Nàng mặc chiếc áo lụa ngắn, màu hột gà để lộ cánh tay trắng hồng, trên đó nổi bật một chiếc vòng cẩm thạch màu xanh biêng biếc...
Tôi cầm cái bao ny lông, nhón gót đi lần xuống nước. Chỗ nầy không còn cát mịn như ở đàng kia mà đầy những mảnh vụn san hô trắng lột xột, nằm xen lẫn với những tảng đá lớn, rong rêu đen ngòm. Nước trong xanh lắp xắp ngang bắp vế mát lạnh. Trời xế trưa nắng nóng trên lưng. Trước mặt, một đám đông đàn bà, con nít đang nghiêng mình mò mẫm dưới cát. Tiếng nói chuyện lồng lộng xen trong sóng gió rào rào. Tôi cũng bắt chước làm y theo họ, nhìn lom lom đám sỏi cát nhấp nhô gờn gợn theo làn nước chập chờn. Cách đó vài thước, một bà Tàu già cầm trên tay một cái túi ny lông, chứa những con đĩa biển nằm lềnh ra như môt đám bùn đen sền sệt bầy nhầy. Không biết do ai bày ra, cả trại xúm nhau nhào xuống biển bắt con đồn đột, một loại đĩa biển mềm nhũng, lớn cở trái chuối già, chín rục đen thui. Dưới đáy nước rải rác đó đây, những con đồn đột đen nằm phơi mình trên cát trắng nên dễ thấy. Tôi thò tay xuống mò bắt một con. Bàn tay vừa chạm trên mình nó, cảm thấy nhớt nhớt, trơn tuột mềm xèo nghe ghê ghê, thuận tay tôi quăng tòm trở lại, thất vọng đứng thẳng lưng, nhìn vào bờ. Trên bờ Sơn đang lỏm bỏm đạp nước đi ra, miệng hỏi vang rân:
-Giữa trưa nắng mà lội ra biển bắt con đồn đột, bộ anh dám ăn hả?
-Thấy người ta làm thì mình bắt chước. Còn ăn được hay không thì thủng thỉnh tính sau.
Sơn cười hề hề:
-Tính trước tính sau gì. Chiều hôm qua anh Tư Trần Hưng Đạo bắt được cả rổ. Không biết cách làm, đem phơi nắng cho khô, nhè đâu nó rút lại teo nhách, không còn gì hết, phải đem đi bỏ…
Tôi nản chí quăng luôn cái bao xuống dưới nước, rủ Sơn lên bờ. Trưa nay, ít gió nên sóng chỉ lăn tăn. Hai đứa kéo nhau ngồi dưới đám dừa im mát. Chỗ nầy cỏ mọc loang lổ vì thiếu nắng. Sơn bận cái quần xà lỏn đen ở trần. Nó vốn đã ốm, cơm gạo đảo Dừa lại hiếm hoi nên xương sườn xương sống đã bắt đầu lộ nét. Tôi cũng không khá gì hơn, ốm nhôm ốm nhách, râu tóc lại không được cắt xén, mặt mày tay chưn đen thui… chắc cũng gần giống Mã Lai. Thực phẩm trên ghe lúc mới tấp vô đảo, còn được tám bao gạo chỉ xanh, cả tuần nay chia nhau ăn, tuy tiện tặn từng chút nhưng cuối cùng rồi cũng hết, không còn một hột để cầm hơi, đành phải lấy phần cốm dẹp cuối cùng đem nấu cháo cho Bi. Rồi tới gói sữa bột còn lại, gói sữa nầy khi đi soạn để đem theo, ai thấy cũng cười. Nhè đâu nhờ có nó mà Bi cầm cự được vài buổi. Thiếu hụt thực phẩm, sinh hoạt trên đảo dần dần ngưng đọng, im lìm. Người lớn đâm ra bớt nói năng, con nít thôi không chạy giỡn. Những ánh lửa vàng vọt không còn hắt hiu bên vách thì làm sao người ta còn thấy được những làn khói xám mờ nhạt uốn éo vươn cao vào lúc bình minh hay buổi chiểu tà. Tình cảnh tuy chưa đến nỗi thảm thương nhưng coi bộ hết đường cạy gỡ. Không biết tụi lính Mã Lai trên đảo xử trí ra sao mà không thấy chúng đến tiếp tế, giúp đỡ hỏi han gì. Cái điệu nầy mà kéo dài thì chắc đói hả họng cả đám. Tôi nắm lấy tay Sơn:
-Sơn nè, anh chị cám ơn em nhiều lắm. Làm sao mà Sơn còn được lon gạo để cho anh tối qua.
