main billboard

Dù có thông qua bằng số phiếu áp đảo đi chăng nữa, hầu như chắc chắn dự luật này sẽ không có cơ hội được Hạ Viện thông qua.


Từ Thứ Sáu tuần trước, Thượng Viện Hoa Kỳ đã bắt đầu cuộc thảo luận về dự luật cải tổ di trú. Theo kế hoạch được văn phòng ông Chủ Tịch Khối Ða Số Harry Reid đưa ra, dự luật có thể được thông qua trước khi các vị nghị sĩ rời Washington nghỉ lễ Ðộc Lập tức trước ngày mùng 4 Tháng Bảy sắp tới. Ðương nhiên thời điểm đó chỉ trở thành sự thật với điều kiện “thuận buồm xuôi gió.”

harry reidKhuôn mặt lo âu của Thượng Nghị Sĩ Harry Reid (Dân Chủ-Nevada), trưởng khối đa số Thượng Viện. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

Là một chính trị gia lão luyện, ông Reid biết rõ điều đó. Ngay trong bài phát biểu đọc khi thông báo đưa dự luật ra để thảo luận, ông có nhắc đến việc “đại đa số người dân Hoa Kỳ muốn thấy dự luật được thông qua” bảo thêm chuyện chậm trễ xảy ra vì lý do “có người đòi điều này người muốn sửa đổi điều khác.” Dù thế nào đi chăng nữa dự luật cũng đã thông qua cửa Ủy Ban Tư Pháp, bây giờ là lúc các đồng viện Dân Chủ cũng như Cộng Hòa của ông công khai bày tỏ quan điểm và hy vọng cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trước ngày Quốc Hội đóng cửa nghỉ lễ.

Ông Reid mới nói xong đã có một danh sách khá dài những vị nghị sĩ ghi danh xin phát biểu, đại để cho rằng dự luật này không phải là điều người dân Hoa Kỳ trông chờ. Thượng Nghị Sĩ Jeff Sessions gọi dự luật “là kết quả lối làm việc của một nhóm nhỏ các vị nghị sĩ (gồm 4 người của bên Dân Chủ và 4 người của bên Cộng Hòa) với sự hợp tác của những tổ chức công đoàn, của những tổ chức đại diện cho thành phần thương mại” chưa hay không tham khảo ý kiến của người dân. Ông Sessions khẳng định “tôi ủng hộ cải tổ di trú, tôi biết nước Mỹ là quốc gia của những cộng đồng di dân” nhưng không hài lòng với lối làm việc “kín đáo” như thế.

Ngay cả chuyện dự luật dầy hơn 1,000 trang “chứa đựng những điều khoản rất khó hiểu về mặt luật pháp” cũng được vị nghị sĩ Cộng Hòa của tiểu bang Alabama nói tới, bảo thêm “tôi không tin 8 vị nghị sĩ soạn thảo dự luật này đã đọc hết những gì được ghi trong dự luật” chưa kể đến điều ông “tin tưởng” mọi người dân Mỹ đang lo ngại: sẽ có ít nhất 11 triệu người được hợp thức hóa tình trạng cư trú, “trong khi chúng ta chưa biết phải giải quyết an ninh biên giới như thế nào” để tránh tình trạng lại có một làn sóng người từ bên Mexico chạy sang Mỹ, có thể đẩy nước Mỹ đến một cuộc khủng hoảng “di trú” khác. Hơn thế nữa, “những người này cố tình vi phạm luật pháp khi trốn vào Mỹ hay trốn ở lại, quốc gia này là quốc gia tôn trọng luật pháp, tại sao chúng ta lại cho họ cơ hội trở thành công dân Hoa Kỳ?”

