main billboard

 

 

Lúc đầu chúng tôi cũng đoán ông là nghệ sĩ, một người nghệ sĩ vô danh nghèo nàn...

nguoi nghe si

Lúc đầu chúng tôi cũng đoán ông là nghệ sĩ, một người nghệ sĩ vô danh nghèo nàn. So ra ông còn nghèo hơn cả lũ sinh viên được tiếng là nghèo như chúng tôi. Chúng tôi ở lầu ba, đã ít tiền thuê, ông còn ở mãi tận lầu năm, của ngôi cao ốc không có thang máy, lên xuống phải dừng lại thở dốc mấy lần. Thời kì đó tôi mới vào học luật năm đầu, sinh viên mới tinh, mở con mắt tò mò ngạc nhiên ra nhìn thế giới tri thức mang hơi hướng văn minh Pháp lần lượt diễn ra chung quanh mình. Túi tiền của sinh viên tỉnh lẻ lên phố học chỉ đủ cho sống cuộc sống kham khổ, thế mà ông , một người đã trưởng thành, đứng tuổi, ra chen vai chích cánh với trường đời nhiều năm , làm nghệ sang trọng, làm thuật mà còn thiếu hụt kham khổ hơn.

Mãi cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết tên ông. Ông sống thui thủi một mình trong căn phòng nhỏ như cái hộp quẹt trên tầng cao. Cứ nhìn xem mấy cái áo ông phơi và nhìn căn phòng chẳng có thứ tài sản quí giá nào thì đủ biết. Mỗi ngày ông ra khỏi nhà vào buổi chiều và trở về nửa đêm. Ông làm việc cả ngày chủ nhật. Ngòai thời gian ra ngoài khi trở về ông đóng cửa, làm việc gì trong ấy hay ngủ, không ai biết. Chúng tôi chưa thấy khách khứa đến thăm ông.

Óc tưởng tượng của bọn tôi cứ nghĩ ông là một nhạc công, chúng tôi nghĩ chắc ông chơi nhạc cho một hộp đêm nào đó. Chúng tôi bắt chước cách làm việc của nhà trinh sát Sec-lốc-hôm, ngồi một chỗ, quan sát tưởng tượng và suy nghĩ. Theo cách ấy tôi chắc ông là người thổi kèn, một loại kèn đồng nào đó, cái dáng dấp của ông trông rất giống nhưng người thổi kèn thường xuất hiện trong phim ảnh Mỹ. Ông to cao, da hơi đen, môi dày và thêm cái miệng hơi méo trông rất giống với danh kèn nhạc Jaze Lu-I Am-strông, và thế là tôi đinh ninh ông là một nhạc công kèn trom-pét. Thằng Bắc , sinh viên trường điện Phú Thọ, chúng tôi gọi tắt là Bắc Phú thọ , cãi:

- Nếu là người thổi kèn tất phải mang kèn đi mang kèn về và lúc nào cũng đem kèn ra mà tập dượt, chết cái lỗ tai của người chung quanh rồi…

Thế nhưng hỏi nó đoán ông ta làm gì , hắn lại không trả lời được. Mỗi buổi chiều , khi trời đã chập choạng tối ông leo năm cái thang lầu xuống đất đi làm. Lúc nào đi ngang qua phòng trọ chúng tôi ông cũng nhìn vào cười thân mật. Chúng tôi , thường vào giờ đó trời rất nóng chỉ có quần đùi may-dô, có thằng cởi trần ra vật lộn với bài vở, còn ông thì ăn mặc luôn luôn tươm tất,vét-tông xám, cà-vạt đỏ. Chỉ mỗi một bộ cho cả bốn mùa, tuy áo quần đã cũ song luôn luôn thẳng thớm đường hòang. Tóc ông đen mướt , chải lật về sau láng bóng, trông như kép cải lương. Lúc này tôi cũng chưa đủ đủ sự tinh tế để xét người và xưa nay tôi vốn ghét thứ đàn ông chải chuốc diêm dúa nên tôi vẫn ngấm ngầm không ưa con người này.