-Có gì đâu mà anh nghĩ ngợi hoài cho mệt vậy. Em còn dấu được hai lon. Tụi mình lớn, dầu có đói thì cũng rán chịu đựng được năm ba ngày. Chớ Tâm Bi còn quá nhỏ, thiếu ăn đâu có được, hổng có cơm thì phải có cháo chớ!
Nghe Sơn nói, tôi cảm động quá sức, không biết nói sao cho hết nỗi cám ơn, đành ngồi trơ ra như đất, mắt mơ hồ nhìn từng đợt sóng nối tiếp tan thành bọt trắng trên mé cát mà lòng rưng rưng. Trong những bạn đồng hành, mức độ thân tình của hai đứa cũng bình thường như bao người khác. Nào ngờ trong lúc túng hụt, Sơn lại là người giúp đỡ đầu tiên. Ở đời, có nhiều người bề ngoài bình thản, tình cảm ít biểu lộ nhưng bên trong chứa đựng một tấm lòng tốt đẹp bao la. Phải cùng chung hoạn nạn gian nguy, mới biết rõ lòng nhau. Sơn quay qua tôi chỉ về phía trước:
-Anh coi kìa, tụi con nít đi đâu mà kéo nhau cả lũ…
Ở phía đằng kia, một đám lóc nhóc, tốp năm tốp ba có cả người lớn, len lỏi đi thấp thoáng sâu vô trong đám cỏ tranh. Thấy có cái lưng mập ú của thằng Lĩnh, cái dáng ốm tong ốm teo của thằng Trung, con Dung, con Xuân Lan thì được má nó ẳm tòn ten bên nách. Có cả bốn đứa con gái nhỏ của Tư Trần Hưng Đạo vừa chạy vừa kêu nhau ơi ới. Giờ nầy nắng chang chang. Cũng vừa lúc đó, Út Trung đi ngang gặp tôi với Sơn nghỉ mát dưới bóng cây, bèn rủ:
-Đi vô rừng coi khỉ hái dừa…
À, thì ra như vậy. Tôi khoái chí đứng bật dậy, kéo Sơn theo. Chuyện hết cơm hết gạo để đó thủng thẳng rồi tính. Bây giờ đi coi khỉ hái dừa cái đã. Cả ba đứa lần theo đường mòn dẫn vô đám dừa dầy đặc. Một đám đông chùm nhum ở đó tự bao giờ. Mọi người cười nói chỉ chỏ trên cao. Tôi nhìn lên thấy một con khỉ nhỏ xíu như đứa con nít lên hai, cổ cột sợi dây dài, đang leo thoăn thoắt lên cây dừa. Cây dừa dài ngoằn cao vút ngó tới rớt ót, vậy mà trong giây phút, nó đã leo lên tới đọt. Hai tay hai chưn dài thườn thượt lông xám ngoét, lều khều bám vô thân dừa xù xì, dính chặt như thoa keo. Dưới đất, một người Mã Lai già da màu đất nâu, quấn một cái khăn có sọc màu xanh đỏ chùm bum trên đầu, đương đứng đốt thuốc hút. Con khỉ dùng tay và chưn vặn xoay tròn trái dừa. Cái cuốn dai nhách. Thằng nhỏ Trung, nhìn con khỉ vặn vẹo cái mình ốm nhách, khoái chí nhảy tưng tưng, nhe hàm răng sún ra cười hăng hắc, cái quần cụt xệ xuống khỏi rún, thiếu điều muốn tuột luôn. Một đám con nít chỉ chỏ, cười nói vang rân. Thằng khỉ đột Zăm Bri từ con đường mòn lù lù hiện ra, đi lặc lè tới, nhìn con khỉ đang vặn trái dừa, thấy thằng Trung quần xệ, ở trần nhảy choi choi cũng cười, bật nói:
-You, the monkey!
