Muốn có hạnh phúc thật thì ta phải khoẻ cả thân xác cả tâm hồn, đúng như khẩu hiệu của Thế Vận Hội: Mens sana in corpore sano.
Canada đang chan hòa ánh nắng, rộn rã tiếng chim, và ngào ngạt thơm ngát những bông hoa muôn màu. Đây là thời gian dân bản địa chỉ ở nhà lo vườn hoa vườn rau và phơi nắng. Họ chỉ đi xa du lịch vào mùa đông để tránh tuyết và trốn cái lạnh. Ngoài ra, mùa hè còn là mùa cưới hỏi vì thời tiết thuận lợi mọi mặt. Người Việt phe ta ở đây cũng theo tập tục bản xứ, không còn kiêng kỵ chọn ngày chọn tháng. Bây giờ không còn chọn ngày lành dữ mà luôn luôn là 2 ngày cuối tuần, bây giờ không còn chọn tháng kiêng tháng cữ mà luôn là 3 tháng hè, tiện cho đi lại, rước dâu, lễ nhà thờ, yến tiệc đình đám, là dịp rất tốt để khoe y phục, chụp ảnh quay phim. Cụ Chánh tiên chỉ làng An Lạc của tôi bảo rằng: ông bà dạy có kiêng có lành, vì ở đây không kiêng nên 100 đám cưới thì về sau có 50 đám ly dị.
Xin sang phần thời sự. Hải quân Canada sẽ thăm cảng Cam Ranh của Viêt nam vào 10-13 tháng Sáu. Xưa nay chưa có chuyện này. Chắc phải có cái gì nên Canada mới cho 2 tàu hải quân HMCS Regina và NRU Asterix theo chân hải quân các nước bạn tới hải cảng đẹp vào bậc nhất thế giới này. Đây quả là một cuộc thăm viếng mang nhiều tính cách ngoại giao. À, nói về ngoại giao thì có một chuyện khá nóng bỏng là Canada đóng cửa toà đại sứ ở Venezuella và rút các nhân viên về nước. Không biết ngài tổng thống Maduro sẽ đưa nước này về đâu. Về mặt quốc nội thì không có gì sôi nổi, ngoài tin về môi trường. Đó là Canada đang bị các chú heo rừng phá vỡ môi trường. Các chú heo này không phải có gốc ở Canada mà từ Âu Châu đem qua hồi 1980. Các nhà nuôi heo muốn heo Canada có thêm chất mới, nhưng vì không đề phòng nên một số heo đã sổ lồng chạy vào rừng. Đất rừng Canada quá tốt nên các chú heo này sinh sôi nảy nở nhanh như chớp. Một con héo nái có thể sinh đẻ 1 năm những 3 lần, và mỗi lần ít là 6 con. Con heo mới 6 tháng tuổi đã có thể làm mẹ và đẻ con được rồi. Đàn heo rừng này tràn về và đang đe dọa cỏ cây mùa màng ở miền Tây Canada...
Anh John giơ tay xin kể một chuyện thời sự về heo. Rằng có một chàng quân tử kia đang lái một chiếc xe hơi láng coóng, bỗng có một chiếc xe khác lái vượt qua, và người tài xế ngoái cổ ra nói với nhà quân tử: Heo ! Heo ! Nhà quân tử này nghe tiếng heo thì tưởng tên kia ghen tị xe với mình nên mới chửi mính là đồ con heo. Nhà quân tử giận quá bèn rú ga đuổi theo tên bất lịch sự này với ý định dạy cho nó một bài học. Nhưng đang lúc ngài rú ga thì đột nhiên có một đàn heo rừng ào ào chạy tới, may mà ngài thắng xe kịp. Và tự nhiên ngài chợt nghĩ ra: À, cái anh chàng lái xe kia thò đầu ra có ý báo cho ngài biết một đàn heo rừng đang tới. Và anh John kết luận: Chúng ta lái xe đừng vội nóng giận nha.
