Điều tốt đẹp thứ 7 là sữa luôn luôn được giữ trong 2 cái bình đẹp hấp dẫn và ở độ cao mà chó mèo không thể đụng tới được
Thủ tướng Justin Trudeau và phu nhân Sophie, TT. Obama và phu nhân Michelle
Tháng Ba, nàng Xuân bắt dầu rón rén bước vào miền đất hạnh phúc này. Cỏ cây nằm ngủ dưới tuyết bắt đầu tỉnh giấc và đang thì thầm gọi nhau ngóc đầu dậy. Tháng này dân Canada mừng hai lễ lớn, Lễ St. Patrick và Lễ Phục Sinh. Còn chính quyền liên bang Canada thì mừng cuộc thăm viếng Hoa Kỳ của Thủ tướng Justin Trudeau đã thành công quá sự mong ước. Ông và vợ ông đã được cả triều đình Vua Obama đón tiếp theo nghi lễ quân vương vô cùng trọng thể trong 3 ngày. Buổi tối đầu tiên là đại yến trong đại sảnh với 140 thực khách chọn lọc gồm các yếu nhân trong chính quyền và ngoại giao.
Các cụ chắc đã biết và đã thấy những việc này qua các cơ quan truyền thông, phải không cơ. Dân làng An Lạc của tôi là dân ăn nhậu nên chú trọng nhiều nhất về bữa đại yến. Trước ngày thăm viếng mồng 10 tháng Ba, báo chí đã cho biết là Tổng Thống Hoa Kỳ sẽ đãi thủ tướng Canada 2 món chính, một món Mỹ một món Canada. Làng tôi xôn xao, nhất là phe các bà, về món Canada. Xưa nay chúng tôi chưa hề nghe nói tới món ăn tiêu biểu của Canada, lý do rất giàn dị vì đây là đất của các di dân, biết chọn món nào là đặc trưng của Canada đây. Sau đêm đại tiệc, người hăm hở đi tìm thực đơn bữa quốc yến của Tổng Thống Obama là Chị Ba Biên Hòa. Chị bảo để xem các món chủ nhà đãi thượng khách tên là gì và ngon đến cỡ nào.
Trong bữa ăn tối ngày lễ Phục Sinh tại nhà Cụ Chánh tiên chỉ, ai cũng háo hức hỏi chị về tin này. Chị Ba cười ha ha rồi trả lời : Trong thực đơn bữa đại yến đó có món gì mang hương vị Canada đâu. Theo mấy hãng thông tấn cho biết : Món khai vị là món cá halibut miền Alaska, người Việt quen gọi là ‘cá bơn’, hầm với nấm tóc tiên, hành nướng và trái mơ. Món chính là món thịt trừu xào với khoai tây, trái hồ đào và rau thơm. Không biết do đầu bếp nào đứng nấu. Nghe nói có một đầu bếp người VN trong Nhà Trắng, chả biết ông này có góp phần vào việc xào nấu trên đây không. Chị Ba kể đến đây xong liền quay vào bà cụ B.95 rồi hỏi : Bác thấy hai món Mỹ trên đây có ngon không cơ ? Cụ già đáp ngay : Không, không ngon, thua xa món canh chua cá kho tộ và rau muống xào thịt bò của phe ta !
Làng vỗ tay rồi phá ra cười. Anh John góp lời : Về món ăn và về sắc đẹp thì không bao giờ có món ngon tuyệt đối và sắc đẹp tuyệt đối cả, hai thứ này tùy vào khẩu vị và nhận thức thẩm mỹ của mỗi người.
Ông ODP giơ tay góp thêm ý : Về thức ăn thì có một món bất cứ ai cũng phải công nhận là ngon, ai cũng phải ăn và đòi ăn, tôi xin đố cả làng món này là món gì. Câu hỏi nghe đơn sơ mà khó ha. Các cụ đã đoán ra món gì chưa ? Cả làng bóp trán suy nghĩ, rồi trả lời, nhưng ông ODP đều lắc đầu hết. Cuối cùng mọi người xin thua, ông ODP liền đáp : Đó là món sữa mẹ. Đứa bé vừa lọt lòng, dù da trắng da vàng da đen thì đều bú sữa mẹ. Sữa mẹ đã nuôi sống đứa con trong những ngày tháng đầu đời.
