main billboard


Con nuôi chim, cho chim ăn như thế là đủ. Duy chỉ thiếu một thứ hạt. Thứ hạt này cần thiết lắm…

chim-long-bay
Lạp có nuôi một chú chim. Hắn mua của ông lão nhà quê đi bán dạo. Ông lão nhốt chim trong chiếc lồng tre đan sơ sài. Mặc dù lồng chim với chiếc túi vải hành lí của ông rất nhẹ song ông cũng xỏ cây ngang qua gánh trên vai .

Lạp hỏi:

- Con chim này là giống chim gì?

Ông lão:

- Chim sẻ tàu, quí lắm, nuôi lâu ngày, dạn người nó hót rất hay.

Ông lão nói chim sẻ tàu. Lạp chưa nghe chưa thấy lần nào. Con chim có màu lông giống chim sâu. Lạp chẳng lạ gì loài chim sâu, chúng nó có cái lưng màu xanh rêu, đôi khi ửng màu xanh vàng dưa cải, bụng chim cũng màu ấy nhưng nhạt hơn nhiều. Lưng đậm, bụng nhạt là sự bố trí màu rất đúng qui luật của tạo hoá đối với loài chim và cá, để kẻ thù từ trên nhìn xuống khó thấy. Từ dưới nhìn lên cũng không phát hiện được. Chân chim, mỏ chim đều đen, chân nhỏ bằng cây tăm. Nếu là chim sâu thì đôi mắt chim long lanh như hạt cườm, đặc biệt viền quanh mắt là một vòng tròn màu trắng, làm cho mắt chim trông linh hoạt hơn. Vì thế có nơi gọi chim sâu bằng tên chim vành khuyên. Chim sâu kêu từng tiếng một, có khi là tràng dài ríu rít vui tươi. Người ta nuôi chim vành khuyên là nhờ đặc điểm về tiếng hót lảnh lót vui tươi này. Chim sâu ngoài trời hay nuôi trong lồng rất linh hoạt, ít khi chịu đứng yên, nó luôn luôn nhảy nhót. Cái đầu với cặp mắt vành khuyên, thêm chiếc mỏ dài và nhọn như cây đinh nghiêng bên này ngó bên kia trông rất sinh động.

Con chim mới mua trông giống chim sâu song chiếc mỏ ngắn, khoẻ mạnh chứng tỏ nó thuộc họ chim ăn hạt. Song con chim này cũng chẳng phải chim sẻ, chim mía, chim gi, chim áo đà, chim dồng dộc, chim bông lau…Bọn này đều có mỏ ngắn, khoẻ, ăn hạt và tách hạt ra khỏi vỏ rất nhanh. Loài chim ăn hạt thường sống thành bầy. Có bầy hàng trăm con. Chỉ có chim sẻ thành phố là làm tổ sơ sài bằng rơm rác, lông gà, vải vụn, bất cứ thứ gì chúng nhặt được ở chung quanh. Còn hầu hết chim ăn hạt ở thôn quê, trong thiên nhiên, trong rừng đều làm ra những chiếc tổ công phu. Riêng chim dồng dộc làm tổ cầu kì nhất. Chúng tước lá mía lau sậy thành từng sợi nhỏ đan bện vào nhau thành chiếc tổ treo trên ngọn cây. Trong lòng tổ có nơi dùng đẻ trứng, ấp trứng, có con đường đi vào hình ống từ phía dưới lên. Hình như đây là cách chim chống lại loài rắn thường tìm ăn trứng chim và chim non. Bọn trẻ chăn trâu nhìn cái ống, tức con đường dẫn vào tổ dài ngắn mà biết trong tổ đã có trứng chưa? Trứng đã nở ra chim con chưa? Chim con lớn nhỏ, sắp ra chuyền chưa? Khi cuốn tổ dài chừng gang tay người lớn là lúc chim con đã mọc lông, bụng nhỏ lại, sắp sửa rời tổ. Bắt chim lúc này là thích hợp nhất. Nếu trễ, chim con mọc đủ lông, biết chuyền, cha mẹ tập con bay, và thế là chúng kéo nhau bay mất. Loài chim dồng dộc có biệt tài đánh lừa kẻ thù. Khi trong tổ chưa có trứng, có con hoặc có chim non, chim bố mẹ giả tiếng ríu rít của chim con để kẻ thù tưởng chim non đã nở tới bắt. Lạp cũng đã có lần bị mắc cái mưu này. Nó leo lên, cho tay vào tổ, thấy trống trơn ! Nhưng khi trong tổ đã có trứng hay có con thì chim bố mẹ lại hoàn toàn yên lặng giữ bí mật tuyệt đối cho tổ. Mỗi khi đi kiếm mồi về, chim bố mẹ không khi nào bay thẳng về nơi có tổ. Chúng nó bay về cái cây nào đó, coi ngó chung quanh nhiều lần, chuyền sang cây khác và cây khác nữa. Cuối cùng thấy thật an toàn mới bay về đúng tổ. Đó là điều kì diệu của tạo hoá. Nếu bị động, gọi là “hôi ổ” Chim bố mẹ liền bỏ tổ ấy đi tìm một nơi khác kín đáo hơn và một lần nữa lại miệt mài tước những cái lá mìa thành sợi nhỏ làm lại tổ khác. Đánh lừa kẻ thù là bản năng của loài vật, chúng không học hỏi ai và ngay lần đầu tiên việc đánh lừa đã hoàn chỉnh. Mấy anh chim trống cũng tự tạo cho mình chiếc tổ nhỏ như cái nón có cái quai bắt ngang qua để mấy chàng ta đậu đung đưa trong làn gió thổi từ rừng ra cánh đồng, canh chừng cho vợ con. Tổ chim trống chỉ dùng vào việc che mưa nắng, không đẻ trứng trong tổ này được.