Bây giờ là chuyện thời sự làng tôi. Tháng trước có lễ Hiền Mẫu và phe liền ông chúng tôi đãi tiệc thết các bà bằng hai món Canh Chua và Cá Kho Tộ. Tháng này có lễ Hiền Phụ, kính các người cha, và phe các bà làm tiệc đãi phe các nhà quân tử chúng tôi. Chúng tôi cứ thắc mắc không biết các bà sẽ đãi ăn món gì. Đến giờ ngồi vào bàn tiệc chúng tôi mới sững sờ: Các bà cũng đãi 2 món canh chua và cá kho tộ, chỉ khác một điều là tháng trước chúng tôi mua thức ăn từ nhà hàng đem về, còn lần này các bà tự nấu lấy. Ăn rồi mới thấy món các bà nấu ngon thiệt. Qủa là siêu phàm. Cái ngọt của cá tươi đi với món đậu bắp và bạc hà tươi sao mà nó ngon làm vậy. Đúng là ông trời sinh ra phụ nữ để nấu ăn
Bữa tiệc này ăn ở nhà anh John và Chị Ba Biên Hoà. Hôm nay chúng tôi có một người khách đặc biệt, đó là Cha Paolo. Các cụ còn nhớ ông Cha Canada gốc Ý này chứ. Ông là cha sở của họ đạo mà anh John là con chiên. Vì anh John xin nên Cha Paolo và giáo xứ của ngài đã đứng ra bảo trợ gia dình Cụ Chánh và ông Từ Hoè từ trại tỵ nạn Thái lan qua năm 1980. Vì tôi quen chị Ba, anh John và ông ODP nên mới có cái làng An Lạc thân thương này. Cả làng tôi đều thích và mê Cha Paolo. Ngài rất yêu món ăn VN. Hôm nay lần đầu tiên Cha được ăn món canh chua cá kho tộ nên Cha đã ăn miệt mài say sưa. Và chúng tôi đã nói bao nhiêu chuyện vui. Đặc biệt chúng tôi đã bàn những chuyện cưới xin vào những tháng hè này. Cụ Chánh lên tiếng hỏi Cha Paolo: Nhân nói về cưới hỏi, Cha có chuyện lễ cưới nào hay ở nhà thờ không ? Cha Paolo nói ngay: Có, tôi có một chuyện rất đặc biệt mà mỗi lần làm lễ cưới cho con chiên ở nhà thờ thì không thể nào quên được. Chuyện như thế này:
Có một đôi trẻ đến xin tôi làm lễ cưới. Cô dâu là người theo đạo Công Giáo, đạo gốc, còn chú rể là ngưòi đạo Do Thái. Lễ tổ chức vào trưa thứ Bảy. Vì chú rể khác đạo nên tôi xin cặp này tới tập dượt lễ nghi trước vào thứ Sáu. Đúng ngày lễ họ hàng đôi bên ngồi chật nhà thờ. Vì họ nhà trai đạo Do Thái nên tôi cho mở âm thanh rất lớn để người khác đạo hiểu rõ ý nghĩa của buổi lễ. Và lễ cưới đã được bắt đầu rất trọng thể. Sau phần đọc Kinh Thánh mở đầu là phần lễ hôn phối. Đôi trẻ đứng ở bàn thờ, quay mặt vào nhau, cha chủ tế đứng giữa. Đây là giây phút quan trọng. Những gì cha chủ tế nói cũng như những lời thề của cô dâu chú rể đều đưọc truyền qua máy âm thanh, cả nhà thờ nghe rõ hết. Sau phần cha chủ tế chúc lành thì tới phần cô dâu chú rể đeo nhẫn cưới cho nhau và thề hứa. Chú rể sẽ nói thế này: ‘Anh xin nhận em làm vợ. Anh xin hứa sẽ chung thủy với em vĩnh viễn, khi thịnh vượng cũng như khi nghèo đói, khi mạnh khoẻ cũng như khi đau ốm, để yêu thương và tôn trọng em trọn đời. Xin em hãy nhận chiếc nhẫn này làm biểu hiệu tình yêu chung thủy của anh, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.’ Thế nhưng, lúc quan trọng đó, tự nhiên không ai nghe thấy chú rể nói gì hết. Chắc hệ thống âm thanh hư. Chú rể cứ cầm tay cô dâu và đứng im. Chắc chú rể đang chờ sửa máy. Cả nhà thờ yên lặng như tờ. Mãi năm phút sau người ta mới nghe chú rể cất tiếng nói. Và sau đó nghi lễ đã diễn ra tốt đẹp.
