Xã hội chúng ta không cần thêm bất kỳ một “bên thắng cuộc” nào nữa, mà đang khát khao sự hòa giải và yêu thương.
Ngày 25 tháng 6 năm 2013, sinh viên Từ Anh Tú bị “mời đi làm việc” vì sở hữu một cuốn sách (Bên Thắng Cuộc) của nhà báo Huy Đức. Qua hôm sau, RFA đã trực tiếp truyền thanh lời cô Từ Thị Minh Thu – em gái của T.A.T – về chi tiết của vụ mời mọc (rầm rộ) này:
“Lúc 9:30 sáng công an ở Hưng Yên đến… gồm 15 người, có cả đại tá, thượng tá, và trung tá…”
Công an ở đâu ra mà lắm thế, và rảnh rỗi thế, hả Trời? Đã thế, ở đâu cũng thế, chứ chả riêng gì thành phố Hưng Yên. Trước đó, có bữa, báo Dân Việt đã buồn bã đi tin:
“Trung tá Nguyễn Hoàng Tương – Phó Công an phường An Hoà, Rạch Giá, Kiên Giang bị tạm đình chỉ công tác để làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ xô xát với ông Cao Trọng Lợi.”
Mới đây, báo Pháp Luật cũng vừa cho hay:
“Ngày 8/7, Công an tỉnh Khánh Hòa đã kết luận bước đầu về vụ Trung tá Hồ Lưu Luyến – nguyên Đội phó Đội Tuần tra kiểm soát giao thông Cam Ranh bị tố ép doanh nghiệp (DN) trả tiền nhậu, dùng số điện thoại cá nhân in trên danh thiếp giới thiệu quán cơm, cây xăng để “tiếp thị”.
Trung Tá Hồ Lưu Luyến đang “tác nghiệp” – ảnh Phương Nam
Nếu cấp bậc của những nhân vật kể trên nhỏ hơn, và tương xứng với những chức vụ (khiêm tốn) của họ hơn thì sự việc, xem ra, chắc đỡ … xấu hơn – thí dụ như:
- Trung sĩ Nguyễn Hoàng Tương , phó công an phường An Hoà, xô xát với dân …
- Trung sĩ Hồ Lưu Luyến, đội phó đội tuần tra kiểm soát giao thông Cam Ranh, dùng số điện thoại cá nhân in trên danh thiếp giới thiệu quán cơm, cây xăng để tiếp thị …
Chớ đeo lon đại tá, thượng tá, trung tá mà đi … “bắt” một cuốn sách, hay lê la đầu làng cuối xóm đánh nhau với dân, hoặc đứng đường “tiếp thị” (một hai chầu nhậu) thì rõ ràng là không được đẹp, và cũng hơi bị … hẹp.
Sự hẹp hòi này có nguyên do rất giản dị, theo như ghi nhận của ông Trần Ngân – trên trang viet-studies:
“…từ khi thủ tướng Dũng, một nhà chính trị kỳ tài trong việc xây dựng phe cánh và đấu đá nội bộ lên làm thủ tướng thì ông này đã phong hàm tướng cho hàng loạt cán bộ CA:
- 2007: 29 thiếu tướng; 12 trung tướng (CAND, 28/4/2007)
- 2008: 33 thiếu tướng, 4 trung tướng (http://CAND, 5/6/2008)
- 2009: 10 thiếu tướng, 5 trung tướng (CA TP.HCM, 20/10/2009)
- 2010: 44 thiếu tướng, 8 trung tướng (Langmotrach, 2010)
- 2011: 51 thiếu tướng, 7 trung tướng (VOV, 16/12/2011)
- 2012: 34 thiếu tướng, 14 trung tướng (CA Đà Nẵng, 2012)
Như vậy, chỉ trong 6 năm, thủ tướng Dũng đã ký phong hàm cho tổng cộng là 201 thiếu tướng và 50 trung tướng ngành CA, đây là một con số rất lớn so với thời kỳ trước đó cũng như so với lực lượng cảnh sát của hầu hết các quốc gia trên thế giới...”
Tướng mà nhiều (tới) cỡ đó thì tá ra … đứng đường là phải rồi, chớ còn phàn nàn chi nữa – đúng không?
Thì đâu có ai dám phàn nàn, thắc mắc, hay khiếu nại gì nhưng nghĩ tới hậu vận cũng phải thấy lo chớ bộ. Bây giờ thì Đảng còn mình, nếu không có rượu cũng có bia bốc lai rai nhưng rồi biết ra sao – ngày sau – khi Đảng không còn tồn tại nữa?