Thằng nhỏ không biết tiếng Anh, sợ bị phạt, đứng im.
Thấp thoáng qua kẽ lá đan nhau, một bóng người đi tới dịu dàng. Người đẹp dảo Dừa trưa nay bận chiếc áo mài xanh non lá mạ có thêu bông trắng. Út Trung nghiêng qua vai, nói thì thầm:
-Bà Chiều Tím cũng lặn lội ra đây coi khỉ hái dừa y như tụi mình..
Nghe Trung nói tôi đâm sực nhớ mình đang ờ trần, râu tóc mọc vô trật tự, da dẻ đen đúa. Dưới chưn mang một đôi dép đứt, cột vá víu bằng sợi dây nhợ đỏ lượm được. Tự dưng, tôi đâm ra ngượng ngùng, đưa mắt lên cao nhìn cái quài dừa còn trơ lại mấy trái non. Con khỉ sau khi đã được thưởng công bằng trái chuối, chuyền qua cây kế bên, kéo theo đám con nít mũi dãi thò lõ, cùng thằng Trung nhỏ bận quần xệ rún, thằng Zăm Bri chống gậy lặc lè, đi đâu mất tiêu từ hồi nào tôi không hay biết. Cái số gì mà xui xẻo. Mỗi khi ăn diện đẹp đẽ, tóc tai chải gỡ ngay hàng thẳng lối, thì không gặp được ai để khoe. Còn khi quần áo lôi thôi lếch thếch, mặt mày nhăn nhó xấu xí, thì trăm lần như một, hết gặp người nầy tới đụng người kia. Thiệt là hết đường làm ăn. Ông già Mã Lai lui cui lượm những trái dừa vừa được hái quăng vương vãi đó đây, gom lại thành đống. Xong rồi ông ta dùng con dao nhọn xé tách vỏ dừa xanh bóng một miếng xơ nhỏ, rồi dùng xơ cột hai trái dính chắc làm một, lấy chiếc đòn tre dài xỏ ngang qua như xỏ xâu chùm bánh tét, rồi è ạch kê đòn lên vai, gánh dừa chuyển dần xuống ghe. Mấy chục trái dừa nặng trì xuống, khiến cái vai của ông oằn nghiêng một bên theo nhịp bước chưn đi. Nải chuối sứ chín vàng lườm để dành cho khỉ ăn còn le que vài trái cũng được treo lủng lẳng ở đầu đòn. Ở đằng kia, cũng có vài người Mã nữa, họ đang trông coi cho khỉ hái tiếp những cây dừa còn lại.
Nàng đã tới gần. Tôi đâm luống cuống không biết nói năng ra sao đành mỉm cười gật đầu chào và đứng im. Các tàu lá đong đưa đầy nắng vàng rực rỡ. Con đường mòn cát trắng khô, chạy khuất trong đám lá xanh xanh. Xung quanh là những cây dừa cao vút. Tất cả đều chập choạng mơ hồ. Út Trung bước tới trước, đon đả làm quen:
-Chào chị. Chị ở đây lâu, có thấy khỉ hái dừa lần nào chưa, tụi tôi mới thấy lần đầu. Ngộ quá, con khỉ nhỏ xíu mà vặn nổi trái dừa…
Nàng chào lại, mắt sáng trưng:
-Dạ thưa, tháng trước cũng có thấy hái một lần. Lúc đó, số dừa tươi bị chúng tôi hái trộm nhiều quá, nó mét với Tăn Ku, thành ra bây giờ tụi lính Mã Lai kiểm soát chặt chẽ hơn. Rồi cấm đoán, khó khăn lắm..
