Sự ngạc nhiên và nực cười đầu tiên là việc Quốc Hội lại đi bỏ phiếu tín nhiệm chính mình qua việc bỏ phiếu tín nhiệm chủ tịch quốc hội và các viên chức lãnh đạo quốc hội.
Tuần qua, ở Việt Nam đã có một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Cả báo chí trong nước, báo chí ngoại quốc đều viết về kết quả của cuộc bỏ phiếu, về điều mà họ cho là kẻ thắng người thua. Khổ một nỗi theo thiển ý, các vị bàn toàn chuyện lạc đề.
Trước hết trên nguyên tắc bỏ phiếu tín nhiệm hay đúng hơn, bỏ phiếu bất tín nhiệm, mà tiếng Anh là “vote of no confidence” hay “motion of no confidence,” theo tự điển Bách khoa toàn thư Encyclopedia Britanica là “thủ tục sử dụng bởi các thành viên của một cơ quan lập pháp (thường là Hạ Viện trong các định chế lưỡng viện) để giải tán chính phủ (thủ tướng và nội các). Ðể thành công, thủ tục này, vốn không áp dụng cho việc cách chức quốc trưởng trong các định chế chính trị tổng thống chế hay bán tổng thống chế, đa số đòi hỏi một đa số các vị dân cử không chấp thuận hành động của chính phủ, nói cách khác, tuyên bố bỏ phiếu “bất tín nhiệm-vote of no confidence” hay là “bỏ phiếu không tín nhiệm (vote of censure).”
Một vụ bỏ phiếu không tín nhiệm hay lên án khác bỏ phiếu bất tín nhiệm. “Bất tín nhiệm” dẫn đến chính phủ bắt buổi phải từ chức trong khi “censure” có nghĩa là một sự bày tỏ không bằng lòng và kết quả là các vị bộ trưởng không phải từ chức. “Không tín nhiệm hay lên án” có thể nhắm vào từng cá nhân các vị bộ trưởng trong khi “bất tín nhiệm” là vào toàn thể hội đồng chính phủ. “Không tín nhiệm hay lên án” đòi hỏi phải có lý do, trong khi “bất tín nhiệm” không đòi hỏi lý do.
Có khi chính phủ có thể tuyên bố là một đạo luật này sẽ được coi như là một lá phiếu bất tín nhiệm. Ðiều này có nghĩa là nếu Quốc Hội không thông qua đạo luật đó thì chính phủ đổ, và trong chế độ đại nghị, Quốc Hội giải tán bầu lên Quốc Hội và chính phủ mới. Trong hệ thống Anh quốc, mà còn được gọi là hệ thống Westminster, mang tên của tòa lâu đài Westminster, trụ sở Quốc Hội Anh, thì thường đó là đạo luật về chuẩn chi. Nếu Quốc Hội không chuẩn chi, chính phủ không có tiền thì phải đổ. Ðạo luật đó được gọi là “supply bill” và khi Quốc Hội không thông qua thì được gọi là “loss of supply.”
Có những dạng khác nhau của hệ thống bỏ phiếu bất tín nhiệm kiểu Westminster. Ở Ðức, Tây Ban Nha và Israel, lá phiếu bất tín nhiệm đòi phe đối lập phải trong cùng một lá phiếu đó, đề nghị một ứng viên mà họ có tín nhiệm để lên làm thủ tướng. Dạng này được đưa ra để tránh tình trạng như đã xảy ra cho nền Cộng Hòa Weimar của Ðức trước Ðệ Nhị Thế Chiến, khi chính phủ bị bế tắc vì không có ai có được sự tín nhiệm cả. Ở Ðức cũng còn thêm một điều nữa là nếu chính thủ tướng đề nghị thì dù có bị bất tín nhiệm thủ tướng cũng không phải từ chức như ở Anh.
Trong chế độ tổng thống chế thì việc bỏ phiếu bất tín nhiệm được đưa ra theo hình thức “impeachment” mà một số đã dịch là “luận tội.” Quốc Hội cũng thỉnh thoảng đưa ra một phiếu bất tín nhiệm như ở Hoa Kỳ khi Hạ Viện bỏ phiếu bất tín nhiệm Ngoại Trưởng Dean Acheson hồi thập niên 1950 và đã có lúc Hạ Viện tính chuyện bỏ phiếu bất tín nhiệm Bộ Trưởng Tư Pháp Alberto Gonzales. Nhưng những lá phiếu này của Quốc Hội dưới một tổng thống chế chỉ có tính cách tượng trưng không làm vị bộ trưởng này phải từ chức.
Ngoài ra ở Hoa Kỳ và ở Venezuela ngày nay còn có một cơ chế nữa đó là “triệu hồi-recall” theo đó một chính phủ có thể bị lật đổ, nhưng khác với lá phiếu bất tín nhiệm, nó đòi hỏi sự tham dự của toàn thể cử tri.
