"...Tôi xin hỏi liệu sau này có một cường quốc phương bắc xâm chiếm một mảnh đất nào của chúng tôi hoặc của các ông thì các ông sẽ đối phó ra sao?’
Là một người dân miền Nam đã từng sống qua những ngày mất nước sau năm 1975, mấy hôm nay tôi ngồi đọc những tài liệu được các tờ báo trong nước phổ biến về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 mà nhiều khi nghĩ lại càng thấm thía.
Trong những năm đầu sau khi chiến thắng lấy được miền Nam, thái độ không những của chính quyền mà còn của đa số người dân miền Bắc đối với miền Nam phải nói chung là một thái độ miệt thị. Cũng như chính quyền của họ, người dân miền Bắc coi thường những con người miền Nam, từ các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đến công chức, đến cả người dân bình thường.
Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trở thành “ngụy quyền,” quân nhân Việt Nam Cộng Hòa trở thành “ngụy quân,” và người dân miền Nam trở thành, như một người bạn chúng tôi đã đùa bảo “ngụy dân” tức là một thứ dân hàng nhì, không đáng được làm dân của chế độ.
Rồi thì một cuộc trả thù vĩ đại đã diễn ra. Lệnh “tập trung cải tạo” được đưa ra lúc đầu với luận điệu là chỉ đi “học tập” một thời gian thì sẽ được về an cư lạc nghiệp. Có những người như chúng tôi biết rõ luận điệu đó hoàn toàn giả dối và mục đích chính là để bỏ tù toàn thể những thành phần mà chế độ coi là thù nghịch.
Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, rồi năm này qua năm khác, nhưng người gọi là đi “học tập” không thấy trở về. Vài tháng sau, gia đình nhận được thơ để đi thăm nuôi. Cái cảnh cả nước gồng gánh đi thăm nuôi thân nhân. Gần thì cũng Long Khánh, Xuân Lộc, xa có người lặn lội ra cả ngoài Bắc. Ở trong Nam, những người đi thăm nuôi được bà con giúp đỡ, nhưng ở ngoài bắc, thái độ thù nghịch thấy rõ.
Nhưng không phải chỉ những công chức quân nhân cao cấp và trung cấp bị đi tù. Cuộc trả thù bắt đầu lây sang dân chúng. Các nhà tù đông nghẹt người. Họ là những kẻ đã tìm cách “vượt biên,” họ là những kẻ bị coi là tư sản, họ là những người dân không quen và không hiểu luật lệ của chế độ mới. Họ là những người dân sống trong một quốc gia đã bại trận. Sự bắt bớ nhiều khi nhỏ mọn đến một cách nực cười mặc dầu là cười ra nước mắt. Trong nhà giam Chí Hòa tôi đã gặp hai chị em bị bắt chỉ vì cái tội “thuê nhà cách mạng.” Khi hỏi thì ra hai cô đã thuê phải một căn nhà vốn là của một người đã đi tập kết ra Bắc sau năm 1954, nay trở về. Ðòi nhà thì hai cô trả ngay nhưng người kia không chịu muốn bắt các cô bỏ tù cho bõ ghét!
Cuộc chiến tranh Việt Nam, mặc dầu có những sự can thiệp của Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Cộng, nhưng vẫn là một cuộc nội chiến. Ða số máu đổ thịt rơi là máu thịt người Việt. Không nội chiến sao được khi mà riêng trong gia đình tôi, tôi có một ông chú là đại tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa nhưng tôi cũng có một ông chú là đại tá trong quân đội Nhân Dân Việt Nam. Nhưng chính quyền thắng trận đã thù ghét những đối thủ nhưng cũng là đồng bào của mình còn hơn cả kẻ địch nước ngoài. Những ngôi mộ khang trang của các binh sĩ Trung Cộng sang xâm lăng Việt Nam hồi năm 1979 đã là bằng cớ. Nhất là khi so với cảnh hoang tàn của Nghĩa Trang Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa ở Biên Hòa.
Ðã có lần, trong một lúc mạn đàm, tôi đã từng hỏi những bạn bè miền Nam là nếu miền Nam thắng, nếu chúng ta là kẻ thắng chúng ta có làm vậy không? Và hầu hết nghĩ là không. Dĩ nhiên là sẽ có một số trả thù cá nhân, nhưng đưa việc trả thù lên thành một quốc sách thì khó chấp nhận quá.