Trong lúc nhiều người còn đang bàn thêm về lời ông ODP, thì phía cuối bàn nơi Chị Ba Biên Hòa và mấy cô Huế ngồi phá ra cười. Họ cười rũ rượi. Cụ B.95 biết là có chuyện tiếu lâm gì đây và chắc là tiếu lâm mặn nên mấy cô này mới cười ngặt nghẽo như vậy, cụ liền lên tiếng : Mấy người không được cười riêng rẽ, phải chia vui với cả làng. Mà này, đề tài sữa mẹ là đề tài hết sức nghiêm trang mà làm sao mấy bạn lại cười ngặt nghẽo như thế ?
Chị Ba bèn đáp : Thưa Bác, cái anh H.O. này nhân đề tài sữa mẹ vừa kể cho bọn cháu một câu chuyện rất tếu : Rằng trên một chuyến xe bus đông người, có một bà xồn xồn bế đứa con nhỏ ngồi bên một ông cũng xồn xồn. Cái ông này cúi đầu mải mê vào cái máy ipad. Bỗng đứa con nít của bà xồn xồn khóc, bà liền vạch vú ra cho con bú, nhưng thằng bé không chịu bú, nó cứ khóc rỉ rả. Bà mẹ càng kéo nó vào sát ngực thì nó càng khóc to hơn. Bà ta mới bảo nó : Con không chịu bú thì mẹ cho cái ông bên cạnh này bú bây giờ. Thằng bé này vẫn không chịu, vẫn khóc. Bà mẹ tỏ ra khó chịu lắm mà không biết làm sao. Ông xồn xồn liền giúp bà. Ông vừa nhìn đứa bé vừa nhìn bộ ngực của bà mẹ, rồi cười hi hi và nói : Này bé, phải quyết định ngay đi. Đáng lẽ bác đã xuống xe từ lâu rồi.
Nghe đến đây thì cả làng cũng phá ra cười. Thấy vợ mình đã làm không khí bữa ăn vui hẳn lên, anh John xin góp một chuyện cũng về đề tài sữa. Rằng trong một cuộc thi ở đại học về môn sinh hóa, với giải thưởng rất lớn, đề thi như sau : ‘Bạn hãy cho biết 7 ưu điểm của sữa mẹ, phải kể cho đủ 7 điều trong vòng 5 phút’. Một anh bạn trẻ xưa nay nổi tiếng học giỏi đã đứng lên xin đáp. Anh nói một hơi : Thưa 7 điều tốt đẹp của sữa mẹ là : 1. Nó là một thức ăn thích hợp hoàn toàn với cơ thể đứa bé; 2. Sữa có đủ kháng sinh chống các bệnh; 3.Sữa luôn luôn có nhiệt độ thích hợp với cơ thể ; 4. Sữa không tốn tiền mua; 5. Sữa là sợi dây nối con vào mẹ; 6. Sữa luôn có sẵn, muốn lúc nào cũng được. Kể một hơi xong 6 ưu điểm về sữa rồi anh thí sinh tự nhiên ngưng và tỏ ra lúng túng, chắc vì chưa nghĩ ra điều thứ bảy. Lúc ban giám khảo sắp rung chuông tuyên bố hết giờ thì may quá thí sinh tìm ra và nói : Điều tốt đẹp thứ 7 là sữa luôn luôn được giữ trong 2 cái bình đẹp hấp dẫn và ở độ cao mà chó mèo không thể đụng tới được. Thí sinh được điểm A và lãnh giải.
Các cụ đã thấy vợ chồng Anh John và Chị Ba Biên Hòa của làng tôi thông thái và tếu chưa. Cụ B.95 gốc Bắc Kỳ rặt, từ ngày sang Canada thì mê cặp vợ chồng này hết sức. Cụ bảo Chị Ba đúng là mẫu người Miền Nam mà ngày xưa ở Hà Nội cụ hằng ao ước được gặp. Còn Anh John thì cụ mê về nhiều thứ, nào thông thái biết hết mọi sự, nào có nếp sống y như người VN và nói tiếng VN thành thạo với giọng của cả 3 miền, anh còn là mẫu người Canada lý tưởng của cụ. Cụ không đọc báo, không nghe radio, không xem TV vì anh John là tổng hợp 3 thứ đó của cụ. Cần biết gì thì cụ hỏi anh John. Bữa nay cũng vậy, để cho dân làng nói cho đã và cười cho đã rồi cụ mới xin Anh John nói chuyện thời sự.
