Chương 1 - Thủ đoạn bắt chẹt bằng tôn giáo
Cuộc chiến đấu tự vệ văn hóa của người Công giáo VN tại San Jose, phía bắc tiểu bang California nổ ra lúc nhân loại ghi nhận được nhiều vụ lợi dụng tôn giáo bắt chẹt tín đồ để khai thác sự yếu đuối ấy vào mục đích thủ lợi cho quyền lợi thấp hèn của cá nhân. Những vụ lạm dụng ghê tởm ấy xảy ra không riêng cho một tôn giáo nào trong các tôn giáo lớn của loài người. Phải đặt cuộc tranh đấu tự vệ chính đáng của ngưởi Công giáo VN tại San Jose vào khung cảnh lợi dụng và bắt chẹt tôn giáo trên đây, người ta mới có tạm đủ dữ kiện để mà lượng định ý nghĩa, kích thước và tầm vóc của cuộc tranh đấu lịch sử ấy.
Từ Jim Bakker Đến Jimmy Swaggart
Vụ dùng tôn giáo bắt chẹt đầu tiên trong chương này là vụ mục sư Jim Bakker, thuộc hệ phái Pentecost của Thiên Chúa Giáo Mỹ. Vụ này được nêu đầu tiên vì nó xảy ra tại Mỹ, quốc gia đã tự coi là văn minh nhất thế giới. Khi người tỵ nạn VN chờ đợi tại các trại tạm trú, dầu là ở một trại vùng Đông Nam Á hay là ở một vài trại tạm trú ngay trên đất Mỹ (như thời gian từ 1975 đến 1978), họ đã được người Mỹ vào trại dạy bảo họ về biết bao nhiêu điều thuộc về xã hội văn minh của nước Mỹ. Người tỵ nạn VN nghe dậy bảo xong thì có ý nghĩa rằng đây đúng là Thiên Đường của Hạ Giới rồi, vì không có rác xả ở ngoài đường, vì luật pháp thật là nghiêm minh, có lẽ tiền rớt ở ngoài đường, cũng không ai thèm lượm. Tưởng rằng đời Nghêu, Thuấn cũng chỉ đẹp đến thế là cùng.
Có rất nhiều người tỵ nạn VN đã được những giáo hội Mỹ bảo trợ cho ra trại, và giúp đỡ để “tạo lập một đời sống mới”. Hình ảnh của tôn giáo thật là thiêng liêng đối với những người tỵ nạn VN tại Mỹ những tháng đầu tiên của cuộc sống lưu vong.
Không lâu, người tỵ nạn VN hiểu rằng không có thứ hạnh phúc nào không đắng cay, và họ bắt đầu thấm thía thông điệp của văn hào Nga lưu vong Vladimir Bukovsky khi ông ta nói rằng “tự do cũng có nhiều cái bất hạnh của nó”. Một trong vài điều mà người tỵ nạn VN nhận ra được là tính chất con buôn trong dân tộc tính của người Mỹ. Tính chất ấy thấm sâu vào đến cả tôn giáo tại Mỹ nữa, để biến các tôn giáo ấy thành một sự kinh doanh, theo nghĩa trần tục của danh từ Mỹ “business”. Vì tính chất ấy, nhiều người tỵ nạn VN đã cảm thấy áp lực của nhà thờ Tin Lành đè nặng trên đầu họ trong thời gian họ được nhà thờ ấy bảo trợ. Nếu không siêng năng đi lễ thì coi chừng khoản trợ cấp, coi chừng sự giới thiệu kiếm việc làm, coi chừng nhiều thứ... Một thí dụ khác thật đau lòng: nhiều gia đình tỵ nạn VN đã phải từ bỏ tôn giáo nguyên thủy của họ từ ở Việt Nam để theo tôn giáo mới của người bảo trợ Mỹ khi họ đựơc đưa vào đất Mỹ. Một số tờ báo Mỹ biết chuyện này, đã mỉa mai ghi trong một số bài phóng sự về cuộc sống định cư của người VN tại Mỹ: “No church, No food!” (Không đi nhà thờ thì không có cơm ăn).
