main billboard


Đêm qua pháo kích làm mẹ con em sợ quá, chui đại xuống gầm giường núp...

hq502
Dương Vận Hạm Thị Nại HQ 502

7 giờ rưỡi tối 28 tháng Tư 75, xe Jeep chở tôi vừa đậu trước cửa bộ Chỉ Huy Hải Đội II Chuyển Vận, thì kẻng điểm danh vang lên. Tôi xuống xe, bước lên nhiều bậc tam cấp vào phòng hành quân. Các sĩ quan đã có mặt trong căn phòng rộng. Lệnh cấm trại 100% nên buổi chiều tan sở, quân nhân các cấp tạt về thăm nhà, ăn cơm vội vàng rồi lại vào trại để sẵn sàng ứng trực. Hôm nay tôi là Sĩ Quan Trực. Trung Tá Vũ là vị Sĩ Quan thâm niên hiện diện. Các vị sĩ quan cao cấp sẽ vào trại, nhưng muộn hơn. Tôi gỡ nón sắt và dựng khẩu M16 vào góc phòng. Kể từ khi tình hình quân sự trở nên khẩn trương, các sĩ quan cũng trang bị vũ khí chiến đấu ngoài khẩu súng Colt cố hữu để sẵn sàng đối phó với bất trắc, ngay cả khi di chuyển trên đường phố lúc về nhà và trở vào trại. Tôi nhìn quanh một vòng, để biết chắc không ai vắng mặt.

Tôi bước ra ngoài hành lang. Trung tá Vũ đã đứng ở đây từ lúc nào. Cả hai tựa lan can, từ tầng lầu cao, nhìn xuống sân trước cột cờ. Thủy thủ đoàn đang tập họp điểm danh. Thượng Sĩ Quản Nội Trưởng, nhận báo cáo từ 3 Chi Đội Trưởng về số quân nhân có mặt và vắng mặt. Ông đọc tên các quân nhân nhận phiên gác đầu. Những người được đọc tên, trang bị súng đạn đầy đủ, chia thành từng toán nhỏ, theo trưởng toán đến các nhiệm sở gác chung quanh doanh trại.

Giòng sông đen, chẩy âm thầm. Xa xa về phía bến Bạch Đằng, mặt nước phản chiếu ánh đèn thành phố loang loáng. Tại cầu tầu, các chiến hạm đậu im lìm, không thắp đèn vì lý do an ninh, tránh pháo kích, trông như những khối sắt đen đúa khổng lồ. Bên phía Thủ Thiêm, le lói ánh hoả châu đơn độc. Gió đêm mát lạnh. Tôi bắt chuyện:
- Đêm yên tĩnh quá anh Vũ.
- Ừ. Cái yên tĩnh giả tạo. Tình hình càng ngày càng sôi sục cậu ạ. Dân thành phố nhốn nháo lắm. Sáng nay pháo rớt gần nhà tôi, đào một hố lớn trên đường phố, may mà không ai chết. Bà xã và lũ nhỏ hoảng quá, mà chẳng biết làm sao.
- Dưới Ngã Tư Bẩy Hiền tôi cũng thấy đắp ụ và thùng phuy cản đường xe tăng. Nhưng tôi thấy nếu chúng nó đem được xe tank vào thủ đô thì mình còn gì nữa đâu mà phòng thủ.
- Ấy thế mới nói. Có lẽ phải cắt đứt miền Trung là vùng Trung Lập, còn mình kéo quân về miền Nam lập phòng tuyến mới. À, còn gia đình cậu ra sao? Nghe nói ở Nha Trang phải không?
- Tôi vừa cho di chuyển vào Sài Gòn để gần nhau. Có chuyện gì còn dễ xoay trở hơn. Mỗi người ở một nơi, chẳng còn tâm trí nào để làm việc. Còn gia đình Commandant ra sao?
- Gia đình moa ở Phú Nhuận. Bà xã lo quá, ngày nào mình đi làm về cũng hỏi thăm mình có biết tình hình ra sao không? Có biết sẽ chạy đi đâu không? Nhất là từ ngày bả nghe tin địch chiếm Ban Mê Thuột và quân ta di tản chiến thuật.
Tôi dò hỏi:
- Rồi Commandant tính sao?
- Máy bay Mỹ trốn ra ngoại quốc, bị bắt về với tội đào ngũ, cậu không thấy sao. Bà xã moa, moa mua cho bộ chuông, mõ bảo tối tối nhớ tụng kinh trước bàn thờ Phật, thế nào cũng tai qua nạn khỏi.
Anh cuời:
- Một phương pháp để chữa trị cho tâm được an ấy mà. Chứ không bà ấy cứ cuống lên làm mình cũng sốt rut.
Thượng sĩ Quản Nội trưởng bước tới, báo cáo quân số. Ông đưa tôi danh sách các toán gác đêm.
Tôi nói:
- Vẫn áp dụng biện pháp an ninh như thường lệ chứ ông Quản?
- Dạ vâng. Không anh nào biết phiên gác của họ lúc nào. Toán này đi đánh thức toán kế tiếp.
- Được rồi. Ông dặn các trưởng toán trước mỗi phiên gác lên gặp tôi để nhận mật khẩu cho phiên gác.
Người Quản Nội Trưởng chào và đi xuống. Tôi nói với Trung tá Vũ:
- Mình phải đề phòng tối đa, không ai biết trước phiên gác để ngăn ngừa nội tuyến lén cho quân địch vào phá hoại. Thưa Trung Tá, để tôi vào trong thông báo các Sĩ Quan giờ đi kiểm soát các vọng gác.

