Chương 3 - Cuộc Tự Vệ Văn Hóa Của Người Việt
Khi khuyến cáo các nứơc tiếp nhận di dân là đừng nên phân tán mỏng nếu khối di dân ồ ạt đến đông đảo cùng một lúc, và chỉ nên nghĩ tới “hội nhập” chứ đừng nên hy vọng “đồng hóa” di dân với người bản xứ, cơ quan Văn Hóa của tổ chức Liên Hiệp Quốc đã tiên đoán các phản ứng tự vệ của những khối di dân bị cưỡng bách đồng hóa và bị đối xử tàn nhẫn. Từ kinh nghiệm của các khối di dân đến nứơc Mỹ từ nhiều năm nay, người ta thấy rằng chủng tộc nào càng kiêu hùng thì phản ứng tự vệ càng mãnh liệt. Đối với khối người tỵ nạn VN ồ ạt tới Mỹ nắm 1975, phản ứng tự vệ dĩ nhiên còn mãnh liệt hơn nữa vì khối người ấy không phải là di dân.
Là quốc gia do những di dân lập thành, chính quyền Mỹ có thói quen như nhìn mọi khối ngừơi từ các xứ khác tới Mỹ đều là di dân hết. Do đó, khi khối người tỵ nạn VN tới Mỹ năm 1975, chính quyền cũng như báo chí Mỹ không đánh giá cao khối người ấy. Cũng không thể trách chính quyền và báo chí xứ này là đã có sự khinh miệt mọi lớp người mới tới vì chính quyền và báo chí ấy đã quen thấy những khối di dân cúi mặt chối bỏ tất cả để đổi lấy cái gọi là “cơ hội” lập cuộc sống mới tại xứ này.
Từ cái nhìn miệt thì và đầy tự tôn ấy, họ cho rằng người tỵ nạn VN cũng sẽ cúi mặt, an phận làm thứ công dân hạn chót của xứ này. Có những giới chức và những tờ báo Mỹ còn dám nói hẳn ra rằng, khối người Việt lưu vong tại Mỹ chỉ gồm những người làm công cho Mỹ hoặc “me Mỹ” nên sẽ chẳng có chút ý chí nào để mà tranh đấu cho quê hương và đồng bào của họ tại VN nữa.
Về chính trị, lời tiên đoán ấy rất sai lầm. Sau mười hai năm lưu vong, giờ này, ngọn lửa chống cộng tiếp tục cháy trong lòng đa số người tỵ nạn VN. Mặc dầu đã có những tổ chức chính trị của người VN phạm nhiều lỗi lầm tai hại, và phạm cả tội lừa bịp nữa, nhưng vẫn còn những tổ chức chính trị chân chính âm thầm hoạt động để đóng góp vào nỗ lực giải phóng nước Việt Nam khỏi ách cộng sản.
Về văn hóa, sự sai lầm ấy còn sai lầm hơn nữa. Cuộc tự vệ văn hóa của người tỵ nạn VN diễn ra rất sớm, và diễn ra trên nhiều mặt trận. Khuôn khổ của cuốn sách này không đủ chỗ để khai triển toàn thể các mặt trận, nên tác giả sẽ chỉ viết về mặt trận ngôn ngữ và mặt trận tình thương, - vấn đề tôn giáo được lồng trong mặt trận tình thương.
Mặt trận ngôn ngữ
Ngay khi ra khỏi các trại tạm trú, khối người tỵ nạn VN đã nghĩ tới việc xuất bản báo Việt ngữ. Chỉ riêng về khía cạnh này thì người Việt lưu vong đã có lý do để hãnh diện với thế giới bên ngoài rồi. Ở đâu có vài chục gia đình người tỵ nạn VN trở lên là ở đó, có một hình thức bản tin hoặc tờ báo nhỏ bằng tiếng Việt, dẫu rằng hình thức rất thô sơ. Đó là bước sơ khởi của cuộc chiến cho “ngôn ngữ viết” của người Việt. Cuộc chiến này càng ngày càng tăng cường độ.
Cuộc chiến đấu cho “ngôn ngữ nói” cũng dữ dội không kém. Người tỵ nạn VN đã lặng lẽ trả lời những kế hoạch cưỡng bách phân tán, cưỡng bách đồng hóa độc ác của chính quyền bản xứ bằng cụôc di cư lần thứ hai. Chưa đầy một năm sau khi ra khỏi trại, đã có hàng ngàn người tỵ nạn VN từ bỏ phía đông nước Mỹ để tìm về các tiểu bang miền trung và miền tây nước Mỹ vì ở đó có đông đồng bào của họ. Có những người tỵ nạn VN dứt khoát bỏ việc làm lương bổng rất cao ở miền đông để tìm về miền tây, mặc dầu ở miền tây, họ phải tranh đấu chật vật hơn nhiều để có việc làm. Họ đã nhìn thấy sự phồn thịnh và dư thừa của xứ này, nhưng tất cả những sự phồn thịnh ấy không thể thay thế được tình thương của người Việt, và lại càng không thay thế được ngôn ngữ Việt. Những kẻ sinh ra và lớn lên trong một nền văn minh vật chất không có khả năng hiểu nổi quan niệm sống cao quý này của người Việt Nam.
Lẫy lừng nhất là cuộc chiến cho “ngôn ngữ viết” của người Việt. Mười hai năm sau khi đợt đầu tiên của người tỵ nạn VN đặt chân lên đất Mỹ, người Việt có thể ngạo nghễ cho thế giới biết rằng chưa có một khối chủng tộc lưu vong nào trên thế giới xuất bản và phát hành nhiều sách báo như khối người tỵ nạn VN. Trong khoảng thời gian sáu, bảy năm trở lại đây, nhà in và nhà xuất bản của người Việt mọc ra rất nhiều, và làm bẽ bàng một số người từng có lời tiên đoán bi thàm về tương lai tiếng Việt tại xứ người.
Tại những vùng đông đảo người Việt, các trung tâm thương mại và dịch vụ xuất hiện với những bảng hiệu bằng Việt ngữ. Sự hiện diện của Việt ngữ dưới hình thức này đập vào mắt mọi người một cách không thể chối cãi.
Về một phương diện khác, cần ghi nhận một thắng lợi hiển nhiên của tiếng Việt tại xứ người về mặt hành chánh và luật pháp. Tại California, người Việt có thể thi bằng lái xe bằng tiếng Việt. Các tòa án phải tuyển thông dịch viên người Việt, cảnh sát tuyển nhân viên cảnh sát gốc Việt, các trường tiểu học và trung học tuyển trợ giáo người Việt, v.v... Tại Úc Châu, viện đại học Footscray đã mở lớp chứng chỉ cử nhân văn chương Việt Nam... Là một quốc gia rất mã thượng và nhân đạo, chính phủ Pháp sẵn sàng yểm trợ tối đa cho các học sinh VN nào chọn môn tiếng Việt...
Ở một lãnh vực khác, có nhiều người Việt, đa số thuộc thành phần trẻ, sốt sắng và tận tụy tự nguyện giảng dậy tiếng Việt cho trẻ em Việt trong vùng. Tuy các lớp tiếng Việt này chưa thống nhất với nhau về phương pháp dậy và về các học liệu, nhưng sau mười một năm lưu vong, số trung tâm dậy tiếng Việt cho trẻ em Việt đã tăng nhiều. Trong khi đó nhiều tổ chức văn hóa của người Việt hải ngoại bền bỉ và tha thiết kêu gọi mọi người giữ gốc trong cuộc sống tại xứ người, và hăng hái cổ võ cho việc gìn giữ tiếng Mẹ.
Đó là chưa kể đến chương trình truyền thanh và truyền hình bằng tiếng Việt, sự phổ biến hàng ngàn cuốn băng cassette nhạc Việt. Rồi lại phải tôn vinh vô số tư nhân người Việt âm thầm dùng tiền riêng của mình để in sách, báo, in thơ Việt ngữ, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
Trong cuộc chiến thiêng liêng này, nổi bật nhất là trận chiến cho ngôn ngữ Việt của đồng bào Công giáo vùng San Jose. Truyền thống bất khuất của dân tộc Việt đã được các đồng bào ấy biểu dương cho thế giới bên ngoài thấy khi họ khắc kỷ và kiên trì tranh đấu để có được một Giáo Xứ không vong bản của họ, và để có được những Thánh Lễ cử hành bằng tiếng Việt.
Cuộc tranh đấu chính đáng của đồng bào Công giáo San Jose làm cho chúng tôi nhớ lại lời nói của một vị nữ tu Việt, thuộc một Dòng Nữ Tu tại California cách đây mấy năm, nhân dịp được mời phát biểu trong buổi lễ khánh thành một Nghĩa Trang cho người Việt tại vùng Orange County. Trong buổi lễ ấy, quan khách đựơc mời phát biểu cảm tưởng, và hầu hết đều nhất trí nói về sự cần thiết phải giữ gìn nguồn gốc Việt, dầu trong bất cứ hòan cảnh trói buộc nào tại xứ người. Dì phước nói trên lên tiếng bằng một giọng nói tuy nhẹ nhàng nhưng nghe rất đanh thép và đầy sức thuyết phục khi kể rằng một số trẻ tỵ nạn Việt Nam đã bị một giáo phẩm cưỡng bách phải đọc kinh bằng tiếng Mỹ, không được đọc bằng tiếng Việt. Dì phước này đã cương quyết phản đối quyết định tàn ác đó, và nói: “Xin quý cha đừng làm khổ chúng nó nữa, gia đình chúng nó đã tan nát, đã mất mát quá nhiều rồi. Chỉ còn một chút tiếng mẹ đẻ để chúng nó giữ lấy đó thôi”. Khi nói tiếp về thủ đoạn “cưỡng bách đồng hóa”, dì phước nói trên đã mỉa mai nhận xét rằng: “...thằng Mỹ đen vẫn là thằng Mỹ đen, thằng Mỹ trắng vẫn là thằng Mỹ trắng!”
Lịch sử của Giáo Hội Công Giáo ghi nhận rằng đã có những kẻ dám nhân danh Công giáo phạm vào những sự độc ác văn hóa, đến nỗi làm tổn hại uy tín của Giáo Hội. Rõ rệt nhất và đáng kể nhất là vụ tàn sát đêm 23-8-1572 tại Pháp. Theo lệnh của vua Charles IX, và bị hoàng thái hậu Catherine de Medicis thúc đẩy, nhiều người Công giáo Pháp đã võ trang đầy mình đi lùng giết những người Pháp theo đạo Tin Lành. Trên 3.000 người Pháp Tin Lành bị giết trong đêm ấy. Họ chỉ có một cái tội là đọc kinh bằng tiếng Pháp thay vì đọc kinh bằng tiếng La tinh!
Vậy thì rõ rằng là sau mười hai năm lưu lạc tại xứ người, tiếng Việt vẫn hiên ngang ngự trị tại những nơi đông đảo người tỵ nạn VN. Phải nói rằng đó là chiến thắng oanh liệt nhất về mặt tinh thần của người tỵ nạn VN trên thế giới. Tiếng Việt không hề bị bức tử vì có những người Việt rải rác tại trên bốn chục quốc gia nhất định không để cho tiếng Việt chết. Những người Việt này đều rất tự trọng và đầy liêm sỉ của truyền thống Việt. Có hai thứ khí giới tinh thần sắc bén như vậy thì chắc chắn, họ sẽ không bao giờ để cho một hòan cảnh nào, một sức mạnh nào tiêu diệt được ngôn ngữ của họ. Một khi chúng ta có những người Việt cao quý này gìn giữ tiếng Mẹ thì không cần bận tâm đến lũ người Việt vong bản nữa. Kẻ vong bản không cần chờ đến khi lưu vong rồi mới mất gốc. Tâm hồn của chúng đã sa đọa từ trước năm 1975.
Tiếng Việt như mây khói, càng bị đè nén, càng tỏa rộng ra, càng bay bổng, bay cao. Với người tỵ nạn VN, tiếng Việt không phải là ngôn ngữ của một cộng đồng “thiểu số” như chính quyền bản xứ thường phát biểu một cách giản dị, hàm ý miệt thị. Ngôn ngữ ấy có một sức mạnh không thể bị coi thường. Nó tạm thời thay thế cho yếu tố quê hương vật chất của người Việt lưu vong. Nó là một trong những thành tố lớn của yếu tố quê hương tinh thần cho người Việt tại hải ngoại. Nó giúp duy trì tình thương giữa người Việt với nhau. Nó nhắc nhở người Việt mỗi khi người ngoại quốc xúc phạm đến hai chữ Việt Nam. Nó là danh dự của những người Việt còn biết hãnh diện vì được là người Việt. Chung cuộc, trong cuộc sống lưu vong, cuộc chiến cho ngôn ngữ Việt là cuộc chiến cho danh dự chung của người Việt.