Phần nhập đề trên đây về tôn giáo Mỹ đã tạm đủ để đưa độc giả tới vụ xấu xa của hệ phái Pentecost, được khui ra trong năm tháng đầu của năm 1987. Pentecost hiện có gần 6000.000 tín đồ thuộc giai cấp bình dân và là giai cấp ít học, ngu xuẩn, rất tin tưởng ở những phép lạ mà họ cho rằng hệ phái Pentecost có thể thực hiện được. Hệ phái này quen dùng các buổi giảng đạo bằng truyền hình để truyền bá tư tưởng “có thể làm phép lạ” được ở thời đại này. (Pentecost nằm trong Thiên Chúa Giáo).
Ăn khách nhất trong những năm gần đây là Mục sư Jim Bakker. Chắc chắn thứ “business” phép lạ kiểu Pentecost phát đạt lắm cho nên Bakker mới được thù lao tới gần 2 triệu mỹ kim mỗi năm, chưa kể nhiều thứ quyền lợi vật chất khác nữa.
Mặc dầu thù lao rất hậu hĩ như vậy, nhưng có lẽ các tín đồ chưa biết thú tính trong người Bakker hung hãn đến thế nào nên đã quên không thù lao bằng nữ tín đồ. Cho nên tuy đã có vợ chính thức, Bakker đã lén lút dan díu với nữ bí thư của hắn là Jessica Hahn trong sáu năm liền trước khi cuộc tình trần tục ấy bị phát giác. Bakker đã bị ngưng chức, bị điều tra, bị tịch thâu nhà cửa và đồ đạc. Nhưng vợ chồng hắn vẫn hiên ngang tuyên bố với báo chí Mỹ rằng họ sẽ trở lại hệ phái Pentecost một cách oai hùng, và sẽ “kêu gọi gây quỹ” được rất nhiều tiền.
Khi chuyện ô nhục của Jim Bakker bị phát giác, nhà truyền đạo Jimmy Swaggart của Mỹ đã lên án Bakker là “một dấu ung thư trên thân thể Chúa”. Thật là một lời buộc tội anh dũng và đạo đức khiến cho người ta phải tin rằng Swaggart sẽ không bao giờ phạm vào tội lỗi.
Sáng chúa nhật, 21-2-1988, trước 7.500 tín đồ tại thủ phủ Baton Rouge của tiểu bang Louisiana, Jimmy Swaggart thú nhận đã đi lại với một cô gái điếm có tiếng tại thành phố New Orleans. Nhận tội xong, Swaggart xin từ nhiệm.
Không phải Swaggart đã tự ý và tự nguyện thú tội. Hắn chỉ thú tội sau khi bị nhà truyền giáo Marvin Gorman tố cáo. Gorman đã trao cho ban quản trị của nhà thờ tại văn phòng chính ở thành phố Sprinfield, tiểu bang Missouri những tấm hình chụp Swaggart và cô gái điếm đi vào và ra khỏi một khách sạn của thành phố New Orleans mùa thu năm 1987.
Điều bi hài ở đây là chính nhà truyền giáo Marvin Gorman trước đây đã bị cho bãi nhiệm cũng vi phạm tội sa đọa về tình dục.
Swaggart đã hoàn toàn nhận lỗi, và nói: “Tôi đã mang đến sự nhục nhã và xấu hổ cho các giáo hữu. Tôi xin được tha thứ.”
Từ nhiều năm nay, Jimmy Swaggart được coi là nhà truyền giáo bằng phương tiện truyền hình “có nhiều ảnh hưởng nhất thế giới”.
Sau các vụ Gorman và Bakker, rồi lại đến vụ Swaggart, uy tín và danh dự của hệ thống truyền đạo Phúc Âm bằng truyền hình đã xuống dốc thê thảm.
Nạn bao che tội ác của một số linh mục
Nhật báo Los Angeles Times đề ngày 20-2-1988 đăng tin linh mục Nicolas Aguilar Rivera, 46 tuổi, đã bỏ trốn khỏi vùng Los Angeles sau khi ban phụ trách các vấn đề vị thành niên của cảnh sát Los Angeles bắt đầu điều tra những vụ đồi bại của Lm Rivera.
Từ xứ Mexico, Lm Rivera được giới thiệu với hai nhà thờ phục vụ rất đông người Công giáo gốc Mễ-tây-cơ trong vùng Los Angeles. Vì tin cậy ở linh mục này, nhiều gia đình đã mời ông ta về nhà. Vì cơ hội gần gũi này mà ông ta đã phạm tội dụ dỗ và hủ hóa ít ra là 18 thiếu niên giúp lễ (các em này ở lớp tuổi từ 9 đến 13).
