Biến xác chết và tư tưởng của Hồ Chí Minh- chiếc phao cuối cùng của sự tồn tại lý thuyết của hệ thống chính trị đặc quyền, đặc lợi - thành một thứ tín ngưỡng, chế độ đã đạt được hiệu quả cao hơn cả mục đích tuyên truyền.
Nếu quan sát trong ngày 24 Tháng Hai, 2013 (15 Tháng Giêng Âm lịch), hàng trăm người ngủ vạ vật chờ trời sáng, hàng ngàn du khách thập phương chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau tạo nên một khung cảnh hết sức hỗn độn, xô bồ tại Ðền Trần ở phường Lộc Vượng (Nam Ðịnh). Nhiều người trèo cả lên đầu người khác, tiếng la thét khắp nơi, có nhiều phụ nữ, bà già bị xô đẩy xuống đất ngã dúi dụi. Chỉ để mua bằng được cánh ấn lộc Nhà Trần là mảnh lụa vàng có đóng dấu ấn với gia quy định 15 ngàn đồng và sau khi kết thúc thảm cảnh, nhiều người đã mua được ấn với giá... sang nhượng 50 ngàn-100 ngàn đồng.
Nếu quan sát hôm 19 Tháng Tư (mồng 10 Tháng Ba Âm Lịch) hàng vạn người ùn ùn từ khắp các ngả đường hướng về Ðền Hùng, hàng trăm người đã bám vào cây, bò trên những bậc thang bằng đá quá nhỏ đã bị quá tải, dốc trơn trượt, để mong leo tới khu đền Thượng thắp hương. Tại khu Bạch Hạc, mọi người hối hả mua nước, cát để cầu may, vì cho là nước thánh, nước thiêng của các vua Hùng, từ 50 ngàn tới 200 ngàn/can/20 lít.
Thì phải nghĩ rằng, đây là cảnh hỗn loạn của một đám đông lạc hậu, chậm tiến, điên rồ, có tâm thức bất thường.
Nhưng không, họ là những con người bình thường, bao gồm đủ các thành phần xã hội, từ học sinh, nông dân, công nhân tới giới trung lưu, đặc biệt là các bà vợ của các quan chức. Họ khổ sở và vất vả một cách rồ dại, say mê, với một ý thức có định hướng: lấy được ấn, thắp được hương, mua được nước và cát là sẽ gặp may mắn, có sức khỏe, bình an, làm ăn phát tài...
Người ta biết rất rõ, các cơ sở hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như các nhà đình, nhà chùa có biểu hiện cơ hội, kinh doanh trục lợi. Trao đổi với BBC Việt ngữ, ông Ngô Ðức Thịnh, cựu viện trưởng Viện Nghiên Cứu Văn Hóa Dân Gian cho rằng: “Nguồn thu là rất lớn. Có những cơ sở có thể thu tới ba bốn chục tỷ một năm, không thể tưởng tượng nổi.”
Thế nhưng hiện tượng trên vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển một cách phổ biến.
Tà đạo Hồ Chí Minh
Từ vài năm nay, tượng Hồ Chí Minh được đặt cùng với tượng Phật tại cơ sở tín ngưỡng ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với tên gọi là Ðại Nam Quốc Tự, đã làm nóng dư luận.
Rõ ràng việc làm này là một hành vi khủng bố tâm linh, phá vỡ giá trị tôn thờ. Tuy là hành vi cá nhân của ông Dũng “chủ lò vôi,” nhưng được khuyến khích, khuếch trương của nhà chức trách địa phương. Dũng “chủ lò vôi” dựa trên mối quan hệ thân thiết với phu nhân của Võ Văn Kiệt, tiếp theo với cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đã mánh mung ăn nên làm ra, trục lợi từ bất động sản và cho xây Ðại Nam Quốc Tự, khu du lịch được xem là lớn nhất Việt Nam. Dũng “chủ lò vôi” đưa tượng Hồ Chí Minh vào đây như một sự “trả ơn,” nhưng đồng thời cũng là cách thánh hóa thêm Hồ Chí Minh.
