“Thế nào cũng đánh,” một nhà báo Trung Ðông nói với các đồng nghiệp trong lúc chờ nghe cuộc họp báo hàng ngày của Tòa Bạch Ốc.
“Tin tức dồn dập lắm rồi,” ông bạn đồng nghiệp nói tiếp, kể ra một dọc những lý do khiến ông tin chắc chắn Hoa Kỳ sẽ can dự vào cuộc chiến Syria. Lý do đầu tiên được nói đến là bài phát biểu Ngoại Trưởng John Kerry đọc chiều Thứ Hai ở Bộ Ngoại Giao, trong đó có những đoạn như Washington “có những bằng chứng mà Syria không thể chối cãi” xác nhận quân đội trung thành với Tổng Thống Bashar Al-Assad đã sừ dụng võ khí hóa học giết chết hơn 350 người hôm Thứ Tư tuần trước, đi kèm với câu hành động tàn ác này “đã làm rung động lương tâm nhân loại,” kế đến là câu nói của ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel khi trả lời phỏng vấn đài BBC, cho hay “quân đội đã sẵn sàng” chỉ còn chờ chỉ thị của vị tổng tư lệnh để bắn phát súng đầu tiên.
Phó Tổng Thống Joe Biden, trong buổi nói chuyện tại Houston hôm Thứ Ba, nói rằng chắc chắn chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. (Hình: AP Photo/Houston Chronicle, Johnny Hanson)
Mặc dù ông phát ngôn viên Jay Carney nói “tổng thống vẫn đang cân nhắc” những đề nghị được dàn cố vấn đặt trên bàn làm việc, nhưng từ sáng sớm hôm qua (Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013) mọi người đều hỏi nhau câu “bao giờ sẽ đánh” hoặc “đánh như thế nào.” Từ sáng sớm nhật báo The Washington Post đã đưa tin tổng thống Hoa Kỳ đang nghiêng về đề nghị thực hiện một cuộc oanh kích “kéo dài chừng 2 ngày,” phá hủy những cứ điểm chiến lược của quân đội Syria. Lúc giữa trưa, bản tin của hãng thông tấn Reuters gửi từ Thổ Nhĩ Kỳ lúc cho biết trong cuộc họp kín ở Istanbul hồi chiều Thứ Hai, đại diện của Hoa Kỳ đã báo cho đại diện lực lượng nhân dân nổi dậy Syria biết là “đừng ngạc nhiên” khi thấy Mỹ và đồng minh cùng thực hiện những cuộc oanh kích hay giội bom nhắm vào các căn cứ quân sự của Syria.
Tin loan tải trên tờ báo uy tín nhất nhì nước Mỹ cũng là tin được nói đến ở Washington D.C. ngay từ những ngày cuối tuần, cho biết 3 mục tiêu mà Washington nhắm tới là phá hủy các đơn vị phòng không và trọng pháo của Syri, đồng thời làm tê liệt hoạt động của không quân nước này, nhưng không đụng tới những kho võ khí hóa học của Damascus. Ðiều khác biệt là tờ Post nói cuộc oanh kích được thực hiện bằng cách bắn hỏa tiễn từ ngoài khơi vào, không quân Hoa Kỳ cũng sẽ tham gia “nếu thấy cần thiết,” trong khi nhà báo J.J. Green của đài CBS lại kể với mọi người tin ông nghe được “từ 2 viên chức cao cấp quốc phòng” là “4 chiến hạm của Hoa Kỳ đang có mặt tại Ðịa Trung Hải sẽ đảm trách việc bắn hỏa tiễn chứ không sử dụng không quân” vì hệ thống phòng không của Syria được xem là “một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất và tinh nhuệ nhất Trung Ðông.”
Chưa biết đúng sai như thế nào, nhưng những tin được tung ra từ thủ đô Wahington D.C. đều nói mức độ can dự ở Syria mà Tổng Thống Obama cho thực hiện chỉ là một chiến dịch quân sự ngắn hạn “đánh thật nhanh, kết thúc thật chóng,” nhắm mục đích trừng phạt chứ không nhắm tới mục tiêu lật đổ chính phủ đương thời ở Damascus. Tin chưa kiểm chứng được cho hay trong cuộc họp kéo dài 3 giờ đồng hồ với Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia sáng Thứ Bảy tuần trước, Tổng Thống Obama nhấn mạnh ông “không muốn can dự quá sâu ở Syria,” vẫn muốn tìm một giải pháp chính trị để loại trừ ông Al-Assad. Nghe đâu giải pháp này được sự ủng hộ của ông Tổng Trưởng Chuck Hagel và Ðại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Martin Dempsey, người từng viết bản báo cáo quân sự cho hay nếu tham chiến, “Hoa Kỳ cần phải đưa ít nhất 75,000 binh sĩ vào chiến trường.”
“Con số 75,000 binh sĩ là con số rất lớn,” theo nhận xét của ông William Cohen từng làm việc ở Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng Thống Bill Clinton. “Tôi chẳng bao giờ nghĩ ông Obama sẽ đưa một lực lượng lớn như thế vào Syria,” ông bảo tiếp, “nhưng ai ai cũng hiểu là chính phủ Al-Assad đã vượt lằn đỏ (red line) và Hoa Kỳ phải có phản ứng.” Ông cựu nhân viên Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia ủng hộ “một mức độ trừng phạt thật cứng rắn nhưng có giới hạn” vì theo ông giải thích, “chúng ta không nên can dự quá sâu vào nội bộ của Syria, nên tiếp tục lên tiếng ủng hộ lực lượng nhân dân chống độc tài nhưng để cho họ tự giải quyết với nhau.”
Không can dự quá sâu nhưng “trái hỏa tiễn đầu tiên từ ngoài khơi bắn vào Syria chắc chắn sẽ thay đổi cục diện cuộc chiến” là nhận xét của chuyên gia Mark McCoy từng nằm trong ban cố vấn về quân sự cho ứng viên Cộng Hòa Mitt Romney. “Ngay từ ngày đầu phe nổi dậy ở Syria đã lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ can thiệp, từ lâu Tổng Thống Obama đã bị áp lực chính trị buộc phải làm điều này, đây là lúc ông Obama có thể làm hài lòng những người từng gây áp lực với ông, đồng thời chứng tỏ cho người dân Syria biết là ông đứng về phe họ.” Chuyện sau đó là “phe nổi dậy chống ông Al-Assad phải biết nắm lấy lợi thế chính trị do Hoa Kỳ dựng lên để nắm chính quyền.”
Không rõ sau này phe nổi dậy ở Syria có biết cách nắm lấy lợi thế chính trị đó hay không, nhưng câu hỏi ngay lúc này vẫn là: bao giờ tổng thống Hoa Kỳ sẽ loan báo quyết định của ông? Tin mới nhất cho biết “chỉ nội trong vài ngày nữa.” Một vài ngày nữa là lúc nào? Giới thạo tin nói “khoảng cuối tuần, ngay sau khi đoàn thanh tra Liên Hiệp Quốc rời khỏi Damascus.”