main billboard


Anh công an bỏ tờ giấy ra trại của ông Ba Cất vào hộc bàn đóng xập lại...

cong-an hut thuoc
Hôm nay là ngày bầu cử, trường học đóng cửa nên 2 đứa con ông Ba Cất là thằng Thanh và thằng Hoàng ra chỗ sửa xe ngay từ sáng sớm. Khi mọi người đã đi hết, ông Ba Cất mở “trạn” lấy cơm nguội ra ăn, cánh cửa trạn vừa mở ra ông đã nghe mấy con gián chạy rào rào. Nhưng cũng chẳng sao, ở trong trại cải tạo ông ăn phải gián là thường, mấy người khác cũng vậy, mà có thấy ai kêu la hay khạc nhổ gì đâu! Ruồi, rệp, gián và người ở chung với nhau. Thau cơm độn khoai lang khô, khoai mì khô hay bo bo lãnh về chưa kịp chia, ruồi đậu đen nghịt ở phía trên. Thau nước mắm “đại dương” lãnh về (toàn nước muối pha với chút nước mắm cho có mùi) mấy chục con ruồi nổi lều bều... Lấy tay xua xua, đuổi đám ruồi ở thau cơm, lấy thìa vớt mấy con ruồi ở thau nước mắm bỏ đi rồi chia cơm, chia nước mắm. Lúc chia anh em ngồi lõ mắt ra nhìn, chỉ sợ chia không đều, phần mình ít hơn phần người khác. Miếng cháy lớn bằng nửa bàn tay bẻ ra làm mười bỏ lên trên mười phần cơm của mười người, chỉ nghe có tiếng cằn nhằn là cháy bẻ không đều, miếng to, miếng bé chứ chẳng thấy ai kêu nhiều ruồi nhiều nhặng bao giờ!

Chúa Nhật không phải đi lao động ở nhà, ai có thăm nuôi thì nấu nướng linh tinh, đám con bà phước (người không có thăm nuôi) vô sản thì nhìn người ta ăn rồi nuốt nước miếng, vì Chúa Nhật hay ngày lễ nghỉ không đi lao động thì không có ăn sáng. Ăn rồi kẻ vá quần aó, người lật mùng, lật chăn ra bắt rệp. Rệp đâu mà nhiều thế không biết, bắt hôm nay ngày mai lại có, giết chán mỏi tay nó lại hôi rình bèn bắt bỏ vào cái hũ pê-ni-xi-lin rồi thỉnh thoảng lấy ra xem nó bò chơi. Còn gián cũng vậy, sinh sôi nẩy nở tràn lan vì giang sơn của mỗi người tù chỉ rộng không bằng một chiếc chiếu cá nhân nên chiếu của người này phải trải chồng lên mép chiếu của người kia. Rồi thì muối, mắm, tương, chao, đường tán, mì vụn v.v. nói chung là mọi thứ tài sản của một người tù đều được để trên “xích đông” thuộc phần mình ngay chỗ đầu nằm, thế là trước khi người ăn, gián đã tha hồ mà hưởng thụ. Buổi sáng trước khi đi lao động ngồi nhai miếng bột khoai mì luộc dày bằng một đốt ngón tay và lớn bằng hai ngón tay chụm lại lãnh từ tối hôm trước. Ðang nhai mà nghe đến xựt một cái rồi thấy hôi hôi, tanh tanh, lờ lợ là biết ngay đã nhai phải một chú gián chui trong cái lỗ hổng ở miếng bột khoai mì. Nhưng mặc mày, “ông” nhắm mắt nuốt luôn vì nếu nhả mày ra thì “ông” còn gì đâu nữa mà ăn!
Ông Ba Cất đã ăn phải gián là thường vì thế mà ông chẳng bận tâm gì đến mấy con gián đang chạy rào rào ở trong cái gác-măng-giê. Ông chỉ nghĩ bụng: mình sẽ phải sửa lại cái gác-măng-giê, nó hở nhiều chỗ quá rồi!

Còn được một bát đầy cơm nguội, ông Ba Cất chan vào một chút nước mắm rồi ngồi ăn. Cũng may nồi cơm được đậy vung cẩn thận, gián không chui vào được nên không có mùi hôi. Mới hôm qua, hôm kia đây thôi, còn ở trong tù mà có được bát cơm như thế này thì đã là một hạnh phúc vô biên. Quanh năm suốt tháng chỉ ăn độn, những năm về sau này, mùng một tết mới có được bát cơm trắng nhưng tiêu chuẩn cũng chỉ nhỉnh hơn bát cơm ngày thường một chút nên ăn cũng chẳng thấm tháp gì.

