Nhưng trong cuộc đời của họ, nhất là trong 38 năm qua, họ đã chứng kiến nhiều cảnh “hôi của” do những người có quyền chức làm một cách công khai.
Ngày đầu năm 2014 có một tin vui. Mấy trăm đồng bào từ nhiều tỉnh miền Ðồng Bằng Sông Cửu Long đã kéo nhau về Sài Gòn biểu tình đòi đất. Mở màn một năm trong không khí tranh đấu quật cường, đây là một điềm lành cho năm mới. Vui hơn nữa, là trong đoàn biểu tình có người mang biểu ngữ “Vô cùng tiếc thương Việt Dzũng”. Chắc quý vị nạn nhân bị cướp đất chưa gặp Việt Dzũng bao giờ, mà hồi nào tới giờ cũng chưa được nghe Việt Dzũng hát. Họ chỉ muốn chia sẻ nỗi buồn chung của cả một khối người Việt Nam, mà phần lớn sống ở nước ngoài. Chúng ta thấy một mối hy vọng bùng lên: Trái tim dân tộc đập cùng một nhịp. Chia sẻ với nhau những uất hận, những khát vọng cho tương lai, và cùng một ý chí tranh đấu. Bước chân của Việt Dzũng trong cuộc Hành trình Hy vọng đã bắt đầu về tới nước Việt Nam từ ngày nào không biết. Nhưng chắc chắn đã bắt đầu.
Một người đàn ông đang bê một bao bắp đã bị rơi từ xe tải (Ảnh trên Net)
Một tin buồn trong ngày đầu năm là một vụ hôi của tập thể xảy ra, cũng trong tỉnh Ðồng Nai. Nhiều người lại lo lắng cho tương lai nước ta. Vì thấy dân trí và đạo đức của người mình sa sút quá, không biết làm sao phục hồi được, đến bao giờ mới phục hồi! Ðồng bào hai bên quốc lộ 51 qua Long Thành đã chạy ra đường vơ vét những bao bắp rớt từ trên chiếc xe vận tải đi qua. Khi ông tài xế quay đầu xe, trở lại lại để lượm hàng thì đồng bào mình vẫn tiếp tục cướp, quét bắp vào giỏ hay khuân vác bao bắp mang về nhà.
Ai cũng phải nhớ lại vụ “hôi bia” tháng trước, một chiếc xe tải lật làm rớt 1,300 thùng bia Tiger xuống đường, tại bùng binh Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa. Ðồng bào mình cũng hăng hái xông ra lượm, ôm, vác bia đem về nhà.
Cả hai hoạt cảnh được chụp ảnh, quay phim, và đưa lên mạng, truyền đi khắp thế giới. Nhiều người Việt Nam thấy xấu hổ; nhất là vụ hôi của thứ hai diễn ra sau khi cả nước đã hổ thẹn và tự vấn lương tâm sau vụ “hôi bia”. Nhà báo tường thuật đã kết luận: “Vụ ‘hôi bắp’ mới nhất cho thấy, hầu như người dân bất chấp dư luận xã hội lên án mạnh mẽ qua vụ ‘hôi bia’ vừa rồi...”
Nhưng có lẽ chúng ta không nên bi quan quá đáng. Những đồng bào “hôi bắp” này quả thật đáng trách. Tất cả chúng ta đáng hổ thẹn về tư cách của một số đồng bào quá tham lam. Nhưng không nên thấy như vậy mà tuyệt vọng.
Trước hết, nói “người dân bất chấp dư luận xã hội” là nhà báo đã đổ oan cho các đồng bào vừa mới đi ăn cướp này. Vì không phải ai cũng biết tin về vụ hôi bia lần trước. Cho nên họ cũng không hề biết tới dư luận xã hội phản đối những người đi hôi bia lần trước. Ðồng bào sống ở miền quê, dù ngay bên quốc lộ, có khi chẳng bao giờ đọc báo, càng không lên Internet; cho nên không biết gì về vụ cướp bia và những phản ứng lên án trong dư luận.
