Tử sinh ngăn cách đôi bờ, Chỉ một sợi tóc hững hờ….thiên thu (tđn)
Tháng tư năm 1978, khi tôi từ một thành phố miền Đông Hoa Kỳ về quận Cam, California, tôi chưa có bạn nhiều. Bạn ngày xưa ở Sàigòn đủ mọi ngành, đủ mọi hạng, nhưng sang đây xẻ đàn tan nghé, mỗi người một nơi, lại có những người đã đi biệt tích không trở về “ra đi không mang va-li”.
Tôi biết anh Phát qua vài lần gặp ở mấy công tác xã hội, chúng tôi cùng kiếm cách xin tặng phẩm cho những gia đình Việt tị nạn mới từ các đảo Đông Nam Á được sang định cư tại Hoa Kỳ và chọn nơi định cư là quận Cam, Cali.
Năm 1975 khi mới đến Hoa Kỳ, nhà thờ St Ann và tư nhân tại Memphis, Tn giúp tôi buổi đầu: quần áo (cũ và mới), giường nệm, chén bát, tủ lạnh, TV, bàn ghế, thức ăn, nói chung là những nhu yếu phẩm hàng ngày. Nhờ thế gia đình tôi và các gia đình bạn mới đứng lên được trên hai chân của mình mà đi tới và có ngày nay.
Những ân nhân giúp chúng tôi không bao giờ mong chúng tôi đền đáp nhưng thầm gửi một Thông điệp: nếu sau này có những anh chị em, bất kỳ là người nước nào, đến sau chúng tôi, cần sự giúp đỡ thì chúng tôi nên giúp đỡ họ như chúng tôi đã được giúp đỡ, tùy hoàn cảnh và khả năng. Tâm niệm như thế nên những ngày nghỉ đối với tôi lúc đó rất quan trọng: chúng tôi từng nhóm đi xin quần áo đồ dùng và đem phát lại cho những gia đình mới tới.
Phải nói rằng quần áo cũ thải ra của trẻ con, người lớn (nhiều cái còn rất đẹp và tốt), đồ dùng như bàn ghế, nồi xoong cũ, ngay cả thực phẩm khô, đồ hộp không gia đình nào không có nhiều ít sẵn sàng cho đi. Khi chúng tôi tới, đa phần là gia đình Mỹ trong các giáo xứ (linh mục đã giảng ở nhà thờ), họ mang ra thật nhiều và chúng tôi cứ thế khuân đi rồi tính toán phân phối tùy theo loại và nhu cầu nhiều ít của mỗi gia đình.
Quận Cam, Cali lúc đó (và cả sau này) được dân tị nạn biết đến nhiều vì có đông người Việt cùng ở; ra đường, đi chợ, đi chùa, đi nhà thờ nhìn đâu cũng thấy người đồng hương, ấm lòng hơn là chỉ nhìn thấy người Mỹ. Hơn nữa, Cali nắng ấm, khí hậu mùa Đông bớt lạnh, mùa Đông không cần máy sưởi nhiều như miền Đông và miền Bắc, mùa hè tuy nóng nhưng vẫn dễ chịu; đó là lý do người Việt tị nạn lúc đó đổ xô về Cali, trong đó có gia đình tôi.
Anh Phát năm đó đã xấp xỉ tuổi lãnh tiền già; anh có con trai lớn nhưng không ở với mà ở với cô con gái út đã có chồng và một đứa con. Truyện này có thực nhưng tôi (tác giả) muốn ngụy trang danh tính cho khác đi, ta gọi con gái anh Phát là Celia.
Khuôn mặt xinh, có duyên, dáng thanh thả, lanh lẹ, gặp ai cũng mau mồm mau miệng và rất lễ độ với người lớn tuổi lại đã có hai năm Đại học Cộng đồng ở Santa Ana College ngành Accounting, Celia năm đó khoảng 30 tuổi, chồng là Paul, kỹ sư cho một hãng điện tử. Hai vợ chồng thương yêu nhau đằm thắm rồi làm đám cưới, anh Phát có mời tôi đi dự vì tôi với anh là chỗ thân tình. Anh Phát hay mời tôi đến anh chơi và ngược lại, anh cũng hay ghé tôi mỗi khi chúng tôi cùng đi làm công tác xã hội với nhau.
