Jane Eyre được ấn bản lần đầu năm 1847 dưới bút hiệu Currer Bell.
Bìa sách Jane Eyre, dịch giả Trịnh Y Thư, NXB Nhã Nam.NXB Nhã Nam
Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà văn Charlotte Brontë (1816-1855), nhà xuất bản Nhã Nam - Hà Nội ra mắt độc giả bản dịch mới của Jane Eyre, tác phẩm nổi tiếng nhất của bà, dịch giả Trịnh Y Thư chuyển ngữ.
Dịch giả Trịnh Y Thư đã vượt qua hàng rào ngôn ngữ của dòng văn học Anh thế kỷ XIX, của những điển tích trong Kinh Thánh, của thế giới xa lạ trong xã hội Anh dưới những năm tháng triều đại Victoria, để đưa Jane Eyre đến gần với độc giả Việt Nam.
Jane Eyre, là câu chuyện của một cô gái mồ côi, nghèo khổ, kém nhan sắc nhưng đã dành quyền tự định đoạt lấy tương lai, bằng nghị lực và ý chí, bằng sự thông minh và niềm tin nơi Thượng Đế.
“Tôi đã bảo là tôi phải đi cơ mà !” tôi cãi lại, giọng pha chút phẫn nộ.
“Ông nghĩ là tôi có thể ở lại để rồi trở thành người thừa đối với ông ư ?
Ông nghĩ tôi là cái máy ư ? Một chiếc máy không cảm xúc có thể chịu đựng để miếng bánh bị giật khỏi miệng và ngụm nước sinh mệnh bị hắt đi sao ?
Ông nghĩ chỉ vì tôi nghèo khó, vô danh tiểu tốt, nhan sắc tầm thường và thân hình thấp bé thì không có tâm hồn và trái tim ư ?
Thế thì ông nhầm rồi ! Tâm hồn tôi, trái tim tôi cũng phong phú không kém gì ông ! Và nếu Chúa ban cho tôi chút nhan sắc và của cải thì lúc đó tôi sẽ khiến ông khó lòng mà rời bỏ tôi được, giống như tôi bây giờ.
Tôi không nghĩ lúc này tôi đang nói chuyện với ông theo phong tục hay quy ước xã hội, thậm chí cũng không phải bằng cái xác tục, mà là linh hồn tôi đang nói chuyện với linh hồn ông, như thể hai ta vừa sang thế giới bên kia và đang đứng dưới chân Chúa, bình đẳng với nhau, như lúc này đây !” (Chương 23).
Nhân vật chính trong truyện cũng như tác giả, Charlotte Brontë, bằng học thức đã tự tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội, độc lập về mặt tài chính không để phụ thuộc vào một người đàn ông nào.
Đó là tất cả những gì xã hội Anh thế kỷ thứ XIX khó chấp nhận được.
Trong trại mồ côi Lowood, Jane đương đầu với mục sư Brocklehurst.
Cô gia sư trẻ Jane Eyre cưỡng lại trái tim kiêu hãnh của Edward Rochester khi ông muốn đưa cô đến một cuộc hôn nhân tội lỗi.
Không vì để có một mái nhà hay vị trí trong xã hội mà Jane nhận lời cầu hôn của mục sư St John Rivers.
Sau muôn vàn thử thách, Jane đã quay về với mối tình chân thật và cao thượng mà cô luôn dành cho chủ nhân tòa lâu đài Thornfield.
Jane Eyre được ấn bản lần đầu năm 1847 dưới bút hiệu Currer Bell.
Tác phẩm gây tiếng vang lớn trong công luận và giới phê bình, bởi ngoài giá trị về văn học, Charlotte Brontë đã không khoan nhượng trước xã hội với đầy rẫy những định kiến, mà ở đó người phụ nữ chỉ là những thân tầm gửi.
