Hải ngoại đã có bao nhiêu bài báo, bao nhiêu cuộc phỏng vấn, bao nhiêu bản nhạc bài thơ, bao nhiêu lần thắp nến cho những nhà tranh đấu, nhưng chúng ta đã tiếp đón những người này với thái độ như thế nào, khi họ ra hải ngoại, được hít thở bầu không khí tự do như chúng ta,?
Gặp gỡ lần đầu tiên với nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, hình ảnh cô gái này không đem lại cho chúng ta một ấn tượng gì đặc biệt. Theo tôi đó là một cô gái trẻ trung còn trẻ so với tuổi (cô sinh năm 1960), hiền lành, coi bộ nhút nhát, mặt thì buồn rười rượi và có lẽ trong một lúc nào đó, bị phật ý, như một đứa trẻ được nuông chiều, sẽ bật khóc cũng nên!
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy trong buổi ra mắt sách ngày 5 Tháng Mười. (Hình: Huy Phương)
Nhưng không, sau bề ngoài đó, ít ai tưởng tượng ra nổi Trần Khải Thanh Thủy là một cô gái can trường, tuy tay yếu chân mềm, nhưng như một bậc anh thư trước thời loạn, biết dùng ngòi bút để chống lại bạo quyền, bị đánh đập, tra khảo, bị tù đày nhiều năm, chưa hết trên tinh thần còn bị lăng nhục, bôi nhọ, bị đổ phân vào nhà, bị khóa trái nhà không cho ra ngoài.
Ðẹp đẽ cho dân tộc chúng ta biết bao nhiêu, cũng với hình ảnh dịu dàng yếu đuối đó, ở trong thời đại nhiễu nhương của Việt Nam hôm nay, chúng ta có bao nhiêu bậc nữ nhi khí tiết như: Lê Thị Công Nhân, Ðỗ Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên, Tạ Phong Tần, Hồ Thị Bích Khương, Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Huỳnh Thục Vi... bao nhiêu người nữ dân oan chống bạo quyền, nằm đường ngủ chợ, chấp nhận bị bao nhiêu oan khuất, bị hành hung, mạ lỵ, vu oan để cất cao tiếng nói cho quyền làm con người mà những trang giấy này ghi không hết.
Cá nhân tôi, cũng như một số lớn người ở hải ngoại, nhiều khi tham dự được một cuộc biểu tình, viết được dăm ba bài báo chửi cộng sản, đã nghĩ mình là người chống Cộng ghê gớm, nhưng buổi tối về vẫn có giấc ngủ yên không sợ bị ai đập cửa, không bị ai chận đường lăng mạ, đạp vào xe gắn máy mình đang lái, mà vẫn ngồi trong xe hơi, ở nhà có máy điều hòa không khí, quả cảm thấy hổ thẹn, khi đứng trước những người đã dám đứng lên tranh đấu trong nhà tù lớn, dưới mạng lưới công an và côn đồ chìm nổi dày đặc, với những nhà tù từ xã ấp tới quân lỵ, với những thủ đoạn đê tiện, chịu bao nhiêu cảnh đớn đau thể xác và tinh thần.
Chỉ vì một bài hát yêu nước, Việt Khang chịu cảnh tù tội, gia đình bị làm khó dễ, vợ và con nhỏ lên bốn tuổi nheo nhóc. Ðỗ Thị Minh Hạnh, trong sáng như một mảnh trăng rằm, đã bị đưa đi nhiều nhà tù từ Lâm Ðồng đến Trà Vinh, Long An, Bình Thuận, Ðồng Nai... với bà mẹ lận đận chạy theo con, qua các nhà tù, suốt chặng đường gian khổ. Ðang sống trong tự do, no đủ, chăn ấm nệm êm, làm sao chúng ta có thể tưởng tượng ra nỗi những đau đớn, tủi nhục của những người đang chịu cảnh đày đọa.
Nhưng câu hỏi ám ảnh và dày vò chúng ta lâu nay, đặt ra mà không ai có can đảm trả lời?
Hải ngoại đã có bao nhiêu bài báo, bao nhiêu cuộc phỏng vấn, bao nhiêu bản nhạc bài thơ, bao nhiêu lần thắp nến cho những nhà tranh đấu, nhưng chúng ta đã tiếp đón những người này với thái độ như thế nào, khi họ ra hải ngoại, được hít thở bầu không khí tự do như chúng ta,?