Thứ hai, hành động lượm đồ rơi rớt trên đường, lấy về cho mình hưởng, đã trở thành một thói quen trong xã hội nước ta, không riêng gì trong câu chuyện này. Thế kỷ trước, Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ đi qua Nhật Bản, hai cụ bỏ quên một hành lý trên xe lửa, mấy ngày sau có nhân viên sở hỏa xa đem tới trả tận nhà trọ. Hành lý bỏ quên mà hãng xe lửa vẫn tìm lại được, vì không người Nhật nào cầm lấy đem về cả. Phan Bội Châu cảm phục, kể lại chuyện này để tỏ lòng kính trọng tư cách của người dân Nhật cũng như bộ máy công quyền nước họ. Cụ không biết bao giờ nước Việt Nam mới tiến bộ được như vậy! Ðồng bào ở quốc lộ 51 cũng hành động giống như nhiều người khác trên thế giới, là thấy bao bắp rớt xuống bên đường thì nghĩ rằng có thể lấy về dùng, vì đó là một vật vô chủ. Yếu tố quan trọng là cả người làm rơi rớt một món đồ và người lượm vật đó đều vô danh, không ai biết ai là người nào. Con người ta thường cư xử với nhau tử tế nếu biết nhau, trông thấy mặt nhau; khi đối đãi với những đồng loại vô danh thì phần lớn người ta xóa bỏ các quy tắc luân lý mà lúc bình thường vẫn tôn trọng. Tất nhiên, không ai nên lượm đồ người khác để quên hay đánh rớt, lấy làm của mình. Dù chỉ có một người, lượm một vật do người khác đánh rớt, đó cũng là một vụ “cướp của” mà nạn nhân là một đồng loại vô danh. Chúng ta cần tập luyện, và tập cho con cháu theo thói quen là thấy cái gì vô chủ cũng không chiếm lấy. Nhưng chúng ta có thể thông cảm với một số đồng bào bên quốc lộ 51, họ đã không cưỡng nổi lòng tham, đi chiếm đoạt những bao bắp người lái xe làm rớt. Họ đã hành động theo một thói xấu lưu cữu trong xã hội từ trước.
Thói xấu chiếm đoạt của người khác do đâu mà sinh ra? Tôi tin rằng khi mới sinh ra, và khi còn nhỏ, những đồng bào mới đóng vai cướp của này vốn không tệ như vậy. Chắc họ cũng được cha mẹ dạy cho phải sống lương thiện. Nhưng trong cuộc đời của họ, nhất là trong 38 năm qua, họ đã chứng kiến nhiều cảnh “hôi của” do những người có quyền chức làm một cách công khai. Bọn cướp của không những không cần che đậy mà còn đem của cải ra khoe khoang nữa! Ðồng bào tỉnh Ðồng Nai không ai quên được thời Nguyễn Minh Triết cầm quyền, các quan chức đã dùng mưu thay đổi chính sách nay thế này, mai thế khác để chiếm đoạt biết bao nhiêu mẫu đất công, biến thành đất tư. Những người đó bây giờ đều là các đại gia. Tay chủ đồn điền cao su lớn nhất, xây ngôi nhà cao, đẹp, “hoành tráng” nhất trong tỉnh, chính là “quan chủ tỉnh” bây giờ. Trước những tấm gương “cướp ngày” như vậy, người dân nào còn đủ bản lãnh để sống theo lời dậy của tổ tiên: “Ðói cho sạch, rách cho thơm!”