Tôi thông báo tên các Sĩ Quan trực phòng hành quân, trực các toán ứng chiến và đi tuần đêm. Tôi ngồi xuống bàn, viết lệnh trực đêm gồm các biện pháp và phản ứng phải làm trường hợp bị pháo kích hay tấn công.
Trung Tá Vũ bước vào, thấy các sĩ quan chưa đến phiên đi tuần còn đứng lố nhố. Ông nói:
- Anh nào lo phận sự đó, còn anh nào rảnh ngồi đây mình làm vài ván belotte giải trí.
Đây là loại bài được truyền lại từ thời Hải Quân Pháp, không có tính cách sát phạt tiền bạc, nhưng cần nhiều trí nhớ, óc thông minh, khả năng tính toán sắc bén để thắng đối phương nên rất thịnh hành trong giới sĩ quan. Tôi lúc thì ghé xem đánh bài, lúc thì vào phòng hành quân, đọc qua công điện từ các nơi gửi về để theo rõi tình hình an ninh và chiến trận toàn quốc. Hoặc ra ngoài lan can, dùng ống nhòm quan sát doanh trại và các các cầu tầu.

Khoảng 11 giờ đêm, bất chợt hai tiếng nổ vang bên bờ sông. Tôi nghe vài chiến hạm kéo còi nhiệm sở tác chiến, anh biết là có biến. Vừa lúc đó viên Thiếu Úy trực phòng hành quân hớt hải bước ra báo cáo:
- Thưa Thiếu Tá, trại Cửu Long bị pháo kích.
Tôi ra lệnh viên Trung Úy phụ tá trực cho kéo còi nhiệm sở tác chiến, rồi bước vội ra ngoài. Các Sĩ Quan và quân nhân vội vàng lấy vũ khí chạy ra nhiệm sở chiến đấu đã được chỉ định sẵn. Tôi bước vào phòng hành quân để nghe thêm tin tức. Những báo cáo tình hình của từng đơn vị bờ và chiến hạm tràn ngập trên làn sóng truyền tin. Chỉ có hai quả pháo kích rồi thôi. Cả hai đều rớt ở phía trại Cửu Long nhưng không gây thiệt hại. Tôi thấy tạm yên lòng vì gia đình vừa dọn vào trại này để về thăm cho tiện.
Một lúc sau, thấy địch không bắn phá gì thêm, tôi cho giải tán nhiệm tán nhiệm sở tác chiến. Gặp Trung Tá Vũ ngoài hành lang, tôi ưu tư:
- Tôi nghi quá Trung Tá. Đêm nay chắc chúng bắn thử toạ độ. Mai chúng nó kiểm chứng bằng nội tuyến hay qua tường thuật của báo chí, rồi pháo hàng loạt là mình nguy. Chỉ cần một chiếc tầu của mình chìm là đường sông bị bít lối. Hết cách ra biển. Hồi sáng tôi đi họp, nghe Hạm Trưởng 802 báo cáo, tầu ông ta ủi bãi Tân Cảng, thế mà cũng bị chúng từ cầu xa lộ bắn lén bằng B40, khiến ông ta phải rời tầu về cặp cầu trong Hải Quân Công Xưởng. Tình hình có bề trầm trọng hơn là mình tưởng, phải không Trung Tá.
- Moa cũng cảm thấy như thế, Bộ Tư Lệnh nghe đâu có kế hoạch rút về vùng châu thổ Cửu Long, lập phòng tuyến mới để tử thủ.
Tôi vào phòng hành quân, kiểm soát công điện và viết báo cáo về vụ pháo kích. Khoảng một giờ sau, tôi lên xe Jeep cùng tài xế và vài quân nhân cận vệ đích thân đi tuần kiểm soát các vọng gác quanh doanh trại cho yên tâm.