Khi tôi biết anh Phát thì chị Phát đã mất, tôi nghĩ mất ở Việt Nam nhưng tôi ngại khơi nỗi buồn của anh nên tôi không hỏi.
Có một lần hai chú cháu ngồi nói chuyện, nhắc đến mẹ, Celia bảo:
“Chú Vũ biết không? Con thấy bố con nói lại vậy, con ra đời mới được hơn một năm thì mẹ con mất. Mẹ con mất trong một trường hợp rất đau khổ. Bữa đó mẹ con tới nhà chú thím Rinh mua lòng heo tiết canh về cho ông nội và bố con uống rượu. Khi mẹ con vào trong bếp, thím Rinh trao một chai huyết hãm và một đĩa lòng mẹ con bưng về. Sàn bếp đá hoa, mỡ màng đổ xuống nên rất trơn. Mẹ con trượt chân té xuống cái chảo ở trên bếp nấu nước đang sôi, cả người mẹ con bị phỏng rất nặng, đem vào nhà thương chữa chạy nhưng vì vết phỏng đau quá không chịu nổi, mẹ con mất đêm hôm đó tại nhà thương.
Từ đó bố con phải vừa làm kiếm tiền vừa nuôi chúng con. Anh con lúc đó mới được 10 tuổi, hai chị con 7 và 4 tuổi, còn con hơn một năm. Con thương mẹ con bao nhiêu lại thương bố con bấy nhiêu. Mẹ con ra đi trong đau khổ vì con cái còn quá nhỏ dại. Bố con gà trống nuôi con, nhiều người đàn bà góa trẻ muốn chắp nối nhưng bố con không lấy ai cả. Sang Hoa Kỳ, vẫn còn có người muốn lấy bố con. Nhưng anh con với con nói bây giờ bố già rồi, vướng mắc vào cho khổ sao? Bố con chẳng nói gì!”
Bây giờ tôi mới vỡ lẽ vì sao nhiều lúc tôi thấy anh Phát buồn, trầm ngâm không nói.
Bữa đó thứ bảy, sau khi công tác, tôi mời anh Phát về nhà tôi chơi. Chỉ có tôi với anh, tôi bỏ ra mấy lon bia Bud, cắt vài lát giò lụa, nướng vài con mưc khô, chần cho mềm và một đĩa tôm khô củ kiệu. Tôi với anh ngồi ở cái bàn trong patio, gió hè hây hẩy dễ chịu.
Sau vài cái cụng ly, để gợi chuyện, tôi nói:
“Vài năm nữa anh đã được lãnh tiền già, anh Phát!”
Mặt anh rầu rầu:
“Sung sướng gì đâu chú, sang đây tuổi đã lớn, xin đi làm bất cứ việc gì nhưng các hãng không mướn người cao tuổi, ngay nghề làm janitor hay custodian họ cũng muốn mướn trẻ vì họ nghĩ người lớn tuổi chậm chạp. Thực ra người lớn tuổi chậm hơn nhưng cẩn thận hơn, làm đến nơi đến chốn. Janitor và custodian mướn người trung niên vẫn là tốt mà làm lâu, làm bền không nhảy như đám trẻ.
Ở vào thế kẹt như vậy thì đành phải lãnh tiền già mà sống thôi chứ chú tính, lãnh tiền già mà danh giá gì!”
“Xưa kia anh làm Cảnh sát được bao lâu nhỉ?”
“Từ năm 1950 nghĩa là khi Quốc trưởng Bảo Đại mới thành lập chính phủ Quốc gia. Tôi làm Cảnh sát ở Hưng Yên, sau đó đổi về Hà Nội rồi di cư vào Nam năm 1954 còn giữ ngành Cảnh sát nên tôi không phải vào Quân đội. Qua đây tôi chưa đến sáu chục, còn khoẻ và đi làm tốt nhưng tiếng Anh tiếng u học biết bao giờ cho thông? Thế là thành câm, điếc, què quặt.”
Tôi an ủi anh:
“Chẳng riêng mình anh, rất nhiều người như thế. Có những người còn trẻ, xưa kia có Cử nhân Luật, Cử nhân Khoa học ngay cả Cử nhân Văn khoa cũng phải học lại tiếng Anh trần thân chưa giao tiếp với người Mỹ suông sẻ. Kệ nó, tiện sao tính vậy, buồn phiền làm chi cho già người hả anh?”
Anh nói:
“Chính phủ Mỹ cho tầu đón mình ở giữa biển, đem vào trại tạm cư nuôi cả nửa năm mỗi gia đình, rồi cho sang đây, cho học tiếng Anh, cấp phát tiền gạo cho mà sống thì mình cũng phải nghĩ chứ. Đến cha mẹ mình cũng không lo cho mình được như thế. Yên ổ rồi thì phải kiếm công ăn việc làm mà sinh sống chứ cứ bám vào chính phủ thì họ lo làm sao được? Tôi không bao giờ muốn nhờ vả mãi như thế nhưng muốn đi làm không được mướn. Giá như có người Việt nào có khả năng tổ chức thâu nhận người Việt vào làm, lương hạ hơn người Mỹ cũng được mà không trở ngại tiếng Anh thì tôi đi làm ngay, làm bất cứ việc gì chủ muốn!”
“Tinh thần anh cao lắm,” tôi trả lời, “tôi đọc báo có biết một người Việt đã tổ chức một công ti thu quét các Văn phòng trong một thành phố, tức là công việc janitor. Ông này mướn toàn người Việt, trả lương như công ti Mỹ, ông ta đã thành công vẻ vang. Tiếc là ở vùng ta chưa có!”
“Nếu tôi có chút vốn và có khả năng,” anh Phát nói, “là tôi mở công ti đó liền.”
Cách một năm, đến năm sau nữa, qua một cú điện thoại, anh Phát khoe với tôi là anh đã được lãnh tiền già. Tôi mừng cho anh vì dù sao không có tiền hưu thì tiền già cũng là niềm an ủi. Tiền già mỗi người dạo đó được khoảng 500 đôla/tháng, sống dư dả. Phiếu Y tế (medical) vẫn lãnh, chính phủ cho housing, người thụ hưởng chỉ phải đóng khoảng 1/3 hay ¼ số tiền mướn căn phòng (khoảng 100 đô/tháng).
Vợ chồng Paul-Celia năm đó mua được một ngôi nhà 4 phòng ở Westminster. Những ngôi nhà sau này có giá năm, sáu trăm ngàn hoặc hơn thì lúc đó chỉ phải mua khoảng hơn 100 ngàn đến 180,000. Đó là cuối thập niên 70 sang đầu thập niên 80. Nhà Quận Cam cuối thế kỷ 20 lên giá chóng mặt.
Anh Phát mời tôi ăn tân gia nhà của Paul và Celia. Tôi rất hân hoan đến dự, đi mua một cây đèn ngủ khá đẹp mang đến. Vợ chồng Paul-Celia quí mến tôi như trong gia đình. Celia hay nói:
“Con có chú Thụ là chú ruột nhưng bị kẹt lại đi tù cải tạo, bây giờ con coi chú như chú Thụ con!”
Tôi trả lời:
“Chú có làm được gì cho Celia đâu?”
“Chú chơi với bố con, chuyện trò với bố con cho bố con vui là tốt lắm rồi. Từ hồi con có trí khôn, con thấy bố con buồn hoài vì mẹ con mất. Có bạn bè, có chú cũng là niềm an ủi cho bố con chứ bây giờ lớn tuổi còn biết tìm vui ở đâu.”
Celia rất khéo quản trị tiền bạc nên mua sắm đủ thứ trong nhà. Có thể nói Celia chỉ lo cho cái nhà nhưng quá hà tiện với bố dù đó là những đồng tiền của bố cô. Những gì Celia sắm là những thứ khá đẹp, giường, tủ, bàn ghế, sofa, ngay cả xoong nồi dùng trong bếp. Nhà 4 phòng, mới tinh, mỗi căn phòng là một tác phẩm về trang trí. Tôi nghĩ Paul rất may, vợ đẹp lại giỏi, lại khéo, đi làm Accountant lương khá.
Thỉnh thoảng nói chuyện với anh Phát, tôi có hỏi han về vợ chồng Celia. Tôi nói mỗi tháng anh đóng góp tiền ăn, tiền nhà với vợ chồng nó bao nhiêu?”
Anh trả lời:
“Cái check tiền già của tôi Celia bắt tôi ký để bỏ vào trương mục của nó, nó chỉ cho lại tôi 20 đô để mua vé xe bus.”
Tôi ngạc nhiên:
“Thế rồi tiêu vặt hay đi đình đám bạn bè, anh lấy đâu mà chi phí?”
Anh thở dài:
“Ấy đấy, khi nào có những chi tiêu bất thường thì tôi phải liệu. Những đình đám nể nang quá không đừng được thì tôi mới bảo nó ký cái check rồi tôi đi. Còn thì phải cáo lỗi. Từ Sàigòn sang đây, tôi mang được trăm lạng vàng và một số tiền đô do tôi bán được ngôi nhà ở Phú Nhuận trước khi mất Ban mê thuột dăm tháng, chưa mua nhà khác. Số tiền này nó cũng đòi giữ, nay nó nói nó mượn để mua nhà, khi nào vợ chồng nó có tiền, nó sẽ trả lại tôi; nhưng biết bao giờ?”
Tôi bảo:
“Chính phủ phát cho người cao niên, người Mỹ gốc cũng như người được nhận vào nước Mỹ có số tiền đủ để mỗi tháng chi tiêu, họ tính thế là vừa đúng, không thiếu, không thừa. Khi vật giá lên cao, công chức được lãnh lương phụ trội đắt đỏ thì người cao niên cũng được tiền đắt đỏ như công chức Mỹ đủ biết chính phủ quan tâm đến đời sống của dân chúng như thế nào.
Nếu cháu giữ hết chỉ tặng anh ba bữa cơm và cái phòng ngủ thì kẹt cho anh khi cần phải tiêu. Thí dụ tảo mộ cho các cụ ở Việt Nam, hay gửi cho em, cháu chút đỉnh quà bánh, tư tết gọi là quà gia đình. Lại còn số vàng và tiền đôla anh mang sang đây. Để bữa nào tôi ngồi xuống với nó, tôi giảng giải cho nó hiểu.”
Anh Phát giơ tay ngăn lại:
“Thôi chú, chú đừng nói gì với nó kẻo nó lại bảo tôi ngồi lê đôi mách với chú rồi cha con khó ăn khó ở. Hôm rồi tôi bảo nó tôi muốn mua một cái áo ấm nhưng nhẹ để đi bộ với bạn vào mùa Thu và Đông này nhưng nó gạt đi:
Bố còn nhiều quần áo nhà thờ cho khi xưa bố chưa mặc hết. Bố cứ mặc cho đến lúc hết hãy mua kẻo bố khuân về nhà không có chỗ chứa.”
Tôi lại bảo thế để bố đi mua đôi giầy?
Giầy bố còn hai, ba đôi. Bố đi đến mùa Đông sang năm cũng chưa mòn.”
Đấy nó cứ thế thì tôi hỏi chú tôi phải làm sao đây?”
Ngưng một lát, rồi tôi hỏi:
“Anh có thương vợ chồng nó không?”
“Sao không chú? Hai đứa chị của nó kẹt lại Việt Nam, chỉ có nó ở đây với tôi. Còn thằng con trai lớn thì đông con, tôi đâu có ở với nó được. Thằng này hoạt động Phong trào chính chị chính em gì đó, tôi không hiểu. Vì tôi thương cái con Celia này nên tôi không muốn chú can gián gì nó cả kẻo nó lại trách tôi đi nói chuyện nhà với chú. Nhiều lúc tôi muốn có mấy trăm để gửi cho hai đứa ở bên nhà mà không có. Hai đứa chị nó con đông và nghèo, chồng con lớn làm giáo viên cấp 2 ba cọc ba đồng, không đủ sống. Chồng con nhỏ đi theo người ta làm rừng cả tháng mới về nhà một lần, tiền mang về không đủ đâu vào đâu. Nó có máu uống rượu, vợ nó viết thư tối nào cũng nhậu. Tôi thực rầu chú ạ!”
Khoảng cuối năm đó, Paul và Celia có đứa con gái đầu lòng. Bữa ăn đầy tháng, anh Phát mời tôi tới. Tôi ghé Macy mua vài bộ quần áo sơ sinh loại baby girl rồi đến.
Hai vợ chồng Paul gặp tôi rất vui. Tôi bồng con Tina một lát, mẹ nó bảo:
“Ông thấy cháu giống bố nó hay giống con? Con định chỉ sinh một đứa con trai nữa rồi thôi. Ở Mỹ sinh con cực lắm ông à!”
“Ừ, sinh hai đứa là vừa đấy cháu. Bây giờ mua nhà rồi, có con rồi, thế là tạm mãn nguyện, phải không Celia?”
“Dạ, phải chú. Nhưng con chưa sắm được bộ màn cửa thật đẹp cho cái nhà này thì con chưa yên. Nhà đẹp, nhà mới mà bộ màn cửa không ra gì nó phí nhà đi!”
Tôi thấy bộ màn cửa cũng đẹp nhưng Celia thích thứ super. Celia chỉ lo đầu tư vào nhà cửa. Điều ấy tốt nhưng cái gì cũng nên vừa phải mới là khôn ngoan. Tôi cũng định nói thêm, thế cháu cũng lơi lơi tay ra cho bố cháu dễ thở một chút kẻo ông ấy già rồi, chẳng biết sống chết lúc nào, muốn tiêu pha cái gì không có, nhưng nghĩ lại lời anh Phát căn dặn, tôi kịp thôi.
Năm đó chúng tôi tổ chức đi Hawaii xem phong cảnh, mỗi người đóng ba trăm tiền vé máy bay và khách sạn. Có cả thảy 5 cặp và 4 người độc thân. Năm đó nhà tôi chưa qua vì vậy tôi là một trong 4 người độc thân. Anh Phát cũng ở trong nhóm, chúng tôi biết anh không có tiền đóng, chúng tôi bàn nhau mỗi xuất đóng thêm 20 đôla thì có thể bao cho anh được. Anh Phát cũng bằng lòng sự giúp đỡ đó nhưng Celia không bằng lòng. Celia nói:
“Bố con đang phải coi con Tina cho tụi con đi làm. Con mướn ai thay thế cho bố con để bố con đi được với các chú các bác?”
Vậy là anh Phát không được đi.
Tiền mướn vú em coi một đứa trẻ hồi đó phải 500 đôla /tháng, nuôi cơm ba bữa, muốn ăn gì trong tủ lạnh thì ăn, một phòng ngủ có TV để tối coi phim bộ; chiều thứ bảy chủ đưa về nhà chiều chủ nhật đến đón. Bảy giờ tối cơm xong rửa chén là vào phòng. Con chủ nhà giao cho chủ nhà cho đến sáng mai lúc chủ nhà đi làm. Mướn được mướn! Người chưa già quá, sạch sẽ, nhanh nhẹn đắt như tôm tươi bởi kẻ xin job ít mà người mướn thì nhiều! Những gia đình trẻ cả hai vợ chồng đều đi làm tất nhiên phải mướn vú em. Được vú em thương trẻ, cẩn thận, sạch sẽ, vén khéo thì mừng như trúng số độc đắc. Có những vú em cẩu thả đã làm chết con chủ nhà!
Tiền công vào cuối thập niên 90 lên 900 rồi 1,000/tháng. Nay phải hơn ngàn, coi 2 đứa là phải ngàn rưởi.
Có cái lạ là anh Phát coi trẻ con rất khéo tay, con Tina được ông ngoại cho ăn, cho uống, dỗ ngủ chẳng khóc lóc gì. Mẹ nó đi làm sớm nên ba rưỡi đã về, tắm rửa thay quần áo cho nó, lại cho nó ngủ. Tối nó nằm chơi với bố mẹ một lúc rồi ngủ suốt đêm. Vài tháng đầu Paul phải dậy vài lần cho nó ăn đêm nhưng rồi ép nó bữa ăn thưa dần, đêm không ăn nữa. Ban ngày cứ hai tiếng ông ngoại lại cho ăn một bữa, nó đã quen.
Vì coi con Tina, Celia chịu phát lại mỗi tháng cho bố 50 đô thay vì lấy tất cả cái check 550 đôla. Nhưng lúc này anh Phát còn giờ nào đi chơi với tôi hay với bạn khác mà tiêu tiền? Vé xe bus anh cũng không mua nữa. Lúc Celia về ôm con Tina thì anh phải đặt nồi cơm điện, làm thêm vài món ăn vì từ lúc đó, Tina không muốn rời mẹ nữa.
Celia có bữa về lúc 3:30 giờ có bữa 4:30 (vì còn ghé vào chợ mua thêm thức ăn) nên từ lúc về nhà ôm lấy con Tina là nó đeo dính cho đến sáng hôm sau. Mới mấy tháng nó đã khôn đáo để, trắng và mũm mĩm như cục bột ai thấy cũng thương.
Anh Phát nấu canh cải bẹ gừng với tôm khô, kho cá catfish, xào rau muống thịt bò, có khi lại nấu canh chua đầu cá với rọc mùng (bạc hà). Đã mấy lần anh nấu phở mời tôi đến. Phở anh có đủ tái, chín, gầu, vè, gân, sụn, sách, nước trong veo nhưng ngọt vì nồi xương hầm bỏ tủ lạnh một đêm rồi lọc mỡ. Tôi nói phở anh nấu thế này thì mấy hàng phở sẽ kém khách, nhất là anh không dùng bột ngọt.
Anh Phát xào rau giỏi mà kho cá cũng ngon. Anh vốn là tay làm được mọi việc từ khi mới vào đời. Anh nói lúc 15 tuổi ở Hưng Yên anh đã phải đi chợ mua thức ăn về nấu nướng cho hai bố con. Chỉ có gánh nước là ông cụ mướn người đổ ngày ba gánh vào thùng phuy để ăn và tắm giặt. Gần năm nay từ ngày Tina ra đời, anh đã tiết kiệm cho con gái và con rể ít cũng dăm ngàn đô. Dù đã ở tuổi về hưu nhưng anh nghĩ anh còn giúp ích cho con cháu và anh cảm thấy một niềm vui tràn trề.
oOo
Tôi được anh Phát báo tin dữ: Celia bị ung thư tử cung đã vào bệnh viện hai tuần nay. Tôi bàng hoàng và đau xót như chính con gái tôi bị chứng bệnh nan y đó.
Một buổi chiều thứ bảy, tôi đi mua một bình hoa hồng nhung rất đẹp rồi vào bệnh viện St Jude ở thành phố La Habra do anh Phát cho số phòng để thăm Celia.
Khi tôi gõ cửa vào thì anh Phát và Paul cũng đang ở đó. Paul chào tôi rồi xin lỗi bế con Tina ra hành lang vì chỉ có vài cái ghế. Celia trông hốc hác quá, không còn gì là vẻ đẹp của gái một con trước kia như ai cũng khen ngợi. Tôi để bình hoa lên bàn rồi lại gần giường nơi Celia nằm.
Celia nhìn tôi gật đầu chào:
“Con chào chú. Cám ơn chú đến thăm con.”
“Con cảm thấy trong người ra sao?”
Giọng Celia yếu hẳn so với mọi khi:
“Con không thấy đói. Thuốc uống nhiều làm con sợ. Con phải uống thuốc ngủ mới ngủ được một chút. Trong bụng con có lúc nó đau lắm, bác sĩ phải đến chích thuốc nó mới đỡ.”
Tôi an ủi Celia:
“Con phải mạnh dạn chiến đấu với bệnh. Chú đã đọc nhiều câu chuyện, nhiều người cũng bị bệnh như con nhưng rồi lướt thắng cơn bệnh trở lại bình thường. Họ nói phải vững lòng chứ không ngã lòng. Thuốc men là một đường mà ý chí của mình là một đường khác cũng quan trọng không kém, nghe con! Chú luôn cầu nguyện Ơn Trên cho con!”
Từ lúc vào tôi mới thấy Celia có một nụ cười:
“Con cố gắng nghe lời chú.”
Celia ở trong bệnh viện hơn một tháng rồi được về nhà, cơn bệnh có vẻ thuyên giảm. Bác sĩ chiếu điện nói chỗ lan ra đã ngưng lan có nghĩa có cơ khỏi. Ai cũng mừng cho Celia, nhất là tôi và anh Phát. Tối nào chúng tôi cũng nói chuyện điện thoại, anh Phát kể cho tôi nghe những tiến bộ nơi Celia: ăn được ngày chén cơm, bớt đau, đêm ngủ được 3 tiếng không phải thuốc. Nhờ có bảo hiểm cho nhân viên do hãng Celia mua, tiền nằm bệnh viện và thuốc men tổng cộng hơn trăm ngàn nhưng Celia chỉ phải đóng tiền deductible vài trăm đô như điều lệ.
Celia lại đi làm trở lại. Con bé Tina giờ này đã được 16 tháng. Ngày thôi nôi của nó thì mẹ nó đang ở trong bệnh viện nên chẳng ai có ý nghĩ làm thôi nôi cho nó đánh dấu nó đủ một năm. Anh Phát vẫn lo cho cháu ngoại như trước. Khi mẹ Tina bệnh, nó ngủ với ông ngoại vì bố nó phải ngủ để ban ngày làm việc. Nó bé tí vậy mà biết mẹ nó bệnh, lúc nào buồn ngủ là ôm ông ngoại chứ không ôm mẹ như mọi khi. Thật tội nghiệp con bé.
Đi làm được gần hai tháng, Celia lại đau trở lại và đau dữ hơn trước. Paul lại chở vợ vào nhà thương lúc ba giờ sáng. Các bác sĩ lại coi, y tá lại chích thuốc nhưng lần này các bác sĩ bảo cho Paul hay, vết ung thư lan ra nhanh lắm, nó đã sang cả gan và thận. Celia chỉ sống được từng ngày.
Bữa đó Paul đi làm. Tôi có giờ nên đến chở anh Phát và Tina vào thăm Celia. Tina trèo lên giường ngồi cạnh mẹ. Anh Phát và tôi ngồi hai cái ghế kế bên giường. Tôi hỏi:
“Celia, hôm nay con thấy bớt không?”
“Thưa bố và chú, nó vẫn đau. Hễ nhạt hơi thuốc là nó đau không chịu nổi. Con nghĩ con không qua được!”
Anh Phát nói:
“Còn nước còn tát con ạ. Cứ trông cậy vào Thượng Đế.”
Ngưng một chút để thở, Celia dường như mệt:
“Con dặn bố, sau khi con mất rồi, chắc là chồng con không sớm thì muộn sẽ lấy vợ khác. Bố lớn tuổi rồi, cùng lắm đi ở với bạn cũng được. Nhưng con Tina, biết người vợ sau của anh Paul có thương nó không? Trong trường hợp đó thì bố cố lo cho Tina dùm con với bố nhá!”
Celia nói xong ôm con Tina khóc nức nở. Anh Phát cũng khóc, còn tôi quá xúc động nhưng phải cố nén. Anh Phát bảo Celia:
“Con còn sống với bố, với chồng với con con chứ! Giả sử trường hợp đó xẩy ra, con yên tâm là bố sẽ lo cho Tina đầy đủ cho đến khi nó nên người sau này hay là tới khi bố qua đời. Con đừng nghĩ ngợi mà thêm bệnh. Hãy ráng lướt thắng cơn bệnh như lời chú Vũ khuyên con!”
Ngày ấy đã đến, sau hai tuần. Celia trút hơi thở cuối cùng trong tay chồng lúc 3 giờ sáng. Tối đó anh Phát cũng bồng Tina vào nhưng 9 giờ phải ra về theo luật nhà thương.
Celia mất ngày thứ hai, thứ bảy đó Paul quyết định chôn cất. Tôi đã có mặt lúc quan tài được đem vào trong nhà thờ và sau đó ra nghĩa trang.
Tina cũng có một cái khăn trắng đội trên đầu. Nó ngơ ngác nhìn người ta khiêng cái hòm bằng gỗ đánh vẹc-ni láng bóng, không biết nó có hiểu trong đó có người mẹ thân yêu nhất đời của nó? Nó chưa bước đi được nên anh Phát phải bế suốt. Khi anh mỏi tay thì anh trao nó cho tôi. Nó không khóc cũng không cười, nó chưa biết người ta chết ra sao nhưng không thấy mẹ, linh tính cho nó biết có một điều gì đó không bình thường!
Khi hòm hạ huyệt xong, vị Linh Mục đọc một kinh ngắn và rẩy nước thánh lần cuối. Paul là người ném cành hoa hồng đầu tiên xuống huyệt mộ Celia. Tôi lấy hai cành hoa, đưa cho Tina một cành, bế nó lại đứng cạnh mộ huyệt, bảo nó:
“Tina ném xuống huyệt cho mẹ một cành hoa đi!”
Nó vừa nhìn thấy daddy nó làm, nó ném ngay, nhiều người nhìn nó lấy khăn chấm mắt.
Sau đó, tôi ném cành hoa của tôi sau khi đưa lên môi. Coi Celia như đứa con gái của tôi, tôi chực bật khóc, nhưng phải cố nén.
Tôi nhớ khi xưa, lúc chiến cuộc ở miền Nam khốc liệt, một lần cả chục quan tài tử sĩ đưa từ miền Trung về Sàigòn cho thân nhân nhận về an táng. Có người bảo tên tuổi không có thế này biết ai vào ai, mình không chôn người nhà mình mà lại chôn người dưng nước lã, sao đành lòng? Thôi thì chôn tập thể đi là xong. Có hai vợ chông ông đó không chịu vậy, đòi mở hòm coi từng xác để nhìn đứa con. Người ta nói xác đã hư thối vì di chuyển quá lâu, chắc gì còn nhìn ra mặt, nhưng ông bố bà mẹ này nhất định phải nhìn ra con họ cho bằng được. Viên Trung Úy nghĩa trang quân đội ra lệnh cho đô tùy phải chiều lòng hai ông bà này. Mở đến bốn năm cái hòm, ông bà ta nhìn ngắm rồi bảo không phải. Đến cái thứ sáu, khi ông bà này nhìn vào tử thi thì bỗng miệng tử thi ộc máu tươi ra, mũi, tai cũng đều ộc máu tươi dù thân thể đã chương thối, sắp rữa. Ai chứng kiến cũng lấy làm lạ. Ông bà này nói:
“Thôi đây đúng là con chúng tôi rồi.”
Viên Trung Úy cho người tìm coi có tấm thẻ bài cột cổ chân không, tìm thấy, thì đúng là tên con ông bà đứng đó. Khoa học cũng không giải thích được hiện tượng này.
Hồi xưa những đứa trẻ ở thôn quê chết đuối được người cứu vác ngược lên vai chạy cho nó ộc nước ra, mới sống. Người ta kiêng nhất là cha mẹ chúng đến nhìn chúng, đứa chết đuối (nhiều đứa) sẽ ộc máu tươi ra (như một đứa trong trại Bùi Phát chính tôi đã chứng kiến) thế là hết cứu.
Người chết trôi sông cũng lạ. Đàn ông bao giờ cũng nằm úp, đàn bà nằm ngửa. Khoa học có thể giải thích hiện tượng này không?
0O0
Người chết là hết, mọi chuyện liên quan đóng lại.
Sáu tháng sau khi vợ chết, Paul làm đám cưới với một phụ nữ Việt đã có chồng Mỹ nhưng đã li dị. Chị này chưa có con, tính tình rất khó chịu chứ không khả ái như Celia.
Anh Phát ở với Paul và vợ mới của Paul được ba tháng, sau đó, khó ăn khó ở quá, anh phải dọn đi xin housing. Con bé Tina không có ai trông coi nên Paul đem gửi nó vào nhà trẻ, họ coi ban ngày, tối rước về. Chị vợ mới của Paul không ưa con nít nên Tina không lúc nào cười. Anh Phát biết thế nên một bữa anh tới xin với Paul và Jane (tên vợ mới của Paul) cho anh nuôi, săn sóc nó. Lẽ dĩ nhiên Jane đồng ý ngay dù Paul không dồng ý, nhưng chị ta bảo nay mai chị ta cũng có con, làm sao mà săn sóc con chồng? Thế là Paul phải chịu. Sở Xã hội quận Cam phát tiền cho hai ông cháu sống thoải mái.
Hễ tôi có giờ rảnh là đến thăm hai ông cháu Tina. Nó đã biết nói, biết đi vững, hồi 4 tuổi ông ngoại nó cho nó vào Vườn Trẻ, sáng từ 9 giờ, 12 giờ trưa đón về. Nó học hết tiểu học, trung học xong lên Đại học suông sẻ. Ngày nay Tina đã là một bác sĩ nhi khoa có tiếng ở Las Vegas, Nevada. Tina đã có chồng và hai đứa con, rất hạnh phúc, mùa hè nào cũng cùng chồng, con về thăm ông ngoại và daddy ở quận Cam và thế nào cũng đến thăm tôi.
Qua chuyện này, tôi muốn nhắn nhủ những người trong trường hợp Celia đừng quá “kẹo kéo” với cha mẹ. Cuộc đời vô thường, biên giới tử sinh chỉ là một sợi tóc. Những gì mình khó khăn với cha mẹ (hoặc ngược lại, cha mẹ khó khăn với con cái, người khá giả với người nghèo, người hoạn nạn, những việc nghĩa cần làm tùy theo khả năng v.v…), rồi tích góp cho lắm vào làm giầu, có thể mình chẳng hưởng được, mai mốt đứa khác (cha căng chú kiết ở đâu tới) nó hưởng không một lời cám ơn lại còn cười vào mũi mình! Những trường hợp này thấy nhan nhản!