Anh John kể ngay.
Chuyện thứ nhất là thành phố Toronto vừa mừng sinh nhật thứ 182. Thành phố lớn hàng thứ tư tại Bắc Mỹ này được khai sinh ngày 6 tháng 3 năm 1834, thời còn nép dưới cờ của vương quốc Anh. Các cuộc triển lãm tranh ảnh về lịch sử Toronto và các buổi văn nghệ ca hát đã được tổ chức rầm rộ khắp nơi.
Chuyện thứ hai là ngày Chúa Nhật 13 vừa qua, các bạn có thấy điều gì đặc biệt không ? Ai cũng bảo là con số 13. Anh lắc đầu. Cái đặc biệt của ngày này là ngày ngắn nhất trong năm. Xưa nay ta vẫn thấy mỗi ngày có 24 giờ, nhưng riêng ngày Chúa Nhật 13 vừa qua chỉ có 23 giờ, vì cả thế giới đều vặn lên một giờ cho hợp với thời gian mặt trời mọc của mùa xuân. Cứ 4 năm mới có một ngày ngắn như vậy.
. Chuyện thứ ba là Canada mới xây thêm một nhà máy đúc tiền ở Winnipeg miền Tây, và nhà máy này mang tên một kỹ sư Việt nam, đó là Tiến sĩ Trương Công Hiếu. Ông Hiếu du học bên Hoa Kỳ, có về Saigon năm 1964 dạy học ở trường Cao Dẳng Hóa Học Phú Thọ, và đã trở lại Hoa Kỳ. Sau đó ông di cư sang Canada, xin chọn Canada làm quê hương thứ hai. Và ông làm việc nhiều năm cho sở đúc tiền. Ông đã làm cho đồng tiền đúc của Canada đẹp và tốt nhất thế giới. Trong cuốn lịch sử 100 năm nhà máy đúc tiền, Hoàng Gia Canada đã ghi nhận kỳ công của TS Hiếu : ông đã thay đổi kỹ thuật đúc, đã làm cho đồng tiền Canada không bao giờ rỉ sét và có màu đẹp và tốt hơn xưa. Trong Hội chợ Quốc Tế Tiền Tệ ở Berlin vừa qua, TS Hiếu được coi là một ngôi sao sáng nhất. Xin các cụ nhớ kỹ : người VN đúc ra tiền Canada nha.
Chuyện thứ tư là chuyện anh Donald Phạm, cháu của MC Nam Lộc và nhà văn Nhã Ca, đã xuống tóc quy y và đã sang Ấn Độ nhập giáo đoàn Phật Giáo Tây Tạng, đã trở thành một nhà sư trẻ Tây Tạng mang tên Kusho Drodon, đã được Đức Đạt Lai Lat Ma nhìn thấy có bóng dáng một vị lạt ma tái sinh. Ngài đã cử một đại sư săn sóc cho vị lạt ma gốc VN này. Điều gì sẽ xảy ra cho Phật Giáo Tây Tạng đây, thưa các cụ, khi Đức Lạt Ma hiện nay về Cõi Phật ?
Tin thời sự cuối cùng là một cuốn sách viết về thức ăn của Stephen Lê, một tác giả gốc VN nhưng sinh đẻ và lớn lên ở thủ đô Ottawa. Ông đậu tiến sĩ ở Đại Học California, hiện là giáo sư tại Đai Học Ottawa. Năm 25 tuổi ông đi thămVN và du lịch vòng thế giới để khảo sát về thực phẩm. Ông mới viết một cuốn sách bằng Anh Văn mang tên nghe rất nổ ‘ 100 Million Years of Food’ / 100 triệu năm thực phẩm’. Tác phẩm được đánh giá rất cao. Tác giả đề cập thức ăn của con người theo suốt chiều dài lịch sử. Có đoạn bàn về nước mắm và nói rằng người La Mã ngày xưa đã ăn nước mắm, gọi là garum, giống như nước mắm ở Thái lan, Phi Luật Tân và Việt Nam. Cuối sách tác giả khuyên ta 3 điều : Năng vận động, ăn ít thịt và đường, và kiêng những thứ chiên với dầu mỡ.
