“Mặc dù người dân chưa quên chuyện ông ta mới thất cử cách đây một năm, nhưng mọi người đều hiểu ông ta là một trong những chính trị gia trẻ, mới 43 tuổi, đầy tương lai,”
Mặc dù vẫn còn quá sớm để các chính trị gia Dân Chủ hay Cộng Hòa loan báo quyết định ra tranh cử tổng thống, nhưng mọi chú ý trong tuần này được dồn cho Dân Biểu Chủ Tịch Ủy Ban Ngân Sách Hạ Viện Paul Ryan sau khi ông nhận lời mời ghé tiểu bang Iowa nói chuyện với cử tri hôm Thứ Bảy vừa rồi.
Trước khoảng 800 cử tri thuộc thành phần nòng cốt của đảng Cộng Hòa, Dân Biểu Ryan nói “cuộc gặp gỡ tạo cơ hội cho vợ chồng tôi gặp lại những người bạn cũ,” tức những người đã từng giúp và ủng hộ ông trong cuộc vận động hồi năm ngoái khi ông được ông Mitt Romney chọn đứng chung liên danh đại diện cho đảng. Ông còn nói là “thế nào cũng phải trở lại Iowa để thăm những người bạn tốt,” và câu nói thuộc dạng “nửa đùa nửa thật” này được cử tọa vỗ tay reo hò ủng hộ, đồng thời tạo cơ hội để các nhà phân tích chính trị xem đó là dấu hiệu có thể vị dân cử đại diện cho tiểu bang Wisconsin đang cân nhắc có nên dự cuộc đua chính trị 2016 hay không.
Dân Biểu Paul Ryan (Cộng Hòa-Wisconsin), chủ tịch Ủy Ban Ngân Sách Hạ Viện Hoa Kỳ. (Hình: Alex Wong/Getty Images)
Thống Ðốc Terry Branstad, người mời Dân Biểu Ryan đến Iowa dự tiệc sinh nhật và gặp gỡ cử tri, tin tưởng “tiểu bang này sẽ là địa điểm ông Ryan sẽ dùng để thông báo cho mọi người biết quyết định tranh cử,” đi kèm với nhận xét “Paul Ryan là một trong số rất ít người làm được việc ở Washington D.C., đặc biệt nhất là những cố gắng của ông để giảm bớt khoản nợ khổng lồ 17,000 tỷ chính phủ đang vướng phải. Không thể cứ năm nào cũng thiếu thêm cả ngàn tỷ bạc, ít nhất ông ta đang cố gắng đưa ra kế hoạch để giải quyết chuyện đó.”
Tuy nhiên khi trả lời nhật báo Des Moines Register, ông Ryan chỉ nói “sẽ hoàn tất nhiệm kỳ dân biểu, sau đó mới tính đến chuyện khác,” cho hay mục tiêu quan trọng nhất của ông hiện giờ là cùng Thượng Viện hoàn tất thảo luận về ngân sách quốc gia “vào cuối năm nay,” giải quyết phần nào căng thẳng chính trị đang gây sôi động ở thủ đô. Nhưng trong bài nói chuyện với cử tri, ông lại cho rằng sự kiện người dân Hoa Kỳ không hài lòng với Obamacare và chuyện uy thế chính trị của vị tổng thống Dân Chủ đang xuống thấp “chính là những điểm thuận lợi cho đảng Cộng Hòa trong những cuộc vận động chính trị cho cả 2 cuộc bầu cử 2014 và 2016,” hơn hẳn - và khác hẳn - những thuận lợi khi ông Romney ra tranh cử hồi năm ngoái.
“Paul Ryan là một khuôn mặt sáng giá” theo lời ông Steve Scheffler, một trong những thành viên cao cấp của đảng Cộng Hòa ở Iowa. “Mặc dù người dân chưa quên chuyện ông ta mới thất cử cách đây một năm, nhưng mọi người đều hiểu ông ta là một trong những chính trị gia trẻ, mới 43 tuổi, đầy tương lai,” ông Scheffler nói tiếp trước khi kết luận “nhưng ông ta phải trả lời một số câu hỏi tại sao lại bỏ phiếu ủng hộ ý kiến của phe Dân Chủ đưa ra, thay vì phải ủng hộ quyết định của đảng Cộng Hòa,” chẳng hạn như năm ngoái ông bỏ phiếu chấp thuận khoản tiền trợ giúp khẩn cấp cho các khu vực bị siêu bão Sandy tàn phá hoặc mới vài tuần trước đây ông ủng hộ dự luật mở cửa chính phủ liên bang trở lại và cho hành pháp được quyền tăng mức nợ trần, “trong khi các vị dân cử Cộng Hòa khác lên tiếng chống đối.”
“Theo tôi, có thể ông Paul Ryan được đón nhận hơn những chính trị gia Cộng Hòa khác,” ông Robert Vander Plaats của tổ chức bảo thủ The Family Leader nhận xét. “Cả nước Mỹ chỉ biết ông Ryan đứng phó cho ông Romney chứ thật sự biết gì về ông ta cả, cho đến những ngày gần đây họ mới thấy đây là một chính trị gia có lập trường bảo thủ nhưng không quá cứng rắn,” gọi đó là “lợi thế chính trị” của ông Ryan. Ngay cả cựu cố vấn chính trị của ông Mitt Romney là ông Brian Kennedy cũng chia sẻ nhận xét này khi phát biểu “cử tri Cộng Hòa muốn người đại diện cho họ phải là người có cùng quan điểm, nhưng cũng là người được các tập thể cử tri khác đón nhận.” Cũng vẫn ông Kennedy, “đó là cách duy nhất để đảng Cộng Hòa có thể lấy lại Tòa Bạch Ốc.”
Nên nhớ ông Ryan không phải là chính trị gia Cộng Hòa đầu tiên ghé Iowa. Trước ông đã có nhiều nhân vật thuộc hàng “nặng ký” của đảng ghé qua đây, trong đó gồm Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz (Texas), Rand Paul (Kentucky) và Marco Rubio (Florida), cùng các vị Thống Ðốc Rick Perry (Texas), Scott Walker (Wisconsin) và Bobby Jindal (Louisiana), ngoài ra Thống Ðốc Chris Christie của tiểu bang New Jersey cũng gọi điện thoại nói chuyện với thành phần lãnh đạo đảng trong tiểu bang, cho dù chưa một người nào loan báo sẽ ra tranh cử tổng thống, cũng chưa ông nào nói sẽ không dự cuộc đua 2016. Nghe đâu mới đây khi nói chuyện với cử tri Cộng Hòa ở Boston, ông Christie đã đưa ra lời dọa dẫm, bảo rằng “tôi ra tranh cử là đề chiến thắng, chẳng hiểu tại sao những người khác không biết điều đó.”
Có thể ông thống đốc tiểu bang New Jersey nói đúng, nhưng ngay trong tuần này mọi người đang chú ý đến ông Paul Ryan.