Ít nhất 2 nguồn tin khác nhau cho biết cuộc tranh cãi dữ dội tới mức bà cố vấn Susan Rice phải nhảy vào can thiệp, nhắc nhở mọi người “quyết định cuối cùng luôn luôn là quyết định của tổng thống.”
Ðúng 10 giờ 15 phút sáng Thứ Năm (giờ miền Ðông), Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama xuất hiện trên màn ảnh truyền hình để trình bày quan điểm của ông đối với những biến động xảy ra ở Cairo và những biện pháp mà ông sẽ làm trước việc quân đội và lực lượng an ninh Ai Cập dùng võ lực giết người biểu tình ủng hộ Cựu Tổng Thống Mohamed Morsi, nhà lãnh đạo mới bị quân đội lật đổ hôm mùng 3 Tháng Bảy, và phản đối chính phủ lâm thời do các tướng lãnh dựng lên.
Tổng Thống Barack Obama chuẩn bị phát biểu về tình hình tại Ai Cập. (Hình: Rick Friedman-Pool/Getty Images)
Từ tối hôm qua, tin tức ghi nhận được ở thủ đô đã báo trước chính phủ Hoa Kỳ “sẽ có biện pháp cứng rắn thích ứng” trước việc quân đội Ai Cập nổ súng giết dân. Từ sáng sớm Thứ Năm, tin tức về số người chết và bị thương - do chính Bộ Y Tế Ai Cập phổ biến - thay đổi mỗi đầu giờ, nhanh đến mức độ chóng mặt. Thoạt đầu chỉ có hơn 100 người chết, đến 4 giờ sáng đã lên đến 323, sau đó một tiếng đồng hồ là 414, và cuối cùng dừng lại ở con số 525 người thiệt mạng, 3,700 người bị thương nặng nhẹ. Những con số này “làm tôi nhớ lại chuyện Thiên An Môn,” một nhà báo từng có mặt ở Bắc Kinh “rùng mình” khi nhớ đến chuyện kinh hoàng xảy ra cách đây hơn 1 phần tư thế kỷ, bây giờ “lại rùng mình với chuyện xảy ra ở Cairo,” trước khi dán mắt vào màn ảnh truyền hình xem Tổng Thống Obama loan báo những quyết định mới nhất của ông.
Có thể chia những điều tổng thống Hoa Kỳ phát biểu ra làm nhiều phần khác nhau.
Về mặt ngoại giao, ông không ngần ngại dùng chữ “tồi tệ” - là chữ nặng nhất - để nói về chuyện xảy ra ở thủ đô quốc gia đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ, trước khi cảnh báo “con đường (quân đội và chính phủ lâm thời Ai Cập) đang đi là con đường đầy nguy hiểm.” Ông cũng khéo léo cho mọi người hiểu “Hoa Kỳ mong muốn (tiếp tục) mối quan hệ bền vững với Ai Cập” trước khi đi đến chỗ cần trình bày, “sự hợp tác của 2 nước không thể tiếp tục như trước được nữa,” và kết thúc bằng thông báo hủy bỏ cuộc thao diễn hỗn hợp giữa quân đội đôi bên diễn ra mỗi 2 năm một lần, từng được dự tính sẽ diễn ra vào tháng tới. Nhà lãnh đạo nước Mỹ cũng bảo dù Washington không đứng về phía nào trong chuyện xảy ra tại Ai Cập, nhưng chuyện quân đội sử dụng bạo lực để dẹp đoàn người biểu tình ủng hộ Cựu Tổng Thống Morsi đã đẩy nước Mỹ tới chỗ không thể làm ngơ, “phải lên tiếng bày tỏ thái độ.” Ông cũng cho biết đã chỉ thị cho các cố vấn suy tính xem ngoài quyết định mới loan báo có nên hành động gì thêm hay không, dường như muốn ám chỉ ông cũng đang nhắm tới điểm quan trọng nhất: có thể sẽ cắt giảm khoản viện trợ 1.5 tỷ dollars mà Hoa Kỳ cung cấp cho quân đội Ai Cập mỗi năm.