Cuộc chiến này không chỉ mới bắt đầu từ khi có cuộc đổi đời năm 1975. Nó không phải là chặng đầu, và chưa phải là chặng chót của cuộc chiến cho ngôn ngữ Việt. Tổ tiên chúng ta đã anh dũng chiến đấu để giữ được tiếng Việt ròng rã trong một ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ. Tổ tiên ta cũng anh dũng đánh bại được mọi mưu toan đồng hóa bẩn thỉu của thực dân Pháp trong gần một trăm năm bị thực dân cai trị. Đồng bào Công giáo tại San Jose đang cùng với nhiều người Việt cao quý khác rải rác trên hành tinh này tiếp nối cuộc chiến cao cả đó.
Cuộc chiến cho ngôn ngữ Việt là cuộc chiến thần thánh để bảo vệ một ngôn ngữ bất diệt!
Mặt Trận Tình Thương
Lịch sử di dân của nứơc Mỹ ghi nhận hai gương mẫu để cho người tỵ nạn tìm chỗ đứng tại xứ này. Khuôn mẫu thứ nhất chủ trương rằng người tỵ nạn phải cúi mặt xuống van xin sự thông cảm của người bản xứ. Khuôn mẫu này đưa người tỵ nạn xuống thấp hơn loài gia súc.
Khuôn mẫu thứ hai đòi hỏi người tỵ nạn phải dùng sự ngay thẳng, sự làm việc cực nhọc, và nhất là sự thành công về mọi mặt để tìm chỗ đứng dưới ánh mặt trời. Khuôn mẫu này dễ gây sự ganh ghét, có khi gây hận thù nữa, nơi một số người bản xứ có đầu óc bần tiện và kỳ thị, nhưng chắc chắn là khuôn mẫu này làm cho người bản xứ phải kính nể.
Trong trường kỳ, khuôn mẫu thứ hai này tự nó cũng chưa đủ để mang lại an toàn chính trị và an toàn văn hóa cho người tỵ nạn. Để chống lại một cách hữu hiệu mọi hình thức kỳ thị kín đáo hoặc công khai, và nhất là để chống lại mọi hình thức cưỡng bách đồng hóa theo tinh thần thực dân man rợ, người tỵ nạn chỉ có một khí giới: đó là TÌNH THƯƠNG LẪN NHAU. Sự việc xảy ra tại nước Mỹ từ năm 1975 cho tới nay chứng minh cho tiền đề trên đây là đúng. Có hai trường hợp được ghi ở đây để chứng tỏ tác dụng và sức mạnh của khí giới TÌNH THƯƠNG.
Trường hợp 1: Vụ án NGUYỄN VĂN SÁU tại Texas
Khoảng giữa năm 1976, dư luận người Việt tại Mỹ xôn xao về tin anh em anh Nguyễn Văn Sáu, sống bằng nghề chài lưới tại thị trấn Seadrift, tiểu bang Texas, đã bắn chết một người Mỹ da trắng tại cùng địa phương và cũng sống bằng nghề chài lưới, tên là Joe Aplin.
Trong khi phần lớn báo chí và truyền hình Mỹ đua nhau loan tin và truyền đi những hình ảnh bất lợi cho sự an tòan đời sống người tỵ nạn VN thì có một số người Việt đang lãnh lương của chính quyền Mỹ đưa ra những lời kêu gọi vô cùng sợ sệt, làm như thề là lâu nay, khối người tỵ nạn chúng ta chỉ gồm toàn những kẻ sát nhân!
Đài truyền hình ABC của Mỹ phổ biến một cụôn phim khá dài, trong đó, khán giả Mỹ được thấy toàn thể gia đình của Aplin, với những thân hình to con, nét mặt đầy hận thù và kỳ thị, xúm nhau vào chửi rủa thậm tệ một cô gái Việt thân hình nhỏ bé, run rẩy và yếu đuối. Cô gái Việt này chỉ nói được một câu nghe thật não lòng: “Chúng tôi muốn làm vịêc để sinh sống, tại sao mấy người không để chúng tôi làm?”
Nhật báo Los Angeles Times đặng trong nhiều ngày liên tiếp tin tức về vụ Seadrift. Tuy tờ báo ấy cố làm ra vẻ vô tư, nhưng chỉ đăng những chi tiết nào có tác dụng hạ nhục người tỵ nạn VN. Số báo đề ngày 12-8-1979 đăng lời một người Mỹ da trắng ngụ tại Seadrift: “Chúng tôi biết những người Việt là ai rồi. Họ đã sống quen với chiến tranh hơn ba chục năm. Họ không sợ chết. Tôi tin rằng sinh ra họ đã có máu sát nhân rồi!”
Có thể sau đó, có ai nhắc nhở tờ báo kia rằng sự đăng một nhận xét như thế là một sự độc ác, cho nên hơn một tuần sau, tờ báo ấy mới chịu đăng một nhận xét tốt về anh Nguyễn Văn Sáu, người đã giết tên Joa Aplin vì tự vệ chính đáng: “Nguyễn Văn Sáu là người Công giáo, chưa hề gây rối từ khi tới Seadrift. Anh ta không la cà ở quán rượu, và chỉ thỉnh thoảng đi xem chiếu bóng.”
Chỉ có nhật báo của giới tài phiệt Mỹ, tờ Wall Street Journal là tường thuật vụ án mạng Seadrift một cách đúng đắn, và còn tỏ ra rất thông cảm với những thiệt thòi của ngư phủ tỵ nạn tại vùng ấy. Một chi tiết rất quan trọng được nhật báo ấy nêu lên ngay, trong khi cũng chi tiết ấy lại bị các tờ báo khác của người Mỹ lờ hẳn đi. Đó là căng thẳng giữa ngư phủ Vịệt và ngư phủ Mỹ đã xẩy ra từ trước đó hơn một năm rồi. Sự cố ý lờ cái chi tiết quan trọng ấy là một trong nhiều điều chứng tỏ tinh thần bất lương và bần tiện của phần lớn báo chí và truyền hình nước Mỹ, và sự cố ý đó rõ ràng nhằm tác dụng gây hận thù giữa quần chúng và người tỵ nạn VN.
Ngày 10 tháng 9 năm 1979, tờ Wall Street Journal ghi nhận xét của một số người Mỹ vùng Seadrift về những người Việt định cư tại đó. Những người được tờ báo phỏng vấn đã trả lời: “Họ (chỉ những người tỵ nạn VN) chấp nhận làm những việc mà người Mỹ không thèm làm. Trong khi các bà vợ Việt vui vẻ và cặm cụi gỡ cua thì những người chồng đi biển. Họ sống rất khắc khổ, vì họ có thể sống bằng những gì chúng ta liệng bỏ đi. Họ tiết kiệm nên để dành được mau, và sớm mua sắm được xuồng máy cùng với những đồ đi biển.”
Sau bản tin đứng đắn nói trên của tờ Wall Street Journal, người ta mới thấy tờ Los Angeles Times chịu đăng một số nhận xét thẳng thắn về người tỵ nạn VN tại tiểu bang Texas. Thí dụ như người Việt tại vùng bờ biển Texas đã làm đủ mọi nghề khác nhau để sinh sống một cách lương thiện. Đó cũng là trường hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Sáu. Tờ báo ấy nhìn nhận rằng gia đình họ Joe Aplin coi vùng biển Seadrift là “riêng của họ Aplin”! Joe (kẻ bị giết) đã lái xe cho chạy vòng vòng chung quanh hai anh em Sáu để khiêu khích và nhục mạ, rồi sau đó, hắn còn dùng dao đâm anh Sáu nhiều lần.
Chỉ riêng vài chi tiết trên đây đã đủ để cho người tỵ nạn vùng Texas tìm hiểu tại sao một người Công giáo ngoan đạo và hiền lành như anh Sáu lại đến nỗi phải giết người. Trong hòan cảnh ấy, nhất là sau khi chính báo chí Mỹ cũng phải nhìn nhận trường hợp tự vệ chính đáng của anh Sáu thì lẽ ra, anh Sáu đáng được đồng bào của anh, nhất là đáng được các đoàn thể tại Texas thăm hỏi anh, và an ủi anh trong những ngày anh chờ ra tòa. Tiếc rằng sau khi xẩy ra vụ án mạng đáng tiềc này thì khối người tỵ nạn VN đã bắt đầu tinh thần SỐNG CHẾT MẶC BAY, và tinh thần cúi mặt van xin sự thông cảm của dân bản xứ, nên không một ai, không một đòan thể nào nghĩ đến nhu cầu tình thương của anh em anh Sáu những ngày căng thẳng và chờ đợi trong lo âu đó. Nhưng còn nhục nhã hơn nữa cho danh dự người tỵ nạn VN là trong số đồng bào của anh Sáu tại Texas, có những kẻ dám đề nghị rằng các hội đoàn người Việt tại Texas hãy đến thăm và chia buồn với gia đình của Joe Aplin. Không thấy ai dám đề nghị đi thăm anh em anh Sáu trong nhà tù.
Sau vụ án mạng Seadrift, chúng tôi có may mắn được gặp một phụ nữ Việt giữ vai trò điều khiển một cơ quan thiện nguyện lớn tại Texas nhân dịp bà đến thân hữu của bà tại California. Trong cụôc trao đổi ý kiến bà ta đã đặt một câu hỏi đầy ý nghĩa: “Nếu người chết là một người tỵ nạn Việt thì báo chí Mỹ có làm ồn ào như vậy không?”
Anh em anh Sáu được mang xử ngày 2 tháng 11 năm 1979 tại một địa điểm cách xa Seadrift gần 100 dặm, làm như thế để tránh dư luận địa phương Seadrift lúc ấy đang bất lợi cho anh Sáu. Bồi thẩm đoàn gồm toàn ngừơi da trắng. Không ai tin là anh Sáu sẽ được sự khoan hồng nào trong vụ án mang đầy tính chất kỳ thị này.
Thật là tủi nhục cho tình người Việt khi chúng tôi phải nhắc lại là trong suốt thời gian từ ngày bị giam cho đến ngày được mang xét xử, anh Sáu không hề nhận được một sự giúp đỡ nào, dầu là tượng trưng, thí dụ một lời an ủi, một vài phút thăm viếng của đồng bào anh. Sự giúp đỡ lớn nhất và hữu hiệu nhất đến từ một luật sư Mỹ da trắng là ông Pat Maloney. Đa số luật sư Mỹ đều lưu manh, chỉ hăng hái nhận tiền của thân chủ, và sẵn sàng bán đứng thân chủ cho luật sư đối phương để lấy một số tiền lớn hơn. Còn có những luật sư Mỹ hăng hái đại diện cho những cá nhân hoặc quốc gia thù nghịch với nước Mỹ để nhận thù lao cao! Nhưng giới luật sư Mỹ thỉnh thoảng lại có người rất cao quý, tận tụy cho lý tưởng nhân bản và bác ái. Đó chính là trường hợp Pat Maloney. Ông Maloney tự nguyện biện hộ cho anh em anh Sáu không lấy thù lao.
Luật sư Maloney xây dựng bài cãi của ông trên hai điểm then chốt: bản chất du đãng của Joe Aplin, và sự tự vệ chính đáng của anh Sáu. Nhờ bài cãi này mà nhiều người Việt tại Texas mới được biết rằng nhiều ngày trước khi xẩy ra án mạng, tên Joe đã nhiều lần khiêu khích anh em anh Sáu, nhưng cả hai anh em đã biết tự kềm chế một cách rất đáng khen.
Anh Sáu chỉ cân nặng 115 pounds, chỉ cao 5 feet 5 inches, mà phải tự vệ chống trả tên Joe là người Mỹ to lớn, nặng 200 pounds, và cao lớn hơn 5 feet. Tên Joe cầm dao rượt chém và đâm anh Sáu nhiều lần, và ở lần chót, chính các nhân chứng người Mỹ da trắng vùng Seadrift phải khai trước tòa rằng họ trông thấy anh Sáu chỉa súng bắn tên Joe, nhưng là chỉ bắn sau khi anh bị hắn rượt đâm nhiều nhát dao. Luật sư Maloney gửi bồi thẩm đoán câu hỏi sinh tử: “Sáu có giết người vì tự vệ chính đáng không?” Bồi thẩm đoàn đã bắt buộc phải ra kết luận là “CÓ”.
