tôi cùng hai người nữa được chọn vào ngành phi hành trong số hơn hai mươi người không được may mắn. Ðây là giai đoạn thử thách đầu tiên mà người phi công phải hội đủ trên tiêu chuẩn về sức khỏe.
Nha Trang là căn cứ huấn luyện quân sự và Anh ngữ. Tôi được sang Mỹ để thụ huấn thêm Anh ngữ trước khi sang trường bay. Người phi công đã trải qua nhiều giai đoạn thử thách về khả nǎng và sức khỏe trong thời gian huấn luyện. Tôi tốt nghiệp với chỉ số khu trục cánh quạt trên chiếc Skyraider và được chuyển đến PÐ-524 ở Nha Trang trong khi phi đoàn này sắp sửa đi Mỹ học chuyển tiếp phản lực cơ A-37 và sau cùng tôi được chuyển đến PÐ-114 để bay L-19.
Tôi thất vọng vì phải bay loại Quan sát. Một số Sĩ quan thâm niên trong ngành Quan sát sang Mỹ thụ huấn Khu trục khi về VN lại bay Quan sát, chuyện này cũng không có gì thắc mắc, nhưng tôi là một phi công trẻ với nhiều nhiệt huyết đáng lẽ phải được bay phi cơ khu trục. Tôi nhiều lần nghĩ đến chuyện làm đơn xin BTLKQ để trở về ngành Khu trục, nhưng nghĩ cho cùng, mình là một tân sĩ quan thì ai mà quan tâm đến?!. Thời gian trôi qua, mộng ước được bay phi cơ khu trục đã tàn phai như một khối bǎng tan dần trong mùa hè.
Tôi bắt đầu quen với cô Loan 19 (L- 19), thân cô mảnh khảnh và tha thướt theo mây gió và lời cô êm diệu như tiếng ru. Sau mấy lần cùng cô với vũ điệu dưới trǎng sao, tôi trở thành người bạn đồng hành trên khắp vùng Cao nguyên. Chiếc L-19 nhẹ nhàng với đôi cánh rộng và lững lơ trên không như con diều hâu đang sǎn mồi, mà lũ chuột (VC) đang tìm nơi ẩn núp. Sau một thời gian ngắn, tôi được gởi sang Phi đoàn Quan sát của Mỹ trong cùng cǎn cứ để thụ huấn cách hướng dẫn phi cơ khu trục Mỹ. Sau đó tôi được dẫn các phi tuần Mỹ oanh kích trong các chiến trường lớn. Người phi công quan sát giữ một vai trò quan trọng trên không, phối hợp với KQ và Lục Quân cùng với các cánh quân trên chiến trường một cách chặt chẽ và chính xác. Họ là người quyết định cho việc thả bom của phi cơ khu trục trong sự an toàn cho phi công và đơn vị bạn, và mang lại kết quả tối đa cho quân bạn.
Phi công Quan sát rất hiếm bị đạn phòng không, nhưng lại bị mất tích do thời tiết xấu, nhất là ở vùng Cao nguyên. Sự việc này thường xảy ra khi thi hành một phi vụ hành quân ở xa và nhiên liệu còn lại đủ để trở về, trong khi gặp thời tiết xấu hoặc bay một lộ trình quá xa và gặp thời tiết xấu ở điểm đến, người phi công khó mà chấp nhận một sự quay trở về vì thời gian và sự giới hạn của nhiên liệu.
Sau hơn hai nǎm với Phi đoàn Quan sát, tôi được BTLKQ gọi về Phi đoàn Khu trục cánh quạt 518 ở Biên Hòa vào hè nǎm 70. Cái cảm giác vui sướng là được gần gia đình, nhưng hồi hộp là không biết mình còn đủ khả nǎng để điều khiển con “Bò Ðiên”(Skyraider, ám chỉ loại phi cơ rất khó bay) này hay không?.
Chiếc Skyraider có một sức nặng 25.000 lbs gồm xǎng, 8 trái bom 500lbs hay 12trái 250 lbs và 800 viên đại bác 20 ly. PÐ-518 với một tòa nhà cao rộng bằng gạch trông đồ sộ. Tôi có cơ hội gặp lại bạn bè du học ngày xưa và thích cái phù hiệu Phi Long của Phi đoàn, nó được diễn tả
như một con rồng nằm trên bàn đồ VN, cái đuôi quấn lẩy miền Bắc, cái đầu nhả tên lửa vào đó. Sau bốn phi vụ bay quen tay và một phi vụ thả bom ở vùng giải tỏa, tôi bắt đầu bay hành quân. PÐ-518 đã tạo được nhiều chiến công, đặc biệt là chiến trường bên biên giới Kampuchia, Tử thủ của Ch/t L.V.Hưng ở An Lộc, Mùa hè Ðỏ lửa ở Quảng Tri…Ðể vinh danh những anh hùng đã hy sinh cho Tổ Quốc từ ngày tôi đến phi đoàn và kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của cố Th/tá Nguyễn vǎn Ninh (Ninh de Gaulle), Th/tá Trương Phùng (rạng sáng 29-4-75 bị bắn trên không phận Saigon) Ð/úy Nguyễn Duy Vinh (ở Kampuchia), Ð/úy Trần Thế Vinh, Ð/úy Phan Quang Tuấn(Vinh và Tuấn hy sinh trong trận Mùa Hè Ðỏ Lửa ở Quảng Trị) và Th/úy Nguyễn Vǎn Thành.