Khi các chuyện nhơ nhớp này bị phanh phui, cảnh sát địa phương than phiền là không được sự hợp tác đầy đủ của nhà thờ liên hệ, và các gia đình nạn nhân thắc mắc về cách giải quyết các vụ này của nhà thờ. Thám tử Lyon cho biết là tòa Tổng Giám Mục Los Angeles ngưng chức của linh mục phạm tội, nhưng mãi hai ngày sau mới cho cảnh sát biết. Ông Lyon nhận xét rằng nếu cho biết sớm thì đã bắt giữ được kẻ phạm tội.
Tòa Tổng Giám Mục không cho biết tội ác của Linh Mục Rivera, và các gia đình nạn nhân rất uất hận về sự bao che tội ác đó của tòa Tổng Giám Mục. Phải nhờ ông hiệu trưởng một trường Trung Học Công Giáo tố giác với cảnh sát nên vụ này mới ra ánh sáng.
Người cha của hai em trong số các em nạn nhân nói với nhật báo Los Angeles Times: “Nhà thờ không nên dối gạt với nhau.”
Phát ngôn viên của TGM Los Angeles là Lm Battaglia dám quả quyết nói với phái viên nhật báo Los Angeles Times rằng Rivera la “một linh mục tốt”, và rằng “tôi bảo đảm là nếu có chút điều tiếng gì thì chúng tôi đã không chấp nhận cho ông ta tới đây.”
Nhưng chính Linh mục Rivera lại thú nhận tại nhà thờ Our Lady of Guadalupe rằng tại xứ Mexico, ông ta đã “có vấn đề” với một gia đình tín đồ, và gia đình ấy căm hờn đến nỗi “đã tìm cách giết” ông ta. Ông ta cho biết đã bị đánh đập rất nặng đến nỗi phải nằm điều trị nhiều tháng tại một nhà thương trước khi tới Los Angeles.
Sự bao che và chạy tội của hệ thống lãnh đạo Công Giáo đối với tội hủ hóa của một số linh mục còn được nhật báo Los Angeles Times nêu rõ hơn nữa trong một bài nhận định của Jason Berry (ký giả chuyên điều tra các vấn đề của Giáo Hội Công Giáo Mỹ) tại trang bình luận của báo ấy ngày chúa nhật, 20-3-1988. Berry cho biết vụ phạm tội của Linh mục Rivera không phải là vụ đầu tiên. Năm 1985, tại tiểu bang Lousiana, Linh mục John Engbers cũng phạm tội ác với trẻ em như Linh mục Rivera. Luật sư của các nạn nhân yêu cầu tòa Giám Mục liên hệ ngưng chức kẻ phạm tội, nhưng tòa GM không nghe, và lại còn để cho kẻ ấy trốn về nguyên xứ tại Hòa Lan nữa.
Jason Berry cho biết là từ 1983 tới 1986, có ít ra là 135 vụ hủ hóa (đa số nạn nhân là các em nhỏ) đã được thông báo cho các nhà thờ. 95 vụ đã được mang xử ở tòa hình sự hoặc dân sự. Ít nhất đã có 17 linh mục phải ngồi tù. Một vài người được hưởng án treo; lại có những linh mục tuy đã nhận tội nhưng lại không bị truy tố. Đó là những trường hợp điển hình xin trả bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bằng tiền để nạn nhân không khởi tố nữa. Thống kê và điều tra của Jason Berry cho thấy là tính cho đến ngày 1-1-1988, các vụ kiện mà nguyên đơn là 38 nạn nhân và bị đơn là 13 linh mục tại 8 tiểu bang của Mỹ đã đưa tới số tiền bồi thường cho các nạn nhân lên tới 19 triệu mỹ kim.
Những sự việc nêu trân cho thấy là thay vì phải trừng phạt thật nặng các linh mục phạm tội để làm gương cho kẻ khác, và để bớt sự làm tổn thương uy tín của Giáo Hội thì hàng Giám Mục lại bao che và chạy tội cho những kẻ tội lỗi mang lốt tu hành. Các vụ bao che và chạy tội này càng chứng tỏ rằng người tu hành ở bất cứ cấp nào cũng vẫn có thể phạm tội ác như mọi người trần tục. Cái lối bao che và chạy tội như thế làm cho người ta phải nghĩ rằng khi giám mục phạm tội thì sự bao che và chạy tội từ cấp cao hơn sẽ còn đáng buồn hơn nữa cho uy tín của Giáo Hội.