Anh Nguyễn Văn Sáu được tha vì “đã giết người trong trường hợp tự vệ chính đáng”. Anh của anh Sáu là Nguyễn Văn Chính được tha vì “thiếu bằng chứng hiển nhiên”. Sau khi bản án thắng lợi này được tuyên cho anh em anh Sáu, luật sư Pat Maloney hoan hỉ nói với anh Sáu: “Thật tuyệt vời. Công lý đã được thể hiện tốt đẹp.”
Tuy công lý đã được thực hiện tuyệt vời như Maloney diễn tả, tuy anh em anh Sáu đã được trả tự do, nhưng cả anh em cùng với họ hàng và thân nhân đã phải hết sức gấp rút cuốn gói cao chạy xa bay khỏi vùng Seadrift để đến một nơi không ai biết, ngay sau bản án, để tránh những vụ trả thù ghê gớm chắc chắn sẽ đến với họ từ phía gia đình của tên Joe Aplin.
Đầu năm 1986, chúng tôi nhận được một lá thư của một độc giả Việt cư ngụ tại Texas, cho hay rằng ông ta được biết thực sự ra, đã có một linh mục Việt tìm cách đế thăm anh Sáu những ngày anh ta còn ở trong tù. Chúng tôi rất băn khoăn về sự thực hiện Bác Ái nửa vời của linh mục kia. Câu hỏi vẫn tiếp tục day dứt chúng tôi cho đến bây giờ là tại sao, đi thăm một người gặp hoạn nạn lại phải giữ bí mật tên tuổi của mình?
Người tỵ nạn VN tại Texas, và nói chung là người tỵ nạn Việt ở khắp thế giới không thèm đọc bài học Tình Thương giữa người với nhau trong vụ án Seadrift. Đời sống vật chất càng ổn định thì người Việt lưu vong càng có khuynh hướng coi thường tình thương của người Việt. Khối người ấy đã thực sự trở thành nô lệ cho chủ nghĩa cá nhân và vị kỷ của nền văn minh trả góp xứ người. Và chỉ khi nào chính thân nhân của họ là nạn nhân của nạn kỳ thị chủng tộc thì họ mới thấm thía để suy nghĩ về tình người Việt, và vì cái giá mà họ phải trả để đổi lấy cái gọi là “cơ hội” tại xứ này.
Năm 1985, lại một lần nữa, người Việt tại Texas nhận được một bài học mới về tình người Việt. Người ta biết rằng trước tòa án Mỹ, các bên tranh tụng thường xuất trình những lá thư ghi lời tuyên bố của nhân vật này, nhân vật kia để chứng minh rằng bị can hoặc nghi can là người có đạo đức, có uy tín, v.v... Những tài liệu có tính cách rõ ràng yểm trợ như thế đã tạo được ảnh hưởng rất đáng kể đối với quyết định của bồi thẩm đoàn, và chung cụôc, tạo luôn cả ảnh hưởng đến phán quyết của chánh án ngồi xử trong vụ liên hệ. Rõ rệt nhất ảnh hưởng của bên ngoài đối với phán quyết của tòa xử là vụ xử anh Dương Ngưỡng Huy, một người tỵ nạn VN mắc bệnh thần kinh.
Anh Dương Ngưỡng Huy mắc bệnh thần kinh từ hơn mười năm trước, và anh đã được gửi tới điều trị tại nhiều nhà thương thần kinh tại Mỹ. Trong những ngày bệnh hành, có lần, anh Huy đã giết một em bé Mỹ da trắng 9 tuổi lúc em bé này đang chờ xe buýt đến trường.
Phiên xử anh Huy ngày 24-9-1985 được nguyệt san Tự Do Dân Bản bộ mới, số 2, tháng 2-1986 xuất bản taị Texas tường thuật. Tại phiên xử này, một bồi thẩm đoàn mười người, gồm 5 người nam và 5 người nữ, tất cả đều là người Mỹ da trắng, đã thảo luận trong 4 giờ liền, và đi đến kết luận là anh Huy có tội.
Điều đáng buồn nhất cho an toàn pháp lý của người tỵ nạn tại xứ này là công tố viên đã hăng hái vồ lấy sự thờ ơ, thụ động, ích kỷ và hèn nhát của cộng động người Việt để làm luận cứ then chốt kết tội anh Huy! Trước tòa, biện lý sở tại nói với qua tòa rằng sự việc cộng đồng người Việt tại tiểu bang Texas không hề lên tiếng bênh vực anh Huy chút nào trong vụ án này “chứng tỏ rằng cộng đồng người Việt đã kết tội anh Huy.”
Người ta có thể hiểu rằng cái lập luận kỳ quái này của công tố viên đã có ảnh hưởng sâu rộng đến kết luận của bồi thẩm đoàn. Cái lập luận ấy và kết luận ấy dành cho vụ án xử anh Dương Ngưỡng Huy không phải là điều làm vẻ vang cho nước Mỹ và công lý kiểu Mỹ.
Gia đình anh Huy đã chống án lên tòa trên, và chúng tôi không có cách nào theo dõi xem tòa trên sẽ xử bản án kết tội anh Huy ở tòa dưới ra sao. Nhưng điều quan trọng ghi được sau bản án này là tình người Việt với nhau tại xứ người đã bị soi mòn rất nhiều, và khối người Việt lưu vong sẽ còn chịu nhiều tai họa nữa, chừng nào họ vẫn còn tin tưởng rằng họ có đời sống vật chất đầy đủ hằng ngày thì họ không cần đến tình thương của đồng bào họ nữa.
Trường hợp 2: Vụ án luật rừng Medical và tình người Việt lưu vong
Khi nhà cầm quyền tiểu bang California mở cuộc hành quân đại quy mô vào trung tuần tháng 2 năm 1984 để bắt một số y sĩ và dược sĩ tỵ nạn VN, có thể nói hầu hết người tỵ nạn VN tại Mỹ, - do bản chất trọng pháp, và cũng do ở sự tin tưởng rằng cường quốc Mỹ đã hành động thì lúc nào cũng hành động trong sự chính đại quang minh, - đều nghĩ rằng bằng chứng hiển nhiên về tội phạm của các nghi can đã chồng chất cao ngất tại văn phòng của công tố viện của tiểu bang, và rằng không một ai có cách nào giải cứu cho các nghi can được nữa.
Sự tin tưởng trong thế tuyệt vọng của một thứ chính nghĩa thua cuộc sẵn từ trước ấy (ngôn ngữ Mỹ gọi sự thua cuộc trước như thế là BORN LOSER) càng in sâu vào tâm trí người tỵ nạn VN khi họ nhìn thấy đạo quân ký giả và truyền hình Mỹ ngồi chờ sẵn từ nhiều giờ trước đó để chụp trọn vẹn hình ảnh còng tay các nghi can tỵ nạn Việt. Nhờ sự phổ biến bằng phương tiện truyền thông tối tân nhất thế giới cho nên chỉ vài chục phút sau, khắp nước Mỹ đã được xem hình ảnh ô nhục kia của khối người Việt lưu vong.
Đây là một cuộc hành quân theo đúng nghĩa quân sự của vấn đề, vì trong ngày N của cuộc hành quân (ngày 15-2-1984), có 15 sĩ quan cảnh sát sắc phục, chưa kể rất đông cảnh sát chìm và một số nhân viên yểm trợ thuộc các cơ quan khác của chính quyền Mỹ tham dự, tính trung bình, cứ một y sĩ bị tình nghi lại có trên mười sĩ quan cảnh sát bao vây chặt chẽ.
Vì nhà cầm quyền tiểu bang California gây cho người ngoài cuộc cái cảm tưởng ghê rợn là cuộc hành quân này vô cùng quan trọng cho nên những người giầu tưởng tượng hoặc yếu bóng vía dám nghĩ rằng vài chục viên ý sĩ tỵ nạn VN hẳn là đã âm mưu lật đổ chính quyền nứơc Mỹ, và rằng kho khí giới hạch tâm của nước Mỹ chắc đã bị đám y sĩ kia vô hiệu hóa, và rằng chắc hẳn nước Mỹ không hề có một y sĩ nào phạm tội gian lận bao giờ.
Trong khi chưa biết sự hí hửng mừng chiến thắng của những kẻ ra lệnh bố ráp sẽ kéo dài được bao lâu thì đã thấy những hậu quả sơ khởi của cuộc hành quân ấy hiện ra rất sớm. Từ một vài nơi trong tiểu bang California, đã có lác đác một số vụ khiêu khích, chửi xéo hoặc chửi thẳng của một số dân bản xứ để làm nhục người tỵ nạn VN. Ít ra cũng có hai bác sĩ Mỹ thuộc thành phần lương thiện bày tỏ sự bất mãn về cái cung cách đã được dùng để bắt bớ vài chục y sĩ người Việt. Nhật báo San Jose Mercury News đã đăng lời của BS Lionel Nelson, phó chủ tịch Hội Y Tế Santa Clara theo đó, ông ta “ghét cái trò hằn học đầy thiên kiến nhằm vào một nhóm thiểu số”, - và lời của bác sĩ Philip Benaron, giám đốc Trung Tâm Y Tế Santa Clara: “Tôi rất ghét cái trò vơ đũa cả nắm.” (Mercury News 16-2-84)
Tình thương lẫn nhau của người Việt lưu vong đã được thử thách rất gay go trong vụ bắt bớ ồn ào này. Nhật báo Register, tờ báo có số phát hành lớn nhất vùng Orange County, là vùng có đông người tỵ nạn VN nhất nước Mỹ, và cũng là vùng có số y sĩ và dược sĩ bị lùng bắt đông nhất, đã chơi trò tiểu nhân và giả nhân giả nghĩa rất vụng về. Trong những ngày đầu của vụ bố ráp, tờ báo ấy chạy tít lớn trang nhất những hình ảnh và tin tức rất ô nhục cho người tỵ nạn VN. Những tin tức rõ rệt đã chế thêm dầu vào lửa, làm cho dân bản xứ thêm thù ghét người tỵ nạn VN trong vùng. Sau đó tờ báo này lại làm ra vẻ nhân đức bằng cách phỏng vấn một y sĩ Việt chuyên về khoa phân tâm. Với sự vội vàng và với tinh thần của một kẻ chỉ biết lo cho riêng mình, ông y sĩ này đã mau mắn trả lời cuộc phỏng vấn của tờ báo kia rằng ông ta cảm thấy “nhục nhã sau vụ bắt bớ này”, rằng “sau vụ ấy thì người ta cho rằng những người trí thức VN chẳng tốt đẹp gì hơn những người cầm quyền của chính quyền thối nát ở Nam VN ngày trước”. Ông y sĩ này còn khuyên đồng bào của ông ‘can đảm cộng tác với người bản xứ để chặn các sự phạm pháp ấy”. Phản ứng của ông y sĩ phân tâm này chắc chắn đã làm cho nhà cầm quyền bản xứ hài lòng, lời cung khai nhục nhã ấy cho thấy ông y sĩ này tin tưởng rằng công lý của cường quốc Mỹ là thứ công lý có giá trị tuyệt đối, và rằng các nghi can đã hoàn toàn có tội, dầu rằng họ chưa được mang ra xét xử. Biết rằng số người lưu vong chỉ còn một thứ khí giới tinh thần là tình thương lẫn nhau, nên những kẻ chủ xướng vụ bố ráp y sĩ tỵ nạn VN đã mưu tìm tác dụng khủng bố để diệt nốt thứ khí giới tối hậu đó của người Việt. Tác dụng ấy nhằm làm cho tập thể tỵ nạn Việt tại California cúi mặt xuống, rồi vì quá nhục nhã, quá sợ sệt nên sẽ không dám than thở khiếu nại gì nữa. Dầu cho sau này có khám phá được những sự “bất thường” trong thủ tục và cung cách bắt bớ thì cũng đã muộn rối!
Nhà cầm quyền bản xứ tiểu bang đã đạt được tác dụng ấy. Vì quá sợ hãi, lại cộng thêm tính ích kỷ vừa được nuôi dưỡng, vừa được tăng cường sau gần mười năm học hỏi được ở nền văn minh trả góp xứ người nên khối người Việt tỵ nạn đã hằn học trút hết sự tức giận và lo âu cũng như sự khiếp nhược lên đầu các nghi can.
Nước Mỹ vẫn tự hào là quốc gia dẫn đầu thế giới về sự cung cấp an toàn pháp lý cho các nghi can, với nguyên tắc Habeas Corpus thâu nhận được từ hệ thống luật pháp Anh quốc. Các nghi can đều được suy đoán là vô tội cho tới khi quyền công tố trưng được bằng chứng ngược lại. Nhưng nhìn vào cung cách bắt bớ trong vụ Medical 1984, ít có người tỵ nạn Việt còn muốn tin rằng họ sẽ tiếp tục được hưởng sự an toàn pháp lý cũng như sự an toàn chính trị tại nước Mỹ nữa.