Suốt đêm tôi không ngủ được. Đầu óc quay cuồng với những hình ảnh chiến trường trên đất nước dồn dập xẩy ra những ngày vừa qua.
Ngày 10 tháng 3, tỉnh lỵ Ban Mê Thuột thất thủ. Mười ngày sau Huế rơi vào tay địch. Là Tham Mưu Phó Hải Đội Chuyển Vận nên tôi theo dõi hàng giờ việc điều động các chiến hạm ủi bãi hoặc cập cầu để di tản các đơn vị Bộ Binh và Thủy Quân Lục Chiến rút lui và đồng bào chạy loạn cũng như gia đình quân nhân Hải Quân. Họ tràn ra đông nghẹt bờ biển. Vì tình hình chiến trường, một đơn vị đặc nhiệm được thành lập tại vùng 1 Duyên Hải do Đại Tá NXS chỉ huy. Bộ tham mưu ở trên một soái hạm, Các chiến hạm chuyên chở có nhiệm vụ bốc người, các chiến hạm hộ tống đảm trách công tác yểm trợ hải pháo. Trong cơn hỗn lọan, không thiếu gì những cảnh thương tâm, chen chúc, xô đẩy rớt xuống biển hay bị chân vịt cuốn đi.
Ngày 29 tháng 3 Đà Nẵng mất. Ngày 15 tháng 4, tôi đang làm việc ở văn phòng, thì vị Tham Mưu Trưởng Hải Đội Chuyển Vận, trở về sau buổi họp trên Bộ Tư Lệnh, cho tôi hay, giọng khẩn cấp:
- Anh chỉ thị cho chiếc Hải Vận Hạm còn khiển dụng tốt vào cập cầu Hải Quân Công Xưởng để thợ trang bị bồn xăng phản lực, sẵn sàng ra Phan Thiết tiếp tế.
Công tác thiết trí bồn xăng chưa hoàn thành thì Phan Thiết có nguy cơ bị mất, nên lại thôi.

Rồi tôi nhận lệnh kế tiếp điều động Hoả Vận Hạm tiếp tế nhiên liệu cho bồn dầu tại Nha Trang. Nhân chuyến này tôi theo tầu về Nha Trang đón gia đình vào Sài Gòn. Dân chúng thành phố miền biển này cũng nhốn nháo, hoang mang tìm cách di tản về thủ đô Sài Gòn. Hàng xóm thấy tôi về, tới tấp đến hỏi thăm tình hình vì họ tin rằng tôi biết nhiều hơn họ. Nhưng thật ra tôi cũng hoang mang lắm. Tin tức di tản từ miền Trung dồn dập báo cáo về Bộ Tư Lệnh, chứng tỏ một sự sụp đổ quá nhanh chóng của đất nước. Nhưng chẳng lẽ quân ta thua trận thật sao. Bao nhiêu năm, tôi đã quen chiến đấu, dễ gì trong chốc lát có thể làm quen với thực tế phũ phàng là buông súng, thua trận. Tôi cố bám víu vào tia hy vọng mong manh là rồi quân ta sẽ phản công, chiếm lại những gì đã mất. Hình ảnh chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến đánh bật quân Bắc Việt tại Huế và cổ thành Quảng Trị còn đậm nét. Năm 1968 biết bao nhiêu thành phố và quận lỵ bị tấn công, nhưng sau những bất ngờ đầu tiên quân ta chỉnh đốn hàng ngũ và đẩy lui địch khỏi thành phố vãn hồi trật tư.

Tiếp tế dầu xong, tầu tách bến khởi hành về Sài Gòn. tôi đem gia đình theo. Tôi bâng khuâng nhìn về phía Cầu Đá, với những bồn dầu khổng lồ trắng toát đứng sừng sững trong nắng chiều. Tôi tự hỏi, không hiểu Nha Trang có đứng vững không, hay khối lượng dầu kia sẽ lọt vào tay giặc.Tin tức thất trận từ miền Trung dồn dập gửi về làm tôi thất vọng. Chẳng lẽ sau 20 năm chiến đấu, miền Nam mất về tay Bắc Việt hay sao?


