main billboard

Thời ông Bạc Hy Lai còn làm vương làm tướng ở Trùng Khánh ông đã cho hồi sinh những bản nhạc vốn được gọi là “nhạc cách mạng” tức là nhạc thời còn mồ ma ông Mao. Một trong những bản nhạc đó là Ðông Phương Hồng, bản nhạc được coi là bản nhạc riêng của đám Hồng Vệ Binh của ông Mao.


baclaihy 1Bạc Hy Lai

Hồi còn ở Việt Nam, tôi đã từng được nghe đại khái dịch sang tiếng Việt một đoạn như sau của bản nhạc này “Ðông phương hồng, mặt trời lên, nước Trung hoa có Mao chủ tịch...” Ngay cả sơ sơ cũng đủ cho thấy loại âm nhạc đó là gì.

Sở dĩ tôi dài dòng nói về cái loại “âm nhạc đỏ” mà ông Bạc hồi sinh bởi nó diễn tả một cách đầy kịch tính những gì ông Bạc đã làm ở Trùng Khánh. Ðược chỉ định làm bí thư thành ủy năm 2007, ông Bạc lúc đó được coi như là một trong những ngôi sao đang lên và là một trong những “hoàng tử” có triển vọng có một chỗ trong Thường Vụ Bộ Chính Trị.

Một trong những điều ông ta làm là phục hưng “văn hóa đỏ” tức là “Hát nhạc đỏ, đọc kinh điển, kể chuyện cũ, truyền danh ngôn,” tất cả những biểu tượng nổi bật của một thời khi ông Mao cầm quyền ở Trung Quốc. Trên toàn thành phố, rồi trên toàn quốc, ông trở thành người hùng của nhóm tân tả, cựu tả, nhóm Maoist tả khuynh, và ở một mức độ nào đó, ngay cả những kẻ cơ hội muốn theo chân một thế lực đang lên.

Với sự trợ giúp của viên giám đốc công an Vương Lập Quân, ông phá hủy cái khuôn mẫu xám xịt thiếu mầu sắc của chính trị Trung Quốc thời nay và tuyên chiến với đám băng đảng của thành phố Trùng Khánh. Qua chiến dịch gọi là “Ðả hắc trừ ác,” ông đã phơi bày cho dân chúng cái khối tham nhũng, bạo động và đồi trụy nằm dưới cái vỏ hào nhoáng của chế độ của đảng Cộng sản hiện nay. Như một nhà bình luận trong tờ Foreign Policy đã viết, ông Bạc và ông Vương đã tuyên chiến chống lại đảng với danh nghĩa cứu đảng.

Dĩ nhiên có những phản ứng mạnh đối với nghị trình đỏ của ông. Chẳng mấy lâu sau khi phong trào của ông bắt đầu nổi lên trên toàn quốc, những nhà trí thức và khoa bảng, từ giáo sư đến luật sư, từ ký giả đến văn sĩ, bắt đầu lên tiếng chống lại sự đàn áp đi theo nghị trình chính trị của ông Bạc.

Khi ông bắt một luật sư tranh đấu nổi tiếng vào tháng 12 năm 2009, họ đã họp nhau lại để chống lại cái điều đã trở thành “khuôn mẫu Trùng Khánh,” trong một cuộc chiến trá hình về tương lai của Trung Quốc. Sau khi ông luật sư bị bắt, những nhóm chống lại ông Bạc đã bắt đầu nói đến một sự hồi sinh của Cách Mạng Văn Hóa.

Nhưng phải đến khi một “hoàng tử đỏ” khác, trưởng nam của ông Hồ Diệu Bang, vị lãnh tụ nổi tiếng canh tân nhất trong hàng lãnh tụ Trung Quốc, Hồ Ðức Bình vào cuộc thì phong trào đối nghịch với ông Bạc mới hình thành. Ông Hồ Diệu Bang, người duy nhất trong hàng lãnh đạo đảng cộng sản đã thực sự thông cảm với cuộc biểu tình ở Thiên An Môn, vốn thường nhắc nhở con cái là bài học của cuộc Cách Mạng Văn Hóa đã không được học, và rồi sẽ có ngày nó trở lại. Bản thân ông Hồ bị thanh trừng năm 1987 trước khi ông có thể làm gì để tiêu diệt hiểm họa của một cuộc cách mạng văn hóa mới. Trong hàng lãnh đạo cao niên chỉ có mỗi ông Tập Trọng Huân, cha của ông Tập Cận Bình, là dám lên tiếng bênh vực ông Hồ.