Chỉ vài ngay sau vụ bố ráp là những hậu quả chụp lên đầu đám dân tỵ nạn Việt. Vốn đã chẳng được coi trọng từ khi lưu vong, nay họ càng bị khinh miệt, bị chụp mũ, bị lên án, bị thiệt tại sở làm, trong việc kinh doanh, tóm lại, bị thiệt hại ghê gớm trong mọi lãnh vực của đời sống hằng ngày. Chỉ trong giấy lát, nhân dân Mỹ đã mau lẹ và dễ dàng quên các thành tích siêu việt của người tỵ nạn Việt từ năm 1975 ở các địa hạt giáo dục, kinh tế, hội nhập văn hóa,v.v...
Tác dụng khủng bố trong vụ bố ráp Medical 1984 đã làm tê liệt ý chí của người tỵ nạn VN, và đau lòng hơn nữa, tác dụng ấy đã đưa sự khiếp nhược của người tỵ nạn VN đi xa hơn nữa đến độ phạm vào các tội ác văn hóa hèn hạ chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc VN: truyền thống bao dung và nhân ái không còn nữa, thay vào đó, người ta chỉ còn nghĩ đến chủ nghía ich kỷ và hưởng thụ, và rất hẳn nhiên quên hẳn những nhục nhã và thiệt thòi ghê gớm của các nghi can. Những đau đớn và thiệt thòi của thân nhân các nghi can dĩ nhiên lại còn bị khối người tỵ nạn VN ngó lơ một cách tàn nhẫn hơn nữa. Người ta đã cố tình muốn quên rằng các nghi can vẫn chỉ là con người, và quan trọng hơn nữa, các nghi can vẫn còn là những người Việt.
Tác dụng khủng bố trong sự bố ráp Medical 1984 không phải chỉ có làm tê liệt ý chí của người tỵ nạn Việt nói chung. Nó còn làm cho con người trong mỗi người tỵ nạn Việt Nam xuống thấp, thấp nhất, kể từ khi họ được chào đời là người Việt. Đáng buồn hơn nữa là sự hèn nhát và sợ sệt ấy lan ra đến cả giới trẻ, đến cả thành phần mà người ta tưởng phải giữ được trọn vẹn sự hiên ngang của giòng giống Việt.
Cơ hội đáng buồn để kiểm chứng nhận xét trên đây đã đến, khi chúng tôi được hân hạnh thuyết trình về đề tài “Giữ gìn truyền thống Việt Nam” tại một khóa tu nghiệp cho các trưởng cao cấp của Hội Hướng Đạo Việt Nam tại Hải ngoại do Hội Đồng Trung Ương của Hội này tổ chức tại Orange County ba tháng sau khi xảy ra vụ bố ráp Medical 1984. Chúng tôi còn nhớ rõ khuôn mặt một số Trưởng trẻ ngồi ở cánh trái của địa điểm thuyết trình. Họ nghe bài thuyết trình của chúng tôi với vẻ sợ sệt, lo âu và kinh hoàng rõ rệt. Đến phần góp ý kiến, một trong các Trưởng trẻ ấy lên tiếng yêu cầu mọi người đừng có “Fight Back” người Mỹ trong vụ Medical, hàm ý mọi người Việt trong chúng ta trên đất Mỹ đều có tội cả!
Vị Trưởng trẻ này phát biểu trong tinh thần cúi mặt như thế, và lại phát biểu bằng tiếng Anh nên chúng tôi tò mò tìm hiểu lai lịch của anh ta. Được biết nhóm của anh ta thuộc về một đơn vị Hướng Đạo Mỹ, hòan toàn tự đặt dưới sự chỉ huy của Hướng Đạo Mỹ. Chúng tôi đau đớn khi nhớ lại rằng trong phong trào Hướng Đạo VN, các Trưởng luôn luôn có bổn phận thiêng liêng dìu dắt các em Hướng Đạo Sinh trung thành với Tổ Quốc. Nay thì các Trưởng trẻ này đang dìu dắt các em bé Việt tỵ nạn trung thành với Mẫu Quốc Mỹ. Chúng tôi chưa có thời giờ hỏi thêm xem tên đơn vị Hướng Đạo do quý vị Trưởng trẻ ấy lãnh đạo là gì, nhưng nếu có dịp gặp lại, chúng tôi sẽ kính cẩn đề nghị tặng cho đơn vị ấy cái tên là đơn vị Hướng Đạo Lê Chiêu Thống để phù hợp với tinh thần khuyển mã với Mẫu Quốc mà các Trưởng ấy đang thi đua hăng say truyền bá trong giới trẻ tỵ nạn VN.
Những người cầm quyền hữu trách tiểu bang California không thể trốn được trách nhiệm nặng nề của mình vì đã thực hiện cuộc bố ráp nặng tính chất trình diễn, cũng như nặng tác dụng khủng bố trong vụ Medical 1984 đến nỗi gây đau đớn, tủi nhục oan uổng cũng như thiệt thòi rất sâu nặng cho đa số người Việt lương thiện và vô tội đang sống nhờ tại nước Mỹ. Họ đã CHỈ HUY tất cả họ phải TIÊN LIỆU. Khi ra lệnh bố ráp vài chục y sĩ Việt bị tình nghi phạm pháp, họ có giây phút nào nghĩ rằng cái lối làm vịêc nặng phần trình diễn ấy sẽ vô cùng tai hại cho những người Việt vô tội không? Nếu vì kém suy xét, kém hiểu biết mà hành động như thế thì rất tội nghiệp cho đại cường quốc Mỹ có những công bộc kém thông minh như vậy. Nếu vì độc ác mà hành động như thế, nghĩa là coi thường đời sống tinh thần của những người Việt vô tội thì lại còn đáng lên án hơn nữa, vì sự độc ác ấy làm cho các khẩu hiệu quảng đại và bác ái ghi trên tượng Nữ Thần Tự Do ngoài khơi hải càng New York trở thành lố bịch.
Ít lâu trước khi xảy ra vụ bố ráp ô nhục này, cảnh sát viên Sperl tại Nam California đã mau lẹ nổ súng bắn chết một em bé Mỹ da đen mới lên năm tuổi, vì em nhỏ này cầm một khẩu súng lục giả chĩa vào Sperl. Một bồi thẩm đoàn đã nhất trí biểu quyết cho anh ta “vô tội” trong vụ bắn chết em bé đó. Thế mà về sau, Sperl lại vô đơn đòi bồi thường 25 triệu mỹ kim để đền bù “những sự thiệt hại về tinh thần do sự căng thẳng mà anh ta phải chịu” sau vụ giết người ấy.
Những đau đớn và thiệt hại tinh thần của Sperl làm sao có được chút chính nghĩa nào, và tầm vóc của sự đòi bồi thường ấy làm sao sánh được với những thiệt thòi không đo lường được mà hàng trăm ngàn người tỵ nạn Việt phải chịu một cách hết sức phi lý. Đó là chưa kể rằng nhửng thiệt thòi ấy sẽ không ghê gớm đến mức ấy, nếu giới hữu trách Mỹ và báo chí Mỹ không phóng đại, vơ đũa cả nắm để chế thêm dầu vào lửa!
Cảnh sát viên Sperl vì quá sợ chết nên giết người vội vàng mà còn được miễn tố, rồi lại còn đòi bồi thường 25 triệu mỹ kim “thiệt hại tinh thần”. hàng trăm ngàn người tỵ nạn VN vô tội bỗng nhiên trở thành nạn nhân của vụ án luật rừng “Cháy Thành Vạ Lây” thì sẽ kiện tại tòa nào để đòi bồi thường, và luật pháp trần tục của hành tinh này có đủ sáng suốt không, để tìm được khoản bồi thường xứng đáng với nỗi thống khổ vô biên của hàng trăm ngàn người Việt ấy? Ngôn ngữ Mỹ thường hay nại từ ngữ HUMAN DECENCY (cách đối xử hợp với nhân tính) để đòi người ta phải cư xử nhân đạo tối thiểu. Trong vụ bố ráp Medical 1984, giới hữu trách điều khiển đã trắng trợn thay thế từ ngữ ấy bằng từ ngữ HUMAN TYRANNY (sự tàn bạo của con người).
Một trong các nét đặc biệt của xã hội Mỹ là dành cho mọi nhóm, mọi phe cơ hội để lên tiếng bênh vực hoặc tranh đấu cho quyền lợi riêng của mỗi phe nhóm. Trong xã hội ấy, kẻ nào nhóm nào im lặng là bị coi như đã rất hài lòng về số phận của mình, và vì hài lòng như thế nên sẽ không có ai tự động tranh đấu cho quyền lợi của kẻ ấy nữa.
Điều này đã được nghiệm rất đúng với trường hợp khối người Việt lưu vong trong vụ bố ráp Medical 1984. Có một điều khác biệt rất lớn giữa trường hợp và các trường hợp thiệt hại cho quyền lợi của các cộng đồng thiểu số khác tại Mỹ. Sự khác biệt ấy là trong vụ bố ráp y sĩ tỵ nạn VN, nhà cầm quyền bản xứ địa phương ngay từ đầu đã tìm cách chặn mọi cơ hội lên tiếng của những người Việt khác bằng tác dụng khủng bố. Thủ đoạn kém văn minh ấy lại còn được sự đồng lõa tích cực của ngành truyền thông Mỹ. Giả dụ rằng hàng ngũ người tỵ nạn VN còn có những người, những nhóm giữ được khi phách Việt để lên tiếng thì sẽ lên tiếng bằng cách nào? Báo chí và truyền hình Mỹ đã biến thánh công cụ truyền thông của nhà cầm quyền bản xứ địa phương thì làm sao tiếng nói của người tỵ nạn cất lên đựơc?
Trên thực tế, đã có một vài hình thức lên tiếng của người tỵ nạn Việt tại tiểu bang California. Tiếng nói được chờ đợi nhiều nhất là tiếng nói từ phía một tổ chức tạm thời của giới y sĩ Việt được coi là một thứ Hội Đồng Lãnh Đạo của y sĩ Việt tại California. Người đại diện cho tồ chức nghề nghiệp chỉ nói được có hai điều, và chỉ là hai điều chứa đầy tinh thần cúi mặt và khiếp nhược. Thứ nhất là dịch câu “Con sâu làm rầu nồi canh” sang Anh ngữ để phân trần với dân bản xứ, và thứ hai là lời tuyên bố rằng Y sĩ đoàn VN đã cảnh cáo từ nhiều tháng trước về “nguy cơ của sự gian lận Medical”. Cái tổ chức chuyên nghiệp này cũng đã lại võ đoán tin rằng những nghi can đều hòan toàn có tội, mặc dầu chưa có một ai được mang ra xét xử!
Tiếng nói thứ hai là tiếng nói của giới luật gia tỵ nạn VN. Được biết rằng giới này có hai tổ chức, mệnh danh là Hội Luật Gia VN, một tại phía Tây nước Mỹ, và một ở phía Đông nước Mỹ. Với sự lan truyền cực kỳ mau lẹ của kỷ nguyên truyền thông bằng vệ tinh và video, chắc chắn quý vị luật gia Việt này phải biết cuộc bố ráp y sị tỵ nạn VN. Đây là vấn đề thuần túy thuộc lãnh vực luật pháp nên theo sự thuận lý thông thường thì các vị ấy phải là những người đầu tiên lên tiếng. Người ta càng chờ đợi từ hai tổ chức luật gia ấy thì lại càng thất vọng, vì chỉ thấy có một sự im lặng rất nặng nề chẳng chút vẻ vang nào từ phía các luật gia ấy.
Chỉ có một luật gia lên tiếng để rửa mặt cho hàng trăm luật gia tỵ nạn VN. Đó là luật sư Nguyễn Đình Sơn, kể như một trong vài luật gia đâù tiên của người Việt mau lẹ nối tiếp nghề phụ tá công lý của ông ta khi tới đất Mỹ. Luật sư Sơn nói với một tờ báo Mỹ phỏng vấn ông ta rằng cái lối bắt bớ ồn ào như thế sẽ gây thiên kiến bất lợi cho người Việt tại Mỹ. Ông Sơn lên án cái trò “truy tố có chọn lựa” ấy.