Trong thời gian ấy lại xảy ra một cuộc tình thầm lặng và cảm động. Người dì của thằng Bắc Phú thọ, ở dưới lầu hai, người nấu cơm tháng cho chúng tôi ăn, tên là cô Sáu, cỡ bốn mươi, còn nhan sắc song không chịu chăm sóc, son phấn. Không biết cô đã có gia đình hay chưa , giờ đây thấy cô độc thân. Cô Sáu rất quí mến" Người nghệ sĩ" Cô tõ sự ngướng mộ của mình bằng cách kín đáo chăm sóc ông. Thỉnh thoảng cô mang lên cho ông tô canh chua cá lóc hay đĩa gỏi gà. Lũ sinh viên hoang như quỉ chúng tôi bàn cách dòm trộm xem hai người làm gì trong căn phòng cửa đóng kín mít ấy. Thằng Văn học kiến trúc người nhỏ như con nhái, da trắng xanh trông như con chàng hiu , bốn chân dài thòn bu trên lá môn và nó cũng nhanh như con nhái bén. Chúng tôi phân công cho nó làm công tác trinh sát. Hắn đi lên thám sát nửa giờ sau xuống, chắc nó nín cười lâu lắm, mặt đỏ rần, chạy gấp vô phòng vỡ òa ra tiếng cười. Hắn dừng lại thở một lúc sau mới kể được:

- Trời ơi thực là một cặp rất xứng đôi vừa lứa! Mình cứ tưởng mấy anh chị sồn sồn, lớn tuổi dạn dĩ, ai ngờ anh chị gặp nhau còn rụt rè hơn cả con nít ngày nay.

Nói xong nó đóng kịch, mình nó đóng cả hai vai:

Cô Sáu:

- Anh Hai dạo này có được khỏe không?

Ông Hai nghệ sĩ:

- Cảm ơn chị, tôi cũng thường.

Cô Sáu:

- Sài Gòn không mưa, nóng quá!

Ông Hai:

- Ờ , mấy lúc này không mưa, nóng thiệt!

Cô Sáu:

- Tới tháng năm rồi mà không một giọt mưa…

Ông Hai:

- Mọi năm tháng này đã mưa tràn…

Và thế là kết thúc cuộc nói chuyện của đôi người tình. Cô Sáu từ giã , ông cảm ơn một lần nữa.Chúng tôi bàn, cần phải cắp đôi, tạo điều kiện cho cặp này nhanh chóng phá vỡ cái phòng tuyến băng giá này. Có lần tôi mạnh dạn nói:" Cô Sáu với ông Hai nghê sĩ xứng đôi quá, sao không lấy nhau đi?!" Cô Sáu đỏ mặt :" Đồ quỉ ! Nói bậy, người ta đứng đắn lắm , lại là người cao sang nữa!" Tôi hỏi:" Cô Sáu nói ông Hai đứng đắn lại cao sang là nghĩa làm sao? Cô Sáu cũng đứng đắn cao sang thua kém gì ông ta. Ông ta có nói xa gần hay có cử chỉ gì khác thường không? Và ông ta hiện đang làm việc gì , ở đâu?". Cô Sáu nói , giọng rất xúc động và kính cẩn:

- Ông ta không cười giỡn không bỡn cợt, luôn luôn tỏ ra là một người đàn ông đúng mức. Ông ta là một….nghệ sĩ lớn ! Ông ta chuyên biểu diễn ở những sân khấu lớn sang trọng. Mấy chỗ đó đắt tiền lắm, toàn là hạng giàu sang đi xe du lịch tới. Bọn mình ít tiền, ăn mặc không sang trọng, không tới được đâu…

Chúng tôi chắc cái chuyện mang dáng dấp huyền thoại này do lão ta mớm cho cô Sáu ngây thơ dại dột của chúng tôi.Có lần chúng tôi mời ông dự tiệc. Oâng ta không từ chối, ông đến , ăn nói văn hoa, cử chỉ rặt nghệ sĩ, đi đứng như người đang trên sân khấu. Cả bọn chúng tôi tuy không nói ra nhưng vẫn thầm coi thường kiểu người này, người kiểu này chắc không thể là người học thức. Thế nhưng vẫn có cái chúng tôi thầm khâm phục, ấy là lối sống rất điều độ. Không biết ông sống điều độ thực hay đóng kịch để bịp cô Sáu.