Con chim Lạp mua được thuộc giống chim ăn hạt, song rất lạ Lạp chưa hề thấy, chỉ mới nghe ông lão gọi là sẻ tàu.

Con chim này có mỏ ngắn, hình dáng mỏ chim hơi khoằm, kiểu mỏ két. Nhưng chắc con chim không thuộc loài két vì bàn chân có bốn ngón, ba ngón trước, một ngón sau. Chim két thuộc loại chim leo trèo bàn chân luôn luôn có hai ngón trước, hai ngón sau để tiện việc leo trèo dễ, còn có sự giúp sức của chiếc mỏ ngắn mà rất khoẻ, móc vào cành cây đu mình lên. Chân loài này ngắn nên việc cất cánh rất khó. Bọn két thường hạ xuống cách cánh đồng trồng ngô ăn, có con xuống đất bị đuổi nà bay lên không được, trẻ con nhà quê cứ việc chạy đến tóm cổ. Song coi chừng cái mỏ ngắn và khoằm cắn đến chảy máu. Loài chim leo trèo gồm có con vẹt, két, keo( một loài két nhỏ, mỏ đỏ, khi ngủ thường treo mình đầu chúc xuống dưới), người ta thường nuôi yến phụng làm cảnh vì chúng nuôi dễ, dễ đẻ, có nhiều màu. Bên châu Úc có nhiều loài vẹt màu sắc rực rỡ xanh đỏ lớn hơn két ta nhiều rất đẹp, rất đắt tiền.

Hai bên bờ con sông Cạn, là bãi phù sa thoai thoải , đất cát rất màu mỡ người ta thường trồng dâu, trồng bắp, một thứ bắp đỏ lớn trái, dài cả gang tay kêu bằng bắp đá. Bắp cứng, nấu nhiều giờ không mềm, thế nhưng người ta vẫn trồng bởi loài bắp này tuy ăn không ngon, nhưng năng xuất rất cao. Đây là thứ thực phẩm xoá đói. Thường thường dân vùng này phơi khô bắp, giã nhỏ, nấu chung với gạo. Không có gạo nấu riêng bắp ăn cũng được. Nà bắp là nơi lôi cuốn loài két, từng bầy hàng trăm con sà xuống, nếu không có người trong nom , chỉ một chốc hàng trăm cây chẳng còn cái bắp nào.