Trong suốt năm 2011, ông Hồ con đã kêu gọi các đồng minh trong hàng ngũ dòng con lãnh tụ, kể cả hai người chị em của ông Tập Cận Bình, qua một loạt những cuộc hội thảo chưa từng có. Ông Hồ Ðức Bình đã từng giải thích là ông Bạc “không tin vào Cách Mạng Văn Hóa nhưng lợi dụng nó.” Ông Hồ cũng biết rõ là bản thân ông Bạc không ưa gì Cách Mạng Văn Hóa, vì mẹ ông Bạc đã bị buộc phải tự tử hay là bị hạ sát trong giai đoạn này. Ông cũng liên lạc với hai lãnh tụ lúc đó, hai ông Hồ Cẩm Ðào và nhất là ông Ôn Gia Bảo, vốn đã từng rất thân cận với cha mình, và khuyến cáo về ông Bạc

Bước đường thăng tiến của ông Bạc đột ngột đứt đoạn khi ông bất hòa với viên giám đốc công an Vương Lập Quân. Dưới áp lực của Bắc Kinh, ông Vương sợ quá, chạy vào tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ hôm tháng 2 năm 2012, nói là sợ cho tính mạng của mình. Ông ta đã kể cho các nhà ngoại giao Hoa Kỳ một diễn dịch vụ ám sát ông Neil Heywood, kể cả cáo buộc là ông Bạc đã ngăn cản không cho ông điều tra vụ này. Ðối thủ ông Bạc nhờ vậy có đủ vũ khí để tấn công ông. Hôm 14 tháng 3, trong một hành động chưa từng thấy, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo lên án “khuôn mẫu Trùng Khánh” là một lựa chọn giữa cải tổ chính trị cần thiết và sự trở về “những thảm kich lịch sử như cuộc Cách Mạng Văn Hóa.” Ngày hôm sau ông Bạc mất chức.

Việc ông Bạc bị bắt đã khiến các hoàng tử khác lộ mặt lên tiếng chỉ trích. Những nhân vật nam cũng như nữ hiện đang nắm vai lãnh đạo Trung Quốc lớn lên trong một hoàn cảnh tâm lý và vật chất mà khó có ai chưa trải qua những giai đoạn đấu tố của một chế độ cộng sản có thể hiểu nổi. Ðặc biệt là sự tàn nhẫn của những tay chân của ông Mao đối với các “dòng con lãnh tụ” khi cha mẹ họ bị cáo buộc phản cách mạng. Và đó chính là điều làm nhiều “hoàng tử” vốn đã biết ông Bạc, cảm thấy quái lạ khi ông đề cao giai đoạn thời ông Mao và phong trào đã giết chính mẹ mình.

Gia đình họ Bạc không phải là gia đình duy nhất bị thương tổn. Nhiều hoàng tử ngày nay vẫn còn ghi nhớ những ký ức về thân nhân bị tra tấn, bị hạ sát trong giai đoạn điên cuồng đó của lịch sử cận đại Trung Quốc. Chủ Tịch Tập Cận Bình không thể dự một tang lễ, đám cưới, hay ngay cả ngày giỗ, ngày Tết trong gia đình mà không nhớ đến người chị cả. Bà đã tự tử ngay gần cuối cuộc Cách Mạng Văn Hóa năm 1975. Ông Du Chính Thanh, hiện nay đứng thứ tư trong Thường Vụ Bộ Chính Trị, còn nói với báo chí nhà nước là bà mẹ sau khi được trả tự do năm 1975 đã trở thành bất thường. Ông nói “Bà luôn cảm thấy bị tra tấn. Bà từ chối khám bệnh cho đến khi bà qua đời.” Ông còn nhớ cô em của mình, một học sinh trung học, đã bị “đấu tranh” ở trường. Sau đó, bị bệnh tâm thần, cô đã tự tử. Ông kết luận, “Trong gia đình thân cận của tôi có sáu đến bảy người chết trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa.”

Nhưng ở một khía cảnh tổng thể hơn, ông Bạc đã cung cấp một lý do vững mạnh để cho đảng có thể tự biện minh. Ông Bạc, cũng như ông Ôn Gia Bảo sau đó, đã đổ cho cuộc khủng hoảng về bất công và bất bình đẳng của Trung Quốc là do đám cán bộ cao cấp nhưng không có được di sản của dòng máu cách mạng. Qua việc hồi sinh những biểu tượng thời ông Mao trong khi nhắc nhở mọi người sự đóng góp của gia đình họ cho cuộc xây dựng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ông Bạc đã tìm được một công thức rất quý báu cho đảng cộng sản.

Và công thức đó nay đang được sử dụng bởi ông Tập cùng tập đoàn lãnh đạo hiện nay trong cố gắng duy trì chế độ độc đảng trong một xã hội ngày càng đa diện. Mới đây, tờ New York Times đã cho biết về Văn kiện 9 của đảng mà tất cả đảng viên đang học tập trong đó nêu ra “Bảy nguy cơ” cho đảng mà đứng đầu là “khái niệm dân chủ lập hiến.” Hệ thống tuyên truyền của đảng đã tấn công những ý tưởng về luật Hiến Pháp. Công an đã bắt những nhà tranh đấu đòi đảng phải thi hành các đạo luật của chính mình. Trong khi đó, đảng do ông Tập cầm đầu đang bỏ nhiều tỷ đô la trùng tu các nơi tôn thờ ông Mao. Ðồng thời ông Tập cũng đang tung ra một chiến dịch “rèn cán chỉnh quân” kiểu ông Mao để đổi mới đảng.

Chắc chắn là những “hoàng tử” khác sẽ tống giam ông Bạc trong ít nhất một thập niên, trong khi họ mượn những gì ông đã hồi sinh để tìm cách củng cố vị thế của họ. Ðông phương thành ra như vậy sẽ vẫn còn hồng.