Rồi nàng tiếp :
-Phải chi hái trái để ăn thì cũng không sao, mấy ảnh lại nhè đốn luôn cả cây. Tụi nó bắt gặp được tất cả bảy cây bị đốn. Thành ra mấy tuần nay bị cấm bẻ dừa, cấm câu cá, cấm đi vòng qua bên kia đảo tiếp xúc với ngư dân…
Tôi xen vô tiếp chuyện, mắt nhìn thấy một nốt ruồi nhỏ bên mép phải, trong bụng nghĩ thầm, cái miệng nầy chắc cũng ăn hàng dữ lắm:
-Hèn chi, từ ngày ghe tụi tôi tấp vô đảo, tụi lính Mã Lai coi bộ gầm gừ quá. Nó ra đủ thứ luật lệ… loay hoay ở mé biển hoài, không được đi đâu hết. Lều của mấy anh chị ở sát bên, vậy mà cũng không được liên lạc… thành ra không biết tin tức gì hết trơn. Hôm trước thấy chị nói chuyện với Tăn Ku, cứ tưởng chị là người Mã Lai.
Nàng cười rạng rỡ, má lúm đồng tiền tròn vo:
-Em học nói bập bẹ được vài câu thông thường. Anh Quang em thì nói được giỏi hơn. Tụi em đến đây cũng gần hai tháng rồi.
A, thì ra ông Chiều Tím, tên Quang. Nàng, người đã đẹp, lại ăn nói ngọt ngào. Ba tiếng ‘anh Quang em’ thoáng nghe dễ thương, mà cũng dễ giận hết sức. Ở đời, sao có những người tốt phước, chắc lúc trước anh ta tu đúng chín kiếp, chưa từng phạm giới lần nào. Bỗng dưng tôi muốn biết mặt mày, tướng tá của anh chàng nầy. Cũng không biết để làm chi !
Từ bên trong rừng dừa, chị Điệp tay dắt thằng Trung, con Dung, chị Kiều bồng con Xuân Lan và mấy đứa nhóc tì coi khỉ đã trở ra. Cả đám dừng lại khi thấy người đẹp đảo Dừa đang nói chuyện với hai đứa tôi. Trước lạ sau quen, mấy bà gặp nhau thì ôi thôi, có biết bao nhiêu điều để nói. Câu chuyện xoay dần quanh việc mua bán đổi chác. Tôi chú ý lắng nghe vì biết rồi mình cũng sẽ cần. Nàng mở đầu:
-Em có quen với Tăn Ku, mỗi ngày đều có ghe liên lạc với đất liền. Nó có thể mua dùm cho mình thực phẩm và các thức cần dùng. Cũng tiện lắm. Mấy ngày nay, em biết là anh chị đã hết gạo muối nhưng tụi lính Mã Lai chưa cho em đi ra ngoài nầy. Mãi đến hôm nay nó mới cho phép…
Chị Điệp ríu rít hỏi thăm các chi tiết:
-Nếu mua được đồ ăn thì đỡ quá. Cái gì cũng thiếu thốn, chịu đựng hết muốn nổi. Mua được gạo là tốt nhứt. Nhưng làm sao có tiền Mã Lai để gởi mua…
Nàng giải nghĩa:
-Làm sao có tiền Mã cho được. Tụi nó chỉ xài đô la với vàng. Tiện nhứt là vàng. Nó sẽ qua Kuala Trengganu đổi ra tiền Mã, một chỉ tính ra được hai mươi lăm đồng, rồi mua đồ ăn. Mình tạm sống cho qua ngày để chờ được đưa qua đảo Bidong. Còn nếu có đô la, thì tính một đô ăn hai Mã…
Chị Kiều lẩm bẩm tính:
-Nếu vậy thì một lượng vàng chạy ra có một trăm hai mươi lăm đô. Sao ít quá vậy?