Ông ODP có đọc cuốn này và kể thêm : tác giả cho biết mẹ của ông chỉ thọ có 66 tuổi vì hay ăn những thực phẩm độc hại của Bắc Mỹ, còn bà ngoại thì thọ tới 92 vì tuy ở Bắc Mỹ nhưng chỉ ăn thức ăn nấu theo bếp VN. Nói đến đây xong thì ông cười ha ha : Chúng ta muốn sống thọ thì hãy theo lời khuyên của Cụ B.95 nói lúc nãy : cứ canh chua cá kho tộ và rau muống xào thịt bò. Bếp VN muôn năm !
Rồi ông lại cười tiếp : Thực ra thì món thịt bò là món mà người VN mình mới biết ăn cách đây khoảng 200 năm mà thôi, chứ trước đó tổ tiên mình đâu có biết đến món này, thịt bò là món người Pháp đem vào. Trước đó tổ tiên mình chỉ ăn thịt trâu. Chứng cớ ư ? Cứ xem bài thơ cho phép làm thịt trâu của Bà Hồ Xuân Hương thì đủ rõ. Thời xưa con trâu rất cần thiết cho nhà nông nên không ai được giết trâu ăn thịt cả. Ai muốn giết thì phải xin phép. Thuở ấy bà là vợ của ông Phủ Vĩnh Tường. Một cống sinh vửa thi đỗ muốn giết trâu khao làng xóm nên đã làm đơn lên quan phủ. Bữa đó chồng bà đi vắng nên bà Hồ Xuân Hương đã thay mặt chồng phê và đơn :
Người ta thì chẳng được đâu
Ừ thì ông cống làm trâu thì làm…
Bà cụ B.95 gật gù : Đúng vậy. Ngày xưa ngoài Bắc quê tôi khi có đám cưới hay đám tang thì đều ngả trâu chứ không ngả bò bao giờ. Ngày xưa còn bé tôi vẫn ăn rau muống xào với thịt trâu, có nêm với tỏi.
Đến đây thì Anh John xin chấm dứt phần thời sự. Cụ B.95 chắp tay vái anh một cái rồi nói : Xin cám ơn Bồ Chữ của tôi. Rồi cụ hỏi cả làng : Ai còn chuyện thời sự nữa không? Anh H.O. giơ tay :
- Tôi còn chuyện thời sự này khá nóng xin trình làng. Rằng tôi mới
đọc được một tài liệu của Bộ Nghiên Cứu Văn Hóa của CSVN đăng trên nguyệt san Truyền Thống số 17, phát hành tháng 12 năm 1989 ở Hà Nội. Họ nói rằng lễ Valentine là của VN có từ đời Vua Hùng Vương thứ 8. Chữ Valentine do 3 chữ Việt Va-Lăn-Thai ghép lại mà thành. Va là va chạm, gặp gỡ, Lăn là lăn lộn, lăn lóc, Thai là bào thai, là kết quả của việc va và lăn trên đây. Bài báo kết luận : Chúng ta phải hãnh diễn là dân tộc Việt nam đã cống hiến một ngày lễ rất cao đẹp cho toàn thế giới phải noi theo.
Anh John nghe đến đây thì phá ra cười rồi nói : Hóa ra sách vở bên Tây nói lễ Thánh Valentine có từ thời Trung Cổ La Mã là nói láo, nói tầm bậy, Tây phương đã ăn cắp lễ này của VN mà không ghi xuất xứ. Xin bái phục sự thông thái vĩ đại của các đỉnh cao trí tuệ loài người ! CSVN đã đẻ ra hàng trăm ngàn tiến sĩ, ra ngõ là gặp tiến sĩ, chắc lễ Va-Lăn-Thai do các tiến sĩ này tìm ra.