Lũ sinh viên chúng tôi lúc nào cũng đói khát nên thấy bia rượu thì tha hồ nốc, còn ông chỉ uống một li, có ép mấy cũng không chịu uống thêm, hỏi ông sợ say phải không ? Ông nói:" Không sợ say, ông có thể uống cả két la-de cũng được. Những chỉ sợ chất cồn trong bia làm cho thanh quản bị chai đi không còn rung ngân tốt được. Ông nói mình là một ca sĩ rất cần giữ giọng…" Mời thuốc thơm ông cũng nhất quyết từ chối. Ông nói :" Khói thuốc làm cho âm thanh phát ra không chuẩn" Ông cũng chẳng chịu dùng thứ gia vị gì. Ông nói:" Mấy thứ đó làm cho miệng nóng và da miệng sưng lên âm sắc thay đổi, không còn chuẩn nữa" Cô Sáu nghe ông nói thì ánh mắt tỏ ra khâm phục đến mức sùng bái, còn bọn chúng tôi thì nghĩ : Thực là một thằng cha láo toét khả ố, chỉ lừa được mấy con mụ gái góa lỡ thì…

Sinh viên chúng tôi tối nào cũng thức khuya học bài sáng ra tám chín giờ chưa dậy. Ông ta còn về khuya hơn cả chúng tôi nhưng sáng nào cũng đậy sớm tập thể dục. Chúng tôi vẫn cho rằng đây cũng chỉ là một thứ trình diễn dối trá. Ngày nào chúng tôi cũng bị cô Sáu tuyên truyền nhồi nhét về tài năng và tư cách con người vĩ đại tài ba này.Cô nói:

- Tụi bây không biết chớ ông ta là nghệ sĩ lớn, một nghệ sĩ vĩ đại, tên tuổi vang lừng từ bên Aâu châu…

Chúng tôi biết cái lối khoa trương này là do thằng cha kia tuyên truyền. Chúng tôi thường tương kê tựu kế. Hôm nào muốn ăn ngon cứ đề nghị cô Sáu làm cái gì ngon ngon để chúng tôi mời ông Hai nghê sĩ xuống chung vui, cô Sáu làm ngay. Chúng tôi hoàn toàn không tin về lời cô Sáu nhận xét về ông ta. Chúng tôi lí luận: Đã là nghệ sĩ nổi tiếng , nhất là nổi tiếng trên thế giới thì phải giàu sang, có cuộc sống như vua chúa, sao ông Hai nghèo nàn thế? Cô Sáu bênh vực:" Giàu nghèo là cái số. Ông Hai làm nghệ thuật, không làm giàu , bao nhiêu tiền làm ra ông đều giúp cho hội từ thiện cả". Có Lần tôi hỏi:" Cô Sáu được nghe ông Hai Hát chưa?" Cô Sáu:" Ông Hai nghệ sĩ chỉ hát trên những sân khấu Opéra lớn, hát dưới ánh đèn màu và trước hàng ngàn thính giả sang trọng học thức cao mới biết thưởng ngoạn thứ nghê thuật cao cấp này. Có khi ông Hai hát xong, cả ngàn con người như còn chết lặng, một hồi sau mới sực tỉnh đứng lên vỗ tay muốn vỡ rạp. Rồi thì bao nhiêu quí bà quí cô lao lên sân khấu tặng hoa và được ôm hôn người nghệ sĩ tài ba…

Đứng là một lối tán dương quá mức không biết ngượng. Thằng Hương văn Khoa nói:" Thế thì ông Hai có rất nhiều bồ. Cô Sáu nhà ta khổ rồi!" Cô Sáu rất kiêu hãnh:

- Người hâm mộ giọng ca của ông thì nhiều song ông chưa để ý đến ai. Oâng nói , cho tới bây giờ ông chưa thấy có ai hợp với ông.

Cô Sáu nói về ông luôn luôn với giọng đầy ngưỡng mộ kính trọng . Chúng tôi không muốn đập vỡ cái lâu đài tình ái bóng bẩy mong manh như bọt xà phòng này. Vã lại làm thế cũng chẳng có lợi , chúng tôi cứ vào hùa khen ông thì được cô Sáu cho ăn ngon. Tháng sáu năm ấy thằng Bắc Phú Thọ thi ra trường. Bây giờ con nhái đó đã là một ông kĩ sư điện. Chúng tôi hùn tiền làm tiệc mừng. Khi chúng tôi sửa soạn nhập tiệc thì cô Sáu nói:" Để cô lên lầu mời ông Hai nghệ sĩ xuống chung vui với các cháu nghe?" Nói xong cô Sáu đi mời. Chừng mươi phút sai cô Sáu và ông xuống. Cô Sáu hôm nay có đánh chút phấn hồng, bôi chút son môi. Ông Hai vẫn diện bộ vét tông cũ như những lần đi làm. Oâng nói:

- Xin chia vui với ông kĩ sư Bắc! Chung vui với mấy cậu. Tôi cũng chỉ chung vui chừng mươi lăm phút lại phải đi trình diễn.