Cái gọi là làng báo Việt ngữ tại phía Nam California cũng lên tiếng, hầu hết chỉ viết hùa theo tin tức và thông cáo của nhà cầm quyền và cảnh sát bản xứ đưa ra. Đáng chú ý nhất là có một số tờ báo đặng nhận xét rất hằn học với một số y sĩ nghi can. Một sự tìm hiểu sau đó cho thấy rằng cái lý do cao cả khiến cho các tờ báo ấy hằn học lên án các nghi can là kết quả của sự van xin quảng cáo nên các tờ báo kia mượn dịp bố ráp để trút hết sự thù hận vô cùng bần tiện lên đầu đám nghi can. Cái đám cầm bút nhỏ nhen ấy không có được sự thông minh tối thiểu để hiểu rằng người tỵ nạn VN càng gay gắt lên án đám nghi can thì chỉ làm cho tác dụng khủng bố của chính quyền bản xứ được biện minh, và được bào chữa nếu lỡ có ai nêu lên được những sự bất thường trong cung cách bố ráp đầy tính chất hát bội ấy.
Tiếng nói hằn học nhất đăng trên một vài tờ báo Việt ngữ tại Mỹ là tiếng nói của một “ông nhà báo kiêm trí thức do Mỹ đào tạo”. Ai đọc cũng phải ngạc nhiên vì lời lẽ cực kỳ thù hận của bài báo ấy nhằm vào các y sĩ nghi can. Thế rồi sự tìm hiểu lý do sâu xa đằng sau bài báo cay cú ấy cho thấy rằng ông nhà báo kiêm trí thức kia có một cô con gái đang học ngành thuốc. Trong sự lo xa của tinh thần vị kỷ tuyệt đối, cũng như trong tinh thần văn hóa Lê Chiêu Thống, ông ta sợ rồi đây, khi cô con gái tốt nghiệp thầy thuốc Mỹ đào tạo, có thể cô ta sẽ không có thân chủ!
Hai Tiếng Nói Can Đảm Trong Biển Người Khiếp Nhược
Mãi tới nửa tháng sau ngày bố ráp tập thể một số y sĩ tỵ nạn VN, nghĩa là sau khi tác dụng khủng bố tàn bạo của cuộc bố ráp, và sau khi lời loan tin đầy ác ý của nhật báo The Register (xuất bản ngay tại vùng Orange County) đã gây cho nhiều người tỵ nạn VN lương thiện vết thương tinh thần khó có hy vọng hàn gắn, thì người ta mới thấy nhật báo The Los Angelos Times dành cho bác sĩ Trần Ngọc Ninh, chủ tịch y sĩ đoàn VN tại Bắc Mỹ cơ hội lên tiếng. Với phong thái và khí phách của một người ý thức đầy đủ được sức mạnh và chính nghĩa của minh, ngày 29-2-1984, Bác sĩ Trần Ngọc Ninh nói thẳng với chính quyền và nhân dân Mỹ rằng cuộc bố ráp này mang tính chất kỳ thị. Ông ta đã đưa cho nhà báo Mỹ xem chín trang giấy kín đầy tên tuổi của hàng trăm bác sĩ Mỹ phạm tội gian lận Medical. Bác sĩ Ninh nghiêm khắc lên án lối bắt bớ “hàng loạt” y sĩ VN, trong khi theo thông lệ, mọi y sĩ phạm pháp đều chỉ nên được xét xử trên căn bản từng trường hợp cá nhân, rồi Bác sĩ Ninh nhắc nhở ngay cả giới tư pháp Mỹ rằng “công lý là sự không kỳ thị”. Điểm then chốt trong bài báo phỏng vấn BS Ninh là lập luận của bộ tư pháp tiểu bang California, theo đó thì sở dĩ có vụ lùng bắt đồng thời nhiều người tình nghi ở khắp tiểu bang là “để họ không có thời giờ tẩu tán bằng chứng phạm pháp, như sổ sách, giấy tờ ở phòng mạch”. Lập luận mơ hồ và xảo trá ấy đã bị BS Ninh bác bỏ ngay. Theo ông, chẳng có gì là khó khăn khi biết tìm biết ai là người đã dùng phiếu Medical. Dùng hình ảnh một người lái xe gây tai nạn rồi bỏ chạy, BS Ninh nói rằng không thể nào trốn tránh được luật pháp nếu đã gian lận phiếu Medical. Ông thấy rằng cái lối bắt bớ ồn ào ấy làm cho người Việt “căm hận”, vì rằng cung cách ấy chỉ nên dùng để bắt các thứ tội thường phạm như Mafia, ma túy, v.v... Ông Ninh nhắc nhở người Mỹ rằng “một thầy thuốc không phải là một tên đạo tặc!”
Những lời đanh thép của BS Trần Ngọc Ninh làm cho người ta nhớ lại những lời lên tiếng đầy sợ sệt của nhìều người Việt khác được chính quyền và báo chí Mỹ dụ dỗ phát biểu. Những người ấy càng phát biểu một cách sợ sệt, càng giúp chính quyền lấp liếm tính cách ác ý cũng như những khía cạnh bất thường của vụ bố ráp. Tệ hại hơn nữa là những lời phát biểu sợ sệt ấy càng giúp cho chính quyền bản xứ bám lấy để chối cái tội đã VÔ CỚ GÂY THIỆT HẠI CHO NHỮNG NGƯỜI VÔ TỘI.
Đáng buồn hơn nữa là những người khiếp nhược kia đã tưởng rằng khi họ hung hăng trút căm hờn lên đầu những người bị tình nghi thì họ sẽ được coi là “trong trắng hơn, đạo đức hơn”. Ảo tưởng ấy làm cho họ không nhìn thấy một thực tại rất tàn nhẫn, không gì có thể xóa được: trong cảnh sống nhờ xứ người, mỗi cá nhân của một cộng đồng thiểu số có tự do để không cho người khác chia sẻ hạnh phúc của mình, nhưng khi xảy ra chuyện ô nhục, dầu chỉ do một vài cá nhân lẻ tẻ của cộng đồng gây ra, thì cái khối đa số của người bản xứ lúc nào cũng chụp sự ô nhục ấy lên đầu toàn thể cộng đồng thiểu số liên hệ. Đó là cái giá phải trả khi phải từ bỏ quê hương tìm một đời sống khác ở xứ người. Và đó là một trong NHỮNG BẤT HẠNH CỦA TỰ DO mà nhà văn Nga lưu vong Vladimir Boukovsky chua chát nhận xét sau khi ông ta tìm được tự do tại Tây phương tháng 12 năm 1976.
Tiếng nói can đảm thứ hai là của nữ Bác sĩ Quỳnh Kiều. Ngày 9-5-1985, BS Quỳnh Kiều đọc một tuyên ngôn quan trọng trước một tổ chức của người Mỹ tên là Ủy Hội Phụ Trách Các Mối Liên Lạc Giữa Con Người Với Nhau của vùng Orange County, chủ điểm là nhắc nhở Ủy Hội về những sự bất thường và phi lý trong vụ bố ráp Medical tháng 2 năm 1984, đồng thời còn thông báo cho Ủy Hội biết nhiều điều đáng buồn khác nữa có thể làm tổn hại uy tín của nước Mỹ trước dư luận thế giới.
Nhờ tuyên ngôn này, người ta mới được biết rằng chỉ 13 ngày sau vụ bố ráp Medical ở tiểu bang California. Chương Trình Giúp Đỡ Trẻ Em, Phụ Nữ và Trẻ Sơ Sinh thường gọi tắt là WIC (Women, Infant, Children Program) công bố một danh sách gồm 53 y sĩ hành nghề tại hai vùng Los Angeles County và Orange County bị loại ra khỏi chương trình ấy. Các chức viên hữu trách của chương trình ấy nhận xét rằng trong danh sách này, “tất cả các bác sĩ, chỉ trừ có hai người, đều có tên là người Đông Dương”. Các y sĩ trong danh sách này không bị tố cáo là đã phạm tội, nhưng bị coi là đã nộp những tờ kết quả không đúng sự thật để các thân chủ của họ có thể được hưởng chương trình WIC.
Cũng vì bị kê tên vào danh sách ấy một cách hết sức phi lý, BS Quỳnh Kiều chính thức yêu cầu nhân vật lập pháp vùng bà cư ngụ lên tiếng can thiệp để phục hồi danh dự và uy tín cho các y sĩ nạn nhân. Kết quả là cơ quan liên hệ của tiểu bang California phải phục hồi cho BS Quỳnh Kiều quyền tham dự chương trình WIC. Sau đó, nhiều y sĩ Việt khác cũng được phục hồi quyền ấy. Giới hữu trách của tiểu bang chỉ đưa ra có một lời giải thích rất kém văn minh: “Đó là lỗi lầm của thư ký”. Dĩ nhiên là đã không có một lời xin lỗi tối thiểu nào gửi tới các nạn nhân. Ở một bản khác của bản tuyên ngôn, BS Quỳnh Kiều vạch rõ là tại California, cứ mỗi sáu tháng, chính quyền lại công bố một bản tin của cơ quan y tế ghi chừng 100 tên của các bác sĩ bị cấm không được tham gia chương trình Medical vì họ phạm tội gian lận, và trong danh sách của mỗi sáu tháng ấy, chỉ có vài người thuộc thành phần thiểu số. Thế mà cơ quan tư pháp tiểu bang lại cố ý chỉ lựa ra tên tuổi các bác sĩ người Việt, rồi lập ra những lực lượng đặc nhiệm có tên là Southeast Asian Prosecution, một danh xưng nghe sặc mùi những ngày ồn ào của bọn quá khích Ku Klux Klan. Người ta nhớ rằng ngay sau vụ bố ráp, bộ trưởng tư pháp tiểu bang California lên đài truyền hình ước lượng rằng số tiền gian lận trog các vụ Medical liên hệ tới các bác sĩ người Việt lên tới gần 30 triệu mỹ kim!
Ở đoạn chót của bản tuyên ngôn, BS Quỳnh Kiều nêu một dữ kiện đáng chú ý khác: hơn 90% các vụ gian lận về y tế đều có thủ phạm là các bác sĩ người da trắng. Biết rằng không dễ mà một người tỵ nạn Việt có thể lấy được bằng hành nghề y khoa tại Mỹ, thế mà có tới 10% số bác sĩ tỵ nạn VN bị cơ quan kiểm soát kế tóan tiểu bang hằn học làm khó dễ về sổ sách kế toán. Sự kỳ thị quá lộ liễu này có ở mọi cấp, từ quyền hành chính cho tới quyền tư pháp.
BS Kiều kết luận trong tuyên ngôn: “Người Nhật đã phải mất gần 40 năm mới làm cho người Mỹ nhìn nhận rằng sự tập trung giam giữ họ thời Thế Chiến II đã không có lý do biện minh được, còn các cựu quân nhân Mỹ chiến đấu tại VN chỉ mới được phục hồi danh dự trong tùân này. Đừng nên để cho người ta phải nói rằng người tỵ nạn sẽ còn phải chờ nhiều năm nữa mới vượt được hàng rào thành kiến.”
Khi nhìn lại bầu không khí khiếp nhược bao trùm khắp cộng đồng người tỵ nạn Việt tại California, nhìn lại sự khiếp nhược của đa số bác sĩ Việt mặc dầu đa số này không dính líu vào vụ bố ráp, người ta mới đánh giá được đúng mức thái độ can đảm và hiên ngang của bác sĩ Quỳnh Kiều. Bà đã coi thường mọi hậu quả để dấn thân và tích cực bảo vệ danh dự cho toàn thể người tỵ nạn Việt đang sống trên đất Mỹ. Vì đã có quá nhiều cơ hội để nhìn thấy rằng vô ơn là thói quen của quần chúng Việt, chúng tôi không tin rằng có nhiều người Việt biết ơn cử chỉ can đảm và cao quý của nữ bác sĩ Quỳnh Kiều trong vụ bố ráp luật rừng Medical năm 1984.
Người tỵ nạn VN không ngạc nhiên khi biết rằng cơ quan hữu trách tiểu bang không hề ngỏ lời xin lỗi các nạn nhân bị oan uổng hết sức trắng trợn trong chương trình WIC khi những người Việt ấy nhớ lại rằng đã có nhận xét sau đây về những kẻ đang nắm quyền hành: “Quyền hành làm cho người ta trở nên tham lam, độc ác và ngu xuẩn”. Nay, nhân vụ WIC liên hệ tới vụ bố ráp Medical năm 1984, ta có thể thêm một đoạn nữa vào nhận xét ấy để có nhận xét sau đây: “Quyền hành làm cho người ta trở nên tham lam, độc ác, ngu xuẩn và hèn nhát, đế nỗi không dám có được chút can đảm tối thiểu, dầu chỉ là để ngỏ lời xin lỗi những người đã bị chính mình gây ra những thiệt hại vật chất và tinh thần.”