Cũng vào thời gian đó, buổi chiều màu khói hương đổ bên này sông, còn bên kia sông, sau núi Voi buổi chiều tím như hoa sim. Đàn két đáp xuống ồn ào tiệc tùng một lúc đã phá tan cả nà bắp rồi bay về phía núi Voi.

Lạp chưa biết con chim này là chim gì. Màu lông nó giống chim sâu, song có chỗ ánh lên màu xanh da chai, xanh cổ vịt, sáng như kim khí. Hỏi người chung quanh cũng không ai biết. Cái tên “ sẻ tàu” chắc cũng do ông lão tự đặt ra. Có mấy thằng chăn trâu chuyên nghiệp, chuyên bẫy chim săn thú thì nói, xét màu lông, ấy là chim bói cá non. Nhưng bói cá phải có chiếc mỏ dài để gắp con cá trong nước. Có thằng nói là chim chìa vôi nước. Lạp tự nhủ:

- Chim gì thì chim cứ nuôi, chịu ăn uống là sống.

Đối với cậu con trai 14 tuổi học lớp bảy, cái tuổi yêu mến chim chuột và gần gũi với thiên nhiên này thì món quà con chim còn quí hơn năm ngoái lên lớp sáu được cha mẹ thưởng cho chiếc xe đạp leo núi. Lạp xin tiền mua cái lồng tre. Trong lồng có đủ dụng cụ nuôi chim, chén đựng thức ăn, lọ nước uống, đĩa nước cho chim tắm, nơi đựng đất cát tất cả đều bằng sứ rất đẹp, và nhánh cây cho chim đứng chạm trổ công phu.

Lạp cho con chim vào lồng mới. Hắn rất ngạc nhiên thấy con chim tỏ ra dạn dĩ giống như đã được người bắt nuôi từ lâu. Thường chim rừng mới bắt về rất sợ người, vùng vẫy đến rụng lông gãy cánh bể mỏ, có con nhịn đói cho tới chết. Riêng con chim này nhanh chóng làm quen với chỗ ở mới. Nó đứng trên cành, mổ vài hạt gạo, uống ngụm nước, nhìn quanh, ngơ ngác. Lạp rất mừng, như thế con chim đã chấp nhận lồng mới, cảnh sống mới.

Con chim chịu ăn gạo, nhưng hình như nó chẳng thích thú gì với món ăn này. Nó ăn chỉ vì không có thứ khác, ăn rất ít, ăn cầm hơi. Mấy ngày sau phân của nó trắng như phấn. Lạp nghĩ, mình ngốc nghếch quá. Ở ngoài trời làm gì có gạo cho nó ăn. Đối với món ăn nhạt nhẽo khô khan này nó chán cũng phải. Người ta nói vỏ thóc có chất silic là chất xơ rất cần cho việc tiêu hoá. Sách vở còn nói, cám là cái vỏ mỏng bao quanh hạt gạo chứa rất nhiều vitamin B. Trên đầu hạt gạo có cái mộng lúa bổ dưỡng vì có nhiều vitamin E . Khi xay xát, những chất này bị mất đi, thành ra gạo trắng ăn không bổ bằng gạo lức. Có bác sĩ làm thí nghiệm cho chim bồ câu ăn gạo trắng. Thời gian sau chim bại không bay không đứng lên được, đó là bệnh bêri bêri, chữa bằng cách cho ăn cám, có vitamin B sẽ khỏi.

Lạp ra chợ mua lúa. Thấy người ta chỉ bán gạo. Chợ thành phố ai bán lúa làm gì. Chiều lại Lạp đạp xe về nhà quê đi dọc theo bờ ruộng thơm nức mùi lúa mới, bứt mấy bông lúa mẩy hạt vàng về treo cạnh lồng cho chim ăn. Con chim thấy lúa mới có mổ thử vài hạt, song nó chẳng yêu chuộng gì thứ thực phẩm này.