Mà cái ngày đó, ngó bộ, cũng không xa xôi gì lắm – theo như tường trình của Thanh Trúc (RFA) nghe được vào hôm 6 tháng 9 năm 2013:
“Báo động của ILO Tổ Chức Lao Động Quốc Tế, rằng nguồn quĩ hưu trí của Việt Nam sẽ bị thâm hụt và cạn kiệt trong thời gian tới … Giám đốc Bảo Hiểm Xã Hội thành phố Hồ Chí Minh, ông Cao Văn Sang, cho rằng cảnh báo này có cơ sở vì theo dự kiến đến năm 2023, số thu Bảo Hiểm Xã Hội dành cho hưu trí sẽ ngang bằng số chi, và những năm sau đó muốn trả lương hưu thì phải sử dụng số dư từ nguồn thu Bảo Hiểm Xã Hội của những năm trước. Hậu quả là, ông Cao Văn Sang nói tiếp, một thập niên nữa tức vào năm 2034 thì nguồn quĩ hưu trí bị cạn kiệt và không còn tiền để thanh toán.”
Ngân qũi cạn kiệt là kể như “hết phim,” theo như cách nói (gở) của blogger tranhung09. Hết phim là hết chuyện nhưng nhà nước mà hết tiền thì sẽ nẩy sinh ra cả tỉ chuyện lôi thôi. Viễn ảnh không chỉ sẽ ảm đạm mà còn hứa hẹn rất nhiều rối loạn, cùng bạo loạn.
Hình ảnh của những ông đại tá vá xe hay trung tá bán chè, chắc chắn, sẽ lại tái diễn trong tương lai gần. Nhưng sau một cuộc đời tác nghiệp, và tác yêu tác quái, liệu đám sĩ quan công an sẽ được để cho yên thân kiếm ăn ở đầu đường hay cuối phố như qúi vị sĩ quan quân đội – ngày trước – hay không?
Ảnh: Phan Hữu Lập
Đây không phải là câu hỏi chỉ dành riêng của những ông trung tá vá xe, hay đại tá công an bán chè (mai hậu) mà cho tất cả của mọi người dân Việt. Không ít người vẫn thường cầu mong cho cái chế độ hiện hành sụp đổ nhưng hầu như không mấy ai bận tâm về những hệ quả ngay sau đó.
Trong một bài viết trước (Tiếng Cú) chúng tôi đã mạo muội đề cập đến vấn đề này. Nay xin phép được nhắc lại – đôi điều – với hy vọng là mong được dư luận quan tâm:
Lực lượng công an hiện nay, dù đông đảo và có vẻ áp đảo – theo như cách đánh giá của nhà báo Ngô Nhân Dụng – chỉ là một thứ “xi măng cốt tre” thôi. Và cái giàn “xi măng cốt tre” này được một nhà báo khác, ông Bùi Tín, ghi nhận như sau:
“Dưới danh hiệu Công an Nhân dân, dưới khẩu hiệu Công an là bạn dân, trong con mắt của đông đảo người dân lương thiện, công an bị đánh giá là bọn kiêu binh tệ hại nhất, dùng quyền lực để hà hiếp, bóc lột, làm tiền, cướp đất, cướp nhà cửa, của cải của nhân dân một cách ngang ngược, bị nhân dân xa lánh, khinh bỉ nhất.”
Sau hơn nửa thế kỷ “dùng quyền lực để hà hiếp, bóc lột, làm tiền, cướp đất, cướp nhà cửa, của cải của nhân dân một cách ngang ngược,” chuyện gì sẽ xẩy ra cho “bọn kiêu binh tệ hại nhất” này – khi cái “giàn xi măng cốt tre” gẫy đổ?
Câu hỏi được đặt ra (xem chừng) đã muộn nhưng muộn còn hơn không. Bên cạnh những vấn đề cấp thiết khác trước mắt (đạo đức xã hội suy vi, tình trạng sắc tộc căng thẳng, an ninh lãnh thổ bị đe dọa, tài nguyên cùng ngân sách quốc gia bị thao túng và cạn kiệt, môi trường bị hủy hoại…) tưởng chúng ta cũng cần phải quan tâm và chuẩn bị để giảm thiểu (tối đa) cảnh tàn bạo – sau này – khi mà những cô chú công an (bỗng chốc) biến thành đích nhắm cho mọi người trút sự thù hằn, oán hận, và phẫn uất đã chất chứa hơn nửa thế kỷ qua!
Chỉ cần nhìn thái độ hiếu sát của dân làng ở những nơi có kẻ trộm chó bị đánh chết (tại chỗ) hay nghe nghóng sự đồng tình của dư luận trước vụ nổ súng của ông Đặng Ngọc Viết – bây giờ – cũng có thể đoán biết được “độ nóng” của người dân đã lên cao đến mức nào rồi?
