“Tôi không muốn thấy quốc gia chúng ta có những người cư trú bất hợp pháp”, Thượng Nghị Sĩ Charles Schumer của đảng Dân Chủ nói với các dồng viện trong Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện hôm Thứ Năm tuần trước.
“Nhưng chẳng phải vì như thế mà chúng ta sẽ áp đặt những điều kiện thật gắt gao, không thực tế, mà thay vào đó chúng ta phải tìm những điều hữu lý để cùng nhau giải quyết vấn đề”.
Thượng Nghị Sĩ Charles Schumer (Dân Chủ-New York) (bìa phải), một trong 8 thượng nghị sĩ đề nghị cải tổ di trú, phát biểu tại Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện. (Hình: Mark Wilson/Getty Images)
“Vấn đề” ông Schumer nói chính là “vấn đề” đang được tranh cãi ở nghị trường giữa 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, liên quan đến dự luật cải tổ di trú (dày 867 trang) để giải quyết tình trạng giấy tờ của ít nhất 11 triệu người đang cư ngụ bất hợp pháp trên đất Mỹ. Tháng trước dự luật sơ thảo do 8 vị nghị sĩ (4 Dân Chủ, 4 Cộng Hòa) được trình làng, được đưa vào nghị trình thảo luận của Thượng Viện với sự ủng hộ của các vị dân cử lãnh đạo 2 đảng, chỉ vài ngày sau đó có tới hơn 300 để nghị sửa đổi, thêm bớt... trách nhiệm của Ủy Ban Tư Pháp là phải giải quyết từng đề nghị một trước khi các ông bà nghị trong ủy ban bỏ phiếu thông qua trước khi bản dự thảo cuối cùng được đưa ra thảo luận ở nghị trường.
Ngay ở buổi thảo luận đầu tiên đã thấy những khó khăn.
Ðề tài gây sôi nổi nhất cuộc bàn cãi tuần trước là chuyện liên quan đến an ninh biên giới. Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Ted Cruz của tiểu bang Texas đưa đề nghị “tăng gấp 3 số nhân viên kiểm soát, tăng gấp 4 lần số máy bay không người lái và số thiết bị gắn dọc theo biên giới với Mexico để kiểm soát người nhập cảnh lậu”, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Charles Grassley góp thêm ý kiến “luật chỉ có hiệu lực 180 ngày sau khi Bộ An Ninh Nội Ðịa báo cáo trong thời gian đó đảm bào được an ninh cho toàn khu vực biên giới giáp ranh với Mexico, và ít nhất 90% ở những khu vực vẫn thường có người trốn từ Mễ sang Hoa Kỳ”. Cả 2 ý kiến này đều không được chấp nhận vì nếu thực hiện sẽ quá tốn kém cho đường biên giới dài 2,000 dặm, trong đó có khoảng đường dài 700 dặm sẽ được xây tường cao và có 2 hàng rào kẽm gai, cho dù ngay các vị thượng nghị sĩ không ủng hộ cũng nói họ hiểu phải có biện pháp, “không thể để mỗi năm có tới vài chục ngàn người trốn vào Mỹ” ở quãng đường dài 700 dặm mà đồng viện Cộng Hòa đưa ra.
“Như tôi đã nói”, Thượng Nghị Sĩ Schumer trình bày trước khi cùng các vị nghị sĩ Dân Chủ khác bỏ phiếu bác ý kiến của đồng viện Cộng Hòa, “Tôi rất mong thấy không có ai vượt biên giới vào Mỹ cả, tôi cũng chẳng thích gì chuyện có người nhập cảnh bất hợp pháp và nước Mỹ, nhưng chúng ta phải giải quyết vấn đề một cách khôn ngoan hơn, ít tốn kém hơn chứ đừng đòi hỏi phải bỏ ra một ngân khoản khổng lồ để chỉ giải quyết một chuyện”. Vị nghị sĩ đại diện cho tiểu bang New York đồng thời cũng là 1 trong 8 thượng nghị sĩ soạn bản dự thảo sơ khởi nhắc lại trong dự luật “có rất nhiều điều khoản giúp bảo vệ an ninh, như cho người cư trú bất hợp pháp được giấy tờ ở lại Mỹ nhưng phải mất một thời gian dài sau đó mới được nộp đơn xin thi quốc tịch, chính phủ sẽ tăng thêm tiền cho Bộ An Ninh Nội Ðịa, bộ này phải kiểm soát chặt chẽ những người vào Mỹ theo đường hợp lệ, giảm tối đa chuyện sau đó họ tìm cách trốn ở lại và buộc tất cả các công ty phải kiểm tra giấy tờ cư trú của người họ muốn thuê”.
