main billboard

Không thơm cũng thể hoa nhài ... Dẫu không thanh lịch cũng người Trường An


Thư gởi bạn ta


hohoankiemTuần qua, thành ủy Hà Nội đã tổ chức một cuộc hội nghị để thảo luận việc tái tạo nét thanh lịch cho thành phố này, cái nét thanh lịch mà nhiều người cho rằng đang mất đi, và nếu không tìm cách xây dựng lại, những nét đẹp của Hà Nội sẽ vĩnh viễn biến mất.

Không thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Trường An

Hai câu này từ nhiều năm nay vẫn được người Hà Nội dùng để nói lên sự tự hào về con người và nét thanh lịch, tử tế, văn hóa, văn minh của người dân thủ đô mặc dù Trường An không phải là Hà Nội. Trường An là Hoa Lư cũ được vua Lý Thái Tổ đặt tên lại. Và trong dân gian, từ rất nhiều năm, người Hà Nội khi nói về nét đẹp của Hà Nội, đã coi Trường An là Hà Nội luôn.

Hà Nội thực ra cũng đã có một thời đẹp như thế. Hai câu lục bát mà người Hà Nội hay dùng để ngợi ca nét sang trọng, thanh lịch của người dân thủ đô dường như là của Nguyễn Công Trứ. Nhưng cho dù hai câu lục bát ấy là của ai chăng nữa thì vẫn là một khẳng định về nét thanh lịch của con người và của thành phố Hà Nội.

Nhưng cái đẹp của Hà Nội đã bị làm cho xấu đi rất nhiều. Từ lời ăn tiếng nói, đến tư cách con người, cách sống, lối ứng xử trong đời sống đang mỗi ngày mỗi suy thoái một cách đáng sợ. Bí thư thành ủy Hà Nội đã nói thẳng như thế tại cuộc hội nghị khi nói rằng cái xấu đang lấn cái đẹp, cái hay của Hà Nội. Một người khác thì nói Hà Nội phải tìm cách đẩy lùi những cái xấu đi, và việc xây dựng lại con người Hà Nội thanh lịch văn minh vẫn chưa được coi trọng và chưa thật sự lan tỏa rộng rãi.

Như vậy, chính những người Hà Nội đã phải nói lên những điều đó chứ chẳng phải là qua lời của những kẻ xấu chỉ toàn phóng đại những điều tiêu cực về Hà Nội.

Thực ra, chuyện Hà Nội càng ngày càng xấu đi người ta đã thấy từ lâu. Vaclav Havel, tổng thống Tiệp Khắc sau khi quốc gia này từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản có nói rằng những người Cộng Sản có một cái biệt tài là biến tất cả những cái đẹp thành những cái xấu. Hà Nội đã trở thành một đô thị rất xấu và người dân Hà Nội đã mất hết những nét thanh lịch văn minh từ lâu vẫn đi liền với con người Hà Nội.

Tiến trình biến Hà Nội và người dân Hà Nội trở thành xấu xa đã khởi sự ngay sau ngày Việt Nam bị chia đôi với đợt di cư của hơn một triệu người dân miền Bắc mà trong đó, một số khá đông đảo là những người dân Hà Nội. Những người ở lại Hà Nội sau đó cũng phải bỏ thành phố này vì bị buộc phải làm như thế sau những chiến dịch đánh tư sản mà người dân Sài Gòn cũng phải gánh chịu sau năm 1975.

Một con số đông đảo những thành phần không phải là người Hà Nội được đưa vào thủ đô, mang theo những nét không phải là của Hà Nội vào thành phố. Và từ đó, Hà Nội không còn là Hà Nội cũ nữa. Tiếng nói là thứ thay đổi trước nhất. Cùng với tiếng nói, là tính tình, cách ứng xử trong đời sống hàng ngày, là con người Hà Nội.

“Dáng kiều thơm” trong giấc mơ của Quang Dũng (Tây Tiến) nhường chỗ cho những người gốc gác ở những thành phố khác kéo nhau vào sống ở Hà Nội. Hà Nội, tức là “em” trong Giấc Mơ Hồi Hương của Vũ Thành cũng không còn nữa. Hà Nội “dáng chiều ủ bóng tiên nga, mắt huyền ngây ngất đê mê, tóc thề thả gió lê thê” của Hoàng Dương chỉ sau mấy năm cũng biến mất.

Sau ngày Sài Gòn đổi chủ, những người Hà Nội vào Sài Gòn được mô tả ngay là “áo phin quần trắng, dáng điệu con sen là người Hà Nội”. Những người từ Hà Nội vào Sài Gòn bầy ngay ra những nét “đẹp” xã hội chủ nghĩa qua chuyện học sinh chửi thề tục tĩu, vô lễ ở trường, người lớn thì phét lác chỉ lo chôm chỉa gian ác.