Cũng như mọi lần ông uống nửa li bia, ăn ít , không hút thuốc và điệu bộ kiểu cách như người trên sân khấu, rồi ông đi. Lúc này trời đã xâm xẩm tối, sau buổi tiệc chúng tôi rủ nhau xuống đường dạo chơi. Chúng tôi mỗi đứa một ý, xem xi nê, nghe nhạc hay dạo phố? Cuối cùng thằng Văn kiến trúc nói:" Sáng nay thằng Thảo bên dược cho tao mấy cái vé xem xiếc." Thế là chúng tôi kéo nhau đi xem xiếc, gọi là để đổi món. Chúng tôi mời cô Sáu đi cùng. Cô Sáu đang vui, chịu đi chơi. Cô về phòng điểm trang kĩ hơn. Cô diện chiếc áo dài sa tanh màu trứng sáo, óng ánh theo mỗi bước chân đi. Chúng tôi đến rạp xiếc đã tám giờ và rạp đã trình diễn được nửa chương trình. Rạp lưa thưa khách , hầu hết là trẻ con và những người nhà quê. MỘt người tiến ra giới thiệu:

- Để có thời gian chuẩn bị cho màn đu bay rùng rợn hào hùng lộng lẫy, chúng tôi mời quí khán giả thư giãn với tiết mục chọc cười của anh "Hề Cộp" !

Một người đàn ông từ trong cánh gà bước ra cúi chào bốn hướng một cách rất điệu nghệ. Ông dẫn theo con chó xù, bồng trên tay một con mèo và và xách theo một cái lồng có nhốt chú gà trống tía. Chào khán giả xong, không nói một lời, ông ta nghiểm nhiên bò xuống và bắt đầu sủa. Phải công nhận ấy là một tiếng sủa vang cả rạp và khó lòng phân biệt được đâu là tiếng sủa của người hay của cho thực. Con chó mừng rỡ vẫy đuôi như vùa gặp được bạn, Trong rạp lác đác một vài tiếng trẻ con cười, tuyệt nhiên chẳng có tiếng vỗ tay nào tán thưởn tiếng sủa điêu luyện ấy. Ông ngồi xuống trước mặt con mèo và bắt chước hệt cách mèo rửa mặt, ông kêu meo meo. Con mèo chạy tới một bên cọ người và cũng meo meo đáp lại. Lại thêm vài tiếng cười của trẻ con, còn người lớn thì ngáp và nói chuyện. Rồi ông đứng trước mặt chú gà trông, dang hai cánh tay vỗ phành phạch và cất tiếng gáy. Chú gà trống bắt chước ông làm như thế. Tiếng gà thật, tiếng gà người, chẳng ai phân biệt được. Chúng tôi, lần đầu đến xem cười ngất, còn trong rạp, hình như người ta đã quá quen với màn trình diễn ngèo nàn này nên mọi ngươi chẳng quan tâm. Người đàn ông cúi thực thấp chào khán giả rồi ông ngước mặt lên. Thằng Hiệp học trường mỹ thuật Gia Định la to:" Kìa ! Ông Hai nghê sĩ !" Chúng tôi đều giật mình nhìn lên , quả chẳng sai. Nhờ có mấy chiếc vé mời nên chúng tôi ngồi rất gần sàn diễn. Lúc này mấy ngọn đèn đặt nơi sàn diễn chiếu ngược lên mặt người đàn ông mặc vét tông xám cà vạt đỏ và cũng nhờ cặp mắt thằng họa sĩ tương lai được luyện tập cách nhìn để vẽ truyền thần nên thằng Hiệp nhận ra ông, mặc dù ông đã hóa trang thành bộ mặt hề.

