Quân đội giải phóng không phải là thứ quân đội tiến đến đâu, dân chúng bỏ làng bỏ xóm chạy đến đó.
Từ đầu năm 2013 đến nay, nhân cuốn “Bên Thắng Cuộc” của một nhà văn “bên kia” mới ra đời, hai tiếng “thắng” và “thua” đã được nói đến nhiều, cuộc tranh luận trên báo chí thì ít, mà trong câu chuyện lúc trà dư tửu hậu thì nhiều. Cuốn sách ấy đã phơi bày nhiều mặt trái không lấy gì làm đẹp đẽ của cái bên thắng cuộc, cũng như trình bày được những nỗi oan khuất, đau đớn của bên bại trận. Nếu thật sự bên thắng cuộc là một chế độ khác, một quốc gia khác, có một nếp sống và trình độ, dân trí khác, thì chúng ta, những người miền Nam thua trận đâu đến đỗi tan tác, chia lìa và chịu những nỗi thống khổ dai dẳng như vậy.
Tôi cũng rất đỗi ngạc nhiên khi vài người quen biết, thân có, sơ có, đã nói với tôi những lời khá đứng đắn, không hề có ý đùa giỡn là: “Chúng ta là những người thắng trận, chúng ta đâu có thua!” Ðằng sau câu nói này, tôi không biết khi dừng lại, kiếm một chỗ ngồi để tranh luận, chúng ta sẽ nói như thế nào cho tròn ý nghĩa của việc thua thắng, câu chuyện đã để lại những vết hằn lên tâm khảm chúng ta, 38 năm qua chưa đủ kín vết thương để thành vết sẹo, mà đôi khi còn rỉ máu. Là những người lính, trước hết phải nhận trách nhiệm đã không làm tròn công cuộc bảo vệ quê hương của mình, để rơi vào tay cộng sản, một chế độ tệ hại nổi tiếng trên thế giới đã làm cho con người đắm chìm vào đau khổ, tai ương.
Những bậc trí thức miền Nam cũng không thể đổ lỗi cho người khác, vì quốc gia hưng vong, thất phu phải hữu trách, mà phải như một nhà thơ đã dám viết lên câu: “Tôi làm tôi mất nước!”
Chúng ta giải thích thế nào về sự thắng bại khi đã để cho hàng nghìn đồng bào ruột thịt của mình vì quá sợ hãi cộng sản đã bỏ mình khi trốn chạy chế độ này từ cuối Tháng Ba 1975 cho đến ngày tàn cuộc, và còn mãi mãi sau đó trong rừng sâu, ngoài biển cả, mà miền Nam, không có gia đình nào không âm thầm vấn những mảnh khăn tang, nuốt những dòng lệ vào lòng, xóa gạch tên người thân trong tờ hộ khẩu với hàng chữ: “Vắng mặt không lý do!” Những người lính luận về thắng bại thế nào khi đã không bảo vệ được cho đồng bào ruột thịt mình lúc giặc vào nhà, để cho chiến hữu, đồng đội của mình bị trả thù, tàn sát; bị lùa vào các trại tập trung, lao động khổ sai, bỏ mình nơi chốn rừng thiêng, nước độc. Những người có trách nhiệm luận thế nào về chuyện thắng thua, khi để lại một miền Nam cho những kẻ gian tà, độc ác khiến cho ngày nay, nhân tâm ly tán, đạo lý suy đồi.
Trong binh lược, thắng là kẻ làm chủ trận đánh cuối cùng. Ban Mê Thuột có được xem là trận đánh cuối cùng không hay trận đánh cuối này đã được quyết định ở Bắc Kinh hay Hoa Thịnh Ðốn, và sau đó không còn trận đánh nào nữa, mà chỉ là những kế hoạch lui binh, nhường đất.
Từ 1973 miền Nam bị Quốc Hội Mỹ cắt giảm viện trợ mỗi năm 50%, từ Tháng Tư 1974 hỏa lực giảm 70%, Tháng Hai 1975 đạn trong kho chỉ còn đủ đánh 30 ngày, Tháng Tư 1975 chỉ còn đủ đạn đánh 2 tuần, trong khi đó miền Bắc vẫn được Nga và Trung Quốc viện trợ dồi dào, khoảng 660 ngàn tấn vũ khí, đạn dược. Riêng chi viện của Nga cho Bắc Việt từ Tháng Mười Hai 1974 đã tăng gấp bốn lần.
Cũng có thể nói, miền Nam thua vì “hết đạn”.