Thay vì một vòng hoa tri ân, chúng ta gửi đến họ những quả trứng thối!
Họ đây là: Hoàng Minh Chính, Nguyễn Chính Kết, Ðoàn Viết Hoạt, Nguyễn Chí Thiện... và giờ đây một người đang có mặt trong căn phòng này là nhà văn Trần Khải Thanh Thủy.
Ðây là một người đang ở tù, thì Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã cầm lá thư có 19 chữ ký của các dân biểu Hoa kỳ, trong đó có bà Loretta Sanchez, can thiệp với CSVN và bức thư kêu gọi có 30,000 chữ ký của đồng bào hải ngoại chúng ta. Trần Khải Thanh Thủy được đưa từ nhà tù ra sân bay Nội Bài, với sự đồng hành yểm trợ của bí thư thứ nhất Tòa Ðại Sứ Mỹ là Christian Merchant nhân dịp ông mãn nhiệm kỳ hồi hương. Nhà Văn Trần Khải Thanh Thủy là hội viên danh dự của Văn Bút Quốc Tế, là một trong 45 người của 22 quốc gia được nhận giải Hellman/Hammett Grants.
Vậy mà chúng ta, những người nhân danh là những người Việt tự do chống Cộng ở hải ngoại đã đón tiếp những nhà tranh đấu cho dân chủ từ trong nước ra như thế nào?
Quả là chúng ta văn minh hơn cộng sản, chúng ta không có phân người, dầu cặn, không có roi diện, dùi cui để làm họ đau đớn phần thể xác, nhưng chúng ta làm cho họ đau đớn tinh thần bằng dư luận, qua báo chí, qua Internet. Chúng ta đón họ với những bài báo dè bỉu, tung lên mạng những lời lẽ vu cáo, lăng mạ, đặt điều, để cách ly họ ra với cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Tệ hại hơn nữa là có những người tự xưng là “làm văn hóa” ở hải ngoại này, đã không phải một, mà hơn một lần, tìm kiếm lợi nhuận trên những tác phẩm trí tuệ của những người đã có công tranh đấu, hy sinh cho quyền làm người, mới thoát cảnh tù đày này.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, dù đã đến Mỹ được hai năm, trong giai đoạn chân ướt chân ráo, gia đình đang sống nhờ sự cưu mang của nước Mỹ, không có việc làm, hai con còn đi học, chồng mới đoàn tụ, đang đi học nghề tóc! Chúng ta còn tin tưởng gì ở sự lương hảo của những người tự xưng là làm văn hóa, hay phát huy văn hóa dân tộc ở ngay trong cộng đồng người Việt chúng ta.
Những người chống Cộng ở hải ngoại đối với những người chống Cộng từ trong nước ra, với chúng ta như thế sao?
Nhiều người cho rằng việc đánh phá những người tranh đấu từ trong nước khi ra hải ngoại là chủ trương của cộng sản, nhưng tham gia công việc “giết người chẳng lọ gươm dao” này hôm nay lại là những người thường vỗ ngực cho mình là người chống Cộng.
Câu hỏi đã làm ám ảnh tôi: Rồi đây, nếu Lê Thị Công Nhân, Việt Khang, Ðỗ Minh Hạnh, Cù Huy Hà Vũ, Ðiếu Cày... những người chúng ta đang ca tụng, hoan hô hôm nay, được ra nước ngoài, số phận của họ có khác gì ông Nguyễn Chính Kết, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và cô Trần Khải Thanh Thủy đang chịu hôm nay không? Ðó là hình ảnh một miếng thịt tươi được vứt xuống một hầm cá sấu, và chính quyền cộng sản trong nước luôn luôn tìm cách đẩy họ ra khỏi nước để nhờ tay người khác giết họ để khỏi bị mang tiếng là đao phủ thủ!
Phải chăng đã có những nhà tranh đấu lưu vong, bỏ nước ra đi đã hối hận, mà con đường quay trở về là không thể!
Như vậy phải chăng thái độ của Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế khi từ chối ra hải ngoại là một thái độ khôn ngoan?
Chúng ta làm gì để xóa bỏ được thái độ vừa vô ơn, độc ác, vừa tiếp tay cho bọn sát thủ ở trong nước như trong những trường hợp đã nêu trên?