Những kẻ làm ô danh Phật Giáo
Chưa bao giờ, người ta thấy nhiều người trẻ tuổi được phong “chức lớn” trong đạo Phật như hiện nay tại các vùng đông người tỵ nạn VN trên thế giới. Chúng tôi đã có dịp nói chuyện với một số nhà sư trẻ tuổi, và ghi được nhiều điều đáng buồn. Thứ nhất là đa số nhà sư trẻ tuổi này rất kiêu căng, khiến chúng tôi nghi ngờ xuất xứ và đạo đức tu hành của họ. Trong đám sư trẻ tuổi này, ít thấy có ai can đảm và lương thiện nói cho mọi người biết rằng họ tu ở đâu, học đạo ở đâu, tại sao lại được phong chức quá mau, quá dễ như vậy. Thứ hai là việc tu trì ở một chùa nay đã biến thành một sự kinh doanh. Giống như các sỹ quan trong quân đội mang cấp bậc mà không được cầm quân, nhà sư nào chưa có chùa để tung hoành đều cảm thấy bị “thiệt thòi” nhiều lắm. Do đó, có nhiều vụ vận động và dụ dỗ Phật tử bỏ tiền ra “mua nhà làm chùa”. Nhà sư nào được Phật tử cúng nhiều tiền thì lấy làm đắc ý, và sự đắc ý ấy bị một số nhà sư khác ghen ghét, đố kỵ, dèm pha, phun máu...
Nhưng sự sa đọa nói trên chưa tệ hại bằng trò chơi tình cảm giữa một số nhà sư và nữ Phật tử. Nếu đếm từ năm lưu vong thứ nhất đến năm lưu vong thứ mười hai thì đã có khá nhiều vụ sư dụ dỗ nữ tín đồ, hoặc nữ Phật tử sa-đọa-hóa sư, hiểu như thế cho có vẻ quân bình câu chuyện sa đọa này. Có vụ được phanh phui cho bên ngoài biết, có vụ bị bưng bít, hoặc được “dàn xếp” theo tinh thần con buôn, mua bán đổi chác của dân tộc nước bạn Mỹ. Đau lòng nhất cho Phật tử lưu vong là vụ một nhà sư cao cấp dụ dỗ một nữ Phật tử ở tiểu bang Virginia, gần thủ đô Hoa-thịnh-đốn. Tờ Hoa-thịnh-đốn Việt Báo đề ngày 1-1-1986 đăng một là thư cậy đăng của ông L.A.V tố cáo Thượng tọa CL đã dụ dỗ vợ ông “theo thầy”. Tin này được nhiều bào Việt ngữ khác đăng lại, với cái tựa thật nhục nhã là “Sư Cụ dụ dỗ nữ đệ tử bỏ chồng theo Ngài.”
Nguyệt báo Ngày Nay xuất bản tại tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ đã tìm hiểu thêm về vụ này, và đựơc biết rằng CL là người gốc Ấn Quang, sang Đài Loan học từ trước khi Nam VN sụp đổ, và đậu được bằng tiến sĩ. Từng viết sách về Phật giáo, từng thuyết phục rất hấp dẫn. Do đó, hắn mới được Hội Phật Giáo Mỹ Châu mời tới Mỹ thuyết pháp. Dĩ nhiên là trong lời mời ấy, không hề có nói rằng mời hắn tới Mỹ để dụ dỗ nữ Phật tử. Khi vụ này đổ bể, Hội đã can ngăn hắn nhiều lần nhưng vô hiệu. Bởi vậy, Hội đành quyết định chấm dứt nhiệm vụ của hắn đối với Hội.
Tại thành phố San Diego cách đây vài năm, một nhà sư Việt lân la liên lạc với một tiệm vàng lớn của người tỵ nạn VN tại đó. Bên ngoài yên trí rằng nhà sư ấy liên lạc mật thiết với tiệm vàng là để giảng đạo và giúp gia đình tiệm vàng ấy về mặt “tinh thần”. Về sau, người ta mời biết rằng nhà sư ấy đã dở trò tống tiền gia đình tiệm vàng kia. Khi vụ tống tiền thất bại thì nhà sư này dùng một cây gậy sắt nhọn đâm nát bấy thân thể nữ chủ nhân tiệm vàng... Khi bị bắt, nhà sư này đã nhận tội giết người.