Không phải tướng tài là trăm trận trăm thắng. Napoleon được coi là một trong những nhà quân sự vĩ đại nhất mọi thời đại, và các chiến dịch của vị danh tướng này được nghiên cứu tại các học viện quân sự trên khắp thế giới. Sau một loạt thắng lợi, Pháp đạt được vị trí thống trị ở lục địa Châu Âu, nhưng cuối cùng với trận Waterloo vào Tháng Sáu năm 1815, Pháp phải đầu hàng và vị danh tướng lẫy lừng Napoléon đã trải qua sáu năm cuối cùng của cuộc đời trong sự giam cầm của người Anh trên đảo Saint Helena, nơi ông qua đời vào năm 1821.
Từ 1941-1945, quân đội Nhật hùng cứ khắp Ðông Nam Á, nhưng trận chiến cuối cùng là Okinawa, tiếp đến hai quả bom nguyên tử thả xuống đất Nhật đã khiến Nhật phải đầu hàng. Việc đầu hàng này ít nhất đã làm cho ba vị tướng lãnh cao cấp của Nhật tự sát là Bộ Trưởng Lục Quân Anami, Ðại Tướng cựu Tổng Tham Mưu Trưởng Sugiyama và Ðại Tướng Tư Lệnh miền Ðông Tanaka.
Miền Nam thua mà can trường, anh hùng, sĩ khí với năm vị tướng và hàng trăm quân nhân tuẫn tiết ngày Sài Gòn thất thủ, vậy chớ nên đem thắng bại mà luận anh hùng.
Trong lịch sử đã có câu hỏi:“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại?”
Huống gì người lính của chúng ta, anh hùng, khí tiết có thừa mà phải thua trận vì bị phản bội. Ðồng minh phản bội, cấp lãnh đạo đất nước đã bất tài lại phản bội, để người lính phải chịu thất trận, chịu chết đau đớn, oan khiên. Nỗi đau thua trận không chỉ là trong khoảnh khắc mà kéo dài qua nhiều thế hệ, để ngày nay một đứa trẻ mới lớn lên, có thể hỏi chúng ta:
“Tôi là người Việt Nam, vì sao tôi đến đây?” Không thể nói với thế hệ này rằng chúng ta thắng. Không thể đem điều thắng bại để biện minh, vì thua trận để chịu cảnh lưu vong, lúc nào cũng là điều đau xót khôn nguôi.
Nhưng thử nhìn lại đất nước. Danh từ “giải phóng” phải được dùng đúng nghĩa của nó như khi lực lượng Ðồng Minh tiến vào Paris ngày 26 Tháng Tám năm 1944, giải phóng phải như Huế sau 26 ngày khi người lính Việt Cộng bị truy đuổi ra khỏi thành phố. Quân đội giải phóng không phải là thứ quân đội tiến đến đâu, dân chúng bỏ làng bỏ xóm chạy đến đó.
Quân đội giải phóng không phải là thứ quân đội cướp bóc mang của cải ùn ùn chở về Bắc, dùng súng ống để khống chế tư sản cướp tiền của và áp bức lê dân. Ngày mà “quân đội giải phóng” tiến vào Sài Gòn, 120,000 người miền Nam đã “bỏ của chạy lấy người,” ngày mà khắp nước bị vỗ tay hát theo nhau bài “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng,” cả vạn người đã dắt díu nhau ra đi, chấp nhận bao gian nguy, chết chóc, vì không còn muốn thấy bản mặt của chế độ dù thêm một ngày.
Nói như tác giả Bình Ngô Ðại Cáo: “Ðem đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo” thì bên thắng cuộc “lấy hung tàn mà thắng đại nghĩa, dùng cường bạo để thay chí nhân!” Cũng đồng nghĩa như thế chúng ta đã nghe câu nói “cái ác thắng cái thiện” của John McCain, hay “nền văn minh đã thua chế độ man rợ” của Dương Thu Hương về chuyện “thắng-thua” ngày 30 Tháng Tư 1975.
Bên thắng cuộc đã xô đẩy bằng cách này hay cách khác ba triệu người Việt ra hải ngoại. Nếu chế độ tốt đẹp ai lại không muốn sống trên quê hương của mình. Hôm nay, cuộc vượt biển vẫn còn tiếp diễn!
Ba mươi tám năm nay, người Việt Nam đã đặt câu hỏi “Ai giải phóng ai?” thì câu trả lời cũng sẽ làm nhẹ lòng cho những người còn ám ảnh bởi chuyện “thua hay thắng”.