Ông Ba Cất ngồi nhai bát cơm nguội chan với nước mắm. Lẽ ra nó phải ngon lắm, nhưng ông lại không thấy có gì đặc biệt cả, lại nữa ông cũng không cảm thấy đói để cần ăn. Từ hôm qua đến nay, bữa này là bữa thứ hai ông không phải ăn độn. Bữa cơm tối hôm qua còn có cá trích kho, rau muống luộc chấm nước mắm và nước rau muống luộc có bỏ chút muối làm canh. Tuy ăn có ngon hơn ăn cơm tù nhiều thật, nhưng chỉ sau hai bát là ông đã không ăn nữa; bà hỏi sao ông ăn ít thế, ông bảo trong tù ăn ít nó quen rồi, nay ăn nhiều sợ hại bao tử, phải từ từ rồi mới ăn nhiều được, cũng như người bệnh lâu ngày mới khỏi, ăn cho cố vào là có chuyện ngay! Tuy nói thế, nhưng còn một lý do thứ hai mà ông Ba Cất không nói ra là ông về bất ưng, nhà không biết để nấu thêm phần cơm ông, nếu ông ăn nhiều thì vợ với các con ông sẽ đói. Hơn nữa dưới chế độ xhcn ưu việt làm bất cứ một việc gì mỗi người đều có tiêu chuẩn cả, ngay cả ăn cũng thế.

Từ nhà ông đến đồn công an phường Thắng Tam đường xa hơn 3 cây số, ông Ba Cất cuốc bộ mất gần một tiếng đồng hồ. Nhưng đi bộ một quãng đường như thế đối với ông là chuyện tầm thường. Ngày mới từ trại Suối Máu được đưa đi lao động tự quản ở Trảng Bom, cải tạo viên đã phải vào rừng chặt tre, chặt lá buông, chặt cây đem về tự dựng lấy lán, lấy nhà để ở. Trong mấy công tác này, ông Ba Cất thích được đi chặt tre nhất. Muốn có một cây tre, cải tạo viên phải cuốc bộ cỡ 12 cây số đường rừng để đến được khu rừng tre. Chọn được bụi tre vừa ý rồi, người chặt tre phải làm thế nào để sau khi phá một bụi tre có thể lấy được tối thiểu là 4-5 cây một lúc, chứ nếu chỉ lấy được một 1-2 cây thôi thì uổng công lắm. Cái khó khăn vất vả nhất của việc chặt tre là dọn sạch từ dưới lên trên để có thể leo lên tít trên ngọn. Chặt đứt 5-6 ngọn cây tre đi rồi, leo xuống chặt phần gốc xong là có thể rút được cây tre ra dễ dàng. Tiêu chuẩn của mỗi người một ngày là một cây tre, dài 6 mét trở lên, phía gốc to tối thiểu phải bằng cái lon gô. Mà tre là tre rừng lâu năm, cành, lá, gai góc đan chằng chịt vào nhau, phá được một lối đi vào sát bụi tre là đã vất vả lắm rồi, nên nếu không kiên trì và không biết cách thì không dễ gì mà lấy được một cây tre. Ði chặt tre người ta cũng không đi một mình mà thường đi thành từng nhóm hai, ba người để người nọ phụ người kia, tiếp tay nhau mà chặt cành, mà kéo cây tre ra khỏi bụi tre v.v. Nhóm ông Ba Cất chỉ có hai người, ông và anh Nguyễn Ðình. Ông thích đi với anh Nguyễn Ðình vì anh là người cùng đơn vị với ông, cùng ở cư xá Trương Công Ðịnh, anh chẳng những đã hiền lành lại rất tháo vát. Còn anh Nguyễn Ðình cũng thích đi với ông Ba Cất vì ngoài cái tình thân từ trước, ông Ba Cất còn là một kiện tướng chặt tre.