Các bác sĩ tỵ nạn VN nạn nhân của vụ kỳ thị bỉ ổi này, cũng như khối người tỵ nạn VN, sẽ tìm được một chút an ủi, khi đọc lời tuyên bố của Thẩm Phán Tòa Thượng Phẩm Orange County là Ragnar Engebretsen về sự lương thiện của chính quyền bản xứ: “Đã lâu rồi, tôi không còn tin rằng chính phủ hành động trên căn bản hợp lý nữa”. Lời tuyên bố này được nhật báo The Register đăng tại số báo đề ngày 26- 3-1986, trang 8/1.
Những giới chức hữu trách của chính quyền bản xứ ra lệnh mở cuộc bố ráp các bác sĩ tỵ nạn VN năm 1984 chắc sẽ kém vui, kém hăng hái, khi đọc các thống kê về sự phạm tội của giới y sĩ da trắng. Riêng cho tiểu bang California, bản thống kê đã được duyệt lại và được cập nhật hóa vào cuối năm 1983 do bộ Y tế tại Sacramento phổ biến đã ghi đầy đủ danh tánh 100 y sĩ Mỹ da trắng bị treo bằng hành nghề vô hạn định về tội gian lận Medical, chưa kể nhiều bệnh viện hoặc nhóm bệnh viện cũng phạm tội gian lận như thề. Chỉ riêng phụ bản A của Bộ Tư Pháp tiểu bang California cho năm 1983 đã liệt kê tên của 16 bác sĩ Mỹ bị xác nhận có phạm tội gain lận về trợ cấp y tế và bị treo bằng.
Tờ báo chuyên nghiệp của y giới là American Medical News, đề ngày 10-2-1984, kê khai tên của 5 y sĩ Mỹ thuộc thành phố Harrisburg, tiểu bang Pennsylvania, đã thú nhận có phạm tội làm phiếu Medical giả để chia nhau lãnh số tiền 200.000 mỹ kim. Cũng tờ báo ấy, đề ngày 17-2-1984, cho hay là Bộ Y tế tiểu bang New York phổ biến trong bản tường trình hàng năm cho năm 1983 cho hay đã ghi được 819 vụ lỗi lầm, gian lận, phạm pháp của y sĩ Mỹ, và hoàn tất thủ tục điều tra của 1.171 vụ gian lận khác. Bản tường trình còn bày tỏ sự lo ngại rằng các sự phạm pháp của y giới Mỹ có chiều hướng một ngày một gia tăng!
Cứ theo lời tuyên bố của các giới chức điều khiển vụ bố ráp Medical 1984 thì họ theo dõi gian lận Medical trong khối người tỵ nạn VN từ trước đó một năm. Nhưng người ta biết rằng ngay từ năm 1981, Bộ Tư Pháp liên bang Mỹ đã cấp ngân khỏan 93.000 mỹ kim để tài trợ một chương trình nghiên cứu kéo dài hai năm tại Viện Đại Học University of California Irvine để nghiên cứu sự gian lận của y giới đối với việc lạm dụng phiếu Medical. Chương trình ày do hai giáo sư Mỹ phụ trách là Gilbert Geis và Henry Pontell. Cụôc nghiên cứu đã xong, và tài liệu chỉ còn chờ được công bố. Theo tài liệu ấy thì “sự gian lận về Medical phổ thông và lan rộng đến nỗi bất cứ nơi nào mà chính quyền chĩa mũi vào cũng đều tìm thấy được ngay những sự gian lận”.
Giáo sư Geis cho biết rằng ngành y khoa tại Mỹ không coi sự gian lận là một vấn đề nghiêm trọng. Họ che chở lẫn nhau. Một y sĩ thọ hình xong về tội gian lận, lại được chỉ định trở lại là thành phần trong Ban Quản Đốc một bệnh viện lớn. Sau hết, tài liệu ấy nói rõ rằng “Trò gian lận Medical chẳng phải là độc quyền, và chẳng phải chỉ giới hạn trong cộng động người tỵ nạn”.
Câu hỏi chua chát đặt ra ở đây là tại sao, nhật báo The Register ở Nam California chờ tới ngày 21-3-1984, nghĩa là hơn một tháng sau khi tờ báo ấy hằn học và hung hãn loan tin bố ráp rồi mới công bố kết quả cuộc nghiên cứu của viện đại học UCI? Phải chăng là để sự loan tin rõ rệt có ác ý đủ thời giờ gây tác hại mong muốn rồi mới làm một cử chỉ vớt vát chậm chạp? Có nên hiểu rằng tác phong bần tiện ấy là triết lý chức nghiệp của báo chí một cường quốc không?
Công Lý Mỹ: Huyền Thoại và Thực Tại
Rất ít người Việt tại Mỹ được biết các nghi can trong vụ bố ráp Medical được đối xử như thế nào trước khi họ được mang ra xét xử trước tòa có thẩm quyền. Người ta phải chờ một năm sau đó mới được biết một số chi tiết về cách đối xử trong vụ này và những chi tiết ấy không làm vẻ vang chút nào cho tiểu bang California là tiểu bang từng được tuần báo Pháp L’Express ca tụng là “tiểu bang luôn đi tiên phong cho nứơc Mỹ trong mọi lãnh vực”. Thí dụ các nghi can đã nhận được nhiều lời đe dọa để ép họ phải sớm nhận tội. Bây giờ, khi lý do sâu xa đưa tới vụ bố ráp ô nhục này đã được các luật sư bênh vực cho một số nghi can phơi ra ánh sáng thì những lời đe dọa kia mang một ý nghĩa khác. Vì mục đích và căn bản pháp lý của vụ bố ráp không vững cho nên những kẻ ra lệnh bố ráp đã muốn rằng phải có một số nghi can sớm nhận tội. Nếu có kẻ nhận tội sớm sủa thì tính cách chính đáng trong mục đích của vụ bố ráp được coi là không thể bị dư luận dị nghị nữa.
Ngày 3 tháng 5 năm 1985, nhật báo Press-Telegram của ngừơi Mỹ xuất bản tại thành phố Long Beach đăng một bài dài của ký giả Joe Segura viết về vụ án Medical tỵ nạn VN. Bài báo nêu nhiều nhận xét nẩy lửa của ba luật sư Mỹ da trắng đang bênh vực một số nghi can trong vụ bố ráp Medical năm 1984. Luật sư Robert L. Kennedy cho biết rằng sau khi các nghi can bị nhà cầm quyền bắt phải đưa mặt mũi ra cho đám chuyên viên truyền hình thâu hình rồi thì khi về đến trại giam, họ còn bị bọn cai tù ném cho họ lời đe dọa sau đây: “Ghe tàu đang chở để chở tụi bay hồi hương đó”.
Lời đe dọa ấy hiển nhiên có tác dụng tương đương với một sự tra tấn tinh thần, mà ngữ vựng pháp lý nước Mỹ gọi là Moral Torture, và hình thức tra tấn tinh thần như thế lại còn hiểm độc hơn sự tra tấn về thể xác, vì tra tấn tinh thần không để lại dấu vết gì trên thân thể của nạn nhân! Vậy thì chúng ta không còn ngạc nhiên nữa khi thấy có một số nghi can đã vội vàng nhắm mắt, cúi đầu nhận tội, và chịu lãnh hình phạt quá nặng, không tương xứng với tội phạm mà họ bị tình nghi. Bác sĩ Quỳnh Kiều dẫn chứng rằng có một nghi can đã nhận tội để được lãnh án một năm tù ở, năm năm treo bằng vì một tội trạng mà trị giá bằng tiền chưa tới 400 mỹ kim!
Ký giả Joe Segura trình bày ý kiến của ba luật sư Mỹ da trắng là luật sư Robert L. Kennedy, nữ luật sư Theo-Poloynis-Engen và luật sư Alan May. Người Việt Nam rất nên ghi nhớ tên của luật sư Alan May. Bây giờ, giới tư pháp Mỹ coi ông ta như luật sư đương nhiên thay mặt cho quyền lợi của người tỵ nạn VN trên đất Mỹ. Ông May trước đây đã phục vụ trong quân lực Mỹ và chiến đấu sát cánh với QLVNCH trong chiến tranh VN. Ông đã kết với một cô gái Việt Nam, và sau năm 1075, người vợ Việt của ông ta bị thất lạc. Ông May vẫn tiếp tục tìm kiếm dấu vết của người vợ, và cho tới nay, ông vẫn chưa kết hôn lần thứ hai với một phụ nữ nào khác. Luật sư May có hai điều mà mà nhiều luật sư khác không có. Thứ nhất, ông hiểu rõ phong tục và văn hóa VN. Từ chỗ hiểu rõ ấy, ông ta rất xót thương cho những thiệt thòi của người tỵ nạn VN trên đất Mỹ. Sự thông cảm này đã mang lại cho ông ta ngọn lửa hứng khởi để những bài cãi của ông ta bênh vực người tỵ nạn VN luôn luôn có một sức mạnh tỏa ra từ lòng nhân ái và ngay thẳng cao độ của ông ta. Thứ hai, luật sư May là một trong những người Mỹ sáng suốt để hiểu rằng không phảỉ cái gì của nước Mỹ cũng đều là hay, là nhất cả. Và ông ta rất can đảm, bình tĩnh phê bình những sự xấu xa tồi tệ của nước Mỹ.
Luật sư Kennedy cho biết rằng cuộc điều tra các y sĩ Việt tỵ nạn phản ảnh rất rõ rệt sự kỳ thị và thù nghịch về chủng tộc. Nhận xét này được nữ luật sư Theo-Poloynis-Engen xác nhận và sự xác nhận này rất có ý nghĩa, vì rằng trước đây, nữ luật sư ấy làm việc cho văn phòng Thứ Trưởng Tư Pháp tiểu bang California trong ban theo dõi sự gian lận về Medical.
Những lời xác nhận của nữ luật sư Engen cho thấy rằng các điều tra viên thuộc vùng Los Angeles đã điều tra năm chục vụ, trong số đó, chỉ có hai vụ nghi can không phải là người Đông Dương!
Khi được tờ Press-Telegram phỏng vấn qua điện thoại, nữ luật sư Engen khẳng định rằng cộng đồng tỵ nạn VN là con mồi “rất dễ bị ăn hiếp”. Rồi luật sư ấy cho biết thêm là khi còn làm việc cha ban điều tra về gian lận Medical bà ta đã nhận được “cả trăm đơn khiếu nại về gian lận. Thế mà các vụ gian lận ấy lại không bị truy tố. Không có ai ngó tới các vụ ấy”. Theo bà ta thì những vụ bị bỏ qua một bên như thế đều dính líu tới những số tiền gian lận rất lớn, hưng lại cũng dính líu tới những cơ sở rất lớn. Bà Engen nói: “Đó là vấn đề khiếp sợ. Họ không muốn đụng tới nhứng thứ dữ!”
Luật sư Alan May phát biểu rằng các y sĩ nghi can người Việt đã phải lãnh hình phạt nặng một cách quá đáng. Ông ta nói: “Trong số một vài người đã lãnh án, các y sĩ Việt đã lãnh nhiều năm tù hơn tổng số năm tù của tất cả các bác sĩ bị kết án gian lận Medical cho suốt năm 1984!”
Luật sư Kennedy đưa ra nhiều điều tiết lộ đáng buồn khác. Cứ theo tin tức của chính quyền tiểu bang thì các y sĩ tỵ nạn VN đã gian lận tới cả mấy chục triệu mỹ kim, nhưng luật sư Kennedy cho biết rằng tổng số tiền năm trong 42 vụ bắt giữ chỉ lên tới 528 mỹ kim! Tính chất kỳ thị trong vụ bố ráp này quá lộ liễu, vì một kế toán viên người Mỹ da trắng chịu trách nhiệm vế sổ sách và giấy tờ cho một bác sĩ Việt nghi can thì lại không hề hấn gì. Theo lẽ thì bà ta cũng phản bị truy tố trong vụ bố ráp này!
