main billboard

Những gì xảy ra trong các di chỉ khảo cổ cũng như các viện bảo tàng chỉ là một bức tranh thu nhỏ của toàn bộ xã hội Trung Quốc hiện nay: ở đâu cũng có đồ giả.


dotrienlam jibaozhaiMột bình bằng gốm được trưng bày trong bảo tàng viện Jibaozhai ở Hà Bắc

Giữa tháng 7 vừa qua, một trong những tin tức từ Trung Quốc thu hút sự chú ý của dư luận thế giới nhiều nhất là sự kiện viện bảo tàng Jibaozhai ở Hà Bắc tuyên bố đóng cửa sau khi bị phát hiện trưng bày toàn cổ vật giả.

Thật ra, khó có viện bảo tàng nào, ngay ở Tây phương, hoàn toàn tránh được đồ giả. Nhưng ở đó, đồ giả, nếu có, là do nhầm lẫn, và vì sự hiện diện đông đảo của giới chuyên môn cũng như cung cách làm việc cẩn thận và có trách nhiệm, số lượng đồ giả như vậy rất hiếm hoi. Ở Jibaozhai, ngược lại, có đếntrên 40.000 hiện vật hoàn toàn giả mạo. Wei Yingjun, cố vấn của viện bảo tàng cố gắng biện minh: tình trạng cũng không đến nỗi quá tệ hại vì trong viện bảo tàng có khoảng 80 hiện vật thật. Bạn thử tưởng tượng: 80 hiện vật thật trong tổng số trên 40.000 hiện vật giả, tỉ lệ ấy có đáng được xem là “tích cực”? Việc Wei Yingjun xem đó là dấu hiệu tích cực cho thấy một sự thật: hiện tượng trưng bày đồ cổ giả rất phổ biến ở mọi viện bảo tàng tại Trung Quốc.

Sau hơn nửa thế kỷ sống dưới chế độ cộng sản, nhất là sau cuộc cách mạng văn hóa điên khùng dưới thời Mao Trạch Đông, bao nhiêu di tích và di sản cổ kính hàng ngàn năm của Trung Quốc bị phá hủy trầm trọng vì bị cho là “phong kiến”, “lạc hậu” và “phản động”. Bây giờ, trên con đường chinh phục thế giới, Trung Quốc muốn chứng tỏ họ có một nền văn minh lâu đời và một truyền thống văn hóa vững chắc, do đó, họ đua nhau xây dựng các viện bảo tàng ở khắp nơi. Trung bình mỗi năm có khoảng 100  viện bảo tàng mới được xây dựng. Làm cách nào để có hiện vật trưng bày sau những đợt phá hủy tàn khốc kéo dài cả nửa thế kỷ như vậy? Biện pháp của họ rất đơn giản: chế tạo đồ giả!

Viện bảo tàng Jibaozhai không phải là trường hợp duy nhất. Nó chỉ là một điển hình. Được khánh thành từ năm 2007, viện bảo tàng này khoe khoang là trưng bày nhiều cổ vật có từ thời Hoàng Đế, cách đây trên bốn ngàn năm; nhiều món đồ sứ ngũ sắc từ thời nhà Đường. Có điều, tất cả chỉ là những thứ giả mạo. Hơn nữa giả mạo một cách thô thiển. Trên các cổ vật gọi là từ thời Hoàng Đế, người ta viết nguệch ngoạc những chữ Hán hiện đại được giản lược hóa, bất chấp lịch sử chữ viết của Trung Hoa vốn đã được nhiều người biết. Các thứ đồ sứ lộng lẫy được cho là xuất hiện từ đời Đường có những màu sắc và kết hợp màu sắc đòi hỏi những kỹ thuật nung nấu chỉ có thể xuất hiện mấy trăm năm sau đó. Chính vì những sự thô thiển như vậy, giới quan sát dễ dàng lật tẩy sự giả mạo của chúng. Các nhà điều hành viện bảo tàng cũng như giới lãnh đạo địa phương, thoạt đầu, phản ứng một cách hung hãn trước mọi sự tố cáo. Họ cho đó là những sự vu khống; sau đó, họ thừa nhận một ít; sau nữa, vớt vát: ngoài đồ giả, họ có một số ít đồ thật; và cuối cùng, trước áp lực của dư luận, họ mới đành chịu đóng cửa.

Theo Richard Stone, trong bài “Thay đổi quá khứ: Vấn đề vật hóa thạch giả của Trung Quốc” (Altering the Past: China's Faked Fossils Problem), trên báo Science số ra ngày 4 tháng 3 năm 2011, khoảng 80% các cổ vật hóa thạch từ thời tiền sử hiện đang được triển lãm trong các viện bảo tàng, ngay cả viện bảo tàng quốc gia, khắp Trung Quốc đều là giả mạo. Vượt ra ngoài phạm vi viện bảo tàng, nhiều di vật được cho là tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ cũng giả mạo: họ làm những đầu lâu giả, chôn dưới đất, rồi vờ phát hiện được, rồi viết các “công trình nghiên cứu” gửi đăng trên các tạp chí khoa học lớn trên thế giới cho đến lúc chúng bị chứng minh là…giả.