***
Tờ mờ sáng tôi lái xe về thăm nhà bên trại Cửu Long. Tại cây cầu sắt nối liền Hải Quân Công Xưởng và trại Cửu Long, các quân nhân còn canh phòng nghiêm mật. Họ gỡ sang bên lớp hàng rào kẽm gai để xe Jeep tôi đi qua, rồi kéo lại. Loan đang ngồi bên cửa sổ, mặt mày bơ phờ ngơ ngác. Tôi hỏi:
- Con đâu em?
Loan chỉ xuống gầm giường:
- Đêm qua pháo kích làm mẹ con em sợ quá, chui đại xuống gầm giường núp.
Tôi nhìn hai con còn ngủ say sưa trên tấm mền trải dưới gầm giường, phì cười:
- Cái giường ọp ẹp này chịu sao nổi đạn pháo kích 122 ly mà em núp.
Loan bẽn lẽn:
- Thì em biết chạy đi đâu. Có gì che trên đầu làm em và các con yên chí hơn.
Tôi nói:
- Để chút nữa anh tạt ra Đêm Mầu Hồng thuê đỡ mt phòng cho mẹ con em ở. Building có cả chục tầng, có trúng đạn pháo cũng không sợ.
Tôi ôm vai vợ, theo vào nhà bếp xem nàng sửa soạn phần ăn sáng, gồm hai trứng gà ốp la và ly cà phê sữa.
Loan hỏi:
- Anh liệu tình hình ra sao? Em lo quá à. Em sang mấy nhà bên cạnh làm quen, thấy ai cũng sửa soạn tiền, vàng và quần áo để chạy loạn.
Tôi trầm ngâm:
- Tình hình này chắc quân đi mình phải về miền Lục Tỉnh lập phòng tuyến mới. Em rảnh ở nhà, cứ chuẩn bị vài vali quần áo sẵn sàng. Quan trọng nhất là sữa và tã lót cho các con. Nếu có lệnh di chuyển thật sự, thì ai sao mình vậy. Lo lắng quá cũng không được.
- Em còn nghe nói dân chúng chạy từ miền Trung về bị chen chúc đói khát, giết hại, chết nhiều lắm phải không anh.
Tôi nói cho Loan yên lòng.:
- Ừ, cũng có, Nhưng chỉ xẩy ra trên các tầu buôn. Đám lính bộ làm loạn. Còn trên các tầu Hải Quân thì không sao, có kỷ luật hơn. Dân tỵ nạn được đưa ra Phú Quốc tạm trú. Thôi em lo chuẩn bị chút ít vật dụng, sửa soạn cho các con đi. Chút nữa anh về đón ra Đêm Mầu Hồng ở tạm.

Ăn sáng xong, tôi quay về doanh trại. Nhưng ai nấy đều có vẻ bồn chồn, lo lắng. Cả buổi sáng, tôi chẳng giải quyết được việc gì. Hôm qua, tôi và mấy Sĩ Quan xuống một chiến hạm chứng kiến việc mở két sắt để bàn giao cho vị Hạm Trưởng mới, vì vị hạm trưởng đương nhiệm vắng mặt luôn mấy ngày không thấy vào tầu. Tôi cho lính về kiếm tại địa chỉ nhà ông ta, thì họ báo cáo là cửa đóng im ỉm, hàng xóm cũng không biết ông ta và gia đình đi đâu và đi lúc nào. Bộ Tư Lệnh khẩn cấp tìm một vị hạm trưởng khác thay thế để chuẩn bị cho tầu đi công tác triệt thoái binh sĩ và dân chúng miền Trung. Tôi biết là trong tình trạng nhốn nháo này, vị hạm trưởng mới khó lòng mà sẵn sàng máy móc và nhân viên cho kịp giờ khởi hành chiều nay, 29 tháng Tư.