Thực ra lịch sử của việc bỏ phiếu bất tín nhiệm mới có từ Tháng Ba năm 1782 mà lý do chính là vì cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ. Theo sau tin quân đội Hoàng Gia bị thua trận ở Yorktown, chuyện xảy ra từ Tháng Mười năm trước nhưng đến lúc đó tin mới về đến Anh, Quốc Hội đã bỏ phiếu tuyên bố “không còn có thể đặt tín nhiệm vào các vị bộ trưởng đương nhiệm.” Thủ Tướng Lord North phản ứng bằng cách yêu cầu Vua George III chấp nhận đơn từ chức của ông. Nhưng phải mãi đến thế kỷ thứ 19 thì phiếu bất tín nhiệm mới trở thành một thông lệ của ngành lập pháp.
Ðiều đáng nói hơn là lá phiếu bất tín nhiệm là chuyện bất bình thường. Trong lịch sử của nền dân chủ Anh Quốc, chỉ có tổng cộng vỏn vẹn có 11 thủ tướng đã bị mất tín nhiệm và trong mấy năm gần đây chỉ có mỗi chính phủ của Thủ Tướng James Callaghan bị lật đổ hồi năm 1979 với chỉ có một phiếu. Việc này đã đưa bà Margaret Thatcher lên làm thủ tướng Anh. Bình thường chính phủ đổ khi hết hạn kỳ.
Còn có rất nhiều những biến dạng của các hình thức này nhưng điều căn bản chúng tôi muốn nói ở đây là lá phiếu bất tín nhiệm là một hành động của Quốc Hội mà mục đích chính là lật đổ một chính phủ để tổ chức bầu cử lại và lập nên một chính phủ mới.
Nhưng ở Việt Nam ngày nay thì không phải vậy. Ngày 21 Tháng Mười Một năm 2012 vừa qua, Quốc Hội ở Hà Nội đã ra một nghị quyết “Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc Hội, Hội Ðồng Nhân Dân bầu hoặc phê chuẩn.”
Theo nghị quyết này, Quốc Hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cho tổng cộng 49 người trong đó bao gồm: chủ tịch nước, phó chủ tịch nước, chủ tịch quốc hộ, phó chủ tịch quốc hội, chủ tịch các hội đồng và chủ nhiệm các ủy ban của quốc hội cũng như các ủy ban thường vụ của quốc hội, thủ tướng và toàn thể chính phủ, các chánh án tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao và tổng kiểm toán nhà nước.
Nghị quyết này còn cho phép các hội đồng nhân dân có thể lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín niệm với các lãnh đạo trong địa phương tương đương với các chức vụ trung ương như trên.
Nghị quyết này còn đề ra những mục đích rất là cao cả của việc này, nào là “nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc Hội, Hội Ðồng Nhân Dân; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.”
Nghị quyết dài dòng đưa ra đủ thứ nào là nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, nào là phương thức đánh gia mức độ tín nhiệm với “kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn” và “phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.” Nói cách khác đầy những lời hoa mỹ mà nếu quả thật các chính trị gia Việt Nam đang thực hiện được thì họ quả là những con người thánh thiện.
Ðiều còn làm cho các nhà nghiên cứu chính trị ngạc nhiên hơn nữa là điều khoản số 7 của nghị quyết theo đó “Quốc Hội, Hội Ðồng Nhân Dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.”
Sự ngạc nhiên và nực cười đầu tiên là việc Quốc Hội lại đi bỏ phiếu tín nhiệm chính mình qua việc bỏ phiếu tín nhiệm chủ tịch quốc hội và các viên chức lãnh đạo quốc hội. Một nhà chính trị hoc Tây phương bảo việc này chẳng khác gì Alice in Wonderland với tuyên bố “ta là thẩm phán, ta là bồi thẩm đoàn, và ta lên án tử hình tất cả các ngươi.”
Nhưng điều còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là điều khoản về bỏ phiếu bất tín nhiệm “định kỳ hằng năm.” Nếu quý vị nghiêm chỉnh, một nhà chính trị học giải thích, chính phủ sẽ đổ hàng năm vì sự “bất tín nhiệm” của Quốc Hội. Mà nếu thực sự như vậy thì điều chúng ta có sẽ không phải là dân chủ mà là hỗn loạn.
Khi tôi đặt câu hỏi này cho một vị thức giả trong nước thì ông đã bật cười bảo, “Ta là đỉnh cao trí tuệ loài người nên ta phải hơn đời. Người ta chỉ họa hoằn mới có chuyện bỏ phiếu bất tín nhiệm còn ta thì hàng năm nhưng rồi thì cũng Vũ Như Cẩn thôi!”