Sử dụng côn đồ xã hội đen vào việc đàn áp những người yêu tự do, dân chủ, những người bất đồng chính kiến, chứng tỏ chế độ đã đi tới mức túng quẫn, bức bí, mạt hạng.
Ngày 21 Tháng Tư 2013 đã xảy ra vụ “côn đồ” đánh dân tại khu đất dự án của công ty cổ phần Hoa Thành, thuộc Tiên Lãng, Hải Phòng, đã làm nóng dư luận.
Thấy kẻ lạ vào phá hoa màu của mình, người dân ở đây đã đánh kẻng báo động kéo nhau ra giữ đất. Và một cuộc ẩu đả đã diễn ra gần một giờ đồng hồ khiến cho 11 người dân bị thương, trong đó có bốn người bị thương nặng.
Trong bài “Thuê côn đồ ‘quét’ dân, giải phóng mặt bằng,” tờ Dân Trí ngày 22 Tháng Tư 2013 viết:
“30 phút sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng công an có mặt. Lúc này đã có sáu người dân bị trọng thương, được cơ quan an ninh đưa đi viện cấp cứu. Riêng nhóm côn đồ không hiểu sao bình yên lên taxi rút đi”.
Ngày 23 Tháng Tư, Bộ Công An đã chính thức cử cán bộ điều tra xuống Hải Phòng để phối hợp với cảnh sát điều tra Hải Phòng làm rõ sự việc. Chiều 3 Tháng Năm công an của Hải Phòng cho hay đã bắt được “một nghi phạm hành hung người dân” và ba người khác.
Ðây không phải là lần đầu tiên. Hôm 12 Tháng Bảy 2012, một số người dân thôn 1, xã Xuân Quan bị gần 20 tên côn đồ đuổi đánh, hành hung làm ba người trọng thương phải nhập viện. Vụ án trong ngày 30 Tháng Mười Một 2012 xét xử hai trong số sáu tên bị buộc tội đã bộc lộ rõ rệt sự bao che từ phía nhà chức trách.
Trong bài “Nực cười tòa án huyện Văn Giang”, blogger “Người Buôn Gió” cho thấy:
“Vụ án này có hai bị cáo được đưa ra xét xử, bốn bị cáo khác trốn thoát. Hai bị cáo được đưa ra xét xử là do họ đầu thú (theo lời tòa án). Vậy thì công an huyện Văn Giang đã làm được điều gì, khi không bắt được tội phạm nào trong vụ án này, nhờ có hai bị cáo ra đầu thú mà mới có được phiên tòa này. Nếu không thì đến giờ cũng chưa xử được vì chưa bắt được bị cáo nào cả.
Chuyện thứ hai, chỉ có ở Việt Nam. Viện Kiểm Sát, tòa án thành luật sư bào chữa cho bị cáo. Còn luật sư bị hại thành công tố viên.”
Bài “Công an làm ngơ khi côn đồ truy sát phóng viên Dân Việt (?!)”ngày 26 Tháng Mười Một 2012 mô tả anh Ðức Khánh, phóng viên của báo khi tác nghiệp chụp hình cảnh cảnh sát giao thông nhận hối lộ, đã bị “nhiều đối tượng khác hùng hổ xông thẳng tới quát nạt: Tưởng mày là nhà báo là ngon lắm à! Rồi sau đó họ đánh anh Khánh tới tấp nhưng anh né được và bỏ chạy, cầu cứu. Ngay thời điểm anh Khánh bị đánh có rất nhiều người mặc sắc phục lực lượng xung kích và công an.