Tôi lái xe Jeep đi một vòng, tính ghé chiến hạm để kiểm soát tình trạng sẵn sàng công tác, Trên trời, máy bay trực thăng thuc Đệ Thất Hạm Đi bay ra bay vào nườm nượp. Tại cầu tầu Bộ Tư Lệnh, mấy chiếc PCF cặp bến và gia đình các Sĩ Quan cao cấp đang lục tục mang hành lý xuống tầu. Tại bến Bạch Đằng xe Jeep chở các sĩ quan cao cấp thuộc các binh chủng bộ binh và gia đình đậu đầy. Hoang mang quá, tôi lái xe về văn phòng thì gặp ngay vị Chỉ Huy Trưởng cũng vừa chở gia đình vào. Ông nói:
- Gia đình cậu đâu rồi. Mang vào đây đi. Cho các nhân viên về nhà đem gia đình vào, nếu họ muốn.
- Mình đi đâu thưa Chỉ Huy Trưởng?
- Moa cũng không biết rõ. Nghe đâu chuẩn bị về lập chiến tuyến mới ở miền Lục Tỉnh. Cứ đem gia đình vào đây đã. Dù có về chiến đấu ở miền Nam thì cả gia đình sống chết có nhau, lính tráng mới không mất tinh thần.
Tôi vội vàng chuyển lệnh xuống cấp đưới, cho phép họ luân phiên về nhà lo gia đình, rồi lái xe ra khách sạn Đêm Mầu Hồng. Loan mặt mày tái mét, chạy vội ra đón khi tôi vừa bước vào phòng:
- May quá anh về kịp. Mẹ con em cứ cuống cả lên. Mấy gia đình ở các phòng bên cạnh họ kéo nhau đi đâu hết rồi anh à. Em sợ quá, nếu anh không về thì không biết làm sao. Mình có đi không anh?
Tôi phụ vợ bế mấy đứa con hấp tấp xuống lầu, mỗi người xách một túi hành lý nhỏ, hỏi Loan:
- Có đủ sữa cho các con không em?
- Có. Em đem chút ít quần áo và sữa cùng tã lót. Nặng quá. Em đem theo tiền và vàng, đến đâu mình mua đỡ thêm vậy, chứ xách không nổi.
Anh thủy thủ cận vệ, vẫn theo sát tôi, tiếp tay xách thêm 1 một túi xách nhỏ. Ra ngoài, tôi và vợ con leo lên chiếc xe Jeep đậu sẵn, nổ máy chờ anh. Tôi nói với người thủy thủ tài xế :
- Thôi mình về trại.
Xe phóng đi. Trên đường phố, dân chúng hốt hoảng di chuyển bằng mọi phương tiện. Các cửa tiệm và nhà phố đóng im ỉm.
Vừa tới bến Bạch Đằng, tôi đã nghe tiếng súng nổ liên hồi. Tại nút chặn trước cổng bộ Tư Lệnh Hải Quân lố nhố những người. Quân cảnh và lính gác nổ súng để ngăn chặn đám người tràn vào. Tình hình biến chuyển thật nhanh. Lúc tôi ra không có gì xẩy ra, nay thì khác hẳn. Trời đã về chiều và có lẽ dân Sài Gòn nghe tin đồn là kế hoạch di tản có thể sẽ xẩy ra đêm nay, nên tìm mọi cách xin vào để đi theo chiến hạm.
Xe tôi vừa chạy chậm lại, thì một thanh niên từ vệ đường phóng ra, níu bên thành xe, giọng khẩn khoản:
- Chúng tôi xin biếu Thiếu Tá hai lạng vàng và mỗi anh đây một lạng, Thiếu Tá đưa gia đình vào trong rồi cho xe ra đón gia đình chúng tôi vào.
Tôi dứt khoát:
- Không giúp anh được.
Anh ta vẫn năn nỉ:
- Xin Thiếu Tá làm ơn, làm phước, chúng tôi muôn đời không dám quên ơn.
Tôi ra lệnh cho anh tài xế:
- Tiếp tục chạy đi.
Người thanh niên buông tay khỏi thành xe, nét mặt tuyệt vọng, thọc tay trong túi như cầm một vật gì. Người cận vệ lên đạn khẩu M16, chĩa về phía anh ta. Tôi không làm sao quên được nét mặt của anh ta lúc ấy. Anh ta xuôi xị bước vào lề, tại đó gia đình anh đang đợi với vài chiếc va ly lớn.
Tại nút chặn, toán quân nhân kiểm soát kỹ lưỡng giấy tờ của tôi rồi mở hàng rào kẽm gai cho xe vào. Tôi quay lại khen anh cận vệ:
- Cậu nhanh trí đấy.
- Dạ, em sợ hắn khùng lên làm liều, thầy trò mình cũng mệt. Hắn ta mặc đồ thường, nhưng em đoán chắc cũng dân nhà binh. Trong túi dám có lựu đạn hay súng cũng chưa biết chừng.
Tại cổng Hải Quân Công Xưởng, một cảnh hỗn loạn đang xẩy ra, Đại Tá K. ngồi trên chiếc xe Jeep có gắn đại liên. Ông mặc áo giáp mũ sắt, đang chỉ thị cho Sĩ Quan gác tại cổng mở cổng cho gia đình quân nhân vào. Đoàn ngưòi thật đông, ào ào chen lấn nhau đi vào, xe tôi cũng theo vào.
Vừa đến Bộ Chỉ Huy, tôi nhẩy vội xuống, đỡ vợ con khỏi xe rồi nói với tài xế:
- Hai cậu về đưa gia đình vào đây. Sống chết có nhau vẫn yên chí hơn.
Xe chạy vụt đi, tôi đưa gia đình vào căn nhà thuộc tầng dưới của Bộ Chỉ Huy, rồi hối hả lên Phòng Hành Quân. Trong phòng chỉ còn vài nhân viên vô tuyến và viên Thiếu Úy trẻ,
-Thưa Thiếu Tá, Bộ Tư Lệnh vừa ra chỉ thị, các Hải Đội tự chỉ huy các chiến hạm thuộc hạm đội mình. Chiếc nào sẵn sàng thì có thể tách bến và chở theo gia đình quân nhân. Ra Vũng Tàu, sẽ có lệnh mới. Tất cả cố gắng rời bến trong đêm nay để tránh địch pháo kích.
Viễn ảnh chỉ một chiếc tầu bị pháo, chìm ngay giữa giòng sông là tất cả hạm đi sẽ kẹt cứng tại bến làm tôi lạnh gáy. Tôi cầm ống liên hợp đích thân lập lại lệnh rời bến cho các chiến hạm dưới quyền, rồi buớc ra hành lang nhìn ra cầu tầu. Trung Tá Vũ cũng đứng đó. Cả hai nhìn khối đông dân chúng chen lấn xô đẩy nhau leo lên chiếc hạm kiều chật hẹp.
Tôi hỏi:
- Trung Tá về đón gia đình chưa?
- Moa lái xe ra ngoài, nhưng thành phố nhốn nháo quá, súng nổ khắp nơi. Cảnh sát và nhân dân tự vệ chận tại các đầu đường, chẳng biết ai là thật ai là giả, đạn bay vèo vèo làm moa ớn quá lại quay lại. Toa nhìn kìa, chen chúc nhau lên tầu kiểu kia chắc lại chết ngộp như ngoài Đà Nẵng mất thôi.