Yếu tố đáng kể nhất trong vụ án luật rừng Medical 1984 là căn bản pháp lý của vụ bố ráp. Các luật sư biện hộ trong vụ Medical này tố cáo rằng chỉ vì muốn giữ cho ngân khỏan của tiểu bang và của liên bang cấp cho một chương trình gọi là dự án Đông Nam Á khỏi bị cắt vì bất lực (hiểu là dự án không đạt được các mục tiêu đề ra trong dự án để được cấp ngân khoản) mà giới hữu trách liên hệ đã dùng cò mồi cài bẫy để bắt giữ một số y sĩ tỵ nạn VN, hầu chứng tỏ cơ quan ấy có làm việc, có “đắc lực”. Lời tố cáo này của các luật sư có` kèm theo những con số để dẫn chứng. Theo dữ kiện này thì tiểu bang đài thọ 25% và liên bang đài thọ 75% của ngân khỏan cấp cho Dự Án ấy (nguyên văn danh xưng của cơ quan bằng Anh ngữ là Southeast Asian Project, gọi tắt là SEAP). Cơ quan chỉ mới ra được 15 vụ gian lận Medical, không đủ chứng minh là dự án hữu hiệu nên giới hữu trách liên hệ tìm vật tế thần hầu xin thêm ngân khoản. Họ đã tìm đựơc khối tỵ nạn VN làm vật tế thần rất dễ dàng vì khối người này chưa biết cách tự vệ theo luật chơi của Mỹ!
Như vậy là căn bản pháp lý dùng để hình thành lý do bắt giữ các y sĩ và dược sĩ nghi can người Việt tỵ nạn đã bị luật sư Alan May đánh đổ dễ dàng: vì sợ bị cắt ngân khỏan nên cơ quan liên hệ của tiểu bang đã dàn cảnh, dùng cò mồi phục kích một số y sĩ và dược sĩ tỵ nạn VN, rồi hô hoán lên là họ gian lận Medical. Ngoại trừ trường hợp quyền tư pháp tiểu bang California chịu cúi mặt để cho thế giới bên ngoài kết án rằng công lý California là công lý luật rừng (ngôn ngữ báo chí và chính trị thế giới gọi thứ công lý ấy là Tóa Án Luật Rừng, hay là KANGAROO COURT) thì người ta không thấy căn bản nào vững để các tòa án Mỹ buộc tội các nghi can người Việt là gian lận Medical, trong khi họ chỉ phạm có một tội là tưởng rằng những tên cò mồi kia thực tình cần có một số y dược gửi về giúp thân nhân tại VN.
Cái chiến thuật dùng người lương thiện làm vật tế thần để xin tiếp tục ngân khỏan cho một vài dự án nào đó, một chương trình nào đó quả thật đã làm cho người tỵ nạn VN hết sức kinh ngạc. Người ta thường thấy trên các đài truyền hình Mỹ và trong nhiều phim của điện ảnh Mỹ câu chuyện sau đây: để chứng minh sự hữu hiệu của một cơ quan hoặc của một định chế nào đó, hầu có lý do để xin thêm ngân khỏan, những kẻ điều khiển cơ quan ấy đã không từ nan những thủ đoạn man rợ nhất. Thí dụ: nhà thương thần kinh ép các bệnh nhân phải uống thuốc, phải chịu chích thuốc để rồi không điên cũng thành điên thật. Có thế thì nhà thương mới có đủ số “thống kê” để còn xin ngân khỏan cho năm tới, và cứ như thế. Đó là lối sống Mỹ và tinh thần Mỹ... Không ngờ kỹ thuật man rợ ấy nay lại được chính nhà cầm quyền tiểu bang California áp dụng và áp dụng với một cộng đồng thiểu số tỵ nạn từ trước tới nay vẫn luôn ở sự công bằng và quảng đại của cường quốc Mỹ.
Một trong vài điều được nại ra đã làm cho nhà triệu phú xe hơi thể thao DeLorean đại thắng trong vụ án “cài bẫy” trong đó, chính quyền đã phục kích ông ta bằng cách dùng “cò mồi” để nhử ông ta và một vụ buôn chất ma túy, là tư cách của kẻ làm có mồi. Luật sư biện hộ cho DeLorean đã kịch liệt đả kích đạo đức của những kẻ làm có mồi hoặc làm điềm chỉ viên. Khi người ta đã dùng những kẻ vô đạo đức hoặc đã có tiền án để làm cò mồi thì căn bản pháp lý của sự cài bẩy đã bị triệt tiêu. Cũng nên nhắc lại là tại bất cứ chân trời nào, những ngừơi lương thiện và đạo đức sẽ không bao giờ chịu nhận làm vai trò cò mồi, dù cho số thù lao có thể rất hấp dẫn!
Vụ bố ráp Medocal 1984 xẩy ra tại xã hội Mỹ. Khi mở cuộc hành quân qui mô ấy, các giới hữu trách Mỹ đã đưa ra nhiều lời dậy bảo người tỵ nạn VN, hàm ý rằng xã hội Mỹ không có các tệ đoan, rằng vụ bố ráp các nghi can người Việt từ đây sẽ tránh cho xã hội Mỹ các thói hư, tật xấu, v.v...
Người viết sách này vẫn còn nhớ những lời dậy bảo cao cả ấy, và từ đó đến nay, luôn luôn tâm niệm sẽ tìm đế những người phát biểu những lời cao cả ấy để xin được hôn chân như một tín đồ ngoan đạo xin được hôn chân Chúa Kitô, nếu quả thật nước Mỹ vĩ đại này không hề có những tệ đoan thường tình của bất cứ một xã hội nào của loài người.
Tiếc rằng cơ hội để được xin hôn chân như thế không tới, mà lại nhận được lời lẽ xác nhận một điều đáng buồn, rất đáng buồn. Ba tuần sau khi xẩy ra vụ bố ráp Medical, tuần báo lớn của Mỹ là tờ US News & World Report đề ngày 5 tháng 3 năm 1984 đăng bài phỏng vấn một học giả khả kính người Mỹ da trắng là giáo sư Jerald Jellison về lối sống Mỹ bây giờ. Trong bài phỏng vấn ấy, ở ngay đoạn đầu, GS Jellison đã xác nhận: “Lừa bịp và gian lận hiện là nếp sống thông thường của xã hội Mỹ”. Rồi bài báo kêu gọi nhân dân Mỹ nên “trở lại nếp sống lương thiện”, sau khi nêu ra rất nhiều hình thức gian lận của dân Mỹ.
Sau khi dậy bảo người tỵ nạn VN về xã hội Mỹ, các giới chức Mỹ thường ngụ ý rằng nước Mỹ là một xã hội “thượng tôn pháp luật”. Quả thật là nước Mỹ có một hệ thống luật pháp vĩ đại nhất thế giới, và luật pháp được đẻ ra mỗi ngày, mỗi tuần cũng nhiều nhất thế giới. Có nhiều luật lệ như vậy thì lẽ ra, nước Mỹ không bao giờ có người phạm pháp. Sự thật diễn ra đáng buồn hơn nhiều. Bản Hiến Pháp Mỹ được viết ra từ cách đây 200 năm là bản văn luật cao nhất của nước Mỹ, và vừa được kỷ niệm 200 năm một cách rất ồn ào. Bản Hiến Pháp ấy cao cả đến mức nào? Có lẽ cao cả nhất là việc cấm không cho các nô lệ da đen được hưởng quyền đầu phiếu, và cao cả nhất là sự cổ võ các tiểu bang phía Nam nước Mỹ nên hăng hái mua bán nô lệ da đen vì đó là nguồn lợi tức chính yếu cho các tiểu bang ấy. Mãi tới 130 năm sau khi bản Hiến Pháp ấy ra đời, phụ nữ Mỹ mới được quyền bầu cử.
Một kết quả khác không làm cho nước Mỹ “thượng tôn luật pháp” hãnh diện chút nào. Đó là sự thiếu nhà tù để giam giữ các tội nhân. Chưa có quốc gia nào trong thế giới tự do có số tội nhân không ngớt gia tăng mỗi ngày như nước Mỹ. Vấn đề ưu tư lớn nhất hiện nay của các cấp hành chánh Mỹ là lo làm sao có đủ tiền để xây thêm nhà tù mới. Tại tiểu bang Texas, người ta bắt các tù nhân phải dậy thật sớm từ nửa đêm để lên xe đi từ trại giam tạm cấp thành phố đến trại giam chính thức cấp tiểu bang. Phải đi sớm như vậy mới hy vọng được nhà tù cấp tiểu bang thu nhận. Thành phố nào gửi tù đến trễ quá sẽ bị đuổi về!
Ngày 11 tháng 5 năm 1987, trùm cảnh sát Los Angeles là Daryl Gates đề nghị một công thức “xây nhà tù giá rẻ àm lại hữu hiệu”. Ông ta chủ trương xây hệ thống nhà tù y hệt các trại lính, chung quanh có hàng gài kẽm gai và có các bãi mìn. Nhiều luật gia Mỹ mau lẹ kịch liệt phản đối ý kiến ấy, họ nói rằng nhà tù kiểu ấy chỉ có trong Quần Đảo Ngục Tù Gulag của đế quốc Sô Viết mà thôi!
Trận Đại Thắng Của Nghi Can Nguyễn Đình Bảng
BS Nguyễn Đình Bảng là một trong những y sĩ Việt tỵ nạn bị chính quyền tiểu bang nhét vào danh sách những ngừơi bị coi là đã phạm tội gian lận Medical trong vụ bố ráp tháng 2 năm 1984. Thay vì cúi mặt an phận, hoặc chỉ biết khoanh tay ngồi chờ sự định đoạt công lý của Mỹ, và chịu mọi thiệt thòi như nhiều đồng nghiệp khác, BS Bảng cương quyết chiến đấu đến cùng, vì ông hiểu rất rõ rằng đây không phải là một cuộc chiến cho an toàn pháp lý và an toàn chính trị của cá nhân ông mà còn là cuộc chiến cho an toàn và cho danh dự của người Việt nữa. Khi tự kiểm điểm và thấy mình không vi phạm luật lệ nào của tiểu bang, BS Bảng không thấy có lý do để đầu hàng trong một vụ án kỳ thị rất tồi tệ của lịch sử tư pháp nước Mỹ.
Một việc tự võ trang tinh thần mình bằng sự xác tín kể trên, BS Bảng còn được sự giúp đỡ tận tình của luật sư Alan May, một luật gia lương thiện của nứơc Mỹ rất thông cảm với những đau thương và thiệt thòi chồng chất của người tỵ nạn VN. Phần lớn sự thông cảm ấy bắt nguồn từ sự việc là luật sư May đã từng cầm súng chiến đấu tại VN bên cạnh quân lực VNCH.
Nhưng BS Bảng đã thiếu mất một khí giới mà ông ta tha thiết muốn có: đó là sự ủng hộ, dầu chỉ là về mặt tinh thần của đồng bào ông với một vụ án mà ông biết chắc chắn là kết quả sẽ có ảnh hửơng rất sâu xa đến đời sống tinh thần của mọi người Việt trên đất Mỹ. Về sự thiếu vắng đáng buồn này, luật sư May nhận xét: “Mặc dầu trong vụ án này, đồng bào của ông ta đã quay lưng lại nhưng ông ta vẫn tiếp tục can đảm và bình tĩnh đối phó với những thử thách trước mặt.”
Một trong những điểm mà luật sư May dùng để tấn công cơ quan đã truy tố các nghi can trong vụ Medical 1984 là tư cách của những tên có mồi. Chỉ riêng phần ghi chép lại (transcript) cuộc chất vấn của luật sư May với tên co mồi trong vụ BS Bảng đã dầy tới 214 trang. Tên cò mồi này từ miền Bắc VN tới chứ không phải là người tỵ nạn VN đi thoát từ miền Nam VN nên hắn có lập trường chính trị rất khả nghi. Thế mà tòa đã cố ý chặn không cho luật sư May hỏi kỹ về lai lịch cũng như lập trường của tên cò mồi ấy.
Đọc hồ sơ Nguyễn Đình Bảng, và một số vụ khác tương tự trong vụ án luật rừng Medical 1984, ngừơi ta tìm được một chút an ủi là những người tỵ nạn VN lương thiện và tự trọng không có ai muốn làm cái việc “cò mồi” cho chính quyền Mỹ để cài bẫy các y sĩ và nha sĩ tỵ nạn VN. Nhưng bên chút an ủi ấy lại có ngay một tủi nhục mới và rất lớn: một nhân vật của chính quyền tiểu bang California đã xác nhận tại tòa là trong vụ này, có tới bốn bác sĩ và một dược sĩ tỵ nạn VN “cộng tác với chính quyền để bắt các đồng nghiệp của mình”.
Tên cò mồi người miền Bắc VN (và không phải là người tỵ nạn) khai trước tòa rằng hắn chưa hề gặp BS Bảng, hắn không bếit ông ta mặt mũi ra sao, cũng chưa hề đặt chân tới phòng mạch của ông ta, thế mà công tố viên lại có hồ sơ để ghép ông ta vào 13 tội trạng! Các nhân chứng khác cũng khai trước tòa rằng họ không có lý do nào để thù nghịch với ông Bảng và họ cũng chẳng có bằng chứng nào để chứng tỏ rằng ông ta đã phạm tội gian lận Medical.
