Bản nhạc chịu số phần của mọi loại tinh hoa miền Nam, bị cấm đoán vùi dập hơn 40 năm.
(Hình minh họa: Getty Images)
Ca khúc mà tôi muốn nhắc đến hôm nay là Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Ở miền Nam Việt Nam trước 1975, Ly Rượu Mừng xem là một bài hát tiêu biểu của nhạc Xuân, thường được trình bày trên các đài phát thanh và truyền hình của miền Nam và ở các buổi trình diễn âm nhạc cuối năm. Mặt khác nó cũng được hát lên trong các buổi họp mặt gia đình riêng tư. Bài hát này viết theo thể valse, có âm điệu rộn ràng, tươi vui, hát lên trong ngày Tết, vào mùa Xuân, như một lời chúc tốt đẹp gửi đến cho mọi người. Đây là một nhạc phẩm rất được phổ biến, nên vào dịp đông người, mọi người đều có thể nâng ly hợp ca, mở đầu hay kết thúc cho cuộc vui.
Ly Rượu Mừng không là bản nhạc tâm huyết nhất của Phạm Đình Chương, người ta biết đến ông nhiều với Mộng Dưới Hoa, Hội Trùng Dương, Đôi Mắt Mgười Sơn Tây, và sau đó là những bản nhạc nói lên xót xa của một cuộc tình như Nửa Hồn Thương Đau, Đêm Cuối Cùng, Thuở Ban Đầu… nhưng đại chúng biết đến ông, phổ biến nhạc của ông nhiều nhất là Ly Rượu Mừng.
Sau Tháng Tư, 1975, văn hóa miền Nam bị dập vùi, tất cả đều là một thứ độc dược của tư bản, Tây phương cần thiêu hủy, dẹp bỏ, để thay vào đó là những ca khúc phục vụ cho công cuộc tiến chiếm miền Nam, với những bài nhạc Xuân đè nặng bởi bóng dáng của đảng và lãnh tụ, hay mang màu sắc của nước đàn anh Trung Cộng. Phạm Đình Chương lại là người từ Liên Khu IV bỏ về vùng tự do, rồi sau đó cùng gia đình di cư vào Nam năm 1954, chưa có tiêu chuẩn được chấp nhận như một nhạc sĩ trong hàng ngũ của những người thắng trận.
Tuy lời nhạc ca tụng hòa bình, nói đến người giai cấp công-nông, có nhắc đến “người binh sĩ” nhưng sao không phải là người “bộ đội cụ Hồ,” người ta đặt câu hỏi, người lính đây là người lính phe nào? Bản nhạc chịu số phần của mọi loại tinh hoa miền Nam, bị cấm đoán vùi dập hơn 40 năm. “Lúc thương thì trái ấu cũng tròn, lúc ghét thì bồ hòn cũng méo!” Lúc mới vào Nha Trang, bọn cộng sản ngu dốt xô đổ bức tượng thằng Tây Yersin, lúc cần ve vãn, bang giao với nước Pháp thì dựng lại tượng Alexandre Yersin như là một nhà bác học có công với nhân loại.
Khi cần phong phú thêm cho kho nhạc nhạc Xuân nghèo nàn, cục bộ của nền âm nhạc XHCN, thì người ta mới “khám phá” ra rằng, anh lính trong Ly Rượu Mừng chính là “anh lính thời chống Pháp!” mà 40 năm nay, người ta đã tiếc nuối là đã không thấy! Theo tài liệu của Danlambao, ca khúc “Ly Rượu Mừng” ấn bản lần thứ nhất, do Tinh Hoa, Huế xuất bản năm 1956, nghĩa hai năm sau ngày chia hai đất nước và sau rất nhiều năm Phạm Đình Chương di cư vào Nam. Vào Nam, ông cũng đã viết bài nhạc “Anh Đi Chiến Dịch” nói về người lính VNCH, với lời hát “Bao nhiêu chàng trai tay xiết mạnh, thầm hẹn ngày về quê Bắc ơi,” thì người lính trong Ly Rượu Mừng không thể nào là anh “bộ đội cụ Hồ” được!
Trong thời gian Ly Rượu Mừng bị cấm phổ biến sau Tháng Tư, 1975 nghiệt ngã, cả miền Nam vào nhà tù, mỗi năm vào những ngày đón Tết trong tù, dù là ở Đầm Dơi, Cái Sắn hay tận Yên Bái, Cổng Trời… những người tù chúng tôi cùng bên nhau, đã cùng cất cao tiếng hát bài Ly Rượu Mừng. Mỗi năm những người tù tự lo lấy sân khấu, đàn hát cho quên những ngày tù ngục, mà đám cán bộ coi tù cũng phấn khởi khuyến khích những buổi văn nghệ này để “hưởng ké!” Không phải là những chuyên viên tuyên truyền, chúng nghe một bản nhạc có nói đến nông dân, công nhân, có binh sĩ, có mẹ già từ lâu mong con, mặt lệ nhòa thì chính chúng cũng bồi hồi xúc động, mà không cần biết xuất xứ của ca khúc!
Nhưng bọn cai tù không thể nào biết, khi cùng cất tiếng hát những câu hát trong Ly Rượu Mừng, chúng tôi như được sống lại những ngày Xuân của một miền Nam thanh bình và thịnh vượng, thương nhớ đến gia đình và đồng bào, nghĩ đến quê hương đang đọa đày. Không một người tù miền Nam nào không thuộc lòng những câu hát này của Phạm Đình Chương. Chúng tôi bên nhau, trong nhà tù hát Ly Rượu Mừng, mà nước mắt ràn rụa, nghĩ đến gia đình, nghĩ đến mẹ già “từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa,” biết ngày nào, thấy được“bước con về hòa nỗi yêu thương!”
Bây giờ mỗi lần nghe lại ca khúc Ly Rượu Mừng, hình ảnh những ngày Tết trong tù lại như hiện ra rõ nét. Bao nhiêu người anh em chúng tôi đã được trở lại cuộc sống bình thường, nay đã kẻ còn người mất. Ai lưu lạc xứ người, ai lưu đày trên chính quê hương của mình, có nhớ gì khi nghe lại bài Ly Rượu Mừng năm xưa hay không?
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã hiểu thế nào là chế độ cộng sản, đã ba lần vượt thoát ra khỏi chế độ này, đã phổ nhạc thơ Hoàng Anh Tuấn với bài “Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội” với lời “Mưa ngày nay, như lệ khóc phần đất quê hương tù đày.” Chắc còn sống ông cũng không lấy gì làm hoan hỉ khi Ly Rượu Mừng của ông “được phép” trình diễn trở lại 40 năm sau, nhất là với một ca sĩ vai chính mặc “áo quần bộ đội cộng sản, đầu đội nón cối, chân mang dép râu!” (Huy Phương)