Hình ảnh kinh hoàng cuả cuộc rút quân tại Đà Nẵng, tôi không bao giờ quên được. Chuyến đó, tôi theo Hải Vận Hạm HQ 402 ra vùng biển miền Trung để quan sát tận mắt các hoạt động của loại chiến hạm chuyển vận thuộc Hải Đội Chuyển Vận. Hạm trưởng tầu này là bạn cùng khoá của tôi.
Ngày 28 tháng 3, dân chúng và quân nhân các đơn vị bộ binh và Thủy Quân Lục Chiến đông nghẹt trên bãi biển Tiên Sa Đà Nẵng. Tầu được lệnh ủi bãi để cứu. Tầu chưa vào tới bãi, dòng người đã túa ra, bơi lội lõm bõm chung quanh tầu, giành giựt leo lên. Tầu vào sát hơn nữa, có thể đè chết một số người ngay dưới lườn tầu mà trên tầu không hay. Cửa ramp vừa mở, dân chúng và binh lính bu đen đặc. Trên bãi một đoàn thiết giáp ầm ầm phóng xuống, cán bừa lên những người không kịp tránh dạt ra. Hạm trưởng phải dùng loa, cho hay sẽ đón hết, trật tự mới tạm yên. Khi tầu đầy nhóc người từ trong lòng tầu đến các ổ súng và khắp các ngõ ngách, hạm trưởng ra lệnh đóng cửa ramp và rút bãi. Nhiều người hốt hoảng bơi ra ngoài với hy vọng lên được tầu.

Máy lùi mà tầu không nhúc nhích, Hạm trưởng lo sợ tàu bị mắc cạn, cho lệnh tăng tốc độ máy tối đa. Nước cuồn cuộn sôi sục dưới sức quay của chân vịt, cuốn cả những nguời đang bơi lội quanh tầu trong tuyệt vọng. Máu loang đỏ mặt nước. Súng nhỏ trên bờ bắn ào ào xuống tầu, khiến hạm trưởng ra lệnh tầu quay gấp để hướng ra khơi. Nhiều người nữa bị chân vịt tầu hút vào và chém chết. Xác người nổi lềnh bềnh quanh thân tầu như rong biển. Các chiến hạm khác cũng gặp những trường hợp tương tự, tuy nhiên một số lớn dân chúng và binh sĩ các binh chủng đã được Hải Quân cứu kịp vào giờ phút chót, kể cả một số các vị tướng lãnh.

Trên đường về Sài Gòn chiến hạm cập bến cầu đá Nha Trang, tôi lại chứng kiến một cảnh tượng thật thương tâm. Xác người xếp đầy chiếc cầu tầu dài cả trăm thước. Người lớn, trẻ em, đàn ông đàn bà và cả những xác lính. Hỏi ra mới biết, một chiếc xà lan chở mấy ngàn người tỵ nạn từ Đà Nẵng ghé ngang. Xà lan đi nhiều ngày trên biển. Trời nắng như đổ lửa, xà lan lại không có nước, nên rất nhiều người bị chết. Một số may mắn sống sót nhờ liếm được những giọt sương đêm. Xà lan cập cầu, chuyển thi hài lên lờ rồi tiếp tục đi về Sài Gòn. Tôi còn nghe kể trên bãi biển miền Trung cũng như trên các tầu hàng, một số loạn quân cướp bóc giết người, hãm hiếp gây kinh hoàng cho dân tỵ nạn.