Phật giáo là một tôn giáo phóng khoáng, nên không bao giờ có kỷ luật sát máu. Từ sau vụ một số nhà sư thân cộng dựa vào cuộc khủng hoảng Phật giáo miền Trung đầu năm 1963 để dọn đường cho cộng sản chiếm miền Nam VN thì người ta bắt đầu thấy một cơ cấu giống như một cơ cấu lãnh đạo cao cấp nhất của Phật giáo tại VN. Dĩ nhiên, cơ cấu này rất phức tạp đối với người ngoài. Dường như vẫn còn một thứ cơ cấu như vậy trong khối người tu hành đạo Phật ở hải ngoại sau năm 1975. Điều làm chúng tôi không kính phục cái cơ cấu lãnh đạo ấy là tại sao, những vụ ô nhục gây tai hại rất lớn cho Phật giáo như vụ CL, vụ tống tiền giết người tại San Diego, và nhiều vụ dụ dỗ nữ Phật tử khác lại không hề bị cơ cấu ấy công bố cho các Phật tử được biết? Thì ra cái lối bao che tội ác cho nhau ở tôn giáo nào cũng có, và sự bắt chẹt cũng như khai thác sự sùng đạo của tín đồ đã trờ thành một bệnh thông thường nơi mọi tôn giáo.
Điệp khúc buồn ở nhiều nơi khác
Trong những bất hạnh lớn đang chụp lên đầu nhân dân Ba Tư, có cuộc chiến tranh phi lý với lân quốc cũng theo Hồi Giáo là xứ Irak. Cuộc chiến tranh ấy đã kéo dài đã trên bảy năm, và cả hai bên đều chết rất nhiều. Bên Ba Tư chết nhiều hơn vỉ trùm Khomeini luôn luôn ép giới trẻ tuổi Ba Tư phải “tình nguyện làm bia đỡ đạn” trong những cuộc xung phong “biển người” mà có lẽ hắn đã học mót được của Mao Trạch Đông. Các quan sát viên Tây phương đã chụp được hình những trẻ em trai Ba Tư chỉ trong khoảng 12, 13 tuổi, mặt mũi ngơ ngác, lừ đừ tiến ra mặt trận, trên cổ mỗi em đều đeo một sợi giây ở một đầu mang hình Khomeini. Các em giải thích với báo chí Tây phương là tấm hình của Khomeini sẽ làm cho các em trở nên “bất tử”.
Một số các bà mẹ Ba Tư bắt đầu hiểu trò lừa bịp tôn giáo của Khomeini nên đã tìm cách cho con em trốn ra khỏi nước. Hình phạt thật là ghê gớm nếu các em ấy bị bắt lại: chắc chắn là sẽ bị tử hình.
Khomeini đang nuôi mộng làm bá chủ thế giới Hồi Giáo. Xa hơn nữa, tại Phi Châu, tên loạn trí Khaddafi của xứ Libie cũng đang nuôi một giấc mộng tương tự. Hắn cũng đang dùng tôn giáo để lừa dối dân Libie.
Tại Ấn Độ và tại đảo Tích Lan, người ta cũng thấy những người lãnh đạo tôn giáo ở đó đang dùng tôn giáo để mê hoặc dân chúng, lùa họ đi trước làm bia đỡ đạn để chống laị đường lối cai trị hiện tại của chính quyền hợp pháp tại hai xứ ấy. Người chết khá nhiều, và điều ghê tởm nhất là chỉ thấy có tín đồ bạch đinh chết uổng mạng, không thấy vị lãnh đạo tinh thần nào “chịu chết cùng với tín đồ...”
Đến cuộc khủng hoảng tôn giáo tại San Jose thì tính cách lạm dụng tôn giáo lại càng rõ rệt. Chưa bàn đến nội vụ, hãy chỉ nói đến hình thức giải quyết của quý vị “lãnh đạo tinh thần”. Đã có mũ sắt, dùi cui, áo giáp và chó trận, kẽm gai trong khi giáo dân không có một tấc sắt trong tay, và thành phần giáo dân liên hệ lại gồm nhiều ông già, bà cả và trẻ em.
Người viết bài này đã từng nghe nhiều vị “lãnh đạo tinh thần” của Công giáo lập lại như một điệp khúc hai chữ Bác Ái. Trong vụ San Jose, đọc những bản tin, đọc những thông báo của các vị lãnh đạo tinh thần liên hệ, đọc tường thuật phương cách giải quyết của quý vị ấy, chúng tôi chưa thấy được bóng dáng của hai chữ Bác Ái ở sau lần lót của mũ sắt, ở phía sau hàng rào cảnh sát bản xứ, hay ở phía sau chó trận. Thật khó tin rằng đã có tinh thần Bác Ái trong hành động lôi các giáo dân đến trước pháp đình khi nguyên đơn là “Cha” và bị đơn là “Con”!
