Việt Nam hay Singapore. Trung Quốc hay Saudi Arabia. Ngày nào cả một dân tộc vẫn bị tước đi quyền được thông tin đầy đủ, quyền được nghe, được nói, được bàn mà không bị ngược đãi, thì ngày ấy, cả dân tộc ấy vẫn không thể nào “lớn” nổi.
Trong bài blog trước tôi đã viết về cơn bão Haiyan vừa ập vào Philippines gây bao tang thương, chết chóc. Cho đến hôm nay và những ngày tháng sắp tới, tôi và các anh chị em đang làm việc cho VOICE ở Manila sẽ tiếp tục giúp những nạn nhân của cơn bão lớn nhất lịch sử này. Ðiều mà bất cứ ai cũng nên và có thể làm được.
Trong bài blog này tôi muốn viết về một khía cạnh khác, tuy cũng liên quan đến cơn bão Haiyan nhưng thật sự nó đã làm cho tôi thấy rõ hơn sự quan trọng và cần thiết của mảng truyền thông - thông tin đối với bất kỳ sự kiện nào. Trong xã hội hay liên quan đến cuộc sống riêng tư.
Cũng như các bạn đã biết hôm thứ sáu tuần trước khi cơn bão Haiyan đổ bộ vào miền Trung của Philippines, chúng tôi đang ở thủ đô Manila, cách trung tâm bão gần 600 cây số. Bởi thế tuy ai cũng được cho biết vài ngày trước đó là sẽ có bão mạnh đánh vào nhưng cho đến lúc nó xảy ra và cả một ngày sau đó, không một ai ở Philippines biết được điều gì đã xảy ra và Haiyan đã tàn phá khủng khiếp đến độ nào. Ngoại trừ những nạn nhân ở các vùng, miền đã bị tiêu hủy nhưng liên lạc lại hoàn toàn bị cắt đứt.
Mãi hơn 48 tiếng sau, khi các hình ảnh, video clip lần đầu tiên được giới truyền thông chuyển đến mọi người, lúc ấy bạn và tôi và cả thế giới mới vỡ lẽ. Và càng có nhiều thông tin chúng ta càng biết được rõ tại sao nó đã xảy ra, đã xảy ra ở đâu và ở mức độ nào. Ðể từ đó mỗi người tự đi tìm một giải pháp.
Nếu không có thông tin thì chắc chắn một điều là ai cũng sẽ cho là cơn bão đã đến và đi trong êm thấm, không có gì đáng bàn. Quan trọng hơn, nơi bạn ở cũng hoàn toàn chẳng giúp gì được bạn. Ở ngay tại Philippines như tôi thì cũng chẳng biết gì hơn nếu như không có thông tin. Và những nạn nhân sẽ hoàn toàn bị bỏ rơi nếu như không một ai biết gì về họ.
Bởi vậy tôi nghĩ thế này. Nếu chúng ta không biết, không có nghĩa là điều đó không xảy ra. Và nếu nó đã xảy ra nhưng vì không có thông tin nên chúng ta cứ đinh ninh là ‘làm gì có chuyện đó’, thì vô tình chúng ta đã mắc lỗi nghiêm trọng với các nạn nhân gặp phải nghịch cảnh.
Sự hiểu biết quan trọng là vì thế. Vì hiểu biết mang đến quyền lực - knowledge is power. Cũng vì lý do này mà bất kỳ chế độ độc tài nào cũng muốn kiểm soát và ngăn chặn thông tin. Giàu có như Singapore hay nghèo khó như Việt Nam đều như nhau.
Hơn thế, sự giàu có chưa hẳn sẽ đương nhiên mang đến cho bạn nhiều thông tin hay sự hiểu biết. Ðiều này hoàn toàn tùy thuộc vào tầm nhìn của chính phủ và sự sáng suốt của người dân. Thế giới có thể cho Singapore là một vùng đất phát triển nhưng chưa hẳn họ nể phục người dân Singapore như những dân tộc khác.
Riêng đối với đất nước Việt Nam, chúng ta vẫn thường nghe một số nhận định cho rằng người dân chưa đủ “trưởng thành”, chưa đủ “lớn” để có dân chủ. Nếu được cho hoàn toàn tự do, đa nguyên, đa đảng thì nước sẽ “loạn”.
Khoan lạm bàn về nhận xét này đúng hay sai, đối với riêng tôi, trước khi đặt ra giả thuyết này thì đầu tiên chúng ta cần phải hỏi: Hiện tại người dân Việt Nam có tự do thông tin hay chưa? Họ có được đọc, được nghe, được phân tích những gì họ thích hay chưa? Hay họ vẫn đang bị kiểm duyệt một cách có hệ thống và phải vào tù nếu dám chống lại?
Việt Nam hay Singapore. Trung Quốc hay Saudi Arabia. Ngày nào cả một dân tộc vẫn bị tước đi quyền được thông tin đầy đủ, quyền được nghe, được nói, được bàn mà không bị ngược đãi, thì ngày ấy, cả dân tộc ấy vẫn không thể nào “lớn” nổi.
Tôi bảo đảm với bạn, chỉ cần đảng Cộng Sản Việt Nam cho phép tất cả mọi công dân Việt Nam được tự do đi lại, tự do thông tin, thì chỉ cần 10 năm thôi, nhận thức và sự hiểu biết của người dân sẽ hơn nhiều so với hiện tại. Ðến chừng ấy mới nên bàn cãi là dân mình đã “trưởng thành” hay chưa.
Tôi chỉ ngại đến lúc ấy họ sẽ quá trưởng thành và sau một đêm dài không ngủ, sáng ra họ sẽ vào tận nhà các cụ trong đảng để mời các cụ ra. Nhớ là đến lúc ấy đừng có cho là họ làm loạn nhé.
Vì sông có khúc, người có lúc và đảng nào cũng có thời. Có mạnh, có tàn bạo và khủng khiếp như cơn bão lịch sử Haiyan vừa qua thì rồi nó cũng sẽ tan đi. Và một khi thông tin đến đầy đủ với mọi người thì cả thế giới sẽ cùng nhau góp công xây dựng lại một xã hội ngày càng tốt đẹp, nhân bản hơn.