Không biết ông Obama có tính đến chuyện tối hậu đó hay không, nhưng tin tức ghi nhận được từ thủ đô Hoa Kỳ cho biết “cuộc tranh luận mỗi lúc một sôi nổi hơn” giữa dàn cố vấn Tòa Bạch Ốc. Ít nhất 2 nguồn tin khác nhau cho biết cuộc tranh cãi dữ dội tới mức bà cố vấn Susan Rice phải nhảy vào can thiệp, nhắc nhở mọi người “quyết định cuối cùng luôn luôn là quyết định của tổng thống.”
“Tôi chẳng ngạc nhiên khi nghe tin họ tranh cãi,” ông Steve Mullen, một thành viên Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia dưới thời Tổng Thống George W. Bush trả lời qua điện thoại. Mặc dù đã rời khỏi vị trí đặc trách chính sách cho Trung Ðông cũng đã khá lâu “nhưng bạn bè của tôi trong chính quyền cho biết” ngay từ ngày đầu đã có 2 phái, một đặt câu hỏi “chuyện gì sẽ xảy ra” nếu Hoa Kỳ có thái độ cứng rắn với các tướng lãnh đang điều khiển chính trường Cairo, và phái còn lại “luôn luôn thúc giục phải làm ngay, đừng để chuyện quá chậm trễ như trường hợp Syria.” Ông Mullen từ chối cho biết phái nào đúng, nhưng tin rằng “chính thái độ có vẻ chần chờ của tổng thống đã khiến tình hình trở nên rối ren hơn, ngày một khó giải quyết hơn.”
Ðiều ông Mullen đưa ra phù hợp với điểm được Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Rand Paul nói tới ngay sau ngày ông Morsi bị quân đội lật đổ, nhắc lại mục tiêu của Hoa Kỳ là “xây dựng dân chủ, không chấp nhận độc tài dưới bất kỳ hình thức nào.” Trong những cuộc phỏng vấn cũng như trước diễn đàn Thượng Viện, chính trị gia được dự đoán sẽ ra tranh cử tổng thống 2016 gọi chuyện quân đội Ai Cập lật đổ chính quyền dân sự Morsi “là một cuộc đảo chánh” tức hội đủ điều kiện theo luật định “để Tổng Thống Obama cắt đứt viện trợ quân sự.” Yêu cầu của ông không được đáp ứng, do đó khi được báo tin quân đội Ai Cập nổ súng giết cả trăm người, ông Paul tức khắc đặt câu hỏi “giết nhiều như thế chưa đủ hay sao hở Trời?”
Câu trả lời đến từ Tòa Bạch Ốc: các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ hiểu rõ “thế tế nhị chính trị” ở Ai Cập.
“Mặc dù ông Morsi được bầu chọn sau cuộc bầu cử dân chủ, những chính phủ của ông ta đã không đáp ứng được đòi hỏi của người dân,” theo lời Tổng Thống Obama. “Chúng tôi biết rằng rất nhiều người dân Ai Cập, hàng triệu người và có thể đa số người dân Ai Cập đòi hỏi phải thay đổi.” Ðiều đó, ít nhiều, hàm ý nói theo quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ, quân đội Ai Cập đã làm đúng với nguyện vọng của đa số dân. Nhưng Tổng Thống Obama cũng nói rằng sau ngày chính phủ của ông Morsi bị lật đổ, có nhiều cơ hội để hòa giải nhưng hành động mà quân đội mới làm đã khiến tình hình “trở thành khó khăn hơn.”
Ðiều đó có nghĩa là Tổng Thống Obama có thể sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn hơn nữa với Ai Cập, nhưng cũng có thể ông sẽ không làm gì thêm.