Thôi, hôm nay tha hồ về nhà mà lướt Net. Hay gì chưa? Có tên ông trong danh sách được về nhà “ngồi chơi xơi nước” đấy...
Ông bị thất nghiệp rồi, điều linh cảm mơ hồ đã thành sự thật khi buổi sáng mới lò mò vào hãng . Còn sớm chán, ông vào Internet đọc Email mỗi ngày như thói quen, đang ngấu nghiến đọc vội để chuẩn bị đến giờ làm thì một đồng nghiệp đi ngang vỗ mạnh lên vai:
” Thôi, hôm nay tha hồ về nhà mà lướt Net. Hay gì chưa? Có tên ông trong danh sách được về nhà “ngồi chơi xơi nước” đấy.”
Chẳng biết hắn nói chơi hay thiệt, tin này làm ông giật bắn cả người. Thế mà là chuyện thật, năm ngoái người ta đã xôn xao bàn tán, nhưng tính chủ quan là chuyện ấy chỉ xảy ra cho người khác, nên ông vẫn “bình chân như vại” vì nghĩ mình làm việc lâu năm, tay nghề giỏi bậc thầy, hãng chỉ cho nghỉ việc những “cụ” vượt qua tuổi hưu mà chưa chịu nghĩ là mình mất sức lao động, hay bọn tay mơ mới chập chững vào nghề.
Thế là thất nghiệp thật, ở nhà chơi không cứ buồn rũ cả chân tay. Ông có định thất nghiệp đâu, nhưng việc ấy tự nhiên nó tới thì cứ tới. Y như cái ngày khốn nạn năm bảy mươi lăm, ông cũng chưa bao giờ nghĩ tới chuyện bị giải ngũ ngang xương, thế mà bước qua tháng Năm năm ấy thì đương nhiên cũng bị giải ngũ.
Thằng bạn ông tinh thần chiến đấu kém, chỉ mong hòa bình để ở nhà "đuổi gà" cho vợ. Năm ấy thấy tình hình căng thẳng, nó đi tìm lão thầy bói để đoán hộ đường công danh sự nghiệp. Lão thầy bói ấy tài lắm, không mù nhưng vẫn đeo đôi kính đen. Lão bảo bạn ông xòe bàn tay, rồi lấy một tờ giấy ghi mấy con số, xem đi xem lại, thầy phán một câu xanh rờn:
" Chỉ nội năm nay, cậu đương nhiên giải ngũ."
Ông bạn vàng hí hởn về rỉ tai mọi người, thế là lũ lượt một bọn rủ nhau đi cúng tiền cho thầy bói ăn, anh nào anh nấy ra về cũng vui như Tết. Hòa bình là cái chắc, quân đội chỉ cần cho nhu cầu chiến tranh, một mai hòa bình, giã từ vũ khí về quê lập vườn, ngồi vui hưởng cảnh thái bình thịnh trị.
Lão thầy bói nói thánh thật, hay là cả bọn bạn bè ông đều ngây thơ tin rằng đã tới lúc "bất chiến tự nhiên thành". Đúng là một lũ ngây thơ, thầy bói là một tay phản chiến hạng nặng làm nản lòng chiến sĩ, sau này khi đi tù, ông đã nghiệm ra điều ấy đúng mười năm ăn bo bo và khoai lang, khoai mì mòn cả răng.
Đấy là chuyện ngày xưa, còn chuyện thất nghiệp của ông bây giờ là do tụi khủng bố gây ra, rồi chiến tranh chống khủng bố lan rộng, tiền tỉ đóng thuế của dân chúng đổ theo bom, đạn. Đổ một lúc hai cái nhà to nổi tiếng thế giới, sau đó thì kéo theo hằng loạt những công ty và hãng xưởng đua nhau giảm bớt công nhân, ông ở tuổi tròm trèm sáu mươi kéo lết theo đà kinh tế để đến hôm nay mới đến lượt về nhà nằm khểnh xem TV. Giữa nơi đông người hay với bọn đàn em một thuở, ông luôn cho mình thuộc hàng tiền bối kinh nghiệm đầy mình, xứng đáng lên hàng “Cụ”, khi mất việc rồi tự nhiên ông lại nghĩ : sáu mươi đâu đã gọi là già, vẫn còn làm việc được, dù tóc có thưa thớt và răng cái còn cái mất, so với các lão tướng bên nhà ông vẫn còn phong độ. Thằng con lớn an ủi bố:
"Từ ngày qua đây đến giờ, bố cày suốt. Thôi được dịp nghỉ ngơi, ở nhà trông hộ con mấy đứa cháu., Với lại những người có tuổi cũng nên nghỉ sớm để nhường chỗ cho đám trẻ, học mờ mắt mà khi ra trường tìm mãi không ra việc. Như tuổi con chẳng hạn, mất việc lúc này là kẹt thiệt, đầu tư vô mấy đứa nhỏ chưa biết tương lai thế nào, chỉ thấy bây giờ lo tướt khói.”