Nghe Trung Tá Vũ nói, tôi cũng phân vân, không hiểu có nên cho vợ con lên tầu hay không. Xuống dưới nhà tìm Loan, thì nàng và các con cùng mẹ tôi đã theo đoàn người tiến đần về cầu tầu. Loan thấy tôi bèn vẫy rối rít, nhờ bế phụ hộ mấy đưá con, thành thử tôi bị kẹt cứng trong giòng người di chuyển chậm chạp về phía hạm kiều. Hạm kiều là một thang gỗ nhỏ, chỉ vừa một người bước, bên cạnh có căng giây cáp để vịn tay. Số lượng người quá lớn chen chúc xô đẩy nhau, nhưng chẳng nhúc nhich được bao nhiêu. Tại hạm kiều, vài quân nhân sốt rut, nhẩy lên níu dây cáp leo lên, khiến hạm kiều rung chuyển nghiêng ngả. Có tiếng la thất thanh cuả một người đàn bà:
- Anh ơi, con rơi xuống nước rồi. Trời ơi, có ai vớt giùm con tôi không. Nó tuột khỏi tay tôi rồi. Trời ơi là trời. Con ơi là con.
Giòng người chỉ hốt hoảng một chút rồi lại tiếp tục xô đẩy người mẹ mất con và gia đình bà ta lên, mặc bà ta gào khóc.
Một anh bạn Hải Quân đứng gần tôi trong giòng người hỗn loạn, gọi:
- Hùng ơi, toa có cách nào giúp bà xã moa và mấy đứa nhỏ lên tầu sớm hơn được không. Bà ấy và mấy đứa nhỏ ngộp thở muốn xỉu rồi.
Tôi ngao ngán:
- Moa cũng kẹt cứng, có di chuyển gì được đâu.
Liếc nhìn sang gia đình bạn thấy mặt bà ta xanh như tầu lá, thở hổn hển như muốn ngất, tôi rút khẩu súng colt bên hông dơ lên cao:
- Đồng bào tránh đường để tôi lên tầu chạy máy thì tầu mới rời bến được. Tôi là Sĩ Quan trên tầu đây.
Đám đông vẫn chật như nêm, không dãn ra được chút nào. Tôi không dám nổ súng sợ gây hỗn lọan, hoặc trên tầu tưởng là Việt Cộng phá hoại. Anh bạn thấy tình hình vô vọng, vội vàng đi ngược lại, dẫn vợ con ra vệ đường ngồi thở dốc.
Mấy tiếng sau, tôi và gia đình mới lên được tầu. Mấy chiếc tầu cặp cạnh nhau đều đầy nhóc người. 12:00 khuya, số người trên bờ đã lên hết, cầu tầu vắng lặng, chỉ còn vài chiếc Honda vứt lỏng chỏng cùng một số hành lý. Một hai chiếc xe Jeep, không người lái, đậu tại cầu. Mấy con tầu vẫn không nhúc nhích, như chờ lệnh.
Tôi đưa vợ con vào nằm tạm tại một góc kín gió, rồi lên boong, nhìn về toà cao ốc là nơi chàng làm việc. Đèn vẫn sáng, Một vài quân nhân đi lại. Sực nhớ ra một điều quan trọng, tôi chạy vội lên bờ, vào phòng Hành Quân. Mấy Thiếu Úy trẻ và một vài Hạ Sĩ Quan, không có ý định đi, còn quanh quẩn tại đây, chia cắt nhiệm sở tác chiến cho số quân nhân còn lại để tử thủ trường hợp bị tấn công. Một anh ngạc nhiên:
- Bộ Thiếu Tá không đi à?
- Tôi quên chỉ cho các anh số tam hợp của tủ sắt đựng tài liệu mật mã.
Trước khi tôi quay ra đi, Thiếu Úy Lân đề nghị:
- Thiếu Tá cho tôi khẩu Colt đi.
Khẩu súng Colt cuả tôi thuc loại đặc biệt, bằng kền bóng loáng, bá bằng sừng, trông rất đẹp.
Tôi tháo khẩu súng trao cho anh ta, bắt tay mọi người để từ giã. Đột nhiên Lân quắc mắt, chĩa khẩu súng Colt tôi vừa đưa cho anh ra lệnh:
- Thiếu Tá ở lại đây với anh em chúng tôi.
Tây Lân hờm trên cò súng. Tôi lạnh mình, choáng váng, tái mặt. Tiến thối lưỡng nan, tôi đâu có thể ngờ được tình hình lại biến chuyển mau lẹ như vậy. Lân hàng ngày rất dễ thương. Chẳng lẽ tôi bị cầm tù hoặc bỏ mạng nơi đây hay sao? Vợ con tôi đang chờ đợi trên chiến hạm. Cả phòng ai cũng ngạc nhiên trên nét mặt. Tôi đứng như trời trồng, mắt dán vào họng súng. Một vài giây, một vài phút hay một vài thế kỷ đã trôi qua,
Lân cười to:
- Xin lỗi Commandant nhé. Tôi đùa thôi.
Anh buông súng xuống.
Tôi không tin được tai mình. Nhưng dù sao thì tình trạng giật gân đã qua. Tôi gượng gạo:
- Cậu làm tôi lên ruột
Tôi thấy giọng tôi khản đặc, và bây giờ mới thấy rằng mồ hôi toát ra như tắm.
Chưa hoàn hồn, tôi đi vội ra, xuống cầu tầu và phóng lên tầu, vừa lúc, nhân viên chiến hạm được lệnh rút hạm kiều.

