Trần Quốc Bảo dịch thơ Trụ Trượng Tử
Trần Quốc Bảo dịch thơ Trụ Trượng Tử
Tuệ Trung Thượng Sĩ
柱 杖 子
日 日 杖 持 住 掌 中
忽 然 如 虎 又 如 龍
拈 來 卻 恐 山 河 碎
卓 起 還 妨 日 月 籠
三 尺 雙 林 何 處 有
六 環 地 藏 快 難 逢
縱 饒 世 道 崎 嶇 甚
不 奈 從 前 勃 窣 翁
慧 中 上 士
Trụ Trượng Tử (*)
Nhật nhật trượng trì tại chưởng trung
Hốt nhiên như hổ hựu như long
Niêm lai khước khủng sơn hà toái
Trác khởi hoàn phương nhật nguyệt lung
Tam xích Song lâm hà xứ hữu
Lục hoàn Địa Tạng khoái nan phùng
Túng nhiêu thế đạo kỳ khu thậm
Bất nại tòng tiền bột tốt ông
Tuệ Trung Thượng Sĩ (**)
Bản dịch cùa Trần Quốc Bảo
Cây Gậy
Cây gậy trong tay ngày mỗi ngày
Pháp thân bỗng hổ phục rồng bay
Vung lên, sợ nữa sơn hà mất
Chống xuống e rằng nhật nguyệt lay
Ba thước Song lâm không dễ kiếm
Sáu vòng Địa tạng khó tìm thay
Đường đời dù biết chông gai lắm
Cũng chẳng phân vân cứ vững tay.
Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia
Địa chỉ điện thư của Tác Giả:
(*) Chú thích: (của cố Thượng Tọa Thích Tâm Châu) “Đại ý: Bài thơ này chỉ cho pháp-thân nơi sắc thân chúng ta. Sắc thân có hư hoại, pháp thân không hư hoại và diệu dụng vô cùng. Pháp thân ám chỉ cho cây gậy. Hiểu rõ pháp thân, diệu dụng của nó như hổ, như rồng. Núi sông, trăng sao đều là pháp thân. Biết thì còn, quên thì mất. Cái gậy ba thước nơi song lâm của Ngài Phó Đại Sĩ, tự Huyền Phong, hiệu Thiện Huệ, đi đâu Ngài cũng cầm. Trên cây tích trượng của Bồ Tát Địa Tạng, lúc nào cũng có 6 cái vòng tượng trưng cho 6 độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ) để hóa độ chúng sinh, loại trừ 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, súc, pháp). Dù cho đường đời có gập ghềnh, chông gai, đã có cây gậy, không bị lật đật như trước nữa. Dù cho cảnh đời nhiều phiền não, nhưng trực nhận được thể tính, nương pháp-thân đạt tới bờ an lạc. (Trích: Sách Cánh Hoa Tâm, trang 147)
(**) Ghi chú (của LS. Tâm Minh Ngô Tằng Giao) Tuệ Trung Thượng sĩ là bút hiệu của vị Thiền sư Việt Nam. nổi danh. Ông tên thật là Trần Tung hay Trần Quốc Tung. Ông là người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông (1279-1284) vào cửa Thiền. Ông sáng tác nhiều thi, kệ; một số được kiết tập trong "Thượng Sĩ Ngữ Lục" (Ngữ lục của Thượng sĩ) rất nổi tiếng.