Thượng Ðế cho loài người quặng sắt để làm cuốc, xẻng, dao, rựa, máy cày... nhưng chúng dùng món quà của Thượng Ðế để làm bom, đạn, giáo, mác.
Tục ngữ Việt Nam có câu “Trời sinh voi, sinh cỏ,” hay “Trời sinh, Trời dưỡng.” Nếu quả thật là Trời - hay có người cho đó là Thượng Ðế - xếp đặt vũ trụ, thì khi sinh ra những sinh vật trên trái đất này thì Trời cũng phải cung cấp những gì cần thiết cho sự sống, đó là khí trời, nước và các loại trái cây, rau dại và thú hoang trên rừng. Ðó là thời kỳ sơ khai của hái lượm và săn bắt, có sự góp sức của lửa để luộc, nướng.
Sau thời kỳ này là giai đoạn gieo trồng và thu hoạch so với hái lượm trong tự nhiên tại Tây Á, Ai Cập và Ấn Ðộ... Nông nghiệp xuất hiện ở phía Bắc và Nam Trung Quốc, Sahel của châu Phi, New Guinea và một số khu vực của châu Mỹ. Cây lương thực là các loại cây trồng mà sản phẩm dùng làm lương thực cho người, nguồn cung cấp chính về năng lượng và chất bột trong khẩu phần thức ăn cho toàn dân số trên thế giới.
Lê trái trong một ngôi chợ ở Quincy, Massachusetts. (Hình: (AP Photo/Stephan Savoia, File)
Hiện nay, trên thế giới có năm loại cây lương thực được trồng chủ yếu, bao gồm: ngô, lúa nước, lúa mì hay tiểu mạch, sắn và khoai lang. Trong đó, ngô, lúa gạo và lúa mì chiếm khoảng 87% sản lượng lương thực toàn cầu và khoảng 43% calori từ tất cả mọi lương thực, thực phẩm. Trong khi đó lương thực chính của Việt Nam đã chiếm bốn thứ là lúa, ngô, sắn và khoai lang.
Nghề nông, dù có sự tiến bộ của cơ khí, cũng là một nghề vất vả, như lời Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Các ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn...,” nhất là trong giai đoạn chiến tranh, bom đạn, ly tán... nông dân không được ra đồng, con người lâm vào cảnh đói, thì lúc bấy giờ những món lương thực căn bản, thô sơ như sắn khoai là “món quà” cứu tinh mà trời đã ban cho nhân loại. Dân miền Nam đã nếm mùi tân khổ sau tháng 4-1975 với khoai sắn và hạt bo bo (cao lương) mà trước kia chỉ dành cho gia cầm, gia súc, thậm chí có người chết đói vì không kiếm ra các thức ăn này. Hiện nay lục địa Châu Phi là nơi thiếu ăn nhất.
Trong trường hợp này Thượng Ðế cũng đành bất lực!
Thế mà bây giờ lại có người tìm ra chân lý: “Rượu vang là món quà của Thượng Ðế!”
Rượu vang (vin, wine) hay rượu chát, rượu nho cũng là một thứ.
Vào thế kỷ VI, trước thiên Chúa giáng sinh, người Hy Lạp đã biết làm rượu đem qua bán ở Pháp và từ Pháp xuất cảng rượu sang xứ Anh, nhưng sau đó, khắp Âu châu bắt đầu sản xuất rượu vang. Dân La Mã (Ý cổ) cũng khoái uống rượu vang Pháp hơn là rượu vang La Mã. Ðến thế kỷ thứ III hoàng đế La Mã Probus cho phép dân Gaulois trồng nho làm rượu tự do trong vùng đất do chính họ lựa chọn. Các nhà thờ Thiên Chúa Giáo cũng bắt đầu sản xuất và có những hầm lưu trữ rượu. Linh mục cũng đóng góp vào trong phần sản xuất và nhà thờ nào cũng có ruộng trồng nho, và có xưởng làm rượu nho riêng. Thời ấy, các viên chức công quyền và tôn giáo, ai nấy cũng có khu trồng nho và làm rượu, ngay cả vua chúa cũng vậy. Trong khi các tôn giáo khác cấm dùng chất nước uống lên men, thì nhà thờ có món rượu lễ (Sacramental Wine.)
Nho được thu hoạch để làm rượu. (Hình: AP Photo/Armando Franca)
Uống rượu vang là một nghệ thuật, phải biết uống rượu loại gì tùy theo mỗi thức ăn, và phải biết ăn món nào trước món nào sau cho đúng điệu và đúng khẩu vị. Từ đó ở Âu Châu có nhiều khóa dạy tổng quát các loại cây nho, vùng trồng nho, cách làm rượu, hương vị riêng biệt của mỗi loài rượu, cách lưu trữ rượu, cách phục vụ rượu (khui rượu, ly dùng rượu, rót rượu...), cách thưởng thức và phân biệt các loài rượu từng vùng cùng số năm tuổi của rượu. v.v...
