“Tức. Một tay nó bóp d.., tay kia dán băng keo bịt miệng, thế mà vẫn lớn tiếng chê mình hèn..."
Tôi mới đọc bài viết “Sự hèn mạt của báo chí” trên blog của Trương Duy Nhất. Đọc xong, vừa thán phục vừa ngậm ngùi. Thán phục sự can đảm của tác giả và ngậm ngùi cho thân phận báo chí Việt Nam.
Trương Duy Nhất kể lại một câu nói của một cán bộ tuyên giáo nào đó trong một bữa nhậu mấy năm trước: “Báo chí các cậu hèn bỏ mẹ!” Rồi bình luận tiếp: “Tức. Một tay nó bóp d.., tay kia dán băng keo bịt miệng, thế mà vẫn lớn tiếng chê mình hèn. Định vung cho lão một đấm, nhưng nghĩ lại thấy lão nói đúng chứ đâu sai. Báo chí kiểu gì mà chỉ một cú điện thoại, một văn bản miệng đã răm rắp tự bịt miệng nhau.”
Và ông dẫn chứng: “Một cái lệnh miệng từ văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Văn Giang (Hưng Yên) cũng khiến tất cả hơn 700 tòa báo câm lặng, không dám cử phóng viên đến đưa tin. Khi hai phóng viên của đài tiếng nói Việt Nam (VOV) bị đánh đập, trấn áp dã man, bị còng tay bắt giữ như tội phạm, thu máy ảnh, thu thẻ nhà báo, thẻ đảng, thẻ luật gia… nhưng không một tòa báo nào dám lên tiếng, kể cả cơ quan chủ quản của họ. Và bản thân 2 nhà báo bị đánh cũng không dám công khai lên tiếng.
“Phải đợi đúng nửa tháng sau, trước sức ép dữ dội từ dư luận và sự mắng chửi từ các trang mạng lề trái, VOV mới miễn cưỡng đăng vài mẩu tin lên tiếng bảo vệ phóng viên của mình. Nhưng được vài hôm rồi im bẵng đến nay. Không còn nghe bất cứ một tòa báo nào nhắc lại chuyện này nữa. Câu chửi “Đ.M mày! Nhà báo cũng đánh cho chết mẹ mày đi” trong vụ trấn áp Văn Giang vẫn văng vẳng mãi như một nỗi ô nhục của nghề báo.”
Trương Duy Nhất nêu lên nhận định của một số đồng nghiệp.
Ví dụ, nhà báo/blogger Phan Văn Tú: “Trong đầu thằng nhà báo Việt nào hình như cũng có một cái kéo. Nó tự cắt nó trước khi bị người khác cắt”. Hay, nhà báo Đào Tuấn, được giới thiệu là một “cây bút kỳ cựu của Đại Đoàn Kết, nay sang tờ Dân Việt”: “Nhiều người cầm bút giờ còn bi kịch hơn khi hàng ngày phải viết những điều không giống với sự thật… hàng ngày, dù không tin, nhưng vẫn phải viết ra một điều không thật – một cách khéo léo đến dối trá, để thuyết phục người đọc tin rằng đó là sự thật.”
Cuối cùng, Trương Duy Nhất kết luận, đay đi nghiến lại nhiều lần, trong nhiều câu khác nhau, trong suốt nửa sau của bài viết:
“Chưa bao giờ báo chí lại sợ hãi đến vậy. […] Run sợ đến dối trá. […] Báo chí chưa bao giờ nhạt chán, hèn nhục đến vậy. […] ở Việt Nam, nếu không mù chữ thì ai cũng có thể làm nhà báo được.”
Không phải chỉ có giới làm báo mới hèn. Các giới khác, từ giới làm văn, làm thơ đến giới làm âm nhạc cũng hèn. Nhạc sĩ Tô Hải tự nhận mình là “bồi bút”, là “hèn sĩ”, và, ở tuổi 80, viết nguyên cả một cuốn sách với nhan đề là Hồi ký của một thằng hèn.
Trước đó, năm 1988, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, trong bài “Cái hèn của người cầm bút” đăng trên tạp chí Sông Hương số 31, cũng nói nhiều về những cái hèn ấy. Ông so sánh giới cầm bút Việt Nam với một số người cầm bút ở Liên Xô cũng như ở Việt Nam thuộc thế hệ trước, như Nam Cao, chẳng hạn, và rút ra nhận định: Nhà văn Việt Nam hèn không phải chỉ ở việc bẻ cong ngòi bút để phục vụ tuyên truyền mà còn ở chỗ không dám viết thật, dù chỉ viết cho mình đọc. Có điều kết luận của ông không hẳn dễ được nhiều người đồng ý: Người cầm bút Việt Nam hèn, nhưng cái hèn ấy chủ yếu “do chính người cầm bút tạo nên cho mình. Mình tự làm hèn mình!”
Nói đến cái hèn của người cầm bút Việt Nam, không thể không nhớ đến bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” của Nguyễn Minh Châu trên báo Văn nghệ ở Hà Nội năm 1987, một bài viết được xem là tiêu biểu cho phong trào đổi mới văn học tại Việt Nam. Bài viết đặt ra nhiều vấn đề, trong đó, một trong những vấn đề được Nguyễn Minh Châu viết một cách tâm huyết và để lại nhiều ấn tượng nhất cho người đọc chính là vấn đề cái hèn. Có lúc ngỡ như ông vừa viết vừa nghẹn ngào. Giọng văn đầy cảm xúc:
“Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn. Vì thế mà từ xưa tới nay có bao nhiêu nhà văn nhà thơ đã đi ở ẩn ngay trong tác phẩm? Chúng ta vắng thiếu những cây thông đứng sừng sững. Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: “Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!”, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng. Có người cầm bút đến lúc sắp bước sang thế giới bên kia vẫn chưa dám thốt lên một lời nói thật tự đáy lòng, không dám viết hồi ký thực, vì sợ để liên lụy đến đời con cái. […] Sao mà khổ vậy?”
Đọc những lời tức tưởi như vậy, thực tình tôi không muốn bình luận gì thêm. Chỉ thấy vang vang trong đầu câu hỏi của Nguyễn Minh Châu: “Sao mà khổ vậy?”
Ừ, sao mà khổ đến mức như vậy mà người ta vẫn chịu đựng được mãi?