Sau ông nghị sĩ Cộng Hòa là nghị sĩ độc lập Bernie Sanders của tiểu bang Vermont. Cũng giống như các đồng viện, ông Sanders ủng hộ “mọi chương trình giúp đỡ người di dân” vì chính gốc gác gia đình ông cũng từ nơi khác đến xứ này lập nghiệp. Thắc mắc được ông nêu ra là trong dự luật có những điều khoản ưu đãi cho người từ nước khác vào Mỹ làm việc, sau đó được quyền nộp đơn xin ở lại và trở thành công dân Hoa Kỳ. “Tôi muốn biết tại sao chúng ta lại làm điều đó trong khi 16% người trẻ ở Mỹ tốt nghiệp trung học và đại học không tìm được việc làm, 25% thiếu niên Mỹ kiếm không ra việc?” Ông Sanders nói thêm, “Trước đây có rất nhiều công việc thường được trao cho người trẻ của nước Mỹ, bây giờ chúng ta lại tìm cách trao các công việc này cho những người từ nước khác sang đây theo diện công nhân làm việc tạm thời (temporary guest worker).”

Bên trong nghị trường hết người này đến người khác trình bày quan điểm ủng hộ lẫn chống đối, phía bên ngoài là cuộc tiếp xúc bỏ túi của 2 thượng nghị sĩ Marco Rubio và Robert Mernendez, những chính trị gia được xem là “cha đẻ” của dự luật cải tổ di trú. Ông Rubio (Cộng Hòa) cho hay mặc dù dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ luật giúp giải quyết tình trạng cư trú của cả chục triệu người, “nhưng dân chúng đòi hỏi phải đảm bảo an ninh biên giới để chuyện có một lượng đông đảo người cư ngụ không có giấy tờ sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa.” Thượng Nghị Sĩ Mernendez (Dân Chủ) thì nói rằng mặc dù bên phe thiểu số (Cộng Hòa) hứa không gây khó khăn, nhưng vẫn còn xa với chỉ tiêu 70 phiếu mà phía đa số đặt ra để có thể gây áp lực chính trị với Hạ Viện. Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình “Al Punto” của đài Univision nói tiếng Spanish, ông Mernendez kêu gọi cộng đồng Hispanic lập chương trình gọi điện thoại cho các vị nghị sĩ “yêu cầu họ bỏ phiếu ủng hộ” để dự luật được thông qua bằng số phiếu áp đảo, đồng thời tối Thứ Ba Tổng Thống Barack Obama cũng lên TV nói chuyện với dân chúng, mục đích kêu gọi mọi người thúc giục các vị dân cử ủng hộ dự luật.

Dù có thông qua bằng số phiếu áp đảo đi chăng nữa, hầu như chắc chắn dự luật này sẽ không có cơ hội được Hạ Viện thông qua.

Trong những tháng vừa qua, các nhà lãnh đạo Hạ Viện cho thành lập một ủy ban lưỡng đảng để soạn thảo dự luật riêng, nhưng cuối cùng không đi đến kết quả. Cả 2 phía đều đổ lỗi cho nhau, cánh Dân Chủ chỉ trích bên Cộng Hòa đặt những điều kiện quá cứng rắn, phía Cộng Hòa than Dân Chủ muốn dễ dãi để kiếm phiếu của cộng đồng thiểu số, không coi trọng an ninh quốc gia. Dù chỉ trích nhau, nhưng cả 2 bên đều đồng ý ở một điểm: phải đảm bảo tình trạng người trốn vào Mỹ giảm ở mức tối đa. Cách giải quyết của cánh Dân Chủ là ủng hộ tăng ngân sách canh gác biên giới, phe Cộng Hòa đòi hỏi hành pháp phải báo cáo hàng năm, đặt điều kiện nếu tình trạng không tiến bộ sẽ ngưng thi hành luật cải tổ di trú.

Trở ngại ở Hạ Viện là điều Thượng Viện đang lo. Thượng Nghị Sĩ Rand Paul nói rõ trong cuộc phỏng vấn của Fox News Sunday, “Những gì ghi trong dự luật của Thượng Viện sẽ không có cơ hội thông qua tại Hạ Viện.” Cũng trong chương trình này, Thượng Nghị Sĩ Ron Johnson của tiểu bang Wisconsin than thở “chẳng lợi ích gì nếu chỉ được Thượng Viện thông qua mà phía Hạ Viện không ngó ngàng tới.”