Vì là lao động tự quản nên sáng ra lãnh phần ăn sáng và phần ăn trưa rồi ai muốn đi trước thì đi, ai muốn đi sau thì đi, không bắt buộc phải đi cùng một lúc với nhau và không có công an võ trang vác súng đi theo. Ấy là chỉ những người trách nhiệm đi chặt tre, chặt lá buông hay chặt cây về dựng lán, dựng nhà thôi, chứ những người đi phá rừng hay làm rẫy thì lại khác. Ông Ba Cất thích đi chặt tre vì tuy phải đi xa những 12 cây số, đi và về 24 cây số, nhưng sau khi phá xong một bụi tre, lấy được 5-6 cây tre xuống rồi thì ông và anh Nguyễn Ðình mỗi người một cây, mấy cây còn lại đem giấu thật kỹ. Nếu thấy trời còn sớm thì trên đường về có thể vừa đi vừa “cải thiện” linh tinh: Nắm rau sam, nắm cải trời hoặc là quả bí, quả mướp để chiều hôm đó có cái mà nấu nướng thêm, miễn là vác được cây tre, bó lá buông hay cây cột về tới trại trước bốn giờ chiều giao cho anh tổ trưởng kiểm soát, ghi vào sổ báo cáo thế là được. Hôm sau đi chặt tre thì chỉ việc đến chỗ cũ rút ra hai cây tre đã giấu ngày hôm trước, sau đó thì tha hồ mà đi cải thiện. Có lần ông và anh Nguyễn Ðình còn câu được cả mấy chục con cá trắng, loại cá ở suối trông gần giống như con cá diếc lớn gần bằng hai ngón tay. Ðem về làm sạch rồi đốt lửa nướng, hôm ấy hai anh em được một bữa “bồi dưỡng”! Sau này chuyển trại về Hàm Tân, Thuận Hải Z30C thì toàn là đẩy xe cải tiến hoặc là gánh nước tưới rau. Ngày gánh 60 đôi nước từ suối đi lên, dốc ngược, trơn như mỡ còn được, xá gì việc đi bộ từ nhà đến đồn công an có hơn 3 cây số.

Hôm ấy là ngày bầu cử, đồn công an vắng hoe, mọi người đều đi công tác, chỉ còn một anh công an ngồi ở phòng trực. Thấy ông Ba Cất lò dò bước vào, anh ta trừng mắt lên hỏi:
- Ði đâu đây, có việc gì, sao giờ này không đi bầu cử mà lại đến dây?

Ông Ba Cất móc túi lấy tờ giấy “ra trại” mở ra cầm bằng cả hai tay đưa cho anh công an, khẽ thưa:
- Báo cáo cán bộ, tôi mới được ra trại, hôm nay đến trình diện đồn!

Anh công an cầm tờ giấy lẩm nhẩm đọc rồi ngước mắt lên hỏi:
- Có thuốc không?

Ông Ba Cất có gói thuốc rê ở trong túi, nhưng nghĩ chả lẽ lại mời cán bộ hút thuốc rê, nên ông nói trớ đi:
- Báo cáo cán bộ tôi không hút thuốc!

Anh công an bỏ tờ giấy ra trại của ông Ba Cất vào hộc bàn đóng xập lại rồi vẫy tay bảo:
- Về đi, mai đến lấy!

Nói rồi anh ta đứng lên như là chuẩn bị đi đâu đó. Ông Ba Cất nằn nì:
- Báo cáo cán bộ tôi chỉ có mỗi tờ giấy đó, xin cán bộ ký nhận cho là tôi đã trình diện rồi cho tôi xin lại vì hôm nay là ngày bầu cử...

Ông chưa nói hết câu thì anh công an đã trừng mắt lên:
- Ðã bảo về đi mai đến lấy còn lải nhải gì nữa, hay là muốn ở lại đây luôn?
Ông Ba Cất lủi thủi đi về lòng vừa buồn vừa lo! Bực mình, bất giác ông lẩm bẩm chửi thành tiếng: “ÐM nó, ở đâu cũng giống nhau, trong trại muốn được yên thân cũng phải hối lộ, về đây cũng thế!”