Bệnh thông thường
Tại sao sự lạm dụng tôn giáo và sự dùng tôn giáo để bắt chẹt đã xẩy ra tại nhiều chân trời của hành tinh này?
Câu hỏi trên đây chỉ được nêu ra để người viết bài này trình bày quan điểm trong bài, một quan điểm trần tục, trình bày trong tinh thần tuyệt đối không chấp nhận sự phi lý rất sơ đẳng, nghĩa là không bao giờ chấp nhận rằng những người lãnh đạo tôn giáo lại có thể được coi là Thánh sống, là Phật sống.
Cái nhìn trần tục cho thấy rằng sự lạm dụng tôn giáo để bắt chẹt tín đồ đã xảy ra vì con đường hai chiều. Tín đồ vì khiếp nhược và ngu dại đã thần thánh hóa người lãnh đạo tinh thần, và ngược lại, người lãnh đạo tinh thần đã tự nuôi mình bằng sự sùng kính của tín đồ để cảng ngày càng trở nên kiêu căng bệnh hoạn.
Hãy bàn về trường hợp tín đồ sa đọa người lãnh đạo tôn giáo. Cách xưng hô biểu lộ rõ rệt nhất cái tinh thần khiếp nhược và ngu dại của tín đồ. Người viết bài này đã cảm thấy vô cùng khó chịu khi thấy ở chùa, có những vị đầu tóc bạc phơ mà ngoan ngoãn xưng “con” với sư hoặc sãi khi sư, sãi ấy chỉ bằng tuổi cháu hoặc chắt các vị cao niên ấy. Sự xưng hô này đã làm cho kẻ tu hành trở nên kiêu căng. Không có một thứ luật nào của nhà Phật buộc rằng Phật tử phải xưng “con” với người tu hành. Nếu Phật tử rất trẻ tuổi mà vị sư trụ trì rất già nua thì sự xưng hô ấy hợp lý và hợp với lễ giáo Đông phương.
Vì ngu dại nên tín đồ cho rằng người tu hành là hiện thân của Chúa, của Phật. Sự tin tưởng dại dột ấy mở đường cho biết bao sự lạm dụng đau đớn và làm cho kẻ tu hành ngày càng coi thường tín đồ.
Người ta vẫn nghe các vị tu hành nhắc đi nhắc lại rằng họ chỉ là người rất “hèn mọn”. Sự thật thì họ có muốn sống hèn mọn thật không? Những điều trông thấy và nghe thấy đã chứng minh rằng sự hèn mọn ấy chỉ có một số rất ít người tu hành. Người viết bài này có hân hạnh quen biết một số linh mục tại xứ người. Trong khi trò chuyện bình thường, chúng tôi đã phân biệt được hai thành phần khác nhau trong các linh mục ấy. Có những vị tiếp tục tươi cười khi nghe chúng tôi gọi các vị là “Cha” nhưng xưng là “Tôi”. Cuộc thí nghiệm cũng đã diễn ra tại chùa chiền đối với nhiều vị sư, sãi còn trẻ tuồi mà đã quen được Phật tử lớn tuổi ngoan ngoãn xưng ”con” với các vị ấy.
Kế đến là phải nói đến đức phục thiện của người tu hành. Người đời lấy gì bảo đảm rằng người tu hành sẽ không bao giờ sai lầm? Nếu sai lầm thì người tu hành sẽ phản ứng như thế nào? Có can đảm thú nhận đã sai lầm trước mặt tín đồ của mình không? Căn cứ vào sự kiêu căng tự mãn của nhiều kẻ tu hành trên thế gian này thì khó có thể tin rằng sẽ có người dám thú nhận là mình đã sai lầm với tín đồ của mình.