Những chi tiết ấy chẳng hề là sản phẩm của thái độ thù ghét của người miền Nam dành cho người Hà Nội. Những điều đó được tường thuật lại ngay trên những trang báo của nhà nước từ những năm cuối của thập niên 70: các nữ giáo sinh sư phạm cũng mỏ miệng ra là chửi thề hết sức tục tĩu.

Giữa Hà Nội, một ngôi trường đã phải dựng một tấm bảng ở giữa sân trường nói rõ lệnh cấm các học sinh nam nữ ôm hôn nhau, tụt quần trong sân trường.

Ở trường học mà đạo đức văn minh, lịch sự đã xuống cấp tới mức độ đó rồi sao?

Những tấm bia tiến sĩ trong Quốc Tử Giám thì bị học sinh leo lên ngồi để ... tạo dáng. Chuyện ăn uống thì Hà Nội nổi tiếng với các món phở chửi, bún mắng, cháo quát. Tờ Dân Trí mới đây cho biết những hiện tượng thiếu văn minh và phản văn hóa đang càng ngày càng phổ biến hơn ở Hà Nội khiến thành phố này đang mất đi những nét văn hóa của miền đất nghìn năm văn hiến. Nhân viên phục vụ, chủ nhà hàng đều thi nhau ăn nói mất dậy, vô giáo dục trong khi khách vẫn nườm nượp kéo nhau đến vục mặt vào những tô phở, tô cháo để ăn trong khi bên tai thì tiếng quát mắng, chửi bới vẫn oang oang rền rĩ. Như thế, nét văn minh và văn hóa thiếu vắng hoàn toàn ở cả hai phía, phía chửi mắng và phía chấp nhận ngồi ăn và nghe chửi. Thái độ vô giáo dục, vô phép, hỗn láo đó mới đây đang được nói lên khá nhiều trên các báo trong nước. Trong mấy ngày trước Tết khi người dân đi mua bánh trái về cúng Tết thì cảnh hỗn láo tại những tiệm bán bánh mứt cũng được nói đến rất nhiều. Rồi chuyện một người vào công tác ở Sài Gòn phải viết lên báo khoe là ở Sài Gòn đã được một cô gái cám ơn khi ông chỉ làm giúp cô một việc rất nhỏ trên đường phố. Hay một người Hà Nội khác thì kinh ngạc khi thấy một cặp nam nữ cẩn thận bỏ ly cà phê giấy vào thùng rác sau khi uống hết cà phê. Kinh ngạc đến nỗi ông không tin đó là hai người trẻ ở Hà Nội.

Vì đâu Hà Nội lại xuống cấp như thế? Một số ý kiến cho rằng con người Hà Nội bây giờ không phải là những người dân Hà Nội đích thực. Một số khá đông từ các vùng khác chuyển vào Hà Nội và mang theo những cách sống thiếu văn minh và thiếu giáo dục của họ. Họ cũng mang theo những cái giọng không phải là giọng Hà Nội để làm biến dạng cái giọng nói của người Hà Nội. Hiện tượng này sẽ còn gia tăng trầm trọng thêm nữa khi các gia đình trẻ bận kiếm tiền, không có thì giờ dậy dỗ con cái phải thuê những người từ những nơi ngoài Hà Nội vào làm công việc giữ trẻ. Hiện nay, Hà Nội đã phải có một bộ luật quy định việc lựa chọn những thành phần được cho vào sống ở Hà Nội thí dụ phải có bao nhiêu năm công tác, có việc làm hay nhà cửa chưa... Nhưng ngay cả những thứ luật lệ đó cũng không thể xoay ngược lại tiến trình làm bẩn thành phố Hà Nội đi.

Hà Nội đã được dậy cho toàn những cách sống xấu xa từ trên xuống dưới thì làm thế nào từ nay đến năm 2015 thành phố này, như dự đoán của một đại biểu quốc hội, sẽ có được những đổi thay trong nề nếp sống cũng như văn hóa ứng xử của người dân Hà Nội.

Nhớ lại vài ba người Hà Nội mà tôi có dịp quen biết như Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sỹ Tế, Phạm Ðình Chương, Mai Thảo, Thái Thanh, Kiều Chinh, Nguyên Sa, Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng... mới thấy đó mới chính là những người Hà Nội đích thực. Bao giờ cũng nhẹ nhàng, tinh tế, khéo léo, thân thiện, lễ phép.

Những người như thế nay đã người còn người mất. Rồi họ cũng sẽ như những con khủng long tuyệt chủng, biến mất hoàn toàn trên mặt đất này. Hà Nội cũ đẹp chỉ còn trong trí nhớ. Hà Nội thanh lịch sẽ không bao giờ còn nữa.

Phá hỏng đi thì quá dễ. Xây dựng lại, tái tạo sẽ rất khó. Trường hợp Hà Nội thì chắc sẽ không thể làm được.