Vợ ông nghe cha con nói chuyện cũng ngứa miệng góp vô:
” Thôi thì “liệu cơm gắp mắm” chứ có gì mà lo, có nỗi khổ nào bằng năm 75 cha ở tù, con một lũ lau nhau , trong túi không có đồng xu mà rồi ai cũng sống nhăn đến bây giờ, sóng đánh đến đâu thì thuyền neo đến đó con ạ.”
Nó nói cũng phải, mười mấy năm nay ông đi cày đóng thuế hộc xì dầu cho mấy người ăn trợ cấp hưởng, như thế là bất hợp lý. Nhưng có ở nhà chơi với cháu mấy hôm liên tiếp ông mới thấy còn mệt bằng năm lần đi làm, vì chúng nó một lũ lâu nhâu bằng nhau, chưa đứa nào khôn hẳn, hét rát cả họng vẫn không ăn thua. Ông phục bà lắm, thế mới biết cái chịu đựng của đàn bà Việt Nam. Ông bảo bà:
" Thôi, mai tôi phải đi tìm việc , chứ mang tiếng ở nhà mà chả nghỉ ngơi được bao nhiêu. Chán lắm!"
Bà băn khoăn hỏi ông đầy vẻ giễu cợt:
" Ai mướn ông bây giờ? Xem ở Bưu Điện có cần người dán tem thư thì ra đấy mà xin việc."
Ông nhếch mép cười nhạt:
" Cả bà cũng khinh thường thằng già này. Để rồi bà xem, việc nhiều tiền thì hiếm chứ mấy cái lặt vặt thiếu gì."
Bà khuyên ông:
" Ngồi chơi mát ăn bát vàng không muốn, lại cứ thích cực thân. Hay là làm hãng lau nước đá vậy?"
Biết bà hay trêu ghẹo ông chồng già, vì từ xưa tới nay hai vợ chồng vốn khắc khẩu. Tự họ trêu ghẹo nhau để sinh tội, chứ có ai bắt họ cãi nhau đâu. Mà thế thật, số ông hình như phải đi ra khỏi nhà mới khá. Thời chinh chiến, nếu ông cứ ở nhà " ăn quẩn cối xay" thì làm gì quân đội có những người hùng. Ông đánh giặc cừ thật, bị giải ngũ ngang xương là tại cái " vận nước" nó tới hồi mạt vận, chứ cứ thử hai thằng đánh ngang sức nhau, ông đâu có chịu thua.
Ngày xưa lúc còn trong quân ngũ, ông đi biền biệt để vợ ở nhà với lũ con. Cứ mỗi chuyến về phép là vợ ông lại mang bầu, rồi tự động đẻ đái lo liệu một mình, ông đâu có biết thế nào là cảnh " vượt cạn " của phụ nữ. Sau ngày đương nhiên giải ngũ ấy, ông cũng đương nhiên đi ở tù, bạn bè ông có một số thoát được ra nước ngoài năm bảy mươi lăm, chắc là đương nhiên có số xuất ngoại. Lần đi tù này ông xa nhà đúng mười niên, khi về thằng con út " mót " được kỳ phép cuối cùng trong đời lính đã lên mười tuổi, đứa con gái lớn đã biết ra chợ giúp mẹ buôn chui bán nhủi . "Thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế", ông cố nghĩ vậy để đừng bỏ nhà lên rừng ở với khỉ.