Bà cụ B.95 vừa nghe đến tiếng CSVN thì xin làng đừng nói tiếp nữa vì nó sẽ làm bà mất ngủ đêm nay. Làng vâng lời ngay. Anh John xin chuyển đề tài. Anh xin kể một chuyện khác, chuyện này sẽ làm cụ ăn ngon và ngủ ngon. Đó là chuyện vể ông Steve Jobs, người dã sáng tạo ra Iphone Apple làm chấn động hoàn cầu. Ông là một thiên tài của thế giới. Chỉ tiếc là ông không sống thọ. Ông về cõi tiên năm 2011 lúc mới 56 tuổi, khi đang ngồi trên núi vàng và đỉnh vinh quang. Trên giường bệnh, ông đã trối trăn cho chúng ta bao nhiêu kinh nghiệm về cuộc đời. Có rất nhiều sách viết về ông và về những lời đáng trân qúy này. Chẳng hạn :
- Sự giàu có trở nên vô nghĩa khi phải đối mặt với sự chết đang gần kề, tôi không thể mang nó theo xuống mồ. Sự giàu có thật sự sẽ theo tôi đó là tình yêu.
- Giường đắt nhất trên thế giới là giường gì? Đó là giường bệnh. Bạn có thể nhờ người lái xe cho bạn, nhưng không thể nhờ ai chịu bệnh thay cho bạn.
- Tình yêu mới là vĩnh cửu. Sức khỏe mới là sự giàu có thật sự.
Đây chỉ là một trong rất nhiều điều qúy báu mà Steve Jobs gửi lại cho chúng ta.
Về tài năng của Steve Jobs thì không ai ca ngợi hay hơn và chí lý hơn là lời của Steven Spieldberg, một nhà đạo diễn, một nhà sản xuất và một soạn giả nổi tiếng hiện nay của Hollywood : “ Steve Jobs là nhà sáng chế lỗi lạc nhất sau Thomas Edison , ông đã đưa thế giới đến đầu ngón tay của chúng ta .” Đúng và hay quá chứ, phải không cơ ?
Nói tới Steve Jobs là nói tới máy điện toán, mà tổ sư của điện toán là ông tỷ phú Bill Gates hiện nay. Báo chí dã ghi và phổ biến khắp thế giới bài trả lời rất hay của Bill Gates. Phóng viên hỏi :
- Quyết định thông minh nhất của ông là gì ? Có phải là tạo ra các phần mềm của điện toán hay là các công việc từ thiện bác ái ?
Bill Gates đã trả lời : Cả hai đều không đúng. Tôi cho rằng quyết định thông minh nhất là tìm ra được người phụ nữ phù hợp để kết hôn, là lấy đúng vợ. Rồi ông diễn nghĩa :
- Người phụ nữ quyết định hạnh phúc của thế hệ trước, vui vẻ của thế hệ này, và tương lai của thế hệ sau. Nghĩa là : Nếu bố bạn lấy nhầm vợ thì tuổi thơ của bạn sẽ là chuỗi ngày đau khổ. Nếu bạn lấy nhầm vợ thì cả cuộc đời bạn sẽ đau khổ. Con trai bạn lấy nhầm vợ thì tuổi già của bạn sẽ sống trong đau khổ. Tóm lại : lấy được người phụ nữ tốt thì bạn thịnh vượng 3 đời.
Đây là những lời rất chân thật của nhà tỷ phú đứng đầu thế giới. Bạn bè ông cho biết là trước khi lấy vợ thì tính nết của Bill Gates rất khó chịu, hay bẳn gắt la ó và không rộng rãi tiền bạc. Nhưng sau khi lấy vợ, một phụ nữ vừa đẹp, vừa thông thái, vừa đạo đức tên Melinda , thì tính nết Bill Gates đổi hẳn, ông vui vẻ, cởi mở và đầy lòng bác ái. Ông hứa 95% tài sản sẽ dùng cho các việc bác ái.
Ông ODP nghe đến đây thì nhìn anh John rồi cười ha hả : Bạn thật là thông minh và khéo quá sức, bạn kể chuyện ông Jobs và ông Gate là có ý gián tiếp dề cao các bà vợ chứ gì, vợ là nhất chứ gì. Xin bái phục. Mà chuyện vợ là nhất vợ là vua thì dài và nhiều vô kể, chúng ta sẽ còn nhiều dịp để tôn vinh và bàn tiếp. Bữa nay, từ đầu tiệc đến giờ toàn bạn và tôi nói, chiếm hết diễn đàn. Bây giờ chúng ta phải mời Cụ Chánh là chủ nhà và chủ tiệc nói chuyện chứ. Phe các bà nghe đến đây đều gật gù và tỏ ra sung sướng lắm.