Tôi cũng loáng thoáng thấy giá đó quá thấp so với giá vàng hiện tại nhưng sợ người đẹp mích lòng đổi ý, bèn xen vô:
-Thôi kệ nó, mắc rẽ gì. Mình không mua chịu nhịn đói sao! Thôi, nếu được vậy nhờ cô mua dùm…
Nàng trả lời, giọng ngây thơ:
-Em cũng đâu có biết. Lúc đi còn dấu được một ít. Cứ đưa cho nó, nhờ mua dùm, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nhưng theo em thấy nó cũng không gạt gẫm gì mình. Lính tráng mà, đâu biết mua bán gì. Thông thường thì có gạo, đường, sữa, đồ hộp… Các anh chị muốn mua gì, thì ghi vô giấy đưa cho em…
Chuyện thảo luận mua bán kể như đã xong. Người đẹp trở thành người môi giới liên lạc giữa TănKu và dân tỵ nạn. Ai còn dấu được chút ít vàng bạc, thì cứ đưa cho nàng để đổi lại một mớ thực phẩm để cầm hơi. Tôi chạy u về lều, bàn với Duyên mua các thức cần dùng, lấy một nhẫn vàng đưa cho nàng và chờ đợi.
Mặt trời đã nghiêng xuống bên kia sát mặt biển loáng vàng, nắng đã dịu hơn. Gió lào rào trên đọt dừa. Ba người Mã Lai còn trẻ lục tục khiêng những xâu dừa nặng trĩu trở ra ghe. Trên đầu mỗi đòn gánh, vắt vẻo con khỉ con, miệng ngậm ngồm ngoàm trái chuối, mắt láo liêng. Coi thiệt giống… khỉ hết sức!
Ngày hôm sau hàng đem về lúc chín giờ tối. Tôi cầm lấy gói đồ ăn, mừng húm. Dưới ánh đèn dầu cặn tù mù hôi rình, tôi đếm được tất cả gồm có mười gói mì tôm hiệu Maggi, ba kí gạo, một kí đường và một cục xà bông loại giặt đồ nhỏ xíu. Gói đồ ít quá, đếm đi đếm lại, cũng chỉ có bấy nhiêu. Tuy nhiên, tôi cũng mừng lắm. Dầu sao, có cũng còn hơn không. Tôi lấy hai gói mì đem qua cho Sơn, để đền ơn lon gạo hôm trước. Sơn thấy tôi đã đổi được hàng, bèn hỏi thăm cách thức. Sơn cũng còn dấu được chiếc nhẫn vàng hai chỉ.
-Như vậy là yên chí lớn, em sẽ còn cầm cự dài dài…
Tôi ra gốc dừa, bắt cái gàu mên lên bếp để nấu mì ăn liền. Ánh lửa bùng lên soi sáng một góc lều. Rải rác đâu đây các bếp cũng lục tục sáng lên ánh lửa trong đêm. Bên lều anh Tư Trần Hưng Đạo, lều anh chị Thuần, cũng có tiếng nói chuyện rì rầm. Nước đã sôi ùng ục, tôi xé bao bỏ mì vô khuấy nhè nhẹ. Những cọng mì cứng còng gặp nước sôi mềm ra từ từ. Nước miếng tôi ứa ra. Mì đã chín, hai vợ chồng ngồi bên bếp lửa le lói, ăn chén mì nấm ngon nhứt trên đời. Tôi nhai thiệt kỹ từng cọng mì nhỏ ngọt ngào. Mũi nghe được hương vị thơm ngát. Thiệt tình, mì Mã Lai sao ngon quá là ngon. Tôi tin rằng trên cả thế giới nầy, không có thứ mì nào ngon hơn gói mì Maggi của tôi, buổi tối đó. Tôi ăn thiệt chậm, thiệt lâu vì chén mì ít quá, phải ăn kiểu hà tiện, ăn lẹ sợ mau hết. Nhưng rồi cũng hết. Đáy chén sạch trơn không còn một cọng nhỏ, không còn một giọt nước. Bụng vẫn còn thèm thuồng, nhưng đành rán nhịn, biết đâu những ngày ở đảo lạ kéo dài, còn chút vàng nào nữa để đổi đâu!