Trước những sự kiện vừa kể, bất cứ ai còn quan tâm đến vận mệnh đất nước cũng đều thấy bất an:
- Blogger Cánh Cò: “Không thể nói là lạ, mà phải nói là man rợ. Chỉ có kẻ man rợ chưa hưởng ánh sáng văn minh mới có thể hành động một cách xuẩn động như vậy. Cái lạ là họ không ở trong hang động, họ đang sống, đang sinh hoạt bình thường tại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đất nước luôn tự hào có truyền thống này truyền thống nọ nhưng hình như đã lâu không ai nhắc tới truyền thống thương yêu đồng loại. Bằng chứng là tại cái làng ấy, cái thôn ấy người ta thương chó hơn còn ‘đồng loại người’. Họ đồng loạt vung tất cả phương tiện giết người lên. Giết tập thể. Giết hội đồng.
- Ông Nguyễn Nguyễn Gia Kiểng: “Trong một quốc gia bình thường một hành động như vậy chắc chắn đã phải bị đồng thanh lên án. Chúng ta đang ở trong một tình trạng tâm thần rất không bình thường. Xã hội ta có nguy cơ bùng nổ.”
- Ông Nguyễn Quang A: ”… tôi thực sự bị sốc khi xem một đoạn video mang tên ‘Lê Quốc Quân’ trên mạng. Tại đó một người phụ nữ hô to ‘Học tập gương anh hùng Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình,’… ‘Nhìn thẳng đầu bọn quan tham mà nổ súng,’ ‘Nhìn thẳng đầu bọn tham nhũng mà bóp cò’.
Với ít nhiều chủ quan, tôi thành thật tin rằng đã đến lúc mà lòng bao dung, đức nhân ái, và tính độ lượng (vốn) tiềm tàng trong tâm hồn dân tộc Việt cần phải được khơi dậy và đề cao – chứ không phải là những việc làm ngược lại. Trong tinh thần này, cách đây chưa lâu, blogger Mai Xuân Dũng đã gửi đi những lời lẽ cảnh cáo tuy nhẹ nhàng, và ôn tồn nhưng rất đáng trân trọng:
“Cũng là một lũ bần cùng khố dây khố rợ cả, nên thương nhau thì hơn. Bức tranh tôi có post lên đấy, các chú xem nhé: bão cát thì ngập đến đầu gối các chú rồi, bão đang to lên lắm, liệu mà nương nhờ nhau cho khỏi cát vùi bão dập thì hơn chứ đừng làm cái chuyện bẩn thỉu như vậy. Nếu các chú là con người, cũng có vợ và con cái như những người khác thì hối đi kẻo không kịp.”
Trước viễn cảnh “cát vùi bão dập” này, nhà văn Dương Thu Hương cũng đã ân cần nhắc nhở mọi người đừng quên rằng giữa “bầy chó berger của chế độ” không thiếu những người trung thực và tử tế:
“Tuy nhiên, tôi không có ý nói rằng toàn thể các sĩ quan công an đều là bọn mafia, đều là quân cướp. Bởi, nói như vậy là vu khống, là hàm hồ… Trong đám công an, không thiếu những người trung thực, theo ngôn ngữ bình dân, người tử tế. Chỉ có điều họ đã trở thành thiểu số và họ gần như vô năng.”
Những kẻ “thiểu số vô năng” này, tất nhiên, đều vô tội. Còn cái đám đa số còn lại (cũng) chỉ là nạn nhân của một thể chế bạo ngược, và bất nhân thôi – như cách nhìn bao dung của nhà văn Uyên Thao: ”Mọi con dân Việt Nam, vì thế, đều trở thành nạn nhân bi thảm vì bị tước đoạt mọi quyền sống, bao gồm trong đó không ít nạn nhân đã và đang còn đóng vai thủ phạm gieo rắc tội ác không chỉ cho đồng loại mà cho ngay cả bản thân.”
Nghĩ cho cùng họ vẫn đáng tha thứ hơn là trừng phạt. Hơn nữa, hơn nửa thế kỷ qua, có người dân Việt nào dám tự hào nói rằng mình hoàn toàn (và tuyệt đối) không bị ảnh hưởng, hay lây nhiễm tính vô cảm và thói bạc ác của chế độ hiện hành?
Nói thế (e) độ lượng quá chăng? Biết thế nhưng với hiện cảnh, với lịch sử của một dân tộc đã triền miên sống giữa cảnh bom đạn máu lửa, giữa oán hận chất chồng, và nghi kỵ và phân hoá – kéo dài hết từ đời này sang đời khác – liệu có lựa chọn nào khác (thế) không?