Không chỉ vì sợ lũ cháu nghịch như giặc mà ông quyết đi tìm việc, ngay cả chuyện ở nhà với vợ một ngày trọn vẹn cũng làm ông nản chí anh hùng. Bà nói lắm lắm, miệng quang quác suốt ngày như một mụ gà mái lắm điều. Ông nghĩ vậy chứ không dám nói ra miệng, cũng chỉ vì một lần "trà dư tửu hậu" của lũ đàn ông, điều ví von ấy đã khiến ông bị bà sỉ vả là một lão gà trống vô tích sự. Khiếp quá cho cái miệng đàn bà, nhưng cũng chả sai tý nào, ông cũng thấy lão gà trống quả vô tâm lắm, cứ " xong việc" là lão ta nhảy tót lên nóc chuồng để te te gáy, mặc kệ lũ gà mái với mấy con gà con. ” Nói có sách, mách có chứng”, chưa bao giờ ông thấy gà trống dẫn gà con đi kiếm ăn, nhưng lão cũng rất hào hoa khi tìm được một con giun, con dế, sẽ không ngại gì gọi lũ mái tơ đến để “share” với nhau chút của ngon.
* * *
Thế là ông long lên đi tìm việc, dù mới chỉ ăn tiền thất nghiệp được ba tháng. Ba tháng ở nhà đi ra đi vào ông thở dài sườn sượt, nhớ lạ lùng tiếng chạy rì rì khi đứng máy, thèm ngửi mùi dầu nhớt và tiếng cười nói xôn xao của những người bạn đồng nghiệp. Cả một bọn lớn tuổi được cho nghỉ trước, sau đến mấy tay trẻ hơn. Lúc đầu ai cũng có vẻ lạc quan, công việc xuống chỉ độ ít lâu, chừng giải quyết xong thì kinh tế lại phục hồi, lúc ấy tha hồ mà làm “over-time”.
Nhưng mãi cũng chả thấy khả quan hơn, kinh tế cứ tiếp tục xuống, y như chiếc quan tài được hạ xuống lòng đất là nằm đấy chứ làm gì người chết có khả năng ngồi dậy được. Bây giờ ông không hy vọng gì kiếm được chỗ nào khá hơn chỗ cũ, dù những việc vớ v?n có đấy nhưng nặng nhọc quá không hợp khả năng, bây giờ ông lại thương cho người chủ hãng với lối làm việc dễ dãi đối với công nhân, thế mà nhiều người vẫn dài họng ra chê bai, bây giờ mất việc mới thấy tiếc hùi hụi. Hôm đầu tiên, ông vui vẻ mặc quần áo đi từ sáng sớm, mãi đến trưa mới về ăn cơm. Thấy ông mặt mũi bơ phờ, bà hỏi:
" Sao, có chỗ nào nó nhận chưa?"
Ông chán nản lắc đầu:
” Có một chỗ, mới vào “apply” là nó gọi phỏng vấn ngay, nhưng nó bảo sẽ gọi tới báo sau.”
Bà nhếch mép cười mai mỉa:
" Mỹ mà, chết đến đít nó vẫn lịch sự, chúng tôi sẽ thông báo tới ông có nghĩa là thôi ông về mà ngủ đi cho được việc."
Ông tiếp tục câu chuyện:
“Còn một chỗ nữa lương bổng khá, không nặng nhọc nhưng trèo cao quá không kham nổi.”
Bà lại cười trêu ông:
"Việc gì thế? Chắc lại lau cửa kính cho mấy cái cao ốc phải không?"
Ông tủm tỉm cười:
"Bà này nói như Thánh. Hồi ấy nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ ấy, thế mà bây giờ già, cứ trèo cao là run, lại còn chóng mặt nữa . . . " .
Bà quay đi nói nhỏ nhỏ một mình:
"Đã bảo hết thời rồi mà. . . "
Rồi bà nói to lên cho ông nghe:
"Ừ, biết lượng sức mình thế là tốt, không như nhiều người leo hết thang rồi mà cứ muốn leo nữa, thế là lộn đầu xuống đất."
