Không những nó được chọn làm thủ đô của đế chế Ðông Roman trước đây mà sau này trong suốt mười mấy thế kỷ qua, lúc nào nó cũng được chọn làm thủ đô của các đế chế như Byzantine thời trung cổ và sau này là triều đại Ottoman lấy Hồi Giáo làm quốc giáo.
Mặc dù trong hai thập niên vừa qua tôi đã đến nhiều nước, đến Phi Châu tôi cũng đã đi từ Bắc xuống Nam nhưng Istanbul, thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ thì tôi lại chưa bao giờ ghé qua. Mặc dù tôi cũng biết Istanbul, hay trước đây được gọi là Constantinople, là một trong những thành phố huy hoàng và tráng lệ nhất thời cổ đại.
Không những nó được chọn làm thủ đô của đế chế Ðông Roman trước đây mà sau này trong suốt mười mấy thế kỷ qua, lúc nào nó cũng được chọn làm thủ đô của các đế chế như Byzantine thời trung cổ và sau này là triều đại Ottoman lấy Hồi Giáo làm quốc giáo.
Cũng vì vậy mà cảm nhận đầu tiên và ấn tượng nhất khi tôi đặt chân đến thành phố này là tiếng cầu kinh (prayer call) vang vọng, phủ trùm mọi đầu đường, góc hẻm mỗi khi đến giờ cầu nguyện. Từ những nóc đền thờ Mosque nằm ở những vị trí đẹp nhất, quan trọng nhất của thành phố, tiếng kinh cầu được phát ra, hay nói chính xác hơn là được ngân lên và phát “live,” khi nhỏ, khi to, lúc dồn dập, sau lại nỉ non, kêu gọi mọi người thành tâm xá lễ và cầu nguyện trước đấng Allah.
Thành thật mà nói mặc dù không hiểu gì nhưng chính tôi đây lúc ấy cũng cảm thấy bỗng nhiên cả thành phố trông có vẻ như chậm lại, mọi người có vẻ như trầm tư hơn, riêng tôi thì lại có thêm cảm giác ngờ ngợ là hình như mình đang được xem một cuộn phim sống mà chính mình đây cũng đang được sống trong phim.
Hay cũng có thể là tôi đang nằm mơ và được quay về quá khứ, về một thời vàng son với những lâu đài tráng lệ, những vườn thượng uyển mà trước đây tôi chỉ được đọc qua sách báo như quyển truyện Một nghìn lẻ một đêm tôi hằng mê mẩn đọc hồi nhỏ.
À. Thì ra đây là dòng sông thần thoại, eo biển phân chia Âu và Á. Ðến giờ nó vẫn nằm đây, vẫn phân chia Istanbul ra hai bờ Âu, Á khác biệt. Bờ Ðông vẫn cổ kính với những hẻm phố chật hẹp đặc tính chất Châu Á. Và bên bờ Tây vẫn là nơi giao dịch, mua bán đầy phát triển như nhiều thành phố ở Châu Âu.
Sẽ có ít nơi trên thế giới mà bạn có thể thấy được sự khác biệt rất rõ nét giữa Âu và Á, ngay trong lòng thành phố, như ở nơi này. Sự khác biệt đó hiện rõ ở từng ngôi đền, kể cả đền thờ cổ nhất, lớn nhất thế giới trước khi nhà thờ chính tòa St. Peter ở Rome được xây dựng, trước tiên là để làm nhà thờ Thiên Chúa Giáo chính tòa của thủ đô. Nhưng đến khi thủ đô đổi chủ thì nhà thờ lại được cải biến thành Mosque chỉ tôn thờ đấng Allah bên Hồi giáo.
Vì vậy bước vào ngôi đền này tôi có cảm giác như mình vừa được đi vào lịch sử! Từng viên gạch, từng nét chạm trổ, kể cả bàn thờ trước mặt nói lên sự hưng vong của một thời, những va chạm giữa các văn hóa, vùng miền khác nhau. Giữa các triều đại với từng ấy tiền tài, nhân lực nhưng cuối cùng chẳng có gì là mãi mãi. Thấy đó rồi mất đó. Ðiều mà mình cho là linh thiêng nhất chưa hẳn người khác đã tin.
Ngược lại những tranh chấp, được hay mất, đúng hay sai, cuối cùng chẳng một ai có thể phán quyết.
Nếu bạn là một người thích lịch sử, thích tìm đến những gì mình không cảm thấy quen thuộc, thích khám phá hơn là hưởng thụ mỗi khi có dịp đi holiday thì nhất định bạn phải đến nơi này. Ngoài thời tiết mát mẻ không giống như ở Dubai mặc dù giữa mùa Hè, Istanbul còn là nơi bạn có thể từ đó đi đến những vùng đất mà người Việt Nam ít có dịp đặt chân đến. Như Iraq, Bulgaria và những hoang đảo đẹp nhất của vùng biển Ðịa Trung Hải mà chúng ta thường gọi là Greek Isles.
Rất tiếc là lần này tôi đi vì công việc nên tôi đã không thể ở lâu hơn. Ðể tìm hiểu thêm về thế giới huyền bí của những đại đế Ottoman và tiếp cận những gì được cho là thiêng liêng, vĩnh cửu nhất của thời cổ đại. Vì biết đâu khi đi ngược về quá khứ, chúng ta sẽ tìm được giải pháp cho tương lai?