“Trong khi nhà tôi thống nhất là sẽ tặng gift cards cho bạn bè, con cháu, ... nhưng mà riêng với vợ tôi mà tôi cũng tặng gift card cho bả thì chắc là bả 'giết' tôi liền.”
Khi nói về quà tặng, theo thống kê của American Express Publishing và Tập đoàn Harrison, thì hai phần ba phụ nữ khá giả ở Mỹ muốn được tặng phiếu mua hàng (gift cards), trong khi thực tế chỉ có khoảng 1/5 đàn ông thực hiện điều này.
Trong vô số món quà này, món nào thật sự là món mình mong muốn, chờ đợi? (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Thay vào đó, 70% phụ nữ nhận được quà tặng là quần áo hoặc đồ trang sức.
Ông Thomas Ðặng, làm nghề xây dựng ở Orange County, nói một cách hóm hỉnh, “Trong khi nhà tôi thống nhất là sẽ tặng gift cards cho bạn bè, con cháu, người thân trong nhà nhân dịp lễ lạt này, nhưng mà riêng với vợ tôi mà tôi cũng tặng gift card cho bả thì chắc là bả 'giết' tôi liền.”
“Ý bả là tôi chả quan tâm suy nghĩ xem bả thích cái gì, muốn cái gì hết đó,” Ông Thomas cười lớn.
Ngược lại với ý muốn của vợ ông Thomas, Kelly Trần, một phụ nữ gần 40, sống ở thành phố Santa Ana, cho rằng “mình chỉ thích nhận gitf cards hoặc tặng đúng món quà mình thích.”
“Thà rằng không có, chứ nhận một món quà tặng mà mình không thích thấy khó chịu lắm! Giống như mình thích xài son màu hồng, mà cứ tặng son màu đỏ thì làm sao mà xài. Thôi cứ đưa gift cards đây rồi mình tự đi mua thấy trúng ý hơn,” Kelly giải thích thêm.
Trong một cuộc khảo sát ở hơn 600 gia đình, người ta nhận ra có khoảng cách khá lớn giữa những gì mọi người muốn nhận và món quà thật sự mà họ nhận được.
Những người đàn ông cũng không quá kỳ vọng vào điều họ ước ao. Một phần ba quý ông muốn mình được tặng thức ăn ngon, và rượu ngon. Một phần ba kia thì muốn nhận phiếu quà tặng. Thế nhưng phụ nữ thì lại không thích gì những món đó. 30% các ông biết chắc thế nào mình cũng được tặng quần áo và 15% khác thì được tặng sách.
Gần một nửa số phụ nữ cho biết họ rất thích, hoặc rất có thể, tự mua quà cho mình trong mùa lễ lạt này. Khoảng một phần ba quý ông cũng có cùng ý định đó.
Tâm Nguyễn, học sinh trung học, khi được hỏi “thích nhận được quà gì trong mùa lễ hội này,” cho biết, “Em thích mọi người cho tiền rồi em tự đi mua quà cho mình hơn, chứ nhiều khi ghi 'wish list' thích cái áo này mà lại được tặng cái không có giống cái mình ghi nên không thích.”
Cô Hằng Nguyễn, đang làm việc tại một ngân hàng ở Westminster, cho biết từ nhiều năm qua, hai vợ chồng cô đã không còn tặng quà cho nhau nữa. Thay vào đó, “Chúng tôi cùng đi shopping rồi chọn món đồ mà mình thích.”
Cô Hằng tâm sự thêm, “Ông xã tôi rất ghét đi mua sắm, vì thế đây là dịp mà ổng coi như chìu tôi thôi. Cho nên không hẳn là lãng mạn hay bất ngờ, mà quan trọng đây là dịp hai vợ chồng đi cùng nhau và để mua cái mà chúng tôi muốn.”
Trong khi đó thì cô Julia Nguyễn, làm việc tại một beauty salon ở Newport Beach, quan niệm, “Tôi thấy lúc mình hạnh phúc nhất là khi mình nhận được một món quà mà mình chẳng hề hay ít mong chờ nhất. Có những khi ông xã tôi mang về nhà một bó hoa, chỉ cười thôi, không nói gì hết. Nhưng tôi biết là ổng muốn tôi vui. Còn tôi biết ổng thích chocolate nên đôi khi tôi gói một hộp chocolate ngon đặt trên bàn làm việc của ổng, không cần phải là một dịp gì quan trọng hết.”
Chính vì suy nghĩ này mà theo cô Julia, “Việc không tặng quà theo kiểu truyền thống nữa không có nghĩa là sự lãng mạn không còn.”
Dự kiến doanh số bán lẻ trong năm nay tăng 4.1%, theo ước tính của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia. Ðó là dự báo lạc quan nhất kể từ khi nền kinh tế suy thoái.
Khảo sát của American Express Publishing và Tập đoàn Harrison cũng nhận ra rằng việc tặng quà sẽ sút giảm trong năm nay, nhưng Top 10% người khá giả lại tăng việc tặng quà lên đến 22% so với năm 2011.
Ngày “Black Friday” cận kề, người ta lại chuẩn bị náo nức mua sắm, cho mình và cả cho bạn bè, người thân. Hy vọng, người được nhận quà sẽ cảm thấy sung sướng, hạnh phúc, chứ không phải là một nụ cười gượng gạo, vì rõ ràng mình đang cầm trên tay món quà “tặng lấy có.”