Nhưng Hồ Chí Minh là người cộng sản, bàn tay Hồ dính máu của gần 180 ngàn người bị đấu tố và giết oan trong Cải cách Ruộng đất, người đã đưa chủ nghĩa cộng sản tội ác vào Việt Nam, tác nhân quyết định đỏ hóa miền Nam trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Về đạo đức cá nhân của Hồ cũng lắm thứ phải bàn.
Ðưa tượng Hồ vào ngồi cùng tượng Phật, những người cộng sản hôm nay hủy diệt một cách ma giáo truyền thống văn hóa của dân tộc, đời sống tâm linh bình thường, tập quán thờ phượng lâu đời, thay vào dòng chảy sinh hoạt tín ngưỡng một thứ tôn giáo mang sắc màu dị hợm, đi ngược với cái Thiện của nhà Phật, đánh lừa những con người nhẹ dạ, mù lòa về thông tin và các thế hệ sinh ra sau chiến tranh.
Con số 800 nhà tu được huy động trong ngày lễ khánh thành cơ sở này, thực sự là những “nhà sư quốc doanh” của Thành Hội mà Thích Thiện Tánh (được biết như một công an mang hàm cấp tá, ngụ tại chùa Khánh Anh đường 3 tháng 2, Sài Gòn) đứng đầu.
Trong Tháng Ba năm 2011, với bài “Sự thật về một tà đạo” của tờ Công An Nhân Dân của xứ Nghệ đã bị gỡ mất, nhưng được trang Infonet.vn của Bộ Thông Tin- Truyền Thông đăng lại, viết:
“Chuyện xuất xứ của tà đạo “Tâm linh Hồ Chí Minh” cũng chẳng khác mấy so với nhiều tà đạo khác trong thời gian vừa qua. Nó bắt nguồn từ sự khác thường của một người đàn bà chuyên nghề... làm ruộng ở thôn Bài Lâm Hạ, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) cách đây mấy năm.
“Năm 2000, bà Nguyễn Thị Ðiền (SN 1960), trú tại địa chỉ trên bị ốm nặng. Ðến năm 2001, bà Ðiền tự dưng khỏi bệnh và sau đó có những biểu hiện không bình thường. Bà ta không ra đồng làm ruộng như trước đây nữa mà chuyển qua ngồi viết sách. Cái thứ sách mà bà Ðiền viết cũng rất khác thường như: Bàn thờ người Ðại Việt; Ðại pháp cầu an; Ðại pháp đoàn tràng tu gia; Bác Hồ 79 điều mơ ước; Luật công phép nước. Luật trời-thời thế....
“Sau khi viết sách, người đàn bà này lập bàn thờ Bác Hồ, tổ chức làm lễ rồi chuyển sang nghề chữa bệnh tại nhà. Bên cạnh đó, bà ta cho xây dựng trong nhà một cơ sở thờ tự gọi là “Ðiện thờ Hoàng Thiên Long.” Ðể thờ cúng, bà Ðiền cho đặt tượng Bác, treo cờ Ðảng, cờ Tổ quốc và một bát hương.
Trên cửa điện ghi dòng chữ “Nối dòng Âu Lạc nhà nòi, Thiên trao ngọc hạnh sáng soi kế đời.”
“Ngay sau khi lập điện thờ, bà Ðiền đã tuyên truyền rằng Bác Hồ ngự tại “Ðiện thờ Hoàng Thiên Long” và truyền cho bà ta viết kinh sách cứu nhân độ thế cho trần giới đồng thời tự nhận mình là “Nữ thần giao liên và lương y chữa bệnh bằng tâm linh.”
“Ngoài ra, bà ta còn rêu rao “Ðiện thờ Hoàng Thiên Long” là kho thuốc tiên, còn “Ðại Sơn Lâm” (của con rể bà Ðiền ở Thượng Tiến, Kim Bôi, Hòa Bình) là tổng kho nước Thánh.
“Cách chữa bệnh của bà Ðiền thì vô cùng đơn giản: bà ta để 3 chén nước lã lên bàn thờ thắp hương rồi cho người bệnh uống. Với cách chữa đó, bà Ðiền dám tuyên bố sẽ chữa được hết tất cả các loại bệnh, kể cả bệnh nan y như ung thư. Từ thông tin trên, chỉ ít lâu sau, nhà bà Ðiền đã chật kín người từ khắp nơi đổ về để chữa bệnh và tham gia vào tà đạo “Tâm linh Hồ Chí Minh”.