Lạp nuôi chim được hơn nửa tháng. Càng ngày con chim càng tỏ vẻ ủ rũ bơ phờ. Lạp nhớ hồi mới mua về, bộ lông chim láng lẩy xanh mướt. Những chiếc lông sáng ngời, xếp lên nhau đều đặng và thứ tự như ngói lợp đình. Lông ức, lông cánh, lông đuôi màu sắc rất tươi, bóng loáng như thoa mỡ. Cặp mắt chim đen láy óng ánh như than đá vỡ. Mình chim thon thả rắn chắc, khoẻ khoắn. Nó nhảy nhót linh hoạt và cất tiếng hát vui vẻ. Thế mà giờ đây chỉ mới một thời gian sống ở trong lồng, cái lồng đẹp đẽ sang trọng, lại được chăm sóc kĩ lưỡng trông nó nhanh chóng tàn tạ, khô cứng hết cả sinh khí, giống như con chim chết độn trấu, chưng trong tủ kính.

Lạp bíết mình có thiếu sót trong việc nuôi chim, nhất là chưa tìm được thức ăn cho chim. Nó lấy sách sinh học ra tra cứu, thấy thóc và gạo chỉ chứa chất bột đường, rất ít chất đạm chất béo. Người ta nói loại đậu nhiều chất đạm. Lạp đạp xe ra phố tìm mua đậu. Nó mua đủ thứ đậu, xanh, đen, đo, nâu, đậu nành, đậu phụng…Bây giờ trong chỗ đựng thức ăn cho chim đủ cả màu sắc. Về sau muốn cho chim mau lại sức hắn cho chim ăn thêm ngô, mè, kê, hạt bông cỏ, bột trứng gà, thuốc sinh tố tổng hợp, các chất khoáng vi lượng. Bây giờ về mặt dinh dưỡng không còn chê vào đâu được.

Con chim vẫn cứ dửng dưng với thức ăn. Suốt ngày nó đứng ủ rũ, nhắm mắt, đầu rúc vào cánh, giữa mùa hè nóng nực là bộ lông xù ra trông giống như ông lão mặc áo ấm trong ngày đông tháng giá.

Ba Lạp thấy con khổ sở vì chim, hỏi:

- Lâu nay con cho chim ăn gì?

- Thưa gạo , lúa…

Ba:

- Còn gì nưã?

- Các loại đậu, bột trứng gà và cho uống nước pha sinh tố . Thế mà nó vẫn không khá lên được.

Ba Lạp thấy đã gần đến ngày tựu trường, thi cử, nói:

- Con nuôi chim, cho chim ăn như thế là đủ. Duy chỉ thiếu một thứ hạt. Thứ hạt này cần thiết lắm…

Lạp mừng rỡ:

- Thưa ba thiếu thứ gì? Hạt gì ?

Ba:

- Thứ hạt này không mua được. Thôi thả nó ra cho nó về với bầy đoàn với rừng xanh đồng cỏ. Con còn nuôi thêm thời gian nữa nó sẽ kiệt sức, lúc đó có thả ra nó cũng chết.

Lạp tiếc lắm, nhưng Lạp là một thằng bé ngoan biết vâng lời cha mẹ. Nó mở lồng. Con chim không chịu bay, phải xua nó mới nhảy ra khỏi lồng. Nó bay đậu nơi bậc cửa, dây phơi quần áo, thành giếng, chuyền sang cây khế. Mới ra khỏi chiếc lồng son mà con chim trông như sống hẳn lại. NÓ tươi tỉnh, linh hoạt, khác hẳn với thời kì tù tội trong chiếc lồng son.

Con chim tung mình lên cao, trên một bầu trời mù mù khói xe cộ ngày hôm qua còn đọng lại trong một buổi sáng mùa thu dịu dàng ở thành phố. NÓ ngậm đầy miệng một tràng tiếng hót rồi nhả ra như những hạt sương mai long lanh trên những mái ngói âm u.

Chú bé đáng thương nhìn theo con chim với cặp mắt bâng khuâng. Bây giờ chú đã hiểu ý ba nói chim thiếu một thứ hạt. Câu trả lời được chứng minh : Ấy là HẠT TỰ DO ./.