Cũng có người bảo thế thái độ của Vua Gia Long đối với triều thần của Vua Quang Trung thì sao? Có người trả lời, “Chúng ta đã từng chê Vua Gia Long nhỏ mọn, chả lẽ chúng ta cũng hành xử như vậy sao?” Có người khác tìm cách giải thích qua quan niệm “chính-ngụy” của Nho giáo.
Thế rồi một người hỏi, “Tại sao họ làm vậy? Tại sao họ lại hận thù đến thế?” Một chuyên gia về chế độ cộng sản ở miền Bắc tìm cách giải thích là một phần họ nghĩ phải uy hiếp như vậy là vì họ biết, qua chính những tài liệu mà Việt Nam Cộng Hòa đã thu được trước khi mất nước, là chỉ có khoảng 15% dân chúng miền Nam là theo họ. Nói cách khác họ đàn áp vì họ sợ.
Tuy vậy tôi vẫn không hiểu. Tôi không hiểu được tại sao ông anh họ nhà tôi có thể hỏi, “Thế chú nợ máu với nhân dân bao nhiêu mà nhà cao cửa rộng thế này?” Sau này khi chứng kiến nước Ðức thống nhất, tôi lại càng thấy khó hiểu tại sao?
Ba mươi chín năm trôi qua.
Hôm nọ tôi được đọc nhà báo Huy Ðức trích lại một đoạn trên báo Thanh Niên trong số ra ngày 12 tháng 1 năm 2014 như sau, “Trong một buổi làm việc chính thức, một thiếu tá VNCH đã hỏi ông Quang: ‘Chúng ta đều là người Việt, hiện tại chúng ta đang là kẻ thù của nhau nhưng sau này có lẽ sẽ không là kẻ thù của nhau nữa. Tôi xin hỏi liệu sau này có một cường quốc phương bắc xâm chiếm một mảnh đất nào của chúng tôi hoặc của các ông thì các ông sẽ đối phó ra sao?’ ‘Lúc đó tôi mới ngoài 30, nhiều vấn đề cũng chưa hiểu rõ để đủ sức trả lời câu hỏi này. Chỉ một năm sau đó khi xảy ra sự kiện Hoàng Sa tôi mới thấy rằng chính những người ở phía đối địch hóa ra họ cũng có ý thức bảo vệ đất nước không hề kém chúng ta,’” ông Quang nhớ lại. (Ông Quang đây là ông Nguyễn Ðăng Quang, thành viên của phái đoàn miền bắc trong Phái đoàn quân sự bốn bên hồi đó sống ở Tân Sơn Nhất.)
Ông Quang đã vỡ lẽ một việc, đối thủ của ông bên kia chiến tuyến cũng là những người Việt Nam.
Giờ đây trên trang báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ, đã có hàng loạt bài viết về cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Những bài báo hết lời ca tụng các chiến sĩ anh hùng của Việt Nam Cộng Hòa trong cố gắng bảo vệ tổ quốc.
Nhưng điều đáng ghi nhận hơn là việc tờ Thanh Niên Online đã đưa nguyên văn hai Tuyên cáo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa ngày 19 tháng 1 năm 1974 và Tuyên cáo của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ngày 14 tháng 2 năm 1974.
Và tờ báo biện luận cho việc đăng tải này như sau, “Chúng ta coi những tờ chiếu, tờ lệnh mà các triều vua, chúa thời Nguyễn ban cho các đội thủy quân, đội dân binh đi thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa là bằng chứng chứng minh chủ quyền, cho thấy hoạt động thực thi chủ quyền cấp nhà nước của các nhà nước tại Việt Nam là liên tục và không bao giờ từ bỏ. Thì ở đây, sự kiện các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa nổ súng vào tàu quân xâm lược Trung Quốc, cũng như những tuyên bố chính thức từ Chính phủ, Bộ Ngoại Giao và các cơ quan khác thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xung quanh hải chiến Hoàng Sa 1974 là những bằng chứng đanh thép tố cáo hành động xâm lăng phi pháp của Trung Quốc, khẳng định ý chí chủ quyền không bao giờ nhượng bộ của người Việt Nam.”
Bây giờ mới biết chúng ta cũng đều là người Việt Nam thì đã quá trễ. Nhưng có lẽ trễ còn hơn không.