“Có triển vọng cao là chính quyền Trung Quốc coi khu ADIZ này có tính cách biểu tượng, hơn là một khí cụ để nới rộng không phận trực tiếp dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc.”
Ðó là một câu hỏi mà rất nhiều người đã đặt ra khi Trung Quốc đột nhiên áp đặt một vùng bảo vệ không phận trên biển Hoa Ðông.
Và có rất nhiều câu trả lời. Những nhà chiến lược quân sự thì nghĩ đây là một cố gắng của Trung Quốc, chính quyền và quân đội, để một là “anti access/area denial” (từ chối tiếp cận) cho các lực lượng Hoa Kỳ và mở đường cho việc Trung Quốc có thể đẩy lùi khỏi vòng phòng thủ số 1 của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Những nhà chiến lược chính trị, ngoại giao thì nghĩ đây là một kế hoạch lâu dài để Bắc Kinh khẳng định chủ quyền và đồng thời cũng là một thử thách xem chính phủ Hoa Kỳ sẽ phản ứng ra sao.
Ðứng về phương diện quân sự, nhiều chiến lược gia cho đây là một phần của một chiến thuật rộng lớn hơn nhằm buộc quân đội Hoa Kỳ phải hoạt động ở xa hơn ngoài bờ biển của Trung Quốc. Và theo lập luận này thì Bắc Kinh sẽ có thể đang tính thêm những khu vực bảo vệ không phận khác ở biển Hoa Nam tức biển Ðông của Việt Nam và biển Tây của Philippines, cũng như họ sẽ lập một vùng tương tự trên Hoàng Hải.
Ðại diện cho giải thích này là ông Mike Green của trung tâm nghiên cứu Center for Strategic and International Studies, một trung tâm nghiên cứu chiến lược nổi tiếng ở Washington. Ông cho là việc tuyên bố này không phải chỉ là vì chuỗi đảo không người mà Nhật bản gọi là Senseku và Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư. Ông cho hành động này phải được coi như là một cố gắng của Trung Quốc “để khẳng định một khả năng từ chối lớn hơn và rồi tiến đến một vị trí chế ngự đối với Chuỗi đảo thứ nhất ngoài khơi của họ.” (Chuỗi đảo thứ nhất, theo chiến lược của Hoa Kỳ là Nhật Bản xuống Ðài Loan, Philippines chặn đứng đường ra đại dương của Trung Quốc).
Ông Green, vốn đã là thành viên của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ từ năm 2001 đến 2005, nói là hồi năm 2008 Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc đã tuyên bố “Chủ thuyết Cận dương,” mà họ đã theo đúng từng chữ, thử thách Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines và các quốc gia khác để xem họ có thể đẩy ra được đến bao xa.
Giáo Sư June Teufel Dreyer, một chuyên viên về Trung Quốc ở Viện Ðại Học Miami ở Florida thì nói đến “cắt salami” vốn là một phần rất lớn của chính sách chiến lược của Trung Quốc. Giáo Sư Dreyer giải thích, “Chính sách cắt dồi đã thành công tột đỉnh, nó tiệm tiến quá đến nỗi khó mà có thể giúp cho Nhật Bản hay bất cứ một quốc gia nào khác có thể phản ứng một cách quyết liệt. Không có một lằn đỏ nào rõ ràng đã được ấn định.” Ý Giáo Sư Dryer muốn nói đến là tục “lăng trì” hay “xẻo thịt” của Trung Quốc.
Lý luận theo các chiến lược gia này thì việc Bắc Kinh cố tình đặt Ðá Socotra mà họ gọi là Ðảo Ieodo vào trong khu vực ADIZ của họ. Quyết định này đã làm Nam Hàn tức giận, nhất là trong một cuộc họp ấn định trước về liên hệ quốc phòng giữa hai quốc gia, Bắc Kinh đã từ chối yêu cầu của Nam Hàn rút lại đừng bao khu vực đảo Ieodo vào trong khu ADIZ biển Hoa Ðông. Nam Hàn nay đã nới rộng vùng ADIZ của mình để bao Ieodo và đồng thời đặt mua năm phi cơ tiếp tế nhiên liệu. Số là hiện nay các phi cơ F-15 của Không Quân Nam Hàn chỉ có thể hiện diện trên Ieodo có 20 phút rồi phải bay về. Dàn phi cơ tiếp tế sẽ giúp cho có thể hiện diện được đến 80 phút.
Nhưng đồng thời Bắc Kinh lại không bao gồm một hòn đảo của Ðài Loan hiện đang có một đơn vị của Lực lượng Tuần duyên Ðài Loan đóng quân.
Và điều mà các chiến lược gia quân sự nay chờ đợi là Trung Quốc sẽ làm gì sau khi đã khẳng định vùng ADIZ.
Chuyên gia về các ADIZ và giám đốc Viện Nghiên Cứu Hàng Hải Trung Quốc của Học Viện Hải Chiến Hoa Kỳ, Peter Dutton giải thích, “Chúng tôi chờ xem Trung Quốc sẽ làm gì. Hy vọng là họ không bay vào không phận của quần đảo Sensaku, vì hiện quần đảo này đang nằm dưới sự cai trị của Nhật Bản và do đó sẽ là một hành động khiêu khích.”