Cụ Chánh bây giờ mới lên tiếng :
- Lão già rồi, lẩn thẩn rồi, không có những chuyện về xã hội hay văn chương chữ nghĩa. Lão xin nói chuyện nhà thờ. Từ ngày nhập đạo, sáng và tối lão đều đọc kinh. Trong các kinh thì lão thích nhất Kinh Lạy Cha. Mới đây lão so sánh lời kinh tiếng Việt với lời kinh tiếng Anh và tiếng Pháp, thì thấy lời kinh tiếng Việt mà tổ tiên ta đã dịch hay vô cùng. Cho lão chia sẻ với cả làng nha. Rằng các kinh trong đạo thì đều do con người soạn ra, trừ kinh Lạy Cha là do chính Chúa Giêsu đặt ra và dạy các môn đệ. Có mấy tiếng trong kinh làm lão cảm động vì thấy nó hay thấm thía, tổ tiên mình đã đạt đạo nên đã dịch ra tiếng Việt hay tuyệt vời . Dó là lời : Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ… Bản kinh tiếng Anh là ‘ Lead us not into temptation’, bản kinh tiếng Pháp là ‘Ne nous soumets pas à la tentation’. Lời Anh văn và Pháp văn có nghĩa là ‘ xin đừng đưa chúng con vào cơn cám dỗ’. Lão cho lời dịch như vậy là sai. Chúa đâu có xấu và ác mà lại đưa chúng ta vào các cơn cám dỗ. Ma qủy mới đưa ta vào các cơn cám dỗ chứ, bản tính của ma quỷ là cám dỗ con người phạm tội mà, vì vậy ta mới xin cứu, xin Chúa không để chúng ta rơi vào chước cám dỗ của ma qủy. Lão cho lời ‘sa chước cám dỗ’ trong kinh tiếng Việt hay thấm thía, hay hơn lời kinh Anh Văn và Pháp văn rất xa.
Chưa hết. Trong thánh lễ, sau khi đọc kinh Lạy Cha, vị linh mục chủ tế còn cầu xin tiếp, trước khi xin Chúa ban bình an thì linh mục đọc ‘ Xin Chúa đừng CHẤP tội chúng con. Lão thấy tiếng Chấp này hay tuyệt vời. Nó chỉ sự khoan dung nhân hậu của người trên đối xử với người dưới, trong khi lời Anh Văn và Pháp văn chỉ mang nghĩa xin Chúa dừng nhìn tới tội chúng con : Look not on our sins /Ne regarde pas nos péchés. Chữ Nhìn thua xa chữ Chấp trong lời kinh.
Nói đến đây rồi Cụ Chánh nhìn đồng hồ. Thấy trời đã khuya nên cụ Chánh xin bế mạc bữa tiệc Phục Sinh. Vì vừa nói về Kinh Lạy Cha, cụ xin dân làng đứng lên và nắm tay nhau đọc kinh này để tạ ơn bữa ăn. Cụ xin mọi người đọc thong thả và suy gẫm lời minh đang đọc. Đa số dân làng là dân theo đạo Chúa nên thuộc kinh này. Khi đến lời cuối cùng là tiếng Amen thì ai cũng đọc tiếng này thật to. Cụ B.95 đọc xong tiếng Amen thì rơm rớm nước mắt. Cụ bảo cụ đã ngoài 90 mà nay mới biết lời kinh hay thấm thía và cảm động như vậy.
TRÀ LŨ
LTS : Độc giả đã có ‘ Chuyện Cười Trà Lũ Toàn Tập’ chưa? Tiếng cười là thuốc trường sinh, một tiếng cười bằng 10 thang thuốc bổ. Toàn tập gồm 4 cuốn, có hơn 1.800 chuyện cười đông tây kim cổ khác nhau. Giá $85 ở Mỹ và Canada. Xin liên lạc trực tiếp với tác giả :