Nhờ có vụ đổi vàng mà cả trại không chết đói. Đã mười mấy ngày rồi, dầu có đem theo thực phẩm thiệt nhiều cũng không làm sao mà còn được. Lần lần ai có vàng, đô la, đồng hồ, cũng phải đem ra để đổi lấy thức ăn. Người đẹp đảo Dừa làm ăn độc quyền chỉ được vài ngày rồi sau đó bị giành dân lấn đất. Bọn lính Mã đánh hơi, thấy được mối lợi, bèn chen vô, thằng nào cũng kiếm người để đổi. Tha hồ mua bán. Dân tỵ nạn có thể đổi gạo, mì ăn liền, cá thịt hộp, kẹo bánh, nồi nấu cơm. Ban đầu đổi bằng vàng, bằng đô la rồi tới đồng hồ. Tụi này cũng khôn ngoan dàng trời. Khi đưa vàng đổi, nó mài thử, cắn thử để coi thiệt giả, còn đồng hồ thì phải các hiệu Thụy Sĩ hoặc Seiko nổi tiếng, các loại đồng hồ cũ hoặc không tự động, không thèm. Thằng Johny to con, đen như cột nhà cháy, cựu võ sĩ quyền Anh, chắc thuộc hạng lông hay hạng gà gì đó, răng cửa bị đánh gảy hết trơn hết trọi, chuyên môn chạy hàng. Nó đi từng lều, gợi chuyện đổi chác, hạ giá để cạnh tranh. Bà Chiều Tím, để giữ mối hàng, cũng phải chạy đua bằng cách đổi cho hàng hóa nhiều hơn. Ông già Adidas cũng bắt đầu mở rộng công cuộc làm ăn nhưng chỉ hoạt động lén lút vào ban đêm vì sợ bọn lính bắt gặp. Mỗi đêm từ chín, mười giờ tối, ông ta mới lẻn vào lều của chị Kiều, chị Huệ giao hàng, các thân chủ chạy lại, rì rầm bàn tán tới khuya. Khách hàng tấp nập, đa số là người Tàu vì họ có tiền. Ngày nào cũng có những vụ đổi chác; lần lần người ta đổi tới thuốc men, nồi niêu và các thứ hàng xa xỉ như vài trái bôm chua cho bà bầu, kẹo bánh, sô cô la cho con nít…
Do ba cái vụ đổi chác nầy mà tôi gặp lại anh bạn Tô Tỷ vào một buổi chiều. Trời đã xế bóng, từ khu lều ở tận cuối bãi anh ta lò dò lên tận trên nầy để đổi hàng. Mới có gần mười ngày không gặp mà anh bạn nầy thay đổi ngó thấy. Người ốm chau vau, mặt mày bí xị. Anh ta cầm gói hàng vừa đổi được định trở về khu cây bàng thì gặp tôi vẩn vơ ngoài bờ cát. Chưa kịp chào hỏi thì anh ta phân trần:
-Ông thầy coi nè, một chỉ vàng mà đổi được có mấy trái bôm chua…
Nói xong anh ta đưa cái gói trước mặt tôi rồi mở rộng miệng túi ra. Tôi liếc nhanh, thấy được có bốn trái bôm màu xanh dợt. Nhìn lại kỹ càng, thiệt tình cũng chỉ có bấy nhiêu. Tôi nắm miệng túi lại, trả cho anh rồi cười mà hỏi:
-Người ta đổi vàng để lấy gạo ăn, còn anh thì đổi lấy bôm để ăn chơi. Thôi than mắc than rẻ gì. Có dư tiền nhiều thì cũng nên xài sang một chút, cho nó sướng cuộc đời!
Anh ta cười gượng, chửi thề:
-Dư dả cái mẹ gì, có vài chỉ cũng phải để dành mua gạo ăn chớ. Mua làm chi ba cái thứ quỷ nầy!
Tôi cười ngất:
-À, nói nghe cũng được. Vậy tại sao mua cho đã rồi lại cằn nhằn?
Cái mặt anh quạu đeo:
-Mẹ nó, tại con vợ ngộ, nó đòi ăn ổi, ăn cóc, mấy cái thứ trái cây chua. Nó có chửa mấy tháng rồi. Ngộ không chịu, cải lộn với nó. Nó khóc lóc, gây lộn hoài hà, ngộ bực mình chịu không nổi, ngộ đi đổi với thằng già Adidas. Một chỉ vàng mà nó đổi có bốn trái bôm.. cũng phải lấy chớ làm sao bây giờ. Vàng mình đưa cho nó trước rồi!