Bên Cộng Hòa không đồng ý với giải thích của cánh đối lập. Theo Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz, “Chúng tôi thấy dự luật không tăng thêm quyền hạn và phương tiện cho Bộ An Ninh Nội Ðịa, không đưa ra những quy định buộc bộ này phải làm, mà chỉ toàn những hứa hẹn”. Ông nhắc lại 2 chuyện đã xảy ra: “Hồi 1986 chúng ta đã đồng ý với chương trình ân xá cho người cư trú bất hợp pháp mà quên đi chuyện phải bảo vệ biên giới để chận đứng làn sóng người từ nước khác tìm cách vào Mỹ, hồi 2007 chính Thượng Viện đã bỏ phiếu không ủng hộ dự luật cải tổ di trú vì không thấy an ninh biên giới được đảm bảo”. Ông kết luận bằng câu “cử tri không bao giờ quên hai điều này”.
Ý kiến của ông Ted Cruz được Thượng Nghị sĩ Chuck Grassley ủng hộ với lời phát biểu “Tôi xin nhắc rằng lúc trước chúng ta đã làm sai, đừng để điều đó xảy ra một lần nữa”.
Cuối cùng các ông bà nghị sĩ đồng ý với nhau ở 8 để nghị sửa đổi của phía Cộng Hòa và 13 đề nghị của bên Dân Chủ, tức chỉ mới tạm giải quyết có một phần rất nhỏ trong lúc cả 2 đảng đều nói mong hoàn tất trước Tháng Sáu, tức trước ngày Quốc Hội tạm ngưng làm việc để các ông bà dân cử đi nghỉ hè. Thượng Viện Dân Chủ cũng bác bỏ 7 đề nghị của đảng Cộng Hòa, nhưng không bỏ bất kỳ đề nghị nào phía Dân Chủ đưa ra, khiến ông Dan Stein, chủ tịch Liên Hiệp Hoa Kỳ Về Cải Tổ Di Trú (Federation for American Immigration Reform), trách cứ rằng các vị nghị sĩ vẫn làm việc theo lối đảng phái chứ không muốn cùng nhau giải quyết chuyện quốc gia. Cũng ông Dan Stein nói với báo chí “Tôi cảm thấy xấu hổ khi ngồi nghe cuộc tranh luận và kết quả” Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện đạt được.
Bà Marielena Hincapie, giám đốc điều hành Trung Tâm Nghiên Cứu Luật Cư Trú, đưa ra cái nhìn hoàn toàn khác. “Tôi thấy các vị thượng nghị sĩ (thuộc Ủy Ban Tư Pháp) tìm đủ mọi cách để ngăn chặn mọi trở ngại có thể gây khó khăn cho dự luật này”, nhắc nhở “điều quan trọng nhất là phải giúp cho 11 triệu người có giấy tờ cư trú, và đích cuối cùng là họ sẽ trở thành công dân Hoa Kỳ”. Ðó cũng là nhận xét được Thượng Nghị Sĩ Schumer đưa ra sau cuộc tranh luận. “Tôi thấy bước khởi đầu thật tốt”, tin tưởng “sẽ lôi kéo được sự ủng hộ của đảng Cộng Hòa ở cả Thượng lẫn Hạ Viện”.
Dư luận ghi nhận được từ hành lang Quốc Hội cho biết dù có được Ủy Ban Tư Pháp thông qua, chưa chắc Thượng Viện có đủ 60 phiếu để đưa ra bàn thảo trước nghị trường. Tin hành lang cũng nói dù Thượng Viện có ủng hộ chăng nữa, Hạ Viện Cộng Hòa vẫn chưa tính gì đến chuyện có cứu xét dự luật hay không.
Những điểm sẽ được Thượng Viện bàn cãi
1. Quyền lợi dành cho người đồng tính: Dự luật có điều khoản quy định đối với những cặp vợ chồng nam nữ, chỉ cần một trong hai người được cấp giấy tờ ở lại Mỹ, người còn lại cũng sẽ được chấp thuận cho ở lại. Phía Dân Chủ đề nghị mở rộng quy định này cho những cặp hôn nhân đồng tính.
2. Quyền lợi trợ cấp xã hội: Những người được cấp giấy tờ ở lại Mỹ sẽ không được hưởng trợ cấp xã hội như foodstamp, medicare, v.v... cho tới khi trở thành công dân Hoa Kỳ. Phía Dân Chủ đưa ý kiến vẫn cho những người này được hưởng trợ cấp với điều kiện nếu hưởng trợ cấp sẽ không được nhập tịch.
3. Quyền đoàn tụ gia đình: Cho phép các công dân Hoa Kỳ đứng đơn bảo trợ cho thân nhân đang cư trú bất hợp pháp ở Mỹ, thay vì bắt buộc phải trở về nước như quy định của luật hiện hành.
4. Tăng thêm số người nộp đơn xin hợp thức hóa tình trạng di trú: Dự luật có điều khoản chỉ có những người cư trú bất hợp pháp trước ngày 31 Tháng Mười Hai, 2012 mới được nộp đơn xin điều chỉnh tình trạng di trú. Phía Dân Chủ đề nghị những ai không có giấy tờ cư trú từ ngày 17 Tháng Tư, 2013 trở về trước đều có thể nộp đơn.