Trời đúng thực là ông Hái nghê sĩ, người hàng xóm , người mà cô Sáu mê tít , sùng bái sao lại làm cái nghề thảm hại như thế này? Thằng Văn học kiến trúc , người thì gầy gò ốm yếu song tiếng lại rất to, nó lấy tay làm loa thét lớn :

- Hoan hô ông Hai nghệ sĩ !

Ông nhìn về phía chúng tôi, thấy cô Sáu. Nhiều năm sau tôi vẫn không quên được bộ mặt hề thảng thốt , xấu hổ chết lặng người hồi lâu rồi lủi thủi đi vào. Bỗng nhạc trổi lên dồn đạp. Sân khấu chói lòa ánh sáng. Mấy cô gái trẻ đẹp thân hình cân đối sáng ngời trong những chiếc áo tắm kim tuyến bó chặt bay lượn lướt ngang dọc trên trần rạp. Một cột ánh sáng màu quét theo, rạp xiếc nhộn nhịp hẳn lên. Người ta quên hẳn màn chó sủa mèo kêu rồi!

Tuổi trẻ cọng với sự ngu ngốc đã khiến chúng tôi có những trò chơi tàn nhẫn mà chẳng biết. Trên đường về chúng tôi đi bên nhau cười ngất. Cô Sáu lẽo đẽo theo sau. Thằng Bắc Phú Thọ nói:

- Người hùng của dì, niềm tự hào của nền âm nhạc thế giới, ngôi sao sáng của nhạc kịch opéra Rôma , đã làm tụi cháu cười vỡ bụng. Thực tài tình. Ông sủa giống chó hơn là chó, phải lúc trưa nay ông ta sủa giùm cho mấy tiếng thì thằng ăn trộm nó sợ, cháu đỡ mất cái quần tec-gan mới may phơi trên dây rồi.. Ông mà kêu gọi mèo cái thì mèo đực phát ghen, chú gà trống tía súyt nữa nhào vào đá, nó tưởng ông ta kè đạp mái con gà mái tơ yêu quí của nó.

Cả bốn chúng tôi cười vang đường phố. Cô Sáu không chịu bước theo nữa, cô đứng lại, năm nỉ cách mấy cũng không chịu về. Cô ngồi lại, không nói một lời.

***

Mấy ngày sau không thấy ông về, phòng ông đóng cửa im ỉm. Sau đó có một người đạp xe ba gác tới chở cái trương gỗ tài sản duy nhất của ông đi. Tuần sau có một người đàn ông to béo đến gõ cửa. Ông ta gõ rất nhiều lần , không thấy cửa mở. Ông đi xuống phòng trọ chúng tôi hỏi, chúng tôi nói:" Dọn đi rồi" Ông ta lắc đầu than:" Lại trốn đi nữa rồi!". Hỏi chuyện về ông Hai nghệ sĩ , người ấy kể:

- Tôi là bạn đồng diễn nhiều năm với ông Hai, tôi biết rất rõ cuộc đời người này. Thực là con người kì dị , cuộc đời lạ lùng. Ông ta là con của một ông đại điền chủ miền lục tỉnh, đổ tú tài tây, cha mẹ cho qua Pháp học trường đại học y khoa Paris . Học được vài năm ông chán cảnh bệnh tật máu mủ suốt ngày phải nghe tiếng rên la, sống trong không khí buồn rầu ảm đạm của bệnh viện. Ông bỏ Pháp qua Ý. Đến đây ông bị ngành nhạc kịch opéra hào nhoáng lộng lẫy chinh phục. Kì dị thay ông có năng khiếu và có duyên nợ với cái ngành nghệ thuật rất xa lạ và rất hiếm hoi thời ấy, ông tiến bộ rất nhanh. Với một vóc dáng người châu Á song lại đồ sộ và một khuôn mặt rất ăn ảnh và rất sáng sân khấu cọng với tài năng bẫm sinh, một cái cổ họng phát âm vang rền khó ai có được, không mấy chốc ông đã thành danh. Cái giọng opérette nam trung của ông đã chinh phục hầu hết các sân khấu danh tiếng ở Aâu Châu. Bên đó ông có được cả danh vọng lẫn tiền bạc , nhưng không hiểu sao cái dòng máu Việt Nam chảy trong người ông nó kêu réo ông trở về. Ngày lần đầu tiên đặt chân lên quê nhà ông đã bị gia đình nguyền rủa bạn bè xa lánh. Họ hỏi tại sao không học thuốc lấy bằng đốc tờ về mở phòng mạch cha mẹ hỏi con gái ông Hội Đồng Thuận làm vợ. Cha mẹ tưởng ông qua Tây ham chơi bời không chịu học hành, về nước với cái bằng mà thời đó cả xứ Nam kì không ai biết ấy là bằng cấp gì.