Từ côn đồ khoác áo công an đến côn đồ thiệt
Hiện tượng công an sử dụng bạo lực trong vài năm gần đây đã trở nên phổ biến. Lê Xuân Dũng, 12 tuổi, bị bắn chết trong một vụ cưỡng chế đất hôm 25 Tháng Năm 2010 ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa; Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, bị công an đánh chết tại đồn Tân Yên, Bắc Giang vì không đội mụ bảo hiểm hôm 25 Tháng Bảy 2010; ông Trịnh Xuân Tùng, bị trung tá công an Hà Nội đánh gãy cổ dẫn đến tử vong, Tháng Ba năm 2011, v.v... là những vụ việc điển hình.
Trong bài “Trung tá cảnh sát hành hung phóng viên giữa ban ngày,” ngày 25 Tháng Tư 2013 tờ “Người Ðưa Tin” cho hay, “Một trung tá cảnh sát giao thông thuộc công an tỉnh Quảng Trị đã lăng mạ và giật máy quay của phóng viên. Sau đó, hai phóng viên còn bị hai người khác chặn xe, dùng dao uy hiếp, đe dọa lấy các công cụ tác nghiệp”.
Trước cảnh tượng công an thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đàn áp dân chúng trong vụ cưỡng chế tước đoạt đất của nông dân giao cho chủ đầu tư tư nhân Ecopark ở Văn Giang hồi Tháng Tư 2012, tiến sĩ khoa học của Viện Khoa Học Công Nghệ Việt Nam, Hoàng Xuân Phú, đã gọi công an là “lũ ác ôn”:
“Lồng lộn dã thú
Nhằm mặt, chúng đấm
Nhè đầu, chúng vụt
Trút căm thù bằng cú đá tung chân
Ðánh cho đã cơn ghiền man rợ
Ðỡ bứt rứt tim đen mưng mủ
Vừa tận trung với chủ
Vừa thỏa thú côn đồ”.
Ông Robertson, giám đốc Human Rights Watch tại Châu Á, viết trên trang web HRW:
“Trong một số vụ việc, nạn nhân tử vong do bị đánh trong khi đang bị công an hoặc dân phòng giam giữ. Một số trường hợp khác, nạn nhân chết ở chỗ đông người do công an sử dụng bạo lực được ghi nhận là quá mức cần thiết.”
“Nhiều cái chết như thế đã gây nên những cuộc biểu tình phản đối của dân chúng khắp Việt Nam trong năm vừa qua. Những ca tử vong trong khi bị công an giam giữ hoặc chết dưới tay của công an được ghi nhận ở nhiều tỉnh thành, từ khu vực miền núi phía Bắc như Bắc Giang và Thái Nguyên, đến các thành phố lớn như Hà Nội và Ðà Nẵng, tới Quảng Nam ở ven biển miền Trung, hay Gia Lai ở vùng cao nguyên hẻo lánh, cho tới các tỉnh Hậu Giang và Bình Phước ở miền Nam.”
“Nạn công an hành hung, tra tấn, đánh chết dân đã lên tới mức báo động với hàng chục người thiệt mạng ngay tại đồn công an trong vài năm qua. Nhiều lỗi vi phạm nhỏ như không đội mũ bảo hiểm nhưng rốt cuộc đã phải trả giá bằng cả mạng sống dưới bàn tay của công an, lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cho xã hội và tính mạng người dân. Những nghịch lý đang diễn ra đã khiến nhiều người mất niềm tin và sợ hãi trước lực lượng công quyền này.”
Bị dư luận trong nước và quốc tế lên án với những số liệu cụ thể, nhà cầm quyền đã thay đổi sách lược, biến “côn” an sắc phục thành côn đồ thực sự bằng cách khi thực hiện công vụ mặc quần áo thường phục, không xưng tên họ số hiệu, sử dụng lực lượng biên phòng và cả xã hội đen.
Ðối tượng bị nhắm tới nhiều nhất là những người tranh đấu, hoạt động nhân quyền, các blogger tự do và những người đã từng tham gia biểu tình chống Trung Cộng hoặc có liên quan.