Sau hết, phải đặt câu hỏi lớn là người tu hành dùng quyền thế gì để đòi tín đồ phải “tuyệt đối nhắm mắt tuân theo mệnh lệnh” của mình? Khi nhìn vào cái cảnh “người xử tội người”, người ta đã cảm thấy ghê rợn với ý nghĩ rằng phán quan có thể sai lầm để đưa một người vô tội lên đoạn đầu đài thì người ta lại càng ghê sợ khi nghĩ đến kẻ chỉ vì khoác chiếc áo tu hành mà dám đòi một người khác phải nhắm mắt tuân theo mọi thứ mệnh lệnh của kẻ ấy, dầu cho lệnh ấy có vô lý hoặc tàn nhẫn đến đâu.
Quân đội vẫn thường được người đời coi là một định chế rất độc tài. Giới quân phiệt vẫn bào chữa cho cái định chế ấy bằng sự nài ra câu nói cổ truyền ghi trong bản Quân Kỷ: “Kỷ luật là sức mạnh của quan đội, cho nên quân nhân các cấp phải tuyệt đối tuân hành mệnh lệnh của cấp trên. Phải thi hành trước đã rồi khiếu nại sau.” Cái thứ kỷ luật ấy đã ban phép lành cho biết bao dự lạm dụng trong quân đội, thí dụ trường hợp một đơn vị trưởng bất tài về quân sự, đưa binh sĩ thuộc hạ vào chỗ chết mà không cung cấp đầy đủ sự yểm trợ hỏa lực, không tiếp tế đầy đủ lương thực cho họ, thí dụ cấp trên ra lệnh cho binh sĩ dưới quyền phải về nhà hầu hạ vợ con của cấp trên... Một lý thuyết khác đã được các nứơc Tây phương đề ra để làm giảm bớt những sự lạm dụng quân kỷ. Đó là thuyết “Lưỡi Lê Thông Minh”. Người quân nhân thuộc cấp có quyền suy nghĩ xem mệnh lệnh của cấp trên ban ra có hợp lý một cách tương đối không rồi mới thi hành.
Kẻ tu hành đòi hỏi tín đồ phải tuyệt đối nhắm mắt tuân theo lệnh của mình là kẻ ấy còn độc tài hơn cả cấp chỉ huy trong quân đội. Hơn thế nữa, đó là một hình thức bạo lực tinh thần, không thể được bào chữa bằng bất cứ lập luận nào, vì hình thức bạo lực ấy hòan toàn đi ngược lại với hai chữ Bác Ái mà tôn giáo nào cũng lập đi lập lại mỗi ngày...!
Những sự lạm dụng tôn giáo sẽ giảm nhiều nếu những kẻ tu hành biết cúi xuống, nhìn lại thân xác mình xem ngoài chiếc áo tu hành, họ hơn những người trần tục ở điểm nào? Có khi nào những kẻ tu hành ấy tự cảm thấy mình thật hèn mọn khi vẫn phải thỏa mãn nhu cầu ăn, ở, ngủ, mặc, vẫn không tránh khỏi được bốn điều rất tầm thường của con người là Sinh, Lão, Bệnh, Tử? Có khi nào những kẻ ấy tìm hiểu ý nghĩa thật giản dị của câu nói “Chiếc Áo Không Làm Nên Thầy Tu?”.
Những sự lạm dụng tôn giáo chưa có hy vọng giảm bớt trong một tương lai rất xa, vì lẽ giản dị là hầu hết những vị “lãnh đạo tinh thần” của các tôn giáo đều đang bị quỉ ám nặng nề, bị nhiều thứ quỉ ám, như quỉ kiêu căng, quỉ khinh thường tín đồ, quỉ khinh miệt đồng loại...
Các bệnh kể trên vẫn còn thuốc chữa, nếu những con bệnh thật lòng muốn chạy chữa. Chỉ cần họ có chút can đảm và lòng mong múôn tự giải thoát khỏi những cám dỗ về quyền lực, và cám dỗ muốn được kẻ khác xưng tụng mình như thần thánh. Bước đầu của phương thuốc chữa bệnh ấy rất giản dị, nhưng lại rất khó theo. Hãy cứ tưởng tượng quí vị “lãnh đạo tinh thần” đến nơi thờ phượng, gặp tín đồ tiếp tục gọi mình là “Cha”, là “Thầy” rồi tiếp tục xưng “con”. Có bao nhiêu vị tu hành dám cúi xuống, đỡ người tín đồ đứng dậy rồi ân cần nhưng quyết liệt nhắn tín đồ rằng từ nay, “xin ông hay bà đừng xưng “con” với ta nữa, vì ta cũng chỉ là kẻ phàm trần với mọi sự yếu đuối về thể xác và tinh thần như mọi người!”