Sau lễ có người hỏi tôi rằng cái giây phút chú rể thề hứa yêu thương và trung thành với vợ trọn đời là cái phút quan trọng nhất, tại sao cha lại để máy âm thanh hư lúc đó. Tôi đã trả lời ngay: Máy đâu có hư, máy của tôi là máy tối tân nhất mà. Chú rể nói không nên lời đó thôi. Nó cầm tay vợ nó xong thì nó xúc động, nước mắt nó chảy ra ròng ròng. Vợ nó cũng khóc ròng ròng. Cả hai nước mắt như mưa. Chúng nó xúc động vì hạnh phúc chan hòa nên nói không ra lời. Tôi cho đây là những giây phút đẹp nhất và ý nghĩa nhất trong đời nên tôi đã để cho 2 trẻ khóc trong hạnh phúc. Một hồi lâu sau tôi mới nói nhỏ: Chúng con hãy can đảm nói đi, cha mẹ và họ hàng nhà chúng con đang chờ nghe chúng con công khai nhìn nhận nhau là vợ chồng trọn đời. Mãi rồi chú rể mới ngưng được tiếng khóc và cất tiếng thề nguyền.
Cả làng tôi nghe xong đã vỗ tay râm ran và cho là câu chuyện lễ cưới này có ý nghĩa và đáng nhớ qúa. Cha Paolo nhấp thêm vài ngụm trà rồi xin cáo biệt vì ngài có hẹn đi thăm viếng một bệnh nhân. Ngài vừa ra khỏi cửa thì cái không khí trang nghiêm của chuyện nhà thờ cũng loãng đi. Làng tôi ào ào nói các thứ chuyện khác. Rồi Chị Ba Biên Hoà lên tiếng hỏi ông bồ chữ ODP về mẩu tin liên hệ tới VN đang làm xôn xao thế giới: Đó là việc ngày 30 tháng Năm vừa qua ngài thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã chê VN xâm lược và cai trị Campuchia trong 10 năm, từ 1979-1989. Lời tuyên bố này đã làm mất lòng VN và ngay cả chính quyền Campuchia. Ông Hun Many, con trai thủ tướng Hun Sen đã lên tiếng ngay: Dân Campuchia chúng tôi đã phải trải qua gần 4 năm dưới sự cai trị diệt chủng của Pol Pot và Khmer Đỏ, gần 3 triệu người dân đã chết mà thế giới đã làm thinh, may mà nước láng giềng VN đã cứu chúng tôi. Nếu không có việc can thiệp này thì không biết số phận nước chúng tôi bây giờ sẽ ra sao. Ngày 16/11/2018 Tòa án quốc tế đã xét xử tội ác Khmer Đỏ và đã ra phán quyết kết tội diệt chủng chống nhân loại của Khmer Đỏ. Ngoài ra, bộ trưởng quốc phòng Campuchia, tướng Tea Banh, tối ngày 3/6 vừa qua đã phản đối gay gắt lời ông Lý Hiển Long, ông nói: Quân VN đến đây là để giải phóng dân tộc tôi, họ đã đến cứu được mạng sống chúng tôi...
