Chúng ta đòi hỏi nước Mỹ ngưng chuyện giao thương, buôn bán với Việt Nam trong khi chúng ta đổ tiền về Việt Nam không điều kiện.
Phó chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Western Union khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bà Drina Yue đã cho biết, Việt Nam là một trong mười sáu thị trường nhận tiền nước ngoài lớn nhất thế giới, vì Việt Nam hiện nay có khoảng bốn triệu người, trong đó có khoảng bốn trăm nghìn người lao động đang làm việc, sinh sống ở trên một trăm quốc gia trên thế giới. Năm 2010, kiều hối đã tăng lên 8.26 tỷ USD và năm 2011 đến con số đạt 9 tỷ USD. Con số này cao hơn mười lần con số tám mươi triệu mà Quốc Hội Mỹ làm ngơ không cứu VNCH năm 1975, nhưng hiện nay đồng bào hải ngoại, phần lớn đã bỏ nước ra đi vì cộng sản, mong một ngày về với đất nước không cộng sản, nhưng chính họ lại tiếp tay chắt bóp để nuôi cộng sản. Bạn có biết là số ngoại tệ này đã giúp Việt Nam ổn định, bù đắp thiếu hụt cán cân thanh toán vãng lai, mà cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có chính sách căn bản về việc này.
Vậy thì ai giúp Cộng Sản Việt Nam nhiều nhất? Câu trả lời là chính cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản.
Ai nói người Việt hải ngoại nuôi dưỡng hận thù, không yêu quê hương dân tộc?
Nếu nuôi dưỡng hận thù thì sẽ không có các tổ chức thiện nguyện mỗi năm đem tiền về nuôi kẻ khốn khó, mù lòa, nuôi trẻ mồ côi bất hạnh, lo cho các cụ già neo đơn hay người cùi bất hạnh, giúp thiên tai bão lụt, mà đúng ra những việc này phải do các cơ quan y tế, xã hội của Cộng Sản Việt Nam đảm trách. Nhưng mười tỷ, hay hai mươi tỷ cũng chỉ là hạt muối bỏ biển trong cái khổ đau, thiếu thốn của cả một dân tộc khi những tên được mệnh danh là đầy tớ của dân chỉ là bọn tham ô, xem dân như cỏ rác.
Nếu người Việt hải ngoại không yêu quê hương dân tộc thì sẽ không có những con số đồng bào mỗi năm tìm cách trở lại quê hương thăm mồ mả ông cha, giúp đỡ những người nghèo khó, đi từ Nam ra Bắc, rót hết đồng tiền dành dụm cho những chuyến đi.
Năm ngoái Bộ Ngoại Giao CSVN loan báo số lượng “Việt kiều” về ăn Tết lên đến 500,000 người. Như vậy, ngoài tiền máy bay ra, mỗi Việt Kiều rủng rỉnh, hạng chót cũng mang theo $3,000, rót về cho Việt Nam 1.2 tỉ đô la, không kể đến số tiền gửi hằng năm. Chúng ta đòi hỏi nước Mỹ ngưng chuyện giao thương, buôn bán với Việt Nam trong khi chúng ta đổ tiền về Việt Nam không điều kiện. Chúng ta đòi hỏi Việt Nam tôn trọng nhân quyền, trong khi bao nhiêu người trẻ tuổi tranh đấu cho lẽ phải, sự sống của người dân và chống ngoại xâm phải ngồi tù, thì “thương nữ” hải ngoại về cống hiến những đêm vui cho bọn cường quyền và ru ngủ đám thị dân quên chuyện đất nước lầm than.
Ðể biện minh cho chuyện trở lại quê hương, ông Trần Văn Thủy của “Chuyện Tử Tế,” đã bày ra câu chuyện “Nếu Ði Hết Biển,” kể chuyện bà thím nhà quê của ông khi trả lời câu hỏi của đứa cháu: “Ði hết làng ta thì đến làng nào hả thím?” Bà trả lời rành rẽ hết làng này sẽ đến làng kia, hết làng kia sẽ gặp làng nọ, sau ngôi làng cuối cùng, sẽ gặp biển.