Dưới ngòi bút của Charlotte Brontë, Jane Eyre là một tâm hồn độc lập, là một phụ nữ có cá tính, cô đã phải vượt qua nhiều nghịch cảnh trong hành trình đi tìm hạnh phúc.
Tạp chí của RFI cùng với dịch giả Trịnh Y Thư nhìn lại Jane Eyre, tác phẩm nổi tiếng nhất trong số bốn cuốn tiểu thuyết của Charlotte Brontë.
RFI : Jane Eyre là một tác phẩm đã được chuyển ngữ sang rất nhiều ngoại ngữ khác nhau.
Riêng độc giả Việt Nam đã biết đến cuộc đời với nhiều ngang trái của Jane Eyre qua Kiều Giang, phóng tác của nhà văn Hoàng Hải Thủy tại Sài Gòn vào thập niên 1960, rồi kế tiếp là những bản dịch của Nguyễn Tuyên, Trần Anh Kim...
Vậy cơ duyên nào đã thôi thúc ông hiến tặng cho độc giả Việt một bản dịch mới và bản dịch này có gì khác so với những bản dịch trước đây ?
Trịnh Y Thư : Cũng như những người yêu sách vở khác, tôi “mê” Jane Eyre từ khi còn đi học, nhưng không bao giờ có ý định dịch sang tiếng Việt, cho đến khi nhà xuất bản Nhã Nam ở Hà Nội đề nghị cộng tác dịch tác phẩm bất hủ ấy.
Tôi đồng ý ngay và kết quả là cuốn sách ra mắt độc giả vào tháng đầu tháng 9 năm 2016. Tôi nghĩ đấy là cơ duyên, và tôi có duyên với Jane Eyre.
Còn việc so sánh với các bản dịch trước đây thì thú thật với chị tôi chưa đọc bản dịch tiếng Việt nào trước đây cả. Do đó tôi không thể đối sánh để xác định “trị giá gia tăng” của bản dịch này.
Hơn nữa, theo tôi thì công việc ấy là của độc giả và các nhà phê bình. Tôi chỉ biết cố gắng làm hết sức mình trong phạm vi có thể.
RFI : Về công việc dịch thuật, đâu là những thách thức đối với một dịch giả và riêng trong tác phẩm Jane Eyre của Charlotte Brontë thì có những khó khăn nào ông đã phải vượt qua ? Xin ông nêu ra một vài đoạn tâm đắc nhất ?
Trịnh Y Thư : Về dịch thuật nói chung, có hai xu hướng : hoặc trung thành với văn bản nguyên tác ; hoặc đặt trọng tâm vào yêu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch.
Ở thời đại của chúng ta, quan niệm đúng đắn phải là sự kết hợp chặt chẽ cả hai xu hướng trên. Mặc dù những tôn chỉ chung chung kiềm chế người dịch, không cho hắn sa đà, nhưng người dịch không còn là kẻ “tra từ điển chuyên nghiệp” nữa. Có khoảng đất trống cho hắn phô diễn nét tài hoa trong bản dịch.
Riêng đối với tôi, dịch Jane Eyre vừa dễ vừa khó. Dễ vì đây không phải là một tác phẩm tiểu thuyết đầy màu sắc triết học siêu hình khó đọc.
Nhưng khó vì ngôn ngữ văn học của tác phẩm là loại Anh ngữ của dòng văn học Anh thế kỉ XIX. Có những từ ngày nay không mấy ai sử dụng nữa, hoặc nếu còn thì lại hiểu theo một ý nghĩa khác.
Điểm khó khăn khác cho người dịch cũng như người đọc là sự phong phú của chữ nghĩa, sự xa lạ của cảnh vật, sinh hoạt, tập quán đối với đa phần độc giả người Việt.
Tác phẩm cũng trích dẫn nhiều điển tích từ Kinh Thánh hoặc các tác phẩm văn học cổ điển mà nếu không rõ xuất xứ thì khó có thể lĩnh hội điều tác giả muốn biểu đạt.
