Tay ôm túi bạc kè kè, ... Nói bậy, nói bạ, chúng nghe rần rần.
Trốn thuế là tù tội, nhưng tránh thuế lại là việc làm hợp pháp, có thể đem khoe giữa chợ mà không ai dám chỉ trích mình cả. Đó là việc ông Tim Cook, Tổng giám đốc công ty Apple, đã làm; trước sự chứng kiến của một dàn phóng viên quốc tế ông bảo thẳng 100 nghị sĩ Hoa Kỳ là ông cất hàng trăm tỉ Mỹ kim ở ngoại quốc, vì giá thuế đánh vào lợi tức của các doanh nghiệp quá cao, ông chưa muốn đóng.
Apple đã tránh thuế từ 4 năm nay; Cook nói ông chỉ đem tiền về Hoa Kỳ ngày nào thuế doanh nghiệp xuống dưới 25%.
Nghị sĩ John McCain nói, “Apple bỏ lại ngoại quốc trên $100 tỉ – quá 2/3 tổng số lợi tức của hãng – để tránh thuế lợi tức; do đó ngân sách Hoa Kỳ thâm thủng và không còn khả năng để đào tạo ra những tài nguyên trí thức hầu giúp doanh nhân tạo thêm những công ty lớn như họ đã tạo ra Apple”.
Ông Cook trả lời, “Apple đóng đầy đủ mọi thứ thuế, không thiếu một đồng nào cả. Chúng tôi tuân hành luật lệ thuế khóa”.
Cook không giấu giếm việc ông để tiền lời tại những chi nhánh của Apple bên Ireland, để không phải đóng thuế, cả thuế Mỹ lẫn thuế Ireland, vì theo luật Ireland, Apple không phải đóng thuế cho họ, mà chỉ đóng thuế tại quốc gia hãng này có cơ sở hành chánh, quản trị – quốc gia gốc của Apple là Hoa Kỳ. Trong lúc đó, luật Mỹ lại ấn định doanh nghiệp chỉ phải đóng thuế trên con số lợi tức họ kiếm được trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Toàn bộ số iPads, iPods và Mac computers được sản xuất tại ngoại quốc, trên một nửa bán cho khách hàng ngoại quốc; luật Mỹ không bắt Apple đóng thuế số hàng không làm tại Mỹ, mà lại bán bên ngoài biên giới Mỹ.
Sau buổi điều trần của ông Cook hôm thứ Ba 21 tháng 5, Nghị sĩ Cộng Hòa John McCain phổ biến một bản tuyên bố gọi việc tránh thuế của Apple là rất cần tái xét – “highly questionable”; nhưng chỉ hôm sau, người phát ngôn Brian Rogers của ông nói lại là McCain không hề muốn “trừng phạt” Apple mà chỉ muốn sửa lại luật thuế khóa.
“Chúng tôi không có bằng cớ nào chứng minh được là Apple phạm pháp,” Rogers nói, “Họ chỉ khai thác quá đáng một khe hở của luật pháp; khai thác bằng một phương pháp khá tân kỳ”.
Phương pháp “tân kỳ” của Apple là tạo ra 2 công ty “chị em” – subsidiaries– với Apple, loại công ty tuy trực hệ, nhưng vẫn độc lập đối với công ty gốc, kể cả độc lập về mặt quản trị và thuế vụ. Apple không phải là công ty duy nhất có công ty “chị em”; trước Apple các công ty Berkshire Hathaway, Time Warner, Citigroup, IBM, và Xerox Corporation cũng đã có việc công ty cái đẻ ra công ty con. Apple chỉ tân kỳ hơn những công ty vừa kể là tận dụng tính độc lập của công ty “con” trong việc thuế khóa.
Bản tường thuật do tiểu ban Điều Tra của Thượng Viện phổ biến hôm 21 tháng 5 đề cập đến việc tiền lời của Apple được ký thác vào trương mục của 2 công ty “con” đặt tại Ireland; những công ty này không phải đóng thuế, hoặc đóng rất ít thuế cho Ireland.
Nhược điểm duy nhất của hệ thống tránh thuế này là 95% sản phẩm của Apple được hình thành tại Hoa Kỳ, bằng tim óc của người Mỹ, nhưng những sản phẩm đó lại trở thành tài sản của những công ty con để tránh thuế.
Điều trần trước Thượng Viện, ông Cook nói vai trò của những công ty “con” không phải là để giúp Apple tránh thuế, mà để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi không thiếu một đồng bạc thuế nào cả,” Cook khẳng định, “Không chỉ tuân hành từng chữ trong luật thuế khóa, Apple còn tuân hành cả tinh thần của luật pháp nữa”.