Quân đội VN gồm 150 ngàn quân nhân, tháng 12/1978, đã tràn qua Campuchia, một phần để dẹp bọn lính Khmer ở biên giới thường sang VN cướp phá giết người, một phần để cứu nước láng giềng theo lời xin của thủ lãnh Hun Sen. Chỉ trong 1 tuần quân VN đã tới thủ đô, bọn Pol Pot bỏ chạy, VN đã giúp Hun Sen lập chính phủ mới và quân đội mới. Quân VN đã ở lâu trên đất Campuchia để tái lập an ninh trật tự theo mô hình VN. Sau 10 năm giúp đỡ, quân VN đã rút về nước 1989.
Con số 10 năm này chính là sự xâm lăng mà Ông Lý Hiển Long có ý nói tới.
Ông ODP bồ chữ của làng bây giờ mới thêm ý kiến riêng: Chính vì việc quân đội VN rút về nước năm 1989 nên mới sinh ra việc hội nghị Thành Đô 1990. Xưa nay ai cũng bảo Tập Cận Bình triệu tập các quan lớn cuả VC sang Tàu để tuyên bố về lịch Tàu hóa VN. Đây là một tin sai. Hội nghị Thành Đô 1990 không phải để nói về lịch sát nhập VN vào Tàu, mà là để Vua Tàu báo cho các chư hầu VN từ nay không được động tới Campuchia nữa. Campuchia là đất của tao, chứ không phải là đất của chúng mày, nghe rõ chửa?
Lần đầu tiên dân làng nghe giải thích ý nghĩa Hội Nghi Thành Đô khác với xưa nay, ai cũng tỏ ra ngạc nhiên hết sức. Ông bồ chữ ODP nói tiếp: Tàu Cộng đã coi VN mình thuộc về nó từ lâu rồi. Chứng cớ ư? Xin đọc lời Dương Khiết Trì, cựu bộ trưởng ngoại giao cuả Tàu Cộng. Lời này đăng trong nội san mật của Tàu Cộng. Tàu Cộng bảo nhau như thế này:
- Tại sao ta phải đánh chúng ( Việt Nam ) khi hơn 700 cây số vùng biên giới phía nam của ta đã được chúng dâng cho ta ? Nửa Thác Bản Giốc đã thuộc về ta, Ải Nam Quan đã được đổi tên là Hữu Nghị quan..
- Súng đạn nào mãnh liệt bằng những bao thư ta đã nhét vào túi bọn chúng để Đại Hán ta ngồi ngay trên nóc nhà Tây Nguyên của chúng?
- Xe tăng đại pháo nào mạnh bằng hàng ngàn công trình xây dựng để những sư đoàn Trung Hoa trong bộ áo công nhân đang có mặt trên xứ sở của chúng, từ Hữu Nghị Quan phía bắc tới tận mũi Cà Mau phía nam..
- Cần gì phải đánh khi chúng thay thế ta bắt bớ, đánh đập, bỏ tù những người dân nào dám phản đối Đại Hán ta. Người dân nào của chúng dám nói Hoàng Sa Trường Sa là của VN thì bị chính bọn chúng bắt bớ tra khảo thay cho ta...
- Cần gì phải đánh, cờ Đại Hán của ta từ 5 sao trở thành 6 sao phất phới trên toàn vùng lãnh thổ của chúng. Ta không cần phải đánh, ta chỉ cần viết sẵn những văn kiện để chúng sẽ đến xin ký để được làm vùng tự trị của Đại Hán ta...
Dân làng mặt ai cũng ngẩn ra. Ông ODP như biết được sư ngạc nhiên trong đầu mọi người, ông liền chứng minh: Ta cứ nhớ lại những lời các cựu lãnh tụ CSVN đã thừa nhận việc này, từ lâu rồi, như:
- Lê Duẫn: VN đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc
- Tố Hữu: Bên này biên giới là nhà, Bên kia biên giới cũng là anh em.
- Nguyễn Văn Linh: Thà mất nước chứ không mất Đảng
- Khẩu hiệu của công an: Còn Đảng còn mình...