Biệt đội Khu trục gồm sáu phi công được biệt phái cho Tân Sơn Nhất (TSN) trong nhiều nǎm qua để bảo vệ Biên Hòa khi hũu sự. Phòng không của Việt Cộng ngày càng gia tăng trên các chiến trường, nhất là hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7. Các phi vụ hành quân cũng bị giảm dần trong đầu nǎm 1975 qua sự giới hạn tiếp liệu của Mỹ. Mỗi phi vụ chỉ được trang bị phân nửa bom đạn.
Vào giữa tháng 04-75 tôi đang biệt phái cho TSN. Một tuần sau, hai Phi đoàn Khu trục cánh quạt 514 và 518 di tản về TSN. Một sự bận rộn chưa từng thấy đã diễn ra hàng ngày. Phi đoàn không có phần sở chính thức đễ làm việc vì vậy nhân viên phi đoàn không còn gặp nhau thường xuyên. Tất cả gặp nhau trong buổi sáng để nhận phi vụ hành quân trong ngày vì mỗi người còn phải lo cho gia đình trong lúc tạm sống ở một nơi vừa đến. Buổi sáng ngày 27 tháng 4 nǎm 75, tôi nhận một phi vụ hành quân với phi tuần hai chiếc AD-6. Tôi dẫn phi tuần, Tr/úy B bay chiếc so hai. Chúng tôi thường bay với nhau vì cùng chung phi đội. Trên đường ra bãi đậu phi cơ, Tr/úy B ghi tầnsố, điểm hẹn và danh hiệu của phi cơ quan sát trên vùng. B lúc nào cũng tươi cười vui vẻ và đựợc bạn bè quý mến, bay bổng một cách an phi và kỷ luật, anh cũng sắp ra phi tuần Phó (pilot dẫn phi tuần hai phi cơ).
Tôi không biết trước đặc tính của phi vụ, chuyện này cũng thường tình, nhưng điểm hẹn là Biên Hòa. Thời tiết rất tốt cho buổi sáng ngày hôm đó. Hai phi cơ được trang bị mỗi chiếc 12 trái bom 250 lbs. Sau khi cất cánh, hai phi cơ lấy hướng đến Biên Hòa với cao độ nǎm ngàn bộ và đang trên tần số riêng của phi tuần.
- Hai, kiểm soát và báo cáo tình trạng phi cơ.
- Một, phi cơ ở tình trạng tốt
- Biên Hòa ở hướng mười hai giờ.
- Hai thấy.
- Làm gì mà xe cộ trên xa lộ BH- Saigon nhiều như vậy?
- Có lẽ dân chúng di tản về Saigon.
Bỗng dưng trong tôi gợi lại hình ảnh của cǎn cứ Biên Hòa, nơi mà chúng tôi quây quần trong cuộc sống hàng ngày. BH là một trong những cǎn cứ đồ sộ của KQ, nhưng nay không còn là nơi xuất phát các phi vụ hành quân yểm trợ cho vùng III. Tiếc thay cho sự mất mát và thay đổi quá nhanh!
- Hai, qua tần số hành quân —
- Hai rõ.
- Thanh Xà (TX) đây Phi Long (PL) gọi.
- TX nghe PL 5 trên 5. Xin cho biết vị trí và vũ khí được trang bị.
- PL đang ở phia Nam Biên Hòa, 5 dặm, cao độ 5000 bộ, hai A-1 với 24 trái 250 lbs
-TX nhận rõ, mục tiêu của PL là một vị trí phòng không ở phía Bắc phi trường BH khoảng 4 dặm, không có quân bạn, khi nào đến mục tiêu cho biết.
- PL nhận rõ.
- Hai có nghe FAC (Air Forward Control) không?
Hai nghe rõ.
- TX nhận ra bạn đang trên không phận phi trường BH, khi nào sẵn sàng cho biết để TX đánh dấu mục tiêu, TX sẽ giữ hướng Nam mục tiêu, với cao độ 2000 bộ.
- PL nhận rõ.
Phi tuần đang ở trên mục tiêu, tôi chọn hướng tấn công từ Ðông sang Tây để đặt đối thủ trong sự khó khǎn qua ánh mặt trời của buổi sáng.