Về điểm này tôi có thêm phần chú thích vào bản dịch để giúp độc giả hiểu thêm, nếu cần.
Dịch Jane Eyre, tôi học được nhiều điều, sự phong phú của cấu trúc ngôn ngữ, sự đa tầng của ý nghĩa văn học và nhân sinh.
Nếu không thế tác phẩm đã không còn sức thu hút sau gần hai thế kỉ. Nhưng có những đoạn tôi thấy thú vị khi dịch, chẳng hạn chương 23 khi ông Rochester lần đầu tỏ tình với Jane. Trữ tình dĩ nhiên, văn đã đẹp lại điểm thêm chút hài hước.
RFI : Jane Eyre đến nay vẫn được xem là một trong những tác phẩm giá trị nhất của nền văn học Anh, vậy ông nhận xét như thế nào về cuốn tiểu thuyết ấy, về tầm nhìn Charlotte Brontë ?
Trịnh Y Thư : Tuy có khác nhau về nhận định, nhưng hầu hết các học giả đều đồng ý, Jane Eyre là một cuốn tiểu thuyết chứa đựng cảm xúc mãnh liệt, ngôn ngữ phong phú, tình tiết nhiều kịch tính được biểu hiện bằng một phong cách văn học mạnh mẽ, táo bạo.
Ngay cả vào thời điểm cuốn sách ra mắt công chúng lần đầu năm 1847, giới phê bình và người đọc lúc đó đã sớm nhận thức đây là một cuốn sách khác thường, một cuốn tiểu thuyết về phụ nữ của một nhà văn nữ được viết với tất cả nét khai phóng trong ngòi bút mà cho đến thời điểm đó chỉ thấy ở những tác giả phái nam.
Tác giả đã can đảm vượt qua đường biên lễ giáo khắc nghiệt của xã hội Anh dưới triều đại nữ hoàng Victoria, trải bày tâm hồn và nỗi đam mê của người phụ nữ, chối bỏ vai trò phụ nữ tùy thuộc vào đàn ông, phê phán tính đạo đức giả của những kẻ mệnh danh đại diện tôn giáo, phê phán cả những tệ đoan của xã hội tư bản sau cuộc cách mạng kĩ nghệ đưa nước Anh lên hàng cường quốc.
Ngày nay, dưới luồng sáng của “Nữ quyền luận” trong văn học, người ta đọc Jane Eyre với con mắt mới mẻ hơn và có thể cảm thông trọn vẹn hơn về đường lối tác giả quyết liệt đặt lại vai trò người phụ nữ, cố tẩy xóa những định kiến bất công và lỗi thời.
Kết quả là sự thông hiểu có sắc thái hơn về bản chất những nghịch lí trong tác phẩm, vốn là một tổng hợp gò ép khó hòa giải giữa sự nổi loạn của tâm hồn đối với xã hội và tinh thần bảo thủ tôn giáo.
Một cách khác để thấu hiểu cấu trúc của Jane Eyre là nhìn nó dưới góc độ câu chuyện của một con người bình thường đi kiếm tìm hạnh phúc, và trong lúc kiếm tìm phải luôn luôn giữ thế cân bằng giữa hai đối lực rất khó hòa giải là luân lí và bản năng.
Jane là một cô gái bình thường, bất hạnh, lại không có nhan sắc. Thế nhưng, nhờ vào trí óc thông minh cộng thêm ý chí mạnh mẽ, Jane đã vượt qua bao nghịch cảnh để đạt đến hạnh phúc.
Phải chăng đấy là cái tinh thần sống và muốn sống như con người, cái "human spirit" mà muôn đời được ca tụng ?
Sống như một con người nghĩa là sống như một cá nhân với tất cả giá trị và tình thương cá nhân đó xứng đáng thừa hưởng.
Jane Eyre - Charlotte Brontë, dịch giả Trịnh Y Thư, NXB Nhã Nam.