“Việc tà đạo này lấy danh nghĩa thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh để hoạt động mê tín là điều rất đáng phải lên án và dẹp bỏ. Thiết nghĩ, mỗi một người dân cần nhận thức rõ điều này để không bị dụ dỗ, lôi kéo, đi theo những tà đạo hoạt động không đúng đắn để rồi vi phạm pháp luật.”
“Phê phán” như thế nhưng trong thực tế chỉ một năm sau, từ khi có bài viết đã nêu, trong lễ rước tượng Ðức Phật ngọc Hồ Chí Minh về điện Hoàng Thiên Long tại Ký Yên, Nam Ðịnh nhân dịp 67 năm thành lập CHXHCN Việt Nam, cho thấy đầy đủ thành phần quân nhân, cán bộ, trí thức và nhân dân đông đảo. Ðiều này cho thấy nhà chức trách đã nắm bắt được cái lợi hi hữu của việc thần thánh hóa Hồ Chí Minh và nuôi dưỡng nó. Phó giáo sư Nguyễn Lân Cường (Ðại học Quốc gia Hà Nội), Giáo Sư Hồ Tài Huệ Tâm (Ðại Học Harvard) và nhiều nhân vật danh giá khác đã từng là khách của nơi này. VTV cũng đã làm hẳn một phóng sự điều tra với đầy những lời chia sẻ, ủng hộ...
Cũng vào Tháng Tám, 2012, Quận Ủy và Ủy Ban Quận Tây Hồ, Ban Quản Lý đình làng Phú Xá (phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) còn đưa tượng và tổ chức lễ hô thần nhập tượng Hồ Chí Minh vào đình làng này để thờ cùng thành hoàng làng (vốn ngự ở đình đã gần 300 năm). Cũng theo chỉ đạo, 3 nhà sư trong trang phục Phật giáo đã sử dụng một chiếc đầu trâu và ba bát máu tươi để cúng cho hồn tượng thêm “linh”. Giá trị bức tượng khoảng hơn 2 tỉ đồng được Tổng công ty Cổ phần Bao bì xuất khẩu và Khu đô thị Nam Thăng Long tài trợ chính.
Kết luận
Từ Ðại Nam Quốc Tự, tà đạo Hồ Chí Minh, rồi thờ cúng cùng hoàng thành làng, cho thấy một chính sách xuyên suốt của nhà cầm quyền..
Lợi dụng xã hội bế tắc đức tin, khủng hoảng phương hướng sống, thất vọng vì một tương lai vô định, giàu có cũng như nghèo khó, hy vọng gửi gắm số phận cho thánh thần, như đám đông náo loạn tại Ðền Trần và Ðền Thượng Vua Hùng, nhà cầm quyền đã thực thi một chính sách ru ngủ, ngu hóa dân chúng để dễ bề cai trị, che giấu sự yếu kém, tha hóa của lãnh đạo và sự bế tắc về kinh tế.
Biến xác chết và tư tưởng của Hồ Chí Minh- chiếc phao cuối cùng của sự tồn tại lý thuyết của hệ thống chính trị đặc quyền, đặc lợi - thành một thứ tín ngưỡng, chế độ đã đạt được hiệu quả cao hơn cả mục đích tuyên truyền.
Làm ngơ cho giới chức địa phương trước các việc làm trên đây, nhà cầm quyền đã dần dần đặt mọi thứ vào sự đã rồi, hợp thức hóa bằng phương pháp khôn ngoan, từ từ, mưa dần thấm lâu.
Thánh hóa Hồ Chí Minh, nhà cầm quyền đã cố tình lừa dối mình và lừa gạt cả dân tộc.
Sự lừa dối được bắt đầu hình thành từ tâm lý, tư tưởng và sau đó được thâm nhập vào các hoạt động của đời sống xã hội và kinh tế của đất nước.
Không có chế độ cai trị độc tài nào lại không muốn tạo ra được một đám đông ngu ngốc và sùng tín biểu tượng mình muốn tôn thờ như thế.