- Hai ra đội hình thả bom và cơ chế 26, 46 (2600 vòng phút, 46/56 hay 82% của động cơ), đánh từ Ðông sang Tây, quẹo trái, mỗi Pass(một lần thả) hai trái và kiểm soát phi cơ lần cuối.
- Hai rõ.
Tiếng động cơ vang vội, thân phi cơ rung chuyển, tốc độ tǎng nhanh trong cơ chế tác chiến như mãnh hổ đang lao mình tấn công con mồi. Tôi trong tư thế dè dặt như thường lệ.
- TX, bạn có thể cho trái khói.
- TX vào đánh dấu mục tiêu.
Trái khói trắng bốc lên gần con sông và trên một vùng rộng không cây cối, tôi quẹo gắt để điều chỉnh vòng đánh.
- Yêu cầu PL đánh ngay trái khói.
- Một vào.
Tôi vừa lắc cánh vào thì thấy một vòng tròn lửa với đường kính khoảng 100 thước, nhiều dây đạn lửa nối đuôi theo lên và bao quanh phi cơ, có dây chỉ cách phi cơ mươi thước, trong khi phi cơ chưa kịp thǎng bằng đôi cánh, tôi tiếp tục vào cho đến khi mục tiêu hiện trên máy nhắm, rồi thả hai trái, tôi biết là hơi sớm hơn hai giây đồng hồ vì bị bắn quá rát. Tôi kéo phi cơ lên 5G ( Gravity force) mắt mờ mặc dầu đã làm phượng pháp chống G.
- Hai vào và kéo lên an toàn.
Phi công lead (Một) có nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho phi tuần trong mọi trường hợp! Tôi quyết định lấy cao độ 8000 bộ để tạo khó khǎn cho xạ thủ phòng không, vì vậy mà độ chính xác cùa quả bom cũng bị giảm đi. Phi tuần không thể là mục tiêu ngon lành cho hơn 20 khẩu phòng không vì phi cơ sẽ bị trúng đạn trước khi thả bom.
- Hai theo tôi lấy cao độ 8000.
- Hai rõ.
Hai vẫn bình tĩnh thi hành nhiệm vụ và đặt tin tưởng vào sự quyết định của tôi trước sự sống chết trong đường tơ sợi tóc. Cộng sản đã quy tụ hết phòng không trong vùng và chọn một kỹ thuật phòng không mà tôi chưa bao giờ thấy, có thể là một chiến thuật phòng không ở miền Bắc?. Tôi tin là định mệnh sẽ dành cho bọn xâm lǎng . Sau hai phút lấy cao độ và điều chỉnh vòng đánh, tôi bắt đầu thả. Giống như lần trước, nhưng các dây đạn có phần chậm hơn và cách xa phi cơ đôi chút, do đó mà tôi có đủ thời gian đặt máy nhắm vào mục tiêu và thả hai trái bom đúng thời điểm. Hai vào thả và ra cũng được an toàn.
Tôi bắt đầu cho Pass thứ 3 và khám phá ra là chỉ còn một phần tư vòng tròn bên trái bắn lên, tính ra là sáu dây đạn. Như vậy ba phần tư kia đang làm gì? Cường độ cǎng thẳng đã giảm bớt, chúng tôi tiếp tục thả Pass thứ 4 và 5. Pass cuối cùng, thứ 6, vẫn còn phần tư bắn lên. Hy vọng bọn Công sản sẽ toại nguyện với câu “Sinh Bắc Tử Nam” qua bốn trái cuối cùng! Những tên nầy đã từng bắn hạ phi cơ khu trục trong nhiều năm qua là nhờ tài ngụy trang của chúng, nhưng hôm nay chúng không dùng kỹ thuật đó cho nên đã đi gặp “tên cáo già gieo máu lửa” (HCM) trước khi cạn ly rượu mừng chiến thắng!
Hai thả xong và vào hợp đoàn, phi tuần lấy hướng về TSN trong khi TX báo cáo kết quả là toàn diện mục tiêu đã trúng bom.
Người lính KQ làm việc ngày đêm, bảo trì và trang bị vũ khí cho phi cơ để cuối cùng các quả bom rơi chích xác vào mục tiêu qua bàn tay người thả, họ đã thật sự đóng góp vào cuộc chiến và hy sinh cho Tổ Quốc!
Rồi ngày 30 tháng 04 năm 1975 đến Miền Nam sụp đổ trong sự uất ức, ngỡ ngàng và đau xót của Quân và Dân miền Nam nước Việt.
Chính thể Việt Nam Cộng Hòa cáo chung…Tôi không còn có dịp được lái máy bay nữa, hóa ra câu chuyện kể trên chính là Phi vụ hành quân cuối cùng về cuộc đời bay bổng của tôi…