http://www.hennhausaigon2015.com/users/saomai/Pictures/00_TinTuc/ToiAcVietCong1975/031.jpg


Tôi leo lên đài chỉ huy. Hạm Trưởng là bạn cùng khoá với tôi. Ông ta đang nghiêng người ra ngoài thành đài chỉ huy, ra lệnh cho sân mũi nới dây. Thấy tôi ông nói:
- Tầu mình chỉ còn một máy, tay lái điện bất khiển dụng, phải lái tay, nên mình đợi nước ngược mới ra được.
Hai chiến hạm cập bên ngoài đã rời bến, có lẽ trong lúc tôi chạy lên bờ giao khoá mật mã.
Tiếng nói vang vang trong máy truyền tin:
- Đây là Đại Tá X, Tư Lệnh Hải Quân, các chiến hạm không được rời bến. Chờ lệnh mới. Chiến hạm nào không tuân lệnh sẽ bị bắn chìm.
Viên Trung Sĩ Giám Lộ hỏi Hạm Trưởng, giọng lo lắng:
- Mình có trả lời không Hạm Trưởng.
-Anh đưa máy cho tôi.
Ông nói vào máy:
- Đây là Hạm Trưởng HQ Nguyễn Văn T. Tầu chúng tôi chở đầy gia đình quân nhân và dân chúng. Chúng tôi rời bến để tránh bị pháo kích đêm nay, theo như lệnh đã nhận hồi chiều.
Ông đưa trả ống liên hợp cho người Trung Sĩ Giám Lộ:
- Anh tắt máy đi. Anh đi xuống tìm vài nhân viên trọng pháo, bảo họ mở các bao súng ra và ở vị trí sẵn sàng.
Ông nói với tôi:
- Ông nào cũng tự nhận là Tư Lệnh. Mình chẳng rõ bây giờ, ai có thẩm quyền đây. Mình cứ liều mà đi chứ chẳng biết sao.
Ông nhìn lên bờ, nhún vai:
- Tới đâu hay tới đó.
Đêm vắng lặng. Tầu chậm chạp lướt qua mấy cầu tầu trước Bộ Tự Lệnh Hải Quân tại bến Bạch Đằng. Bến đò Thủ Thiêm và thành phố Sài Gòn im vắng. Chỉ còn những ngọn đèn đường heo hắt.

Tôi phập phồng lo lắng. Trong đêm đen, biết đâu có một họng súng SKZ của người anh em, đang hướng theo tầu và sẵn sàng nhả đạn để lập công với chủ mới. Tôi bàng hoàng, chập chùng trong cái cảm giác lẫn lộn khó tả. Mình xa Sài Gòn rồi đây. Biết có ngày nào trở lại.
Vì còn một máy, lái tay nên Hạm Trưởng dè dặt tiến ra biển dọc theo sông Lòng Tào với vận tốc chậm. Một số nhân viện chiến hạm sẵn sàng ở nhiệm sở tác chiến. Ngang Nhà Bè, nhìn vào những kho xăng, tôi thấy từng đám cháy lan rộng. Lâu lâu lại có tiếng đạn đại bác nổ và lửa phụt lên từ những bồn dầu. Những tiểu đĩnh trôi lềnh bềnh không người lái. Buổi tối, địch quân chặn ở ven bờ sông bắn vào đám tầu ra đi. Nhà văn Chu Tử trúng đạn tử thương cùng một số nạn nhân khác.
Suốt đêm tôi không ngủ, đứng trên đài chỉ huy cùng người bạn Hạm Trưởng.
Bình minh, chiến hạm ra khỏi Cửa Tiểu. Biển mênh mông trải rng trước tầm mắt. Ánh sáng đầu ngày cũng như lạ lùng ngơ ngác. Trên sàn tầu người tỵ nạn căng bạt nằm la liệt bên cạnh đống hành lý ngổn ngang. Từng nhóm các gia đình túm tụm vào nhau tại những ổ súng hoặc bất cứ chỗ nào có thể ẩn núp được.

10:00 giờ sáng qua máy thu thanh, tiếng Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh buông vũ khí.
Tôi cảm thấy hụt hẫng, ngỡ ngàng. Tôi nhìn về ngọn núi Vũng Tầu phiá sau lái, với cảm giác buồn tênh. Một đời chiến đấu, tôi không thể nào ngờ lại có giây phút đau thương này. Trên đài chỉ huy, mọi người cùng im lặng, ngơ ngẩn nhìn nhau.!...