Ðói. Ðói có thể là lý do thứ ba khiến chúng ta cảm thương trong khi vẫn buồn và giận những đồng bào mình mới đi ăn cướp bắp. Bản tin về vụ “hôi bắp” cho biết trong khi nhiều người tiếp tục vơ vét những túi bắp rớt trên đường thì người tài xế cũng được một số đồng bào khác giúp lượm các túi bắp giúp đặt lên xe. Những người đi cướp và những người làm việc thiện là hàng xóm sống bên nhau, có thể suốt cả đời. Họ không phải là hai giống dân sống với hai nền văn hóa khác nhau, được gia đình và trường học giáo dục theo lối khác nhau. Tại sao người ta lại hành động khác nhau như vậy. Có thể vì nhiều người đói, hoặc đang lo sẽ bị đói.
Chắc quý vị cũng mới đọc bản tin trên Người Việt về những thanh niên trên dưới 20 tuổi đi ăn cướp ở Sài Gòn, mà chính công an cho biết đa số người bị bắt khai nguyên nhân đi ăn cướp là vì đói. Nhìn những khuôn mặt trên báo mạng, chúng ta thấy bốn thanh niên mà không người nào có vẻ đã sinh ra đời để đi căn cướp cả! Một nhóm năm thanh niên ở Sài Gòn vốn có nghề làm thợ may, thợ sửa xe, nhưng kiếm không đủ sống nên quay sang nghề đi cướp. Thành viên trẻ nhất của băng này 17 tuổi khai rằng: “Em thất nghiệp, đói lên đói xuống. Về quê thì không ai nuôi nên đành đi cướp để kiếm sống qua ngày.” Một thanh niên cư dân tỉnh Hậu Giang phải đi ăn cướp cũng vì đói. Một thanh niên khác khai đã bỏ quê lên Sài Gòn làm thợ hồ. Gần đây, đói lả vì thất nghiệp, anh dùng dao uy hiếp người đi đường để cướp vài chục ngàn đồng để mua cơm ăn nhưng không thành công, bị bắt. Chính quyền cộng sản đã hô hào và khoe thành tích những chương trình “chống đói giảm nghèo” từ mấy chục năm nay. Chắc các bạn trẻ đi ăn cướp vì họ thấy chỉ còn con đường tự mình “chống đói giảm nghèo” lấy! Nhiều đồng bào ở quốc lộ 51 đi cướp hạt ngô đem về cùng cũng tự lo “chống đói giảm nghèo” như vậy. Quét mặt đường để vét lấy một thúng bắp đem về, trị giá chưa đáng một đôla. Tại sao người ta phải làm như vậy? Ai chịu trách nhiệm về hành động cùng quẫn của những người quên mất đạo lý này?
Tổ tiên chúng ta đã nhận xét một thói đời là “đói ăn vụng, túng làm liều”. Tôi tin rằng nếu kinh tế phát triển, và của cải tạo ra được san sẻ công bình giữa mọi người Việt Nam thì sẽ không còn cảnh những đồng bào phải đi hôi bắp, cũng sẽ không còn cảnh những người thợ sửa xe, thợ hồ trẻ tuổi đói quá phải đi ăn cướp.
Sau cùng, trong ngày đầu năm ông thủ tướng của chính phủ cộng sản đã đọc diễn văn nói rằng đảng của ông vẫn theo chủ nghĩa xã hội, nhưng sẽ phải dân chủ nữa. Nhiều người, ở trong nước và ngoài nước, ghi nhận ý kiến này, coi là mới lạ. Nghe thấy là điềm tốt lắm. Nhưng chúng ta đừng quên rằng chế độ cộng sản xưa nay vẫn tự nhận chính họ cũng dân chủ, chưa bao giờ từ chối hai chữ dân chủ. Không những thế, họ còn cho biết rằng nền cai trị của họ còn dân chủ gấp vạn lần các chế độ dân chủ khác trong thế giới tư bản. Cái ông thủ tướng này nói sẽ dân chủ hơn, nhưng chắc chắn vẫn dân chủ theo lối của họ, chứ không phải theo lối chúng vẫn hy vọng xây dựng cho nước Việt Nam.