Cụ già B.95 nghe bồ chữ ODP luận về cái gian manh của CSVN như vậy, coi là chói tai quá. Cụ chỉ thẳng vào tôi xin nghe chuyện khác. Tôi cũng ngấy chuyện VC quá rồi, hôm nay bị cụ B.95 kêu đích danh, không thể từ chối được, bèn xin kể chuyện cụ Đinh Bá Hoàn ở Ottawa Canada mà tôi có quen biết. Cụ Hoàn bút hiệu là Tú Hát. Cụ cùng thời làm thơ với nhà thơ Tú Mỡ. Tôi được quen cụ khi Cụ sắp về chầu Trời. Tôi thấy cụ lúc nào cũng vui vẻ yêu đời nên một hôm đã xin cụ chỉ cho bí quyết được sống hạnh phúc như cụ. Cụ vỗ vai tôi rồi nói nhỏ vào tai: lão chỉ có 2 bí quyết này: biết sợ vợ và không giận ai bao giờ. Bí quyết số 1 là điều mà nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã nói từ xưa: Trên đời này ta không nên sợ ai, nhưng nếu phải sợ thì nên sợ vợ mà thôi. Bí quyềt số 2 là ta không nên giận ai bao giờ, điều này ai cũng biết vì cả Chúa cả Phật đều dạy như vậy. Tôi kể xong chuyện cụ Tú Hát ở Canada xong bèn xin hết. Và tôi xin Cụ Chánh tiếp lời.
Cụ Chánh như có sẵn ý trong đầu bèn kể ngay: Vừa giờ bạn nói tới sợ vợ thì sẽ được hạnh phúc. Lão còn thấy ta còn phải sợ một cái nữa, cái sợ này có viết trong chuyện Tam Quốc Chí. Chuyện Khổng Minh và Trương Phi. Trương Phi thấy anh mình là Lưu Bị mất nhiều công sức đi cầu Khổng Minh thì trong bụng không phục. Bữa đó Lưu Bị di vắng, chỉ có Trương Phi và Khổng Minh ở nhà. Trương Phi đứng ngoài trướng cao giọng nói khích: Ta đây, người đất Yên, không sợ một ai, không sợ Trời, không sợ Đất, không sợ một thứ gì trên đời này cả. Khổng Minh trong trướng bước ra, rồi nói: Trên đời này Tướng quân phải sợ một thứ ! Trương Phi được dịp trút nỗi giận trong lòng, liền đáp: kẻ anh hùng trên đời liều nhất không ngoài cái chết. Tôi đây không sợ chết thì còn gì những thứ khác. Khổng Min đáp ngay: Tướng quân có dám đánh cuộc không? Trương Phi đáp: Dám ! Nếu tôi còn sợ thứ gì thì từ nay tôi để quân sư điều khiển tôi hoàn toàn. Còn nếu quân sư nói không đúng thì sao ? Khổng Minh đáp: Tôi sẽ để tướng quân điều khiển tôi. Hai người đồng ý đánh cuộc. Khổng Minh yêu cầu Trương Phi đưa bàn tay ra rồi ông lấy bút viết một chữ lên bàn tay Trương Phi. Trương Phi rút tay lại xem. Đó là chữ bệnh. Trương Phi mới nhớ ngày xưa khi còn đang bán hàng thịt, có lúc ốm nặng không cầm nổi con dao, lại nhớ câu nói cổ trong dân gian: anh hùng không sợ chết chỉ sộ bệnh. Trương Phi bèn xin thua Khổng Minh và từ đó xin phục tùng...
Rồi cụ Chánh kết: Lão không những sợ bệnh phần xác mà còn sợ bệnh phần hồn nữa. Muốn có hạnh phúc thật thì ta phải khoẻ cả thân xác cả tâm hồn, đúng như khẩu hiệu của Thế Vận Hội: Mens sana in corpore sano. Rồi cụ Chánh chắp tay: Chúc các bạn khoẻ cả xác cả hồn nha, Amen.