Lực lượng côn đồ rình rập, bám gót, gây khó khăn khi di chuyển, tạo tai nạn xe, vứt đồ dơ bẩn vào nhà đã thành hiện tượng bình thường, diễn ra ngay trước mặt công an, an ninh phường, thậm chí hành hung ngay tại nhà như trong trường hợp của blogger JB Nguyễn Hữu Vinh.
“Ðến mức, nỗi nghi ngờ của người dân (...) đã thành tít của một loạt các bài báo ‘Tội phạm xã hội đen’ lộng hành: Có hay không sự bảo kê? (VTV News, ngày 20/4), Thế lực nào bảo kê cho băng xã hội đen? (LÐ, ngày 23/4).”
Ngoài xã hội thì vậy, trong tù, bọn ma cô, lưu manh cũng hành hạ đánh đập tù nhân dưới con mắt của cán bộ trại giam. Chị Hồ Thị Bích Khương hay Nguyễn Phương Uyên bị đánh hội đồng trong tù là những trường hợp tiêu biểu.
Blogger Ðặng Bích Phượng viết:
“Việc họ giam Phương Uyên cùng với tù thường phạm, muốn mượn tay giang hồ để đánh đập cô học trò nhỏ thì ai cũng ngầm hiểu, đó là trò ném đá giấu tay của quản giáo. Tin Phương Uyên bị đánh đập trong tù không những không làm cho người ta run sợ, mà chỉ càng chuốc thêm sự căm phẫn và khinh bỉ đối với chế độ.
Dùng vũ lực để khuất phục kẻ khác luôn đồng nghĩa với sự bất lực về nhân tâm. Tôi chắc rằng nếu tất cả mọi người dân Việt Nam dám nói thật chính kiến của mình, đất nước này sẽ không xây đủ nhà tù để giam giữ những người bất đồng chính kiến.”
Theo VietNamNet 24 Tháng Tư 2013, trong bài “Tội phạm đang chi phối một số cơ quan chức năng!” Lê Hoàng Quân, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TP. Sài Gòn cảnh báo: “Bọn tội phạm không thể nào hoành hành ngang ngược bất chấp luật pháp nếu không có sự lơ là một cách cố ý hay có sự bao che. Nguy hại hơn chúng còn khống chế, chi phối cán bộ công quyền.”
Nói và biết vậy nhưng trong thực tế thì sự hành xử hoàn toàn khác. Như chúng ta đã thấy ở trên. Chả thế mà tờ Dân Làm Báo có bài với tiêu đề mỉa mai “Khi côn an điều tra... côn đồ”.
Trên lịch sử thế giới có nhiều chế độ độc tài sắt máu, chúng cũng rất mạnh tay trấn áp những người đối lập, nhưng hiện tượng sử dụng côn đồ xã hội đen dường như không thấy.
Sử dụng côn đồ xã hội đen vào việc đàn áp những người yêu tự do, dân chủ, những người bất đồng chính kiến, chứng tỏ chế độ đã đi tới mức túng quẫn, bức bí, mạt hạng. Bởi vì nó không còn tiếng nói chính danh của một nhà nước mà thực sự chỉ là chính sách của một băng đảng tội phạm có tổ chức.
Lời kết
Sau những biến chuyển dân chủ tại Miến Ðiện, tờ “Foreign Policy” trong bài “The Terrible Tiger” Tháng Tư 2012 đã liệt Việt Nam vào loại “chế độ hà khắc nhất Ðông Nam Á”.
Giờ đây côn đồ hóa bộ máy đàn áp, Việt Nam trở thành một quốc gia ngoại lệ, hủ lậu và mọi rợ, nhắm mắt trước những nguyên tắc đạo đức cơ bản nhất, chà đạp lên mọi kỷ cương pháp lý tối thiểu, xâm phạm thô bạo quyền được sống bình thường của con người, trở thành băng đảng lục lâm thảo khấu, có sức mạnh cơ bắp nhưng hèn hạ và đê tiện.