Tại sao người ta lại làm giả như vậy? Một trong những lý do chính là do lòng tham. Cổ vật, nhất là cổ vật từ thời tiền sử, bao giờ cũng có giá rất cao. Thế là người ta bày ra vô số thứ giả. Còn các viện bảo tàng, khi mua và bày những thứ đồ giả ấy, họ có biết hay không? Có lẽ biết. Biết, nhưng vẫn mua. Thứ nhất, để “đạt chỉ tiêu”. Thứ hai, tiền để mua là tiền của nhà nước, không phải của họ. Và thứ ba, mua đồ giả, họ dễ cò kè, do đó, số tiền họ có thể bỏ túi sẽ cao hơn hẳn những thứ đồ cổ thật.

Những gì xảy ra trong các di chỉ khảo cổ cũng như các viện bảo tàng chỉ là một bức tranh thu nhỏ của toàn bộ xã hội Trung Quốc hiện nay: ở đâu cũng có đồ giả. Họ làm giả từ hàng cao cấp đến các vật dụng lặt vặt hằng ngày, từ hàng xa xỉ đến nhu yếu phẩm. Gạo, họ cũng làm giả bằng cách pha trộn bột khoai tây hay khoai lang với nhựa tổng hợp resin. Trứng gà họ cũng làm giả. Sữa bột cho trẻ em họ cũng giả.

Trong các cửa hàng sang trọng ở Trung Quốc, người ta bày bán vô số hàng giả mang những nhãn hiệu nổi tiếng ở Tây phương, từ Prada đến Louis Vuitton, từ Burberry đến Hermes, từ Gucci đến Chanel, từ Apple đến Nokia. Iphone và iPad giả tràn ngập thị trường. Các chai rượu nổi tiếng của Pháp với giá cả ngàn đô-la bày bán ê hề tại Trung Quốc, phần lớn là giả.

Giả cổ vật chỉ là một sự lừa bịp. Giả nhãn hiệu hàng hóa, ngoài sự lừa bịp, còn có một vấn đề khác: ăn cắp bản quyền. Mọi sự giả mạo đều gây thiệt hại lớn: Với các công ty bị ăn cắp bản quyền, người ta bị mất cả hàng tỉ đô-la mỗi năm. Với xã hội, rất nhiều thứ hàng giả gây nên những hậu quả trầm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng: Không ai biết được bao nhiêu trẻ em bị bệnh hoạn vì sữa giả; bao nhiêu người khác bị ảnh hưởng vì gạo giả và trứng giả.

Nhưng thiệt hại lớn nhất chắc chắn là uy tín của Trung Quốc. Hiện nay, ở khắp nơi trên thế giới, nói đến Trung Quốc, hầu như mọi người đều nghĩ ngay đến một chữ: giả. Vào tiệm, cầm bất cứ món hàng nào ghi nhãn “made in China”, người ta cũng thấy ngần ngại. Dĩ nhiên, nhiều người vẫn mua vì không có chọn lựa nào khác: tiền ít, họ cần hàng hóa rẻ, bất kể thật hay giả, có hại hay không có hại. Nhưng những người có khả năng tài chính một chút đều lắc đầu quầy quậy rồi quay đi. Tôi có mấy người bạn, ở Úc cũng như ở Mỹ, tuyên bố dứt khoát: Không mua bất cứ thứ gì làm từ Trung Quốc!

Một quốc gia bị tai tiếng về sự giả mạo bao giờ cũng bị tai tiếng về sự giả dối. Giới thương nhân làm giả hàng hóa, giới chính khách làm giả các giá trị. Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói đến tự do, dân chủ, nhân quyền hay đạo đức, người ta nghĩ ngay đến những thứ hàng giả tràn ngập nước họ. Cầm một món hàng có nhãn “made in China”, người ta không tin; nghe những lời lẽ hay ho về nhân nghĩa từ miệng giới lãnh đạo, người ta cũng không tin nốt.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, đó là một trở ngại lớn, nếu không muốn nói là trở ngại chính, trong tham vọng trở thành bá chủ thế giới, hoặc ít nhất, bá chủ khu vực, của Trung Quốc. Một siêu cường quốc, muốn trở thành lãnh đạo khu vực hoặc thế giới, cần ít nhất bốn điều kiện: Một, kinh tế lớn nhất; hai, quốc phòng mạnh nhất; ba, có nhiều đồng minh nhất; và bốn, có nền văn hoá đẹp với những giá trị có tính phổ quát ở đâu người ta cũng kính trọng và thèm được có. Trong một hai thập niên tới, Trung Quốc có thể đáp ứng được hai điều kiện đầu. Về kinh tế và quốc phòng.

Nhưng họ lại không thể xây dựng bất cứ một bảng giá trị phổ quát nào dựa trên sự giả mạo và giả dối. Không có một bảng giá trị phổ quát chung, họ cũng không thể xây dựng một liên minh thực sự và vững chắc với bất cứ một quốc gia nào khác.

Trừ với Việt Nam.