Vụ nghi can Nguyễn Đình Bảng được mang ra xử tại tòa có thẩm quyền vùng Orange County ngày 11 tháng 2 năm 1986, với một bồi thẩm đoàn gồm 12 người TOÀN NGƯỜI MỸ DA TRẮNG. Nhưng cái bồi thẩm đoàn này đã cứu vãn được danh dự cho nền tư pháp Mỹ, vì họ vẫn còn giữ được sự lương thiện và lương tri để sáng suốt nhận định về vụ xử BS Bảng.
Sau khoảng một thời gian nghị luận không lâu, 12 người của bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu nhất trí bạch hóa trường hợp của BS Nguyễn Đình Bảng. Các bồi thẩm viên này đã bày tỏ sự tức giận của họ về vụ án này, vì họ nhận thấy ba điều quá rõ nơi chính quyền tiểu bang. Thứ nhất, là sự kỳ thị người thiểu số đã lộ liễu. Thư hai, chính quyền đã dùng thủ đoạn cài bẫy với các nạn nhân. Thứ ba, chính quyền đã hăng hái đưa ngừơi lương thiện vào ngồi tù để có thể xin thêm ngân khỏan cho một cơ quan nào đó.
Vì sự lương thiện của 12 bồi thẩm viên nói trên, phiên tòa ngày 11 tháng 2 năm 1986 đã đổi hẳn bản chất và mục đích. Nạn nhân Nguyễn Đình Bảng, ngoài sự được bạch hóa, được phục hồi danh dự, còn trở thành một nhân chứng lịch sử để đại diện cho nước VN xa xôi và nhỏ bé để chứng kiến một sự kiện hi hữu trong lịch sử tư pháp của đại cường quốc Mỹ. Trên thực tế phiên tòa này đã do các bồi thẩm viên ngồi để xử tội kỳ thị, tội thiếu lương thiện của chính quyền bản xứ tiểu bang cũng như tội thiếu sáng suốt và tội mù văn hóa của tên quan tòa đang thụ lý vụ Nguyễn Đình Bảng.
Sự can đảm và lòng cương quyết chiến đấu cho lẽ phải và công lý của BS Bảng không phải chỉ “rửa mặt” cho cộng đồng người tỵ nạn VN sống trên đất Mỹ mà còn là sự “rửa mặt” ngay cho dân tộc Mỹ nữa, để nói với thế giới bên ngoài rằng dân tộc Mỹ vẫn còn có những người tôn trọng tinh thần công bằng trong nền công lý dân chủ của nước Mỹ.
Trong buổi họp mặt tối ngày 1 tháng 3 năm 1986 để mừng chiến thắng của BS Nguyễn Đình Bảng, LS Alan May gửi tới cộng đồng người Việt trên đấy Mỹ thông điệp như sau: “Đừng tưởng rằng xứ này có dân chủ là đương nhiên có công bằng và công lý. Người tỵ nạn VN đã cúi mặt qúa nhiều sau khi họ tỵ nạn tại xứ này. Đừng cúi mặt nữa, hãy ngẩng đầu lên, và hãy dựa vào nhau để chiến đấu cho sự tồn tại và cho nhân quyền của quý vị. Đối với những kẻ đã ký trát giam các bác sĩ VN, người tỵ nạn VN hãy cho những kẻ ấy một sự trừng phạt: nhiều kẻ sắp tái ứng cử ghế thẩm phán. Bọn ấy rất cần phiếu. Trong các cuộc bầu cử, thường chỉ có 10% hoặc ít hơn nữa của tổng số phiếu là đủ định đoạt cuộc bầu cử. Người tỵ nạn VN hãy cho những kẻ ấy biết sức mạnh của người Việt tại đây.”
BS Nguyễn Đình Bảng đã làm cho hai tờ báo lớn của người Mỹ da trắng thất vọng sâu xa. Đó là tờ Los Angeles Times và tờ Register, cả hai đều rất hăng hái đăng tin tít lớn và hình ảnh về vụ bố ráp các y sĩ tỵ nạn VN năm 1984. Giống như loài kên kên có cái mũi rất thính để đánh hơi xác chết, bọn nhà báo đã đánh hơi thấy từ sớm rằng bộ tư pháp tiểu bang làm bậy, và càng đánh hơi mau hơn nữa rằng BS Bảng không còn là vật tế thần dễ dàng của chúng như trước đó hai năm nữa.
Sau khi BS Bảng chiến thắng một cách oanh liệt, hai tờ báo lớn ấy chỉ đăng tin có ba cột, và không đăng nơi trang nhất. Có người đã mỉa mai khen hai tờ báo ấy là “Dù sao, thì họ cũng đăng tin BS Bảng thắng. Nếu họ không đăng một chứ nào thì cũng không ai làm gì được họ!” Điều ấy có thể đúng, nhưng nếu không đăng tin chính quyền thua trong vụ mưu hại BS Bảng thì cuờng quốc Mỹ sẽ được hân hạnh xếp ngang hàng với xứ Uganda của Idi Amin ngày trước.
Có một điều gì thiếu vắng làm cho niềm vui chiến thắng của BS Bảng không được trọn vẹn: đó là sự vắng bóng đạo quân cảnh sát Mỹ da trắng, với mũ sắt, áo giáp, chó trận xe hộ tống võ trang đầy mình để lùng bắt những y sĩ người tỵ nạn Việt lúc ấy chỉ có một khí giới trên mình là cái ống nghe để khám bệnh, - vắng bóng đạo quân ký giả và chuyên viên truyền hình Mỹ đông đảo, với những cặp mắt cú vọ rình chờ chụp hình các nghi can tỵ nạn VN...
Nay thì đã rõ là chính quyền tiểu bang California phạm tội VÔ CỚ GÂY THIỆT HẠI CHO NHỮNG NGƯỜI VÔ TỘI. Có thể nào lấp liếm được tội ác hiển nhiên ấy không, khi đã bạch hóa trường hợp của BS Nguyễn Đình Bảng? Không ai có thể hiểu được và cảm thấy được tầm vóc những đau đớn của BS Bảng và của gia đình ông ta trong suốt hai năm căng thẳng, chờ đợi phiên xử bằng chính ông ta. Đó mới chỉ là những đau đớn và thiệt thòi của BS Bảng. Chưa nói tới những đau đớn và thiệt thòi của hàng trăm người tỵ nạn VN vô tội khác do hành động tàn ác và vô trách nhiệm của chính quyền bản xứ tiểu bang gây ra. Hãy chờ xem chính quyền tiểu bang ấy có hiểu nghĩa của từ ngữ HUMAN DECENCY không. Đó là từ ngữ mà nước Mỹ rất hay dùng trong ngôn ngữ chính trị và văn hóa hằng ngày để đòi hỏi một tác phong nhân bản. Nếu cái chính quyền ấy đã hiểu thì người ta nóng lòng chờ đợi ở chính quyền ấy một sự bồi thường thỏa đáng và mau lẹ và hữu hiệu là việc dùng hệ thống truyền hình khắp tiểu bang để mời một số đại diện cho khối người tỵ nạn VN tại tiểu bang tới trứơc ống kính, rồi bộ trưởng tư pháp tiểu bang đích thân ngỏ lời tạ lỗi với cộng đồng các nạn nhân ấy. Phương thức này chỉ đòi hỏi nơi giới hữu trách liên hệmột chút can đảm và một chút liêm sỉ, nhưng lhông biết hai thứ ấy có trở thành một xa xỉ phẩm của nền văn minh trả góp của xứ này hay không. Chúng tôi lại phải nhắc một nhận xét đã được ghi ở một đoạn trước của sách này là CHÍNH QUYỀN LÀM CHO NGƯỜI TA TRỞ NÊN ĐỘC ÁC, NGU XUẨN VÀ HÈN NHÁT.
Khi bố ráp một số y sĩ tỵ nạn VN đầu năm 1984, một cấp chỉ huy trong vụ bố ráp ấy đã nhờ báo chí và truyền hình Mỹ nhắn người tỵ nạn VN rằng xã hội Mỹ không có tệ đoan và rằng vụ bố ráp các nghi can ngừoi Việt sẽ tránh được cho xã hội Mỹ các tệ đoan. Chỉ hai tuần sau vụ bố ráp ấy, tuần báo Mỹ US News & World Report đề ngày 5 tháng 3 năm 1984 đăng bài khảo cứu sâu sắc của giáo sư Jerald Jellison trong đó, ông ta xác nhận rằng: “Lừa bịp và gian lận hiện là nếp sống thông thường của xã hội Mỹ.”
Bốn năm trước khi xảy ra vụ bố ráp Medical 1984, có tới 113 dân biểu và nghị sĩ Mỹ, tất cả đều thuộc đảng Dân Chủ là đảng đã thào ra những đạo luật khai tử Nam VN năm 1974-1975, bị xác nhận là có phạm tội hối lộ bằng tiền mặt của tên trung gian người Đại Hàn Tong Sun Park. Sau vụ Medical 1984, chúng ta được biết Thượng Viện Mỹ đã ngâm nhiều tháng không phê chuẩn việc Reagan bổ nhiệm một người thân tín là Edwin Meese vào chức vụ bộ trưởng tư pháp chỉ vì tên ấy đã phạm vào một số điều “bất thường” (ngôn ngữ trần tục hiểu là gian lận và lừa bịp). Mỉa mai nhất là một trong các vụ “bất thường” ấy chỉ trị giá có 15 mỹ kim!
Một tuần sau chiến thắng của BS Bảng, nhật báo Los Angeles Times đề ngày 19-2-1986 loan tin thẩm phán thứ tư trong số chín thẩm phán thuộc hệ thống tư pháp Chicago đã bị bồi thẩm đoàn xác nhận có phạm tội hối mại quyền thế, hối lộ và gian lận trong suốt mười năm, từ 1974 đến 1984! Chiến dịch điều tra qui mô có tên là Greylord phải kéo dài tới trên ba năm rưỡi mới truy tố được 52 người nằm trong hệ thống buôn bán công lý tại Chicago, 52 người này gồm đa số là thẩm phán và cảnh sát. Các thẩm phán kia cũng bị truy tố. Đây mới chỉ là điều tra hệ thống tư pháp của thành phố Chicago. Nếu muốn điều tra xem công lý của nước Mỹ tại 50 tiểu bang có trong sạch không thì người ta sẽ cần phải mất bao nhiêu thế kỷ?
Sáu tuần sau chiến thắng của BS Bảng, nhật báo Register đăng bài bình luận của John Dentinger nơi trang A-15, đề ngày 23-5-1986, trong đó, tác giả cho hay là hai sĩ quan phụ tá cảnh sát trưởng ở Los Angeles đã bị kết tội tẩu tán một số bạch phiến cho phi tang, đồng thời, nhận hối lộ tiền mặt của một kẻ tình nghi dính líu tới vụ buôn bạch phiến để không bắt kẻ gian ấy. Hai sĩ quan thú tội đã làm ăn như thế trước đây tới 15 vụ.
Nửa tháng trước ngày chiến thắng của BS Bảng, tuần báo Insight phát hành toàn quốc Mỹ, đề ngày 27-1-1986 đăng một phóng sự rất dài, rất tỉ mỉ về một tổ chức cảnh sát Mỹ thuộc thành phố Miami, tiểu bang Florida, cướp bạch phiến rồi giết người cho phi tang. Tổ chức cảnh sát tự đặt tên The Enterprise, chuyên lùng bắt các tàu chở bạch phiến, cướp bạch phiến rồi giết luôn những kẻ buôn chất ấy. Người ta đã tìm thấy xác ba người Mỹ gốc Cuba bị giết và bị dìm xuống nước, sau khi tổ chức cảnh sát Enterprise cướp một số lượng bạch phiến khổng lồ nặng tới 350 ký, rồi giết luôn ba người Cuba đó.
Xem chừng danh sách này còn dài...
Khi mở cuộc bố ráp Medical 1984, chính quyền tiểu bang California đã làm cho những khẩu hiệu quảng đại và khả kính khắc trên Tượng Nữ Thần Tự Do ngoài khơi cảng New York trở thành lố bịch.
Trước năm 1975, miền Nam VN có một bản nhạc tình cảm trong đó, có một câu than rằng “Hạnh phúc nào không tả tơi, không đắng cay?” Nay thì người tỵ nạn VN sống trên đất Mỹ đã có đủ lý do để kết luận rằng cái Tự Do mà đại cường quốc Mỹ ban cho người tỵ nạn VN cũng đã Tả Tơi và Đắng Cay rồi.