Các chuyên gia quân sự cũng bày tỏ lo ngại về một vụ bắn nhầm như trường hợp năm 1983 khi một phi công Su-15 của Liên Xô bắn hạ một phi cơ chở hành khách của Nam Hàn đã bay lạc vào không phận của Liên Sô, làm cho 269 người thiệt mạng. Hay như vụ chiến hạm USS Vincennes bắn hạ chuyến bay của Iran Air trên Vịnh Ả Rập làm 290 người thiệt mạng vì tưởng nó là một chiếc F-14 của Không Quân Iran.
Và dĩ nhiên họ phân tích tỉ mỉ về lý do tại sao Trung Quốc khó có thể thực hiện nổi ý định bảo vệ một khu vực không phận như vậy.
Trong khi đó các chuyên gia về chính trị và ngoại giao thì nói ADIZ này phải coi như là một chiến lược dài hạn để tăng cường một cách bán chính thức chủ quyền của Bắc Kinh trên quần đảo Sensaku, và thử thách sự sẵn sàng của chính phủ Obama chấp nhận nguy cơ của một cuộc đối đầu dài hạn và tốn kém trên Biển Hoa Ðông.
Một bài của viện nghiên cứu RUSI, vốn có liên hệ với Bộ Ngoại Giao Anh, đã cho là lập luận về từ chối tiếp cận là sai lầm.
Trong một bài phân tích, học viện RUSI viết, “Quyết định ADIZ đã được diễn dịch ở Nhật Bản và ở trên hầu hết báo chí Tây phương là một cố gắng không hữu hiệu để từ chối tiếp cận vốn sẽ gia tăng đáng kể nguy cơ tính lầm mà kết quả là một cuộc khủng hoảng quan trọng. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc cho đến nay cho thấy đó là một lập trường sai lầm.”
Dẫn chứng những tuyên bố mà thực ra nhiều khi ngược nhau của phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân khẳng định là “không đúng” khi nói là Trung Quốc sẽ bắn những phi cơ nào vào khu vực này mà không tự nhận diện, chuyên gia của RUSI cho rằng nguy cơ đối đầu quân sự ở vùng ADIZ này sẽ không cao như người ta nói. Mặc dầu vậy, họ cũng phải công nhận, “Tuy nguy cơ của một sự tính lầm chắc chắn là đáng kể, nó đã là một yếu tố trong cuộc tranh chấp Sensaku/Ðiếu Ngư trước khi Trung Quốc tuyên bố khu vực ADIZ và chắc là khó gia tăng lớn hậu quả.”
Và nếu không coi đây như là một không phận cần được bảo vệ thì RUSI đặt câu hỏi là tại sao lập nên khu vực này làm gì. Và trả lời, “Có triển vọng cao là chính quyền Trung Quốc coi khu ADIZ này có tính cách biểu tượng, hơn là một khí cụ để nới rộng không phận trực tiếp dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc.”
Theo lập luận của RUSI, “Hy vọng của Trung Quốc có lẽ là nếu những cường quốc vùng khác có thể tiếp tục sử dụng không phận này với không có bao nhiêu cản trở, phản đối chống lại vùng ADIZ này sẽ từ từ chấm dứt và mười năm nữa Trung Quốc có thể dùng ‘những lằn mới trên bản đồ’ để nói là họ có căn bản pháp lý lâu năm cho vùng biển này.” Và RUSI tin là vùng ADIZ này cũng là một chính sách cố tình để thử thách quyết tâm của Hoa Kỳ cho việc “chuyển hướng sang Á Châu” trước những vấn đề tiếp tục của chính phủ Obama và dân chúng Mỹ đã quá chán chiến tranh vì các chiến dịch Afghanistan và Iraq.
Nhìn RUSI nghĩ là Hoa Kỳ ý thức rõ thách thức đó và việc gửi hai pháo đài bay B-52 qua để tiêu biểu cho hơn là một khẳng định từ chối chấp nhận khu vực này. Và nó cũng cho thấy sự lo ngại ở Washington là nếu ADIZ này không được đáp ứng mạnh mẽ và tức thời, Bắc Kinh có thể lập lại chiến thuật này ở biển Hoa Nam hay ở những vùng khác như là một phần chiến lược để đẩy Hoa Kỳ và Nhật Bản ra xa khỏi Hoa lục.
Như vậy thực ra thì dù gọi là “từ chối tiếp cận” hay “một khí cụ biểu tượng,” điều hai bên đều đồng ý là Bắc Kinh muốn sử dụng khu ADIZ này chính là một thử thách cho Hoa Kỳ và thứ nữa là để đẩy Hoa Kỳ và Nhật Bản ra xa hơn cách bờ biển của họ. Và như xác nhận của một viên chức cao cấp của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ trong phái đoàn của Phó Tổng Thống Joe Biden đi Trung Quốc, đây không phải là một hành động ngẫu nhiên mà có tính toán kỹ lưỡng. Nhưng liệu có thành công hay không lại là chuyện khác.