Trong khi người nghèo kiếm ăn, “ăn để sống,” thì người giàu dư dật, không phải sống chỉ để ăn, cho có ăn, mà người ta sống, để thưởng thức một bữa ăn ngon, dầu cho đó là một bữa ăn thanh đạm, hòa hợp với rượu vang cho đúng cách, sành điệu.
Mặt khác, người ta còn khuyến khích dùng rượu vang như là một liều thuốc chống bệnh, rượu vang chứa rất nhiều chất thuốc, chống lại bệnh tim, bệnh ung thư phổi và ung thư nhiếp hộ tuyến. Những người dân ở vùng Tây Nam nước Pháp, uống rượu vang với món gan ngỗng, số tử vong rất ít về các bệnh tim mạch, hơn những nơi khác không dùng rượu chát!
Rượu vang còn chứa đựng những chất polyphénols với những tính chất chống lão hóa (đặc biệt là chất catéchine). Một bài báo khác, tờ New York Times đã nhấn mạnh trên đề tài này rằng sự hiện diện của chất resveratrol trong vỏ nho ngăn chặn tác dụng của những mầm có khuynh hướng tạo ra bệnh ung thư. Ðàn bà mỗi ngày dùng tối thiểu hai ly rượu vang, tránh được bệnh ung thư buồng trứng, qua sự nghiên cứu của đại học Queensland ở vùng Brisbane, Úc châu. Và, các tạp chí y học cổ động rằng rượu chát đỏ góp phần giúp ta bảo vệ hệ thần kinh, nhờ năng tính tốt hiện diện trong vỏ nho!
Nhưng liệu những dân tộc nghèo đói nhất trên quả đất này (cũng là sản phẩm của Thượng Ðế,) trong khi không có hạt gạo, hạt ngô bỏ vào miệng, phải ăn cả vỏ cây, liệu có thể nào chữa bệnh bằng cách mỗi tối dùng hai ly rượu vang không? Thượng Ðế cho anh quả nho, quả táo, quả dừa, quả lê, quả sim..., có thể nói hàng nghìn loại cây trái, nhưng không hề dạy cách cho anh làm rượu vang, nên không thể nói rượu vang là món quà từ Thượng Ðế. Nếu có, Thượng Ðế phải đứng về phái đám đông nhân loại, phải cho lúa ngô được mùa, con bò, con dê nhiều sữa. Nho được mùa chỉ làm cho các nhà sản xuất rượu giàu thêm và người uống rượu có thể trả ít tiền hơn cho một chai rượu.
Theo thống kê của nghề rượu vang, trên quả đất này có 7 tỉ 180 triệu người nhưng chỉ có 100 triệu người hân hạnh được thấm môi “món quà của Thượng Ðế” còn hơn 7 tỉ người chưa hề biết đến hơi hám của mùi rượu này, như vậy không lẽ Thượng Ðế chỉ ưu đãi cho một thiểu số quá ít ỏi trong toàn bộ con cái của Người?
Chai rượu đắt nhất của thế giới là chai rượu xưa gần một thế kỷ. Rượu sản xuất năm 1907, được chở từ Pháp cho một gia đình hoàng gia Nga năm 1916, tàu bị chìm ngoài khơi Phần Lan, mãi đến năm 1997 thợ lặn vớt được 200 chai, giá cho một chai là $275,000. Chai rượu vang rẻ nhất ở Mỹ khoảng $3.00. Nó quả thật không cần thiết như rau, hạt, quả cho người lớn và sữa cho trẻ thơ.
Một thiểu số người Việt từ lúc “nhờ” Tây đô hộ, được bước vào giai cấp mới, “ăn trắng mặc trơn,” mới biết nhấm nháp chút rượu vang, và biết cám ơn Thượng Ðế, mà quên Thượng Ðế đã cho con người những món quà căn bản, như cỏ cho voi, nhưng bây giờ voi cũng không đủ cỏ mà ăn, phải xuống bản làng quậy phá.
Thượng Ðế cho loài người quặng sắt để làm cuốc, xẻng, dao, rựa, máy cày... nhưng chúng dùng món quà của Thượng Ðế để làm bom, đạn, giáo, mác. Thượng Ðế cho con người trí khôn để sống no đủ, nhưng chúng dùng trí khôn để tranh giành, lấn áp và giết hại nhau.
Cộng đồng kinh tế cá quốc gia Tây Phi (ECOWAS) vừa thông báo khẩn cấp đến loại người: hơn 6 triệu người ở khu vực Sahel Châu Phi đang có nguy cơ chết đói, trong đó có một triệu trẻ em. Thượng Ðế bị trói tay hay vô cảm?
Xin cầu nguyện Thượng Ðế màu nhiệm cho thế giới qua cơn hạn hán, binh đao, cho mưa thuận gió hòa, lúa ngô được mùa, con người có thực phẩm, “hàng ngày dùng đủ,” và xin đừng rêu rao cho rằng “rượu vang là món quà của Thượng Ðế” cho loài người, một sự áp đặt bất công, thiên vị, làm xấu đi hình ảnh Thượng Ðế.