“Thế đi hết biển thì đến đâu hả thím?” Bà thím này không trả lời được. Lớn lên ông Trần Văn Thủy mới tìm ra chân lý: “Ði hết biển, qua hết các đại dương, qua hết các châu lục, thì cuối cùng lại trở về làng xưa!” Quê hương là cái gì đẹp thật, thân yêu thật, nhưng nếu làng xưa là cái rọ, đi hết biển cuối cùng sẽ chui về cái rọ ngày xưa.
Nhiều cái cột đèn đã ra đi, nhưng không lẽ cột đèn lại trở về chôn chân mình vào cái lỗ cũ?
Bây giờ lại có người dạy chuyện đạo lý, cho chuyện trở về nơi mình đã ra đi “là ước mơ chung của tất cả những người được gọi là người...” Lẽ cố nhiên ước mơ trở lại quê hương là điều chính đáng của mọi người, nhưng liêm sỉ và đạo lý có hay không của chuyện trở về của những người này hay người kia, mới là chuyện đáng nói.
Chẳng lẽ ba vị đoạt giải khôi nguyên Nobel Văn Chương là thi sĩ Josept Brodsky (1987), văn hào Aleksander I. Solzhenitsyn (1970), nhà văn Cao Hành Kiện (2000), lưu vong vì chế độ cộng sản, chỉ trở về khi chế độ ấy mệnh chung, đều chẳng phải là người hay sao?
Tư lợi làm cho người ta ngụy biện và nói dối một cách thản nhiên.
Kẻ nói dối mà đỏ mặt chưa phải là kẻ nói dối, kẻ nói dối mà bình thản, ấy mới đáng sợ!
Ngày nay, bọn “theo chân Ðế Quốc Mỹ kiếm bơ thừa sữa cặn” mà năm 1975, cộng sản đã rêu rao, đã trở thành “khúc ruột ngàn dặm.” Ngày nay, bọn “ma cô, đĩ điếm” mà chúng đã không tiếc lời nguyền rủa, trở thành những người yêu nước, là khách mời để “thể hiện chính sách cởi mở của Nhà nước, tạo điều kiện cho những nghệ sĩ nay muốn hướng về Tổ quốc!”
Chuyện “Về-Ði” trong nhiều năm nay đã gây nhiều tranh luận, lời qua tiếng lại trong cộng đồng người Việt, và đã gây ra không ít chia rẽ. Những người về cộng tác với chính quyền trong nước, đương nhiên phải kể đến những việc giải trí, ca hát, ấn hành tác phẩm, đã tạo lợi thế cho chính quyền trong nước hân hoan khẳng định rằng: “Ðây cũng là bằng chứng hùng hồn của chính sách đại đoàn kết dân tộc!” Những hiện tượng này, kẻ chiến thắng coi như là những dấu hiệu hòa giải, quên đi quá khứ, hướng đến tương lai.
Trong khi đó cái khối người gọi là “dân tộc” trong nước lại chẳng thấy có tí nào đoàn kết. Hằng ngày ở nông thôn cho đến thành thị luôn luôn có sự đối đầu giữa hai thế lực, không cân xứng, một bên là cường quyền có công an vũ trang, súng đạn, chó săn, roi điện, một bên là người dân không tấc sắt trong tay, cơm đùm gạo bới đến cửa quan, vì phẫn nộ bởi chuyện mất đất mất nhà, mất quyền làm người, mà phải đứng lên tranh đấu, và nhận lãnh phần thiệt thòi nhất với đánh đập, tù đày.
Chứng bệnh Alzheimer làm cho người ta quên hết chuyện bây giờ mà nhớ những chuyện xưa, người đời lại mắc phải căn bệnh quên hết chuyện ngày xưa mà chỉ nhớ những chuyện trước mắt bây giờ. Do vậy có người đã quên cả chính mình, quên mình đã nói gì, hành động ra sao, nên soi gương thấy mặt mình dị dạng, thay đổi mà không biết hổ thẹn.
Tôi xin nhắc lại một câu danh ngôn về lợi dục đã có lần được ghi lại trên trang báo này: “Lợi dục không có phương châm nhất định, nó tùy phương hướng mà thay đổi, nó tùy thời buổi mà đổi thay, tùy công việc mà châm chước!”
Vậy con người, vì lợi dục mà phải ngụy biện, dối trá, hay lên mặt đạo đức thì cũng là chuyện thường tình!