Apple sử dụng một dàn luật sư nhiều lần đông hơn, nhiều lần kiến hiệu hơn dàn luật sư của sở thuế. Cook chỉ nói lên những lập luận được họ soạn sẵn, lập luận vững đến nỗi Nghị sĩ McCain chỉ trích hôm trước, hôm sau đã phải “nói lại”.
Dư luận truyền thông cho là vấn đề được nêu lên rất lớn, số thuế thất thoát nhiều đến vài chục tỉ Mỹ kim, nhưng giải pháp sẽ không đến ngay tức khắc. Các chính khách Cộng Hòa và Dân Chủ đều đồng ý luật thuế có kẽ hở cần bít lại, nhưng họ lại không đồng ý với nhau về cách bít kẽ hở.
Jay Weill, một trong những chủ nhân của tổ hợp luật Sideman &Bancroft, nói, “Roi đưa lên rất cao, nhưng đòn đánh xuống sẽ rất nhẹ, sẽ không có giải pháp nào cả, mà chỉ có những biện pháp rất cục bộ, một vài dự luật được đệ nạp chẳng hạn”.
Giáo sư thuế vụ David Hasen, tại Viện Đại học luật Santa Clara, nói, “Mọi việc đã bị khui toáng lên rồi; có che đậy cũng không được nữa”. Nhưng ông Weill lại cho là IRS không đủ người để audit Apple.
Giáo sư luật Michael Kroll, Viện Đại học luật Pennsylvania, đồng ý với ông Weill, “Ngay sau cuộc điều trần này sẽ không có gì ngoạn mục nữa cả”.
Có thể thái độ không tin tưởng của giới luật pháp không xa sự thật, vì sự bất đồng quan điểm giữa các nghị sĩ đã thể hiện ngay trong phiên điều trần. Nghị sĩ Cộng Hòa Rand Paul tỏ ra bất bình vì ông Cook bị triệu gọi ra điều trần về việc tránh thuế.
Ông Paul lên diễn đàn chất vấn những người đồng viện, “Xin quý vị cho tôi biết Apple làm điều gì bất hợp pháp. Tôi thật sự nghĩ là quốc hội phải xin lỗi Apple. Cái tội viết ra một đạo luật thuế khóa rắc rối, dài cả ngàn trang là tội của quốc hội. Ông Cook không có tội gì cả”.
Nghị sĩ Dân Chủ Carl Levin, Chủ tịch tiểu ban thuế khóa, trả lời ông Paul, “Ông cứ xin lỗi ông Cook đi; đó là quyền tự do của ông; quyền của tiểu ban này vẫn là điều tra về việc một công ty tự ý quyết định xem họ muốn đóng bao nhiêu tiền thuế thì đóng. Apple là một doanh nghiệp rất tốt, nhưng không doanh nghiệp nào đủ tốt để được tự quyền giữ lợi tức ở quốc ngoại hầu tránh thuế”.
Apple công bố một tài liệu cho thấy là họ đã đóng 6 tỉ Mỹ kim tiền thuế cho niên khóa 2012, và nói là không doanh nghiệp nào đóng nhiều hơn họ.
Mức thuế doanh nghiệp của Liên Bang hiện nay là từ 15% đến 35% lợi tức; nếu Apple đem số 100 tỉ tiền lời đang ký thác trong trương mục của 2 công ty con về Mỹ thì họ phải trả thuế tối thiểu 15 tỉ.
Cook nói ông chờ một mức thuế hợp lý hơn rồi mới quyết định đem hay không đem tiền lời về Mỹ; Paul nói Cook có quyền quyết định như vậy, trong lúc Levin nói Cook không có quyền tự ấn định số tiền thuế Apple phải đóng.
Cho đến giờ này, việc tránh thuế vẫn hợp pháp; ông Cook không phải ra tòa mà chỉ ra điều trần trước Thượng Viện, trong lúc một nghị sĩ còn đòi Thượng Viện phải xin lỗi ông.
Xin tặng ông Cook 2 câu vè Việt Nam:
Tay ôm túi bạc kè kè,
Nói bậy, nói bạ, chúng nghe rần rần.
Vè mô tả việc ông vào quốc hội nghênh ngang thách thức 100 nghị sĩ bắt được ông đóng thuế nhiều hơn số 6 tỉ ông đã đóng.
Ông có 47 đồng minh trong số 100 nghị sĩ Hoa Kỳ; ngôn ngữ nhà quê của người Việt Nam gọi việc ông phát tiền cho các nhà làm luật là lo lót, là mua bán ảnh hưởng; tiếng English văn minh gọi nó là tiền lobby.
Ông có thể phóng tay “lốp-bi” cũng không hết 1 tỉ bạc, với 9 con số zero đứng sau con số 1.