Nhớ lại ngày xưa ở quê nhà, một năm trung bình thì lũ trẻ có... hai lần được mặc áo mới. Lần thứ nhất là ngày khai trường, và lần thứ hai là dịp Nguyên Ðán.
Sau ngày lễ Lao Ðộng, học trò đến mùa tựu trường. Những tuần trước đó, cứ bật truyền hình là lại thấy quảng cáo đủ thứ cho trẻ em sắp nhập học. Nào là quần jean đủ loại đủ mầu; nào là áo thun đủ hình dạng, mốt nhất là polka dot! Rồi đến các loại giầy dép, túi back pack đủ kiểu, chưa kể đến những vật cần thiết và quan trọng nhất là giấy bút, sách vở, v.v... Thế mới thấy ở Mỹ, trẻ con quá sướng.
Rồi mới nhập học chưa nóng chỗ thì đã thấy quảng cáo về... Halloween, với những trái bí đỏ, lá vàng và trang phục của mùa dọa ma. Nghĩa là vào trường được mươi ngày thì đã rộn ràng tiếng mời chào của cuối tháng 10, với áo quần dị hợm để hóa trang làm quỷ, làm phù thủy, công chúa, làm người dơi Batman, người nhện Spiderman... Có khi chỉ là bộ xương trắng màu lân tinh sơn trên vải đen rất dị hợm.
Rồi đến ngày trọng đại là được cha mẹ dẫn đi dọa ma để xin kẹo, tối về là mơ chuyện thần tiên.
Sáng sau đã thấy bao nhiêu trái bí ngô với mạng nhện bỗng dưng biến mất. Nơi nơi chuẩn bị nướng gà tây béo ngậy với ngô bắp cho mùa Tạ Ơn. Xong lễ Tạ Ơn là chân trời đã rực rỡ những trái bóng đủ màu đón lễ Giáng Sinh và năm mới.
Ðấy là lúc học trò nghĩ tới Spring Break.
Chỉ nhìn vào tấm lịch thần tiên là tủ kính ngoài chợ hay chiến dịch quảng cáo trên truyền hình là chúng ta đã thấy những bận rộn và xôn xao của tâm hồn trẻ thơ tại Hoa Kỳ...
Nhớ lại ngày xưa ở quê nhà, một năm trung bình thì lũ trẻ có... hai lần được mặc áo mới. Lần thứ nhất là ngày khai trường, và lần thứ hai là dịp Nguyên Ðán. Trong nhiều gia đình có con bầy thì bà mẹ đảm đang lặng lẽ thi hành “chiến dịch đổi áo.” Sửa lại chút đỉnh cái áo của con chị cho đứa em có áo mới để vào học, còn thằng em thì mặc áo “nính” của thằng anh.
“Chúng lớn như thổi,” bà mẹ than thầm như vậy mà lòng rất vui khi đo ni tấc áo quần của đứa lớn để trao cho đứa nhỏ.
Thế mà trẻ thơ thời ấy có phần vui hơn, vì chúng còn có ước mơ. Khi còn mơ ước, thì lòng còn rộn ràng. Nếu sớm toại nguyện thì sẽ thấy nhàm. Trẻ con ngày xưa mơ ước có một con búp bê, hay một chiếc xe hơi tí hon mầu đỏ. Hàng ngày, lũ nhỏ lượm đá hay rửa hột me cho bóng để chơi giải danh. Một trái banh tennis cũ đã nhẵn thín là oai lắm rồi, có thể chơi bóng chuyền với bạn. Con trai chơi tạc hình với mấy tấm hình Tarzan, Zorro in ấn nhòe nhoẹt và đã sờn bốn góc.
Ðêm về đôi khi ba đứa ngủ chung một tấm phản, thầm thì rúc rích đến khi bị mắng mới chịu nhắm mắt. Chúng cũng gây lộn hoài hoài, nhưng đứa nào bị đòn thì tất cả cùng nhảy ra đưa lưng gánh đòn và cùng la khóc inh ỏi! Nhiều khi đang ra roi lập nghiêm cha mẹ cũng phải bật cười...
Tết là ngày chúng nó mong suốt một năm. Sớm bảnh mắt đã dậy rồi. Tối hôm trước, chúng đã tắm gội sạch sẽ trước khi lễ Giao Thừa, vì mẹ bảo là kiêng quét nhà hay tắm gội vào Mùng Một. Con gái mặc áo đầm mới, mầu tươi thật sáng. Con trai mặc quần tây, áo sơ mi trắng tinh. Sáng ra, chúng xếp hàng theo thứ tự lớn nhỏ, khoanh tay chờ người anh cả đại diện các em mừng tuổi cha mẹ và mừng xong là đứa nào cũng có một phong bao bên trong là tờ giấy bạc thơm phức. Mặc áo mới và rủng rỉnh bầu cua cá cọp là hạnh phúc đầu năm. Ngày tựu trường cũng có áo mới mà không đẹp như áo Tết. Áo cũng như người đều trắng muốt niềm hân hoan vào năm học mới.
Riêng gia đình người viết còn có một dịp mặc áo mới khi thi lên lớp ở trường nhạc. Số là nhạc sinh học nhạc thủ như dương cầm, vĩ cầm, tây ban cầm, sáo, kèn v.v... trong trường Quốc Gia Âm Nhạc đều thi lên lớp qua buổi trình diễn bài đàn trên sân khấu, trước ban giám khảo ngồi hàng đầu, đằng sau là khán giả lố nhố. Vì mục trình diễn này, trẻ con cũng lại được áo mới. Lên sân khấu mà!
Vài năm sau đó, tấm áo mới của mình sẽ là áo mới của em.
Qua bên này thì mới thấy người Mỹ giải quyết việc “recycle” đó bằng cách tặng Salvation Army, Goodwill, hoặc cuối năm trải lên vỉa hè bán “garage sale” theo lối vừa bán vừa cho. Hình như trẻ em Mỹ không quen mặc lại đồ thừa của anh chị em trong nhà. Họa hoằn lắm mới còn thấy vài gia đình giữ được nếp tằn tiện đầy hạnh phúc, như trong một bức tranh của Norman Rockwell.
Người Mỹ còn có những bức tranh Rockwell để gợi nhớ thời xưa. Chúng ta còn có gì để nhớ đến tấm áo mới năm xưa?...