Ông vẫn hi vọng. Ông bỏ quê lên Saigon, hòn ngọc viễn đông tìm danh vọng. Nhưng ngay trong lần đầu tiên lên sân khấu quê hương đã là một kỉ niệm khủng khiếp. Khi ông mới cất tiếng hát được vài câu thì đã có tiếng huýt sáo, tiếng thét:

- Dở quá !

- Hát gì như heo kêu!

- Hát như bò rống!

- Thôi vô đi!

Ông lủi thủi đi vào hậu trường. Ánh đèn vàng vọt quét theo cái lưng gù ủ rủ và dáng đi nặng nề gần như đôi chân không còn gánh nổi sức nặng thân thể sắp ngã gục vì sự thất bại ê chề. Ông còn thử thời vận thêm nhiều lần nữa nhưng cũng chỉ như lần trước. Vì tự ái ông quyết không trở về gia đình. Lúc này ông cũng không còn tiền để mua vé máy bay qua lại Châu âu.Oâng đã sống những ngày cực kì thiếu thốn. Cuối cùng ông cũng đã tìm được cách để tồn tại. Trong ngành nhạc kịch có môn luyện âm luyện giọng bằng cách bắt chước những âm thanh trong cuộc sống như tiếng xe cộ , mưa rơi , gió thổi chim kêu, tiếng gia cầm gia súc…gọi là khẩu thuật. Ông thử đem cái thứ nghệ thuật hạ cấp ấy ra trình diễn, kì dị thay con người ở đây thời nay tán thưởng nhiệt liệt. Ông rất khổ tâm về điều kì lạ này, ông thấy mình có lỗi với cha mẹ với các thầy đã dạy cho thứ nghệ thuật chân chính cao siêu lại không biết đem ra cống hiến với đời lại đem thứ tệ hại ấy ra làm kế mưu sinh. Vì thế mỗi lần ông lên sân khấu ông đều hóa trang thành bộ mặt hề, tránh cặp mắt của thiên hạ. Thế nhưng thỉnh thoảng vẫn có người nhận ra, ông xấu hổ lắm phải trốn đi ngay. Lần này tôi mang tới cho ông một nửa tháng lương và nhân tiện báo cho ông biết chủ gánh xiếc đá ngưng hợp đồng với ông vì màn ấy không còn ăn khách nữa. Cũng cần báo cho ông biết tình cảnh những bạn đồng diễn của ông. Con chó xù bị đem bán cho hàng thịt cầy.Con mèo bị tống ra ra đường cho đi hoang. Con gà trống tía thì cho vào nồi…

Thằng Văn kiến trúc, cái thằng to miệng nhất với trò chơi dại dột vô tình hại ông đặt một câu hỏi :

- Ôi bắt chước tiếng chó sủa , mèo kêu, gà gáy thì có gì đâu mà phải sống cuộc sống kham khổ như một nhà tu, không uống rượu không hút thuốc, không ăn gia vị, tập thở, tập thể dục hằng ngày?

Người khách không giấu được niềm kiêu hãnh nghề nghiệp:

- Đó thực sự là phẩm cách tuyệt vời của người nghê sĩ chân chính !!!

Thằng Hiệp mỹ thuật, cái thằng có cặp mắt tinh đời đã nhận ra ông trong bộ mặt hề ngán ngẩm lẩm bẩm:

- Lạ nhỉ, tại sao người ta học hành tập luyện kham khổ để cống hiến cho mình một thứ nghệ thuật cao cả sang trọng lại từ chối, đi chấp nhận thứ nghệ thuật chó sủa mèo kêu ? Con người của một quốc gia ngàn năm văn hiến này suy tàn đến mức này sao?

Người khác thở dài:

- Ai mà hiểu nổi !

Cô Sáu đứng yên , cặp mắt đỏ dần lên , mọng đầy nước./.