Tôi làm tài khôn:
-Tại sao nị không kêu nó lấy mận hay ổi cho được nhiều nhiều, chớ bôm xứ nầy đâu có trồng được, phải nhập cảng bên Tây, mắc lắm!
-Ngộ không biết rành tiếng Ăng Lê, ra dấu đủ thứ. Nó gật đầu lia lịa, tuởng đâu nó hiểu. Nhè đâu mua ba cái thứ mắc dịch nầy.
-Thôi kệ nó, lỡ rồi nhớ lần sau đừng thèm đổi với thằng cha già đó nữa, nó điếm lắm. Nội cái mặt nó, thấy cũng đáng ghét rồi. Nị tìm cái cô đẹp đẹp dễ thương mà đổi. Cổ tử tế lắm. Nị muốn mua cái gì cứ viết chữ Việt vô giấy đưa cho cổ là mua đúng liền hà, mà lại rẻ nữa, khỏi phải bực mình. Cái cô đem nước cho cả ghe mình uống, hôm mới tấp vô đảo đó.
Tô Tỷ vừa nghe tôi giới thiệu người đẹp đảo Dừa, anh ta trố mắt nhìn tôi, mặt nhăn lại tối sầm, giọng gay gắt:
-Ai nói với ông thầy giáo cô đó tử tế? Nó cặp bồ với thằng trung sĩ Mã Lai mà, tốt cái gì?
Trời, anh bạn Tàu nầy chắc bị vợ chửi hoài, trời lại nóng quá, nên nổi khùng nói bậy nói bạ, người đẹp đảo Dừa của tôi đâu có xấu xa như vậy. Cô ta quen với Tăn Ku, chỉ nhờ mua hàng dùm thôi mà, có thể kiếm lời chút đỉnh, việc đó cũng đâu có quan trọng gì, tại sao lại nghi oan cho người ta. Tôi đâm đổ cộc, chận ngang anh ta lại:
-Ê, Tô Tỷ không được ăn nói bậy bạ nghe, người ta là người tử tế, có chồng có con đàng hoàng, cô đó mà nghe được, thì nị không còn cái răng để ăn cơm đó!
Nghe tôi nói, anh ta không tốp bớt, mà còn nói thêm:
-Ông thầy giáo ơi, cà đảo nầy ai cũng biết hết, có ông thầy giáo là không biết thôi. Hay là tại cổ đẹp quá rồi, ông thầy giáo không thấy gì hết!
Tôi nghiêm giọng:
-Cái gì đẹp với không đẹp, bằng chứng đâu mà anh nói người ta bậy bạ. Điều gì chưa biết chắc chắn thì đừng nói. Nếu lỡ tới tai chồng con cô ta thì nị ăn nói làm sao?
Anh ta bật cười ha hả, ở dưới hàm cộng lông mọc trên mục ruồi đen rung rinh:
-Ông thầy muốn có bằng chứng hả. Cái bằng chứng chình ình trước mặt đó. Cái vòng cẩm thạch của má thằng A Phát, tại sao bây giờ cổ có mà đeo?
Tô Tỷ vừa nói dứt câu, tôi chợt tỉnh hẳn sững sờ, đứng trơ ra. Quả nhiên anh ta nói đúng. Mới hồi sáng nầy, tôi có gặp nàng đi ngang bãi cát trước lều. Nàng mặc chiếc áo lụa ngắn, màu hột gà để lộ cánh tay trắng hồng, trên đó nổi bật một chiếc vòng cẩm thạch màu xanh biêng biếc. Chiếc vòng xinh xắn, vừa vặn ôm lấy cườm tay no tròn, đong đưa theo nhịp bước đi. Chiếc vòng đẹp hòa hợp với cánh tay xinh, một sự phối hợp tuyệt vời của nhan sắc. Cái vòng ngọc làm đẹp cho cánh tay, hay cánh tay làm đẹp cho cái vòng? Nghĩ cũng tội nghiệp cho cái vòng tuyệt mỹ nếu cứ để cho một bà Tàu già, da dẻ nhăn nhúm như trái táo khô, đeo năm nầy qua tháng kia. Thiệt tình, tôi không biết là nàng có được chiếc vòng từ bao giờ. Tôi chống chế:
-Chắc má A Phát hết vàng rồi, lấy cái vòng đó để đổi đồ ăn hay mua vật dụng, quần áo gì đó?