Ở trong trại, tù nhân muốn được yên thân, muốn không bị làm phiền cũng phải hối lộ cho quản giáo, cho cán bộ võ trang. Hình thức hối lộ là như thế này: Tù nhân thì anh nào cũng rách như cái xơ mướp, trên chỉ có bộ răng, dưới chỉ có “bác hồ”, đói khát triền miên, nhưng những anh “con bà phước”chả nói làm gì, còn những người khác thỉnh thoảng cũng được thăm nuôi. Mà có thăm nuôi thì thế nào cũng có thuốc rê hay thuốc lào bởi tù cải tạo hiếm có người không ghiền thuốc. Cha cố, Sư thày ngày còn ở ngoài đời mà phì phèo điếu thuốc thì thật là khó coi lắm, thế mà vào đây các vị cũng kéo thuốc rê, rít thuốc lào như điên! Quan thày thuốc ngày trước cứ sau khi đụng vào bệnh nhân một tí là lại giơ tay ra cho y tá xịt an-côn để xát trùng. Còn thuốc rê với thuốc lào thì đừng bao giờ nói với các vị, vì đó là những thứ thuốc độc cần phải tránh xa. Thế mà vào đây, tù khám bệnh cho tù, sau khi khám xong quan đốc tờ được mời quấn điếu thuốc rê hay rít một bi thuốc lào thì hai mắt quan đốc tờ sáng lên! Cũng bởi hầu hết tù nhân sau khi được thăm nuôi thế nào cũng có thuốc rê hay thuốc lào nên mới có một cái luật bất thành văn là như thế này: Sau khi được thăm nuôi, buổi sáng hay buổi chiều đi lao động, ngoài tiêu chuẩn thuốc cho anh, anh phải vấn sẵn 4-5 điếu thuốc rê hay gói sẵn 4-5 bi thuốc lào để hối lộ cho cán bộ quản giáo hay cán bộ võ trang. Số thuốc này anh giao cho đội trưởng để thỉnh thoảng đội trưởng lại mời cán bộ hút một điếu. Cán bộ có thuốc “phê” đều đều sẽ vui vẻ không làm khó dễ anh em.

Anh nào mới được thăm nuôi cũng phải làm "nghĩa vụ" như thế, cho đến khi trong đội có người khác được thăm nuôi thì nghĩa vụ của anh mới chấm dứt. Nếu cùng một ngày mà có đến mấy người được thăm nuôi thì sẽ chia nhau mỗi người mấy ngày phải cung cấp thuốc cho cán bộ. Ông Ba Cất cứ đều đều 2 tháng được thăm nuôi một lần nên cứ mỗi 2 tháng là ông lại phải thi hành nghĩa vụ một lần. Sáng cũng như chiều, ông vấn sẵn 4 điếu thuốc rê đưa cho anh đội trưởng cùng với lời dặn: Ðừng đưa cho nó một lúc, cứ đợi đến khi nó “vã” lắm rồi mới cho một điếu. Ðưa một lúc nó hút hết rồi thì không có đâu mà cho nữa! Nếu chẳng may mà lâu quá trong đội không có ai được thăm nuôi, chẳng lẽ người được thăm nuôi cuối cùng cứ phải cung cấp thuốc cho cán bộ mãi, khi đó “nghĩa vụ” sẽ thuộc về anh đội trưởng. Anh làm sao thì làm, cán bộ “vã” thuốc quá trở nên cáu gắt, làm khó dễ anh em thì anh em sẽ ÐM anh đội trưởng. Gặp những trường hợp như thế thì anh đội trưởng lại đi vòng vòng thì thào năn nỉ anh em bớt mồm bớt miệng “cứu bồ” trong cơn túng ngặt, thế là anh đội trưởng lại có thuốc “đút” cho cán bộ.

Ở trong tù đã thế, nay được ra khỏi tù đến trình diện đồn cũng bị công an hỏi “có thuốc không”? Không có thuốc, bị công an giữ tờ giấy ra trại rồi đuổi về “mai tới lấy”! Hôm nay là ngày bầu cử, “chó vàng” chạy đầy đường, đi đứng lạng quạng, nó hỏi giấy tờ không có, lỡ nó đem nó nhốt rồi gửi đến một trại nào đó thì vợ con biết đâu mà tìm. Vì nghĩ vậy nên khi về được đến nhà rồi, suốt ngày hôm đó ông Ba Cất không dám bước ra khỏi cửa!

Tối về, ông kể chuyện cho vợ nghe, bà thở dài bảo:
- Em bậy quá, đáng lẽ phải bảo con Thảnh đưa cho anh mấy điếu Jet hay Samit mới phải, bây giờ làm cái gì cũng phải có thủ tục “đầu tiên” mới được. Samit nói ít hiểu nhiều, ba số 5 vừa nằm vừa ký mà!