Ngày hôm sau ông lại dậy từ sáng sớm, uống xong ly cà phê nóng ông mặc quần áo tề chỉnh đi kiếm việc làm. Bà nhìn ông ra xe mà lắc đầu ngao ngán, đúng là ông lão chân hay đi phải ở nhà sinh cuồng cẳng. Đến trưa thì ông về ăn cơm, mặt buồn thiu buồn thỉu. Bà hỏi:
"Sao? Có gì lạ không?"
Ông cười, nhưng cái miệng như mếu xệch đi, trông khổ thân lắm. Mặt ông lại nhăn nhăn khiến bà hốt hoảng:
"Sao thế?"
"Cái chân."
"Cái chân làm sao?"
Ông cúi xuống bóp bóp cái chân đau:
"Cái chân nó đau. Hôm nay thì họ cần một chân “clean-up”, nhưng mà cái chân nó lại đau, chán thật.”
Bà dọn cơm cho ông ăn, lấy thuốc cho ông uống, nói nho nhỏ một mình:
"Đã bảo hết thời rồi mà."
Đang ăn cơm, ông lại há miệng ra nhăn nhó. Bà lại hỏi:
"Sao thế?
Ông ngừng nhai, uống một ngụm nước nóng:
"Cái răng."
"Cái răng làm sao?"
"Cái răng tự nhiên nó muốn tuột ra, bởi vậy hễ ăn gì cứng nó lại cộm lên, đau muốn chết."
Bà nhìn ông tội nghiệp:
“Vậy mà cứ long lên sòng sọc để đi tìm việc làm, ở nhà dẫn cháu đi công viên không thích hơn à?”
Ông gắt:
"Khốn nỗi, chân cẳng thế này không chạy theo chúng nó được."
Bà cười:
"Thế mà họ cứ bảo đàn bà chúng tôi vô tích sự. Chỉ chạy theo mấy đứa nhỏ quanh quanh trong nhà, cũng bằng mấy lần "ếch xơ sai" ngoài đường."
Biết bà lại sắp kể công và gây sự, vì đó là cái "khắc khẩu" thường xảy ra khi vợ chồng ngồi nói chuyện với nhau, chỉ câu trước câu sau là thế nào cũng có chuyện. Ăn xong, ông bỏ ra ngoài sân, xem mấy chậu kim quất quả đã hườm hườm chín. Mùa đông năm nay lạnh hơn những năm trước, nên hoa đào hoa mai chẳng thấy trổ hoa, hay là cây cỏ cũng có linh tính mà không chịu toét miệng cười như mỗi năm trời sang Xuân, vì thế mà tuy nhà nào cũng ăn Tết, nhưng không khí dường như vẫn buồn buồn thế nào ấy. Năm nay ông chẵn sáu chục cái tuổi Tây, còn tuổi Ta phải cộng thêm một tuổi nữa. Sáu mươi với mấy ông "ăn trên ngồi trước" thì chưa già, còn về được Việt Nam kiếm bồ nhí, nhưng ông mất mẹ nó mười niên trong tù, sức khỏe suy kiệt cho nên trông vẫn già hơn tuổi. Dạo này cái chân lại trở chứng, lắm hôm đau không nhấc lên được, ông ngẫm nghĩ bản thân mình cũng suy thoái, trách chi thế giới càng đông người, quả đất càng lúc càng già cũng sinh lắm chuyện, chỗ này động đất, chỗ kia lụt lội, nơi nào cũng lãnh đủ.
Buổi trưa, ông khập khiễng đi ra đường chờ xe “school-bus” , đón hai đứa cháu học Mẫu giáo có nửa ngày sắp về, thay cho bà đang dọn dẹp trong bếp. Một chốc, ba ông cháu đã kéo nhau về, hai đứa nhỏ vừa đi vừa chạy, vừa nắm tay ông mà kéo, mặc cho ông vừa đi vừa nhăn. Bà đã làm xong việc nhà bếp, chạy ra mắng cháu:
"Khéo ngã ông nội bây giờ."
Dắt cháu vào nhà, bà không quên ngoái ra nói với ông:
“Trên hội già họ đang cần một chân xoa mạt chược đấy, ông có muốn thì lên đấy mà xin việc.”