-Má A Phát mà hết vàng hả? Ông thầy có nằm chiêm bao không, thằng A Phát giàu nổi tiếng ở Chợ Lớn, nó đi Hồng Kông, Xanh Ga Po như đi chợ, nhà nó mà nghèo hả, ghe mình lại không bị cướp, làm sao mà hết tiền cho được…
Tôi đứng xuội lơ, còn gì để nói nữa. Nó tiếp những lời cay đắng:
-Ngộ nói cho mà biết nè, mấy bữa hôm trước, thằngTăn Ku đi một mình lại lều má A Phát buổi trưa. Ngó tới ngó lui không có ai chỉ có bà già một mình, tụi con đi tắm hết, nó chỉ chiếc vòng má A Phát đương đeo hỏi có bán không, nó ra dấu mua một trăm đồng Mã Lai. Ông thầy cũng biết tụi Mã Lai, khi ghe tắp vô bãi, lục soát kiếm vàng, đô la với hột xoàn, chớ vòng cẩm thạch không thèm lấy. Người ở xứ nầy không quí cẩm thạch như bên Tàu với bên mình. Má A Phát lắc đầu không chịu. Chịu làm sao được. Cái vòng cẩm thạch chột to, màu bông lý, giá ở Sài Gòn lúc trước phải mấy trăm ngàn đồng… Nó thấy bà già không chịu, bóp mạnh tay bà, thiếu điều muốn trẹo, vuột lấy chiếc vòng rồi bỏ đi. Bà già sợ quá, không dám kêu la một tiếng. Buổi chiều, cái con quỷ cái đẹp đẹp mà ông thầy nói đó, đeo cài vòng lủng lẳng ở tay, đem lại lều má A Phát năm gói mì con tôm, nói là của Tăn Ku đưa… để trả tiền chiếc vòng. Năm gói mì giá một chiếc vòng cẩm thạch, ông thầy thấy được không?
Vừa nói, anh ta vừa ngó tôi nghinh nghinh:
-Sao ông thầy nghĩ sao, ngộ nói có cái gì bậy không nè. Bộ thằng Tăn Ku ở không, rồi bày đặt chuyện đi giựt của người nầy để cho người kia à. Mà lại giựt đồ của người ta đương đeo giữa ban ngày. Con kia phải cho nó cái gì chớ, nó mới kiếm cái vòng để cho lại. Như vậy là huề, hai bên đều có lợi. Chỉ có má A Phát với chồng của cổ là lỗ thôi. Nhưng nghĩ cho kỹ, chồng của cổ lỗ nặng hơn…ha..ha!
Tiếng cười của Tô Tỷ ngân vang bên tai. Tôi không muốn nghe nữa, lỗ tai đầy cứng, đầu óc lùng bùng, tôi đứng trơ ra như khúc cây, không biết hiện mình đang ở đâu. Trước mắt hình ảnh chiếc vòng cẩm thạch xanh biêng biếc chập chờn, rồi hình ảnh nàng dịu dàng trên con đường mòn, tay xách từng thùng nước để cho cả ghe đỡ cơn khát. Hai hình ảnh đó loanh quanh, lẩn quẩn trong đầu. Nàng đáng thương hay đáng ghét? Nàng đáng ghét hay đáng thương? Tôi đâu phải là ông toà mà phê phán việc đúng sai, phải quấy. Chỉ đáng thương cho nàng trong một phút ham muốn yếu lòng… Buổi chiều có gió lớn, sóng ngoài khơi chạy thẳng vào bờ đá ồ ạt, quay cuồng giận dữ, đập ầm ầm, tung bọt trắng xoá. Lòng tôi cũng như sóng, vỡ tan từng mảng, từng mảng…
Gió đưa